Chân tu là đây . Nhưng Thiền Sư đi thỉnh Xá Lợi từ năm1936, không biết bây giờ Xá Lợi Phật lưu giữ ở chuà nào ở Việt Nam? Xá Lợi Phật là Quốc Bảo mà giờ hình như chuà nào ở Việt Nam cũng như Hải Ngoại cũng có và cho là đích thị Xá Lợi Phật hết, không những vậy thôi mà Xá Lợi Phật còn nở cả tô, cả tượng nữa đó .
Gian nan "đường lên trời"
Ở tuổi 50, thiền sư Minh Tịnh vẫn một lần nữa khiến thế giới Phật giáo ngỡ ngàng, kính phục khi quyết tâm bộ hành vượt dãy Hymalaya viếng Nepal. Tại đây, ông vinh dự trở thành một trong những người Việt Nam đầu tiên vượt Hymalaya và cũng là thiền sư Việt Nam đầu tiên thỉnh được Xá lợi Phật, bảo vật vô giá của Phật giáo nói riêng và khoa học nói chung.
Từ Ấn Độ, thiền sư bắt đầu hành trình bằng 2 ngày xe lửa để đến ga Amlekhganj, một trong những ga xe lửa cuối cùng giáp ranh biên giới Nepal. Không còn tàu hỏa, những người trong đoàn hành hương may mắn vẫy được chiếc xe chở lương thực lên trạm BambitiDramsola cheo leo trên núi cao. Từ đây, hành trình viếng thăm Nepal không còn sự giúp đỡ của phương tiện giao thông hiện đại. Việc vượt rừng, băng núi chỉ có thể dựa trên đôi chân trần. Ghi nhận những khó khăn bước đầu trong hành trình chinh phục "đường lên trời", thiền sư viết: "...trải qua biết bao đèo ải, núi tứ giăng, ban đầu là núi đá hòn, đá khối, xem phong cảnh nào sơn, nào thủy mỹ lệ. Có dây thép treo vắt qua những ải, vực sâu để chở lương thực cho các trạm".
Xá lợi Phật Thích Ca (Ảnh tư liệu).
Sau 6 tháng "trèo non, lên đèo, xuống ải, đầu non tuyết đóng như vôi... tuyết sa ngập cẳng, lạnh thấu ruột non", thiền sư cũng đến được Nepal. Niềm mơ ước hàng đầu khi đến đất nước bị vây bủa bởi những đỉnh núi cao nhất thế giới này là thăm, bái lễ Bảo tháp Buddha Nath. Tuy nhiên, ông vẫn kính cẩn tẩy uế, đến lễ Phật tại Sư Tử tháp (SimbuNath) rồi bái lễ tại chùa Buddha - Mơ ti. Sự xuất hiện và những hành động khiêm nhường, cung kính, mộ đạo của vị thiền sư lạ khiến các cao tăng nơi đây vô cùng yêu mến. Khi được 5 vị cao tăng cùng đi giới thiệu và kể lại hành trình cũng như tâm nguyện của mình, một lần nữa, vị thiền sư đất Việt có được sự kính trọng, thịnh tình từ đồng đạo nơi đây.
Vì cho rằng được tiếp xúc, trò chuyện, đàm đạo với bậc cao tăng như thiền sư Minh Tịnh là một vinh hạnh, nhiều Lạt - ma nơi đây có ý níu chân, cầu ông lưu lại ít ngày. Tại đây, thiền sư không chỉ chứng minh tinh thần quả cảm của một người Việt mà còn cho thấy sự uyên thâm Phật pháp cũng như học thức của mình. Tuy nhiên, niềm khát khao lớn nhất trong hành trình đến Nepal của thiên sư vẫn là được ngưỡng vọng tháp thiêng Buddha Nath, công trình linh thiêng bậc nhất Nepal. Do vậy, dẫu các chùa địa phương níu giữ ông trong thịnh tình, thiền sư đành giã từ trong nuối tiếc.
Một góc Tháp thiêng Buddha Nath tại Nepal (Ảnh tư liệu)
Lần đầu tiên tận thấy công trình mang ý nghĩa tôn giáo bậc nhất nước bạn, thiền sư không khỏi ngỡ ngàng. Tuy nhiên, ngỡ ngàng trước sự nguy nga, tráng lệ của Bảo tháp nhanh chóng tan đi khi thiền sư phát hiện những điều bất ngờ nơi đại điện. Là một tháp thờ Phật, tuy nhiên trong tháp không hề có tượng Phật. Thiền sư ghi lại: "Vào đến nơi, bần tăng không thấy Phật tượng chỉ thấy một hàng bửu bình bằng pha lê đủ màu sắc trên đó". Sự kỳ lạ trên thôi thúc ông tìm câu trả lời nơi vị Thượng tọa quản tháp. Người này cho biết: "Đó là những bình Xá lợi của Phật Thích - ca, thầy mà lễ đặng món ấy cũng như chơn Phật thân thì cần chi tượng cốt".
Từ lâu, Xá lợi Phật đã là bảo vật linh thiêng của Phật giáo. Tuy nhiên, cũng như nhiều người, thiền sư Minh Tịnh cũng chỉ được nghe, biết về giá trị tâm linh, giá trị khoa học của nó chứ chưa một lần tận mắt nhìn thấy. Thế nên, sau buổi hành lễ tại Bảo tháp và biết đến Xá lợi của Phật Thích - ca, thiền sư cả đêm thổn thức. Sáng hôm sau, thiền sư lại sắm lễ vật, tìm Thượng tọa quản tháp xin vào lễ Xá lợi. Tại đây, ông chân thành cúi xin vị này cho vinh dự được một lần tận thấy Xá lợi. Trước sự thành kính, công đức từ xa xôi lặn lội tìm đến, vị Thượng tọa đã 6 đời cai quản tháp phá lệ, mở nắp bình pha lê cho thiền sư mục kích.
Ghi lại vinh dự này, thiền sư viết: "Ngài giở nắp bình, bần tăng lấy kiếng đeo lên, dòm vào tận miệng bình thấy hình như hột cải, nhưng tiếc vì thấy không đặng rõ lắm bởi bình sâu mà bằng pha lê màu lục nên không rõ màu Xá lợi thế nào, bị màu pha lê chói vào nên viên Xá lợi cũng màu lục". Sau ngày tận mắt thấy Xá lợi của Phật Thích - ca, nỗi ưu tư của vị Đường Tăng Việt Nam càng thêm chất chứa. Ông tự sự: "Mình đi, mình thấy, mình đặng lễ bái mà ngặt một điều là: Thương thầy Bổn sư tuổi đã cao, đạo hạnh cũng cao nhưng không thấy mà lễ bái. Trọn ngày van vái vọng tưởng đức Như Lai xin thương Nam Việt chư Thích tử và chúng sanh xui cho đệ tử cầu đặng chút phần Xá lợi về nước Nam".
Ngày 6/2/1936, một mình thiền sư lại đến viếng Bảo tháp. Tại đây, thiền sư và vị Thượng tọa quản tháp đàm đạo về việc hành đạo tại Việt Nam lúc bấy giờ. Bất ngờ, thiền sư tóc đã hoa râm sụp lạy trước vị Thượng tọa trung niên, ngỏ ý muốn được thỉnh chút ít Xá lợi Phật Thích - ca về nước. Tấm chân tình và lòng mộ đạo của vị thiền sư với hành trình không tưởng thoáng chút đã khơi gợi sự đồng tình từ phía vị Thượng tọa. Tuy nhiên, vì lý do Xá lợi là bảo vật của nhà Phật nên vị Thượng tọa lưỡng lự nói: "Sự ấy khó vâng, ngài cũng biết Xá lợi là vật báu nhà Phật, sáu đời hằng giữ chỗ này chưa ai có đặng hồng phúc ấy. Nếu Quốc vương biết thì cũng quở trách tôi dù ngài là đạo Hindu".
Nhưng lòng đã quyết, thiền sư vẫn không ngồi dậy, nước mắt vẫn lưng tròng, thi lễ. Cuối cùng, lòng thành của thiền sư đã vượt qua nỗi sợ của vị Thượng tọa. Người này đỡ ông dậy, nói: "... vì đạo đức của thầy, vì công đức khổ hạnh của thầy và vì chúng sanh, dẫu tôi có bị lưu đày sau khi dâng cho thầy chút đỉnh Xá lợi, thì tôi cũng cam tâm". Sau lời nói, cả hai vào đại điện, vị Thượng tọa thi lễ, mở nắp bình trút vào chiếc khăn quý mà thiền sư đã chuẩn bị sẵn rồi nhanh chóng đậy lại. Thiền sư hành lễ thỉnh, xếp khăn lặng lẽ theo chân người quản tháp ra về, lòng mừng khấp khởi trước khi chuẩn bị một hành trình mới đến Tây Tạng.
Xá lợi Phật vẫn là điều bí ẩn của khoa học hiện đại Xá lợi hay xá lị là những hạt nhỏ có dạng viên tròn hình thành sau khi thi thể được hỏa táng hoặc thân cốt sau khi chết của các vị cao tăng Phật giáo. Xá lợi còn có nghĩa là những hạt nhỏ trông giống ngọc trai hay pha lê được tìm thấy trong tro hỏa táng của một số vị cao tăng Phật giáo mà khoa học hiện đại chưa giải thích thuyết phục được nguyên lý hình thành, cấu tạo. Đây là các bảo vật của thế giới Phật giáo. Theo truyền thuyết đạo Phật, khi đức Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn, thi thể của người được Phật tử hỏa táng. Khi lửa tàn, người ta tìm thấy trong tro có những hạt tinh thể trong suốt, hình dạng, kích thước khác nhau. Chúng cứng như thép long lanh và tỏa ra những tia sáng muôn màu, giống như những viên ngọc quý. |
No comments:
Post a Comment