Saturday, December 7, 2013

Nhà văn nữ Trí Hải


Hôm nay nhân ngày giổ của ni sư, cầu kính Ni Sư mãi mãi an vui nơi cõi Phật.


Nhà văn nữ Trí Hải (1938-2003)
Viên Linh

Có một điều gì đó ngoài ý muốn xảy ra mỗi khi người viết bài này sửa soạn viết về nhà văn nữ lớn nhất của Miền Nam những năm '60-'70, dịch giả Phùng Khánh hay Sư Bà Thích Nữ Trí Hải. Có khi bỏ qua vì nghĩ rằng tài liệu thu góp chưa đủ, cách đây một tuần thì nghĩ rằng tài liệu đã kha khá, bèn bày cả lên bàn, rồi khi ngồi xuống giữa đêm khuya, tìm hơn ba tiếng đồng hồ, không thấy ba tài liệu cốt cán đâu mất

Nhưng dù tìm không ra, cũng vẫn viết vậy, vì chỉ còn vài ba ngày nữa là đúng ngày 7 tháng 12, (14 tháng 11 năm Quí Mùi), tròn mười năm viên tịch của dịch giả mà tên tuổi vừa xuất hiện đã gắn liền với văn học, từ Câu Chuyện Dòng Sông tới Bắt Trẻ Ðồng Xanh, từ Herman Hesse tới J. D. Salinger.

C
ách xưng hô trong bài này hơi phức tạp, vì từ những năm cuối thập niên '60 chúng tôi quen gọi là cô Phùng Khánh, vì tới năm 1964 cô mới xuống tóc qui y. Bùi Giáng hay nhắc tới cô trong thơ, nhiều lần tới Viện Ðại Học Vạn Hạnh thăm Tuệ Sỹ, Chơn Pháp, dăm ba lần tôi thấy cô trong Thư Viện, không có dịp tiếp xúc. Lúc ấy em tôi là trưởng Ban Tu Thư của viện, có lần nói cho tôi hay cô Trí Hải hỏi “Viên Linh là em hay là anh của Chơn Pháp?” Tôi không ngạc nhiên vì câu hỏi ấy đã nghe nhiều người hỏi.

Trí Hải dịch nhiều hơn sáng tác, dịch giả đúng hơn là tác giả, nhưng văn xuôi của tác giả thì cuồn cuộn như thác nước, nhất là văn kể chuyện, và nhất là trong tập san văn hóa Tuệ Uyển do tác giả sáng lập điều hành từ 1994 ở Sài Gòn, ra tới năm thứ chín thì con thiên nga đầu đàn bay về cõi Niết Bàn. Có thể nói Tuệ Uyển là tập san mà chủ nhiệm chủ bút viết từ đầu tới cuối, từ “Lời Ðầu Quyển” cho tới “Kho Tàng Nguyên Thủy” (dịch kinh), “Phật Pháp Song Ngữ” và nhất là ký sự “Những Chuyến Ði,” đều do một người dịch, giảng, và kể. Trong bài “Ðàm Hoa Lạc Khứ,” Trí Hải đặc biệt viết về Huế, Huế của riêng mình, mà Huế là tất cả của Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh:
“Mỗi lần đi Huế lòng tôi lại nôn nao khôn tả. Huế là đạo, là thơ, là nghĩa tình ý vị, là tinh hoa văn hóa của ba miền đất Việt, nhưng cũng là mảnh đất khô cằn của đói nghèo khốn khổ “mùa đông thiếu áo mùa hè thiếu cơm” đã hứng chịu nhiều thiên tai nhân họa... Tôi không thể nào quên được cái cảm giác lâng lâng khó tả khi viếng tháp tổ Liễu Quán. Phải đi một mình mới thấy được, nghe được tất cả cái linh thiêng. Mình như nghe được cả cái im lặng tĩnh mịch ở đấy, tiếng của vô thanh (la voix du silence) ngân vang trong hồn và khắp vũ trụ, và khi ấy dường như không còn cái gì gọi là “mình” được nữa vì mình đã tan loãng ra, hòa với thời không vô tận.” (Trí Hải, Ðàm Hoa Lạc Khứ, Tuệ Uyển 63). Tả về Huế nói về Huế thì có cả trăm bài, riêng bài của Trí Hải, lạ thay, không còn mình khi nói về Huế “dường như không còn cái gì gọi là ‘mình’ được nữa.” Nhưng ghê gớm thay, Trí Hải viết rõ ràng “yêu Huế là muốn chết với Huế: “và khi ấy mình đã tan loãng ra, hòa với thời không vô tận. Giá mà cái báo thân này được xả bỏ trong giây phút ấy thì rất tuyệt vời, như giọt nước tan hòa vào biển cả và thể nhập làm một với đại dương.”

Suy nghĩ sâu sắc, đọc càng sâu sắc, đúng hơn: đọc thơ văn người mà vừa đọc vừa sáng tác theo tư tưởng vận hành của mình. Hòa Thượng Thiện Siêu có một bài kệ cảm ứng trong mộng như sau:

Phật biết Phật không,
Tâm biết tâm không,
Khi Phật chuyển thân
Tâm biết Phật không.

Trí Hải viết: “Và khi nằm trên xe lửa về Huế lần này, tôi đã nghiệm ra ý nghĩa bài kệ ấy. Hai chữ Phật và Tâm trong bài kệ có thể thay bằng Sóng với Nước:

Sóng biết Sóng không
Nước biết Nước không
Khi Sóng chuyển thân
Nước biết Sóng không.

Hay Sắc với Không, Thân với Tâm:
Thân biết thân không
Tâm biết tâm không
Khi thân chuyển thân
Tâm biết thân không.

Trí Hải viết thêm nhiều giải thích khác như Tướng với Tánh, hoặc Hiện tượng với Bản thể, và giải thích: “Chữ Không trong bài kệ phải hiểu là ‘không có thực chất, chỉ tùy theo các duyên hay điều kiện mà có ra.’ Phật là Không, vì như Kinh Pháp Hoa dạy: chư Phật các đấng tôn quí trong loài hai chân - biết rằng các pháp vốn không có tính chất quyết định. Hạt giống là do các điều kiệt phát sinh, do vậy ta chỉ có một cỗ xe duy nhất là con đường thành Phật. Tâm như hồ lặng, Phật như vừng trăng phản chiếu trong gương nước. Khi Phật chuyển thân thì cũng như khi vừng trăng đã luồn qua một đám mây nên không còn in bóng trong gương hồ.” (nt)

Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh, pháp hiệu Trí Hải, dòng dõi Tuy Lý Vương, sinh ngày 8 tháng 3, 1938 tại Vỹ Dạ, Huế, nguyên quán Gia Miêu Thanh Hóa, khi còn trong bụng mẹ đã được qui y tam bảo bởi Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, sau này là đệ nhất Tăng thống Phật Giáo Việt Nam. Cô đậu Tú tài năm 17 tuổi, tốt nghiệp Sư Phạm và dạy học tại trường Phan Chu Trinh, Ðà Nẵng. Du học Hoa Kỳ, đậu cao học ngành Thư Viện, về nước năm 1963. Quản thủ thư viện Viện Ðại Học Vạn Hạnh. Nam 1970 thọ Bồ Tát giới tại đại trai đàn Vinh Gia, sau đó giảng dạy tại các trường cao đẳng và đại học. Trong thời gian đó vừa tham gia các công tác cứu tế xã hội vừa dịch thuật, sáng tác, đã cho xuất bản các tác phẩm chính sau đây:

-Câu Chuyện Dòng Sông, dịch Herman Hesse, Lá Bối, 1965.
-Con Ðường Thoát Khổ, dịch W. Rahula, Ban Tu Thư Vạn Hạnh,1966.
-Huyền Trang, Nhà Chiêm Bái và Học giả, Vạn Hạnh, 1966.
-Bắt Trẻ Ðồng Xanh, dịch D. Salinger, Thanh Hiên 1967, Nhã Nam 2008.
-Ganhdhi Tự Truyện, dịch Ghandhi, Võ Tánh, 1971.
-Câu Chuyện Triết Học, dịch cùng Bửu Ðích, Will Durant, Viện Ðại Học Vạn Hạnh.
-Thanh Tịnh Ðạo, dịch B, Buddhaghosa.
-Tư Tưởng Phật Học, dịch W. Rahula, Vạn Hạnh, 1974.
-Giải Thoát Trong Lòng Tay, Thanh Văn xuất bản.
-Ðường Vào Nội Tâm, dịch, 1993.
-Tạng Thư Sống Chết, dịch The Tibetan Book of Living and Dying của S. Rinpoche, 1996.
-Ngọa Bệnh Ca, thơ, Tuệ Dung xuất bản, 2003.
-Tâm Bất Sinh, dịch Bankei, Hoa Ðàm, 2005.

[Mong quí trí giả, bằng hữu bạn đọc giúp bổ sung cho danh sách này, chắc hẳn còn thiếu sót, nhất là tập san Tuệ Uyển còn thiếu nhiều. 

Người viết bài may mắn có một tập thơ nhan đề Ngọa Bệnh Ca do nhà văn Trí Hải sáng tác các tháng đầu năm 2003, khoảng 9 tháng trước khi xả thân trong một tai nạn lưu thông trên đường tự nguyện đi cứu tế xã hội, lúc từ Phan Thiết về Sài Gòn, ở thế 65 năm. Tập thơ do ni sư Tuệ Dung dàn trang và in ra bằng máy vi tính, dày 250 trang, với non 200 bài thơ ngắn dài. Xin trích dẫn vài bài, chúng ta cùng đọc để tưởng niệm một nhà văn nữ tài trí bao la của Văn học Việt Nam:

Sống Chết

Sống trong hơi thở vào
Chết cùng với hơi ra
Ngày đêm liên tục chuyển
Kiếp số như hằng sa.

Hít vào, ta còn đó
Thở ra, đã hết ta
Ta hòa cùng với gió
Thành vũ trụ bao la.

Ta như làn sóng nhỏ
Giữa đại dương cuộc đời
Sóng có khi còn mất
Biển cả không đầy vơi.

(Trí Hải, Ngọa Bệnh Ca, tr.23)

No comments:

Post a Comment