Monday, December 23, 2013

Kỷ Niệm Đáng Nhớ: Ngày 22-12


Đất trời say ngũ
Hàng thông ủ rũ
Tiếng hát đêm êm
Đi vào pháp trụ
Cuộc đời mong manh
Còn - mất ngày xanh
Chia xẽ tình thương
Là điều đức hạnh


Kỷ Niệm Đáng Nhớ: Ngày 22-12

Hồi tôi còn nhỏ, cứ mỗi mùa Giáng Sinh, cha tôi đều hỏi tôi:

- Con còn nhớ đêm trước Giáng Sinh năm đó không? Còn nhớ hai đứa bé tới xin chúng ta tiền vé xe không?

Vâng, tôi nhớ. Mặc dù đã hơn ba mươi lăm năm qua nhưng chúng tôi vẫn còn nhớ rất rõ.

Đêm hôm đó là đêm trước Giáng Sinh. Khách hàng vội vội vàng vàng ra vào các cửa hiệu để mua quà muộn. Ngay lúc đó, mẹ tôi quên một vài nguyên liệu cần thiết cho bữa tiệc Giáng Sinh của gia đình. Thế là mẹ giao nhiệm vụ đi mua sắm cho cha con tôi.

Chúng tôi nhanh chân dạo qua các lối đi, lựa hạt hồi và hạt đậu khấu cho mòn bánh mì trong bữa sáng Giáng Sinh. Rồi tới hũ kem tươi và quả hồ đào cho món bánh nướng nhân bí. Rồi thêm một ổ bánh mì để làm món gà tây nhồi. Cha tôi kiểm tra lại các món trên danh sách của mẹ và trả tiền.

Một lần nữa, chúng tôi gồng mình lên chịu cái lạnh giá buốt ở bên ngoài. Chúng tôi vừa ra khỏi cửa hiệu, thì một giọng nói nho nhỏ vang lên:

- Làm ơn cho chúng cháu mười xu để chúng cháu mua vé xe về nhà.

Cha tôi bước lùi lại và đứng yên. Mắt chúng tôi chạm vào ánh mắt van nài của một con bé khoảng chín tuổi. Nó đang nắm bàn tay trần trụi của một thằng em sáu tuổi.

Cha tôi hỏi:

- Các cháu sống ở đâu?

Con bé trả lời:

- Ở đại lộ Easton.

Chúng tôi ngạc nhiên. Bây giờ là buổi tối - buổi tối trước Giáng Sinh - vậy mà hai đứa trẻ này lại cách xa nhà hơn ba dặm.

Cha tôi hỏi:

- Các cháu làm gì mà ở xa nhà quá vậy?

Con bé đáp:

- Chúng cháu chỉ đủ tiền đi xe điện tới đây thôi. Chúng cháu đến đây xin tiền mua thức ăn cho Giáng Sinh, nhưng không ai cho cả và chúng cháu sợ rằng phải đi bộ về nhà.

Sau đó, con bé cho biết cha chúng bị mù, mẹ chúng bị bệnh, ở nhà còn năm đứa lóc nhóc nữa.

Cha tôi là một doanh nhân cương nghị, nhưng tấm lòng ông dịu dàng và ấm áp như đôi mắt nâu của con bé. Ông nhìn lui vào cửa hiệu Moll và nói:

- Bác nghĩ, điều trước tiên là chúng ta đi mua thực phẩm đã.

Cha tôi nắm tay con bé. Thằng em trai vội vàng nắm tay tôi.

Một lần nữa, chúng tôi lại xuôi ngược trên các lối đi trong cửa hiệu. Lần này, cha tôi lựa hai còn gà mập mạp, khoai tay, cà rốt, sữa, bánh mì, cam, tao, chuối, kẹo, và đậu phọng. Khi rời cửa hiệu, chúng tôi phải xách theo hai bao thực phẩm to tướng ra xe. Hai đứa bé đầy vẻ tin tưởng đi sau.

Chúng chỉ đường cho chúng tôi đến đại lộ Easton Nhà chúng ở trên lầu của một tòa nhà gạch cũ kỹ. Tằng một dành cho các cơ sở thương mại, tầng hai dành cho người ở thuê. Nơi đầu cầu thang, một bóng đèn treo lên một sợi dây điện thoại, đong đưa nhè nhẹ, khi chúng tôi leo lên các bậc thang gỗ cũ rích để tới căn hộ của chúng.

Con bé và thằng em trai chạy ào qua cửa, báo tin rằng chúng mang về hai bao thực phẩm. Gia đình đúng như con bé mô tả: Người cha bị mù, còn người mẹ đang bệnh nằm trên giường, năm đứa nhỏ khác nằm lăn lóc, lạnh lẽo trên sàn.

Cho tôi tự giới thiệu. Rồi sợ làm cho người đàn ông lúng túng, cha tôi nói tiếp:

- À... xin chúc gia đình Giáng Sinh Vui Vẻ.

Nói xong, cha tôi để hai bao thực phẩm lên bàn.

Người đàn ông nói:

- Cám ơn ông. Tên tôi là Earl Withers.

Cha tôi quay người lại đột ngột:

- Withers à? Ông quen biết Hal Withers chứ?

- Biết. Ông ấy là chú tôi.

Hai cha con tôi choáng váng. Cô tôi - tức chị gái cha tôi - kết hôn với ông Hal Withers. Mặc dù không phải là bà con máu mủ, chúng tôi vẫn cảm thấy có liên hệ với dượng Hal. Tại sao gia đình này lâm vào cảnh ngộ như vậy? Tại sao họ lại nghèo khổ, thiếu thốn trong khi họ có rất nhiều bà con sống cùng thành phố? Đúng là một sự trùng hợp lạ lùng.

Nhiều năm trôi qua, sự việc đó vẫn ám ảnh tôi. Vậy ý nghĩa của đêm trước Giáng Sinh năm đó là gì?

Có lẽ cha tôi đã thực hiện vai trò của một phúc tinh. Đúng rồi! Chúa đã giao công việc đó cho chúng tôi, và may mắn thay, chúng tôi đã làm xong.

Bây giờ cha tôi đã qua đời. Tuy nhiên, cứ vào mỗi tháng Mười Hai, tôi lại nghe văng vẳng câu hỏi của cha: "Con còn nhớ đêm trước Giáng Sinh năm đó không?"

"Vâng, thưa cha, con nhớ." Và con tin rằng cuối cùng con đã tìm ra câu trả lời. Chúng ta là những người được ban phúc lành khi hai đứa bé ngây thơ tặng cho chúng ta ý nghĩa thật sự của Giáng Sinh: Khi cho được phước hơn là khi nhận.

Đó là kỷ niệm Giáng Sinh đẹp nhất đời tôi. Và tôi nghĩ đó cũng là kỷ niệm đẹp nhất của cha tôi nữa.

Dorothy DuNard

No comments:

Post a Comment