Saturday, July 27, 2013

Truyền thuyết về đạo sư Liên Hoa Sanh - 5


ráng lên ... còn vài chục trang nữa thôi ... hihihi 


ĐỨC LIÊN HOA SANH ĐI TÂY TẠNG


Đức Liên Hoa Sanh trở lại Bodh Gaya theo lời mời của Vua Nyima Singha để củng cố Giáo Pháp ở đó. Trong khi ở Bodh Gaya Ngài nghĩ rằng đã đến lúc nên tới Tây Tạng để thiết lập Phật giáo ở đây vững chắc hơn trước kia khi vua Srong Tsan Gampo lần đầu tiên thiết lập Phật giáo ở Tây Tạng, một trăm năm sau Vua Trisong Deutsen (trị vì từ năm 740 đến tới năm 786 tái lập Giáo Pháp).

Vua Trisong Deutsen đã cho xây một tu viện ở Samye, nhưng khi khởi công lễ động thổ đã không được tổ chức đúng nghi thức nên quỷ thần cản trở việc xây dựng. Một số đạo sĩ của nhà vua nói rằng cần phải có một đạo sĩ thượng thừa để nhiếp phục ma quỷ, vì vậy nhà vua cử sứ giả tới Ấn Độ và Trung Hoa để tìm một đạo sĩ cao tay ấn. Kết quả là vị Đại Học Giả Bồ Tát dạy học ở Tu viện Nalanda được mời tới Tây Tạng. Vị Bồ Tát này làm lễ ở địa điểm Tu viện Samye nhưng không thể hàng phục được ma quỷ, những bức tường mới xây lên vẫn bị phá đổ. Vị bồ Tát nói với nhà vua chỉ có một người có khả năng nhiếp phục quỷ thần ở Samye đó là Đại Sư Liên Hoa Sanh, lúc đó đang ở Bodh Gaya. Làm theo lời của Học Giả Bồ Tát, nhà vua cho sứ giả sang Ấn Độ mời Đức Liên Hoa Sanh.

Nhận lời mời, Đức Liên Hoa Sanh khởi hành đi Tây Tạng vào ngày rằm tháng 11 âm lịch. Ngày 13 Ngài đến Nepal. Đi đến đâu Ngài cũng đều nhiếp phục được ma quỷ, vì vậy Ngài ở lại Nepal ba tháng như thượng khách của vua Vasudhari để thuyết giảng Giáo pháp, sau đó lại tiếp tục hành trình đi Tây Tạng, hàng phục ma quỷ trên đường đi. Ở chỗ nghỉ đầu tiên tại Tod Lung (cách Lhasa khoảng 20 cây số), vua Tây Tạng cử hai viên đại quan của triều đình mang thư và quà biếu cũng với năm trăm kỵ sĩ tới đón Ngài. Con ngựa của nhà vua đóng yên cương bằng vàng được dành cho Ngài cưỡi. Khi đoàn người, ngựa gặp Ngài thì họ bị thiếu nước uống mà trong vùng thì không có nước, Ngài liền dùng cây gậy đánh vào tảng đá, một dòng nước từ trong tảng đá chảy ra, người và vật đều được giải khát. Chỗ này được gọi là “Cam Lộ Của Thần Dược Cho Các Kỵ Sĩ.”

CUỘC TIẾP ĐÓN CỦA NHÀ VUA

Nhà vua và đoàn tùy tùng đi tới Zung Khar, gần Đèo Haspori để tiếp đón Đức Liên Hoa Sanh. Dân chúng cũng tụ tập rất đông ở đó để chào Ngài. Đoàn người cùng với Ngài trở về kinh đo Lhasa trong tiếng nhạc và các vũ công đeo mặt nạ nhảy múa, sau đó là nhiều trò giải trí được tổ chức để mừng Ngài.

Khi gặp nhau, Đức Liên Hoa Sanh không cúi chào nhà vua. Khi thấy nhà vua đợi mình làm nghi thức chào như mọi vị khách khác, Ngài nói: “Một vị vua nhưng Ngài cũng sinh ra từ bào thai của mẹ. Tôi sinh ra từ một hoa sen và là vị Phật thứ nhì”. Sau khi nói về quyền năng và trí huệ của mình, Ngài lại nói: “Tâu Đại Vương, ta tới đây để giúp Ngài, vì vậy Ngài nên cúi đầu chào ta”. Ngài chỉ tay về phía nhà vua, lửa phát ra từ đầu ngón tay của Ngài làm cháy y phục của nhà vua, cùng lúc sấm sét và động đất nổi lên, thế là mọi người đều quỳ xuống lạy Ngài.

XÂY DỰNG THIỀN VIỆN SAMYE

Ngày mùng 1 tháng 8 Đức Liên Hoa Sanh đến thăm Cung điện Samye, nhà vua mời Ngài ngồi trên một cái Ngai bằng vàng, và vị Bồ Tát Học Giả ngồi trên một cái ngai bằng bạc để làm lễ cúng dường. Sau đó Đức Liên Hoa Sanh nói về những gì Ngài sẽ làm ở Tây Tạng.

Ngài liệng bảo vật xuống các hồ để thu phục các Naga. Dần dần Ngài nhiếp phục các quỷ thần ở khắp Tây Tạng và thi triển nhiều quyền thuật.

Ngày mùng 8 tháng 8 năm Dần, để khởi công xây Tu viện Samye, Đức Liên Hoa Sanh làm lễ động thổ và cúng các quỷ thần bằng cách thuyết pháp cho họ. Ngài cho hai vị thần Brahma (Phạm Thiên) và Indra làm tổng quản việc xây dựng, bốn Đại Thiên Vương làm giám sát, còn các thổ thần và hộ pháp thì được Ngài dùng làm lao công. Công nhân loài người làm việc ban ngày, quỷ thần làm ban đêm, vì vậy việc xây cất diễn ra rất nhanh.

NHIẾP PHỤC LONG VƯƠNG

Thấy Long vương không tuân phục, Đức Liên Hoa Sanh tới hang Chimphu, nhập thiền để kiềm chế vị vua này. Lúc đó vua Trisong Deutsen đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc mua gỗ để xây dựng tu viện, vì vậy Long vương hóa thành một người mặt trắng tới gặp vua Tây Tạng và nói: “Tôi sẽ cung cấp tất cả gỗ cần dùng, nếu Ngài cản được việc tham thiền của Đức Liên Hoa Sanh”. Nhà vua đồng ý và đi tới Hang Chimphu nhưng thay vì Đức Liên Hoa Sanh, nhà vua lại trông thấy một con chim thần “Garuda” (Kim Sí Điểu) đang nuốt gần hết một con rắn lớn, chỉ còn một chút đuôi rắn ở bên ngoài mỏ chim. Nhà vua nói: “Xin Ngài hãy xả thiền vì chúng tôi cần phải có gỗ để làm tu viện”. Con rắn liền thoát ra được, còn chim Garuda biến thành Đức Liên Hoa Sanh. Ngài nói: “Ta đã nhiếp phục trọn vẹn tất cả các quỷ thần khác. Nhưng ta chỉ mới kiềm chế được thân xác của Long vương chứ không nhiếp phục được tâm của y. Nếu ta nhiếp phục được tâm của y thì gỗ đã tự có. Vì Ngài đã cản trở ta nhập thiền nên từ nay Long vương sẽ thống trị Tây Tạng, mang lại cho dân chúng mười tám loại phong cùi, và các rồng phẫn nộ sẽ là kẻ địch của loài người”.

Vua Tây Tạng trở về xức Samye và quả nhiên thấy gỗ đã có ở đó để xây Tu viện. Sau đó nhà vua hỏi Đức Liên Hoa Sanh về cách kiềm chế Long vương, Ngài trả lời: “Chỉ có một cách là vua Tây Tạng và Long vương trở thành bạn của nhau”. Rồi Ngài đi tới Hồ Malgro, gần Samye, nơi Long vương trú ngụ. Làm theo lời Ngài, nhà vua và các quan nấp ở trong thung lũng, còn Ngài thì dựng một cái lều nhỏ mầu trắng ở bờ hồ rồi ngồi trong lều tham thiền trong ba đêm. Vào đêm thứ ba, một cô gái đẹp hiện ra hỏi Ngài đang làm gì ở đó và muốn điều gì. Ngài đáp: “Ta muốn vua Tây Tạng và Long vương trở thành bạn của nhau. Kho của vua Tây Tạng đã cạn vì việc xây dựng Tu viện. Ta tới đây để nhờ các rồng giúp bằng của cải của họ. Ngươi hãy nói với vua của ngươi như vậy”.

Nghe Ngài nói xong cô gái biến mất, và sáng hôm sau một con rắn rất lớn xuất hiện trên hồ, khuấy nước làm cho vàng tràn lên bờ. Thế là kho của vua Tây tạng lại đầy và việc xây Tu viện được tiếp tục. Một số vàng được dùng để làm tượng và các bức vẽ trên tường tu viện.

Tu viện Samye có 32 cửa, được xây dựng trong 5 năm và được Đức Liên Hoa Sanh đặt dưới sự bảo hộ của thần Phẫn Nộ Pe Har. Vị Học Giả Bồ Tát làm lễ khánh thành Tu viện ba lần. Sau đó Đức Liên Hoa Sanh tham thiền một ngày rồi truyền cho vua Tây Tạng Giáo lý Sarasvati (Nữ Thần Học Thuật, phương diện nữ của Văn Thù).

ĐỨC LIÊN HOA SANH LÀM LỄ KHÁNH THÀNH

Đức Liên Hoa Sanh hóa thành 108 thân giống nhau để cùng lúc làm lễ khánh thành cho 108 đền chùa trong Tu viện. Trong cuộc lễ, khi Ngài đang rải hoa trong ba ngôi đền thì các bức tượng từ trên bàn thờ đi xuống nhiễu quanh đền của họ ba vòng. Các bức tượng của các đền chùa khác cũng đi ra ngoài cử động hai tay. Nhà vua sợ và cho rằng các bức tượng sẽ không trở về chỗ của họ, nhưng Đức Liên Hoa Sanh bật ngón tay làm cho mỗi bức tượng đều trở về vị trí của mình.

Những ngọn lửa thật cũng phát ra từ những ngọn lửa trong các bức bích họa vẽ các Hộ Pháp ở cạnh các khung cửa. Nhà vua cũng sợ, và Đức Liên Hoa Sanh ném hoa vào những ngọn lửa làm cho lửa tắt. Từ những cánh hoa, những hoa sen mọc ra.

Các vị thần tụ tập trên bầu trời chứng giám lễ khánh thành và có mưa hoa kèm theo các hiện tượng khác. Mấy ngàn người có mặt đã chứng kiến những điều kỳ diệu này.

TRỤC XUẤT CÁC ĐẠO SĨ BON

Sau đó, người Phật giáo và các đạo sĩ Bon tổ chức một cuộc tranh luận công khai. Khi phái Bon thua cuộc, vua Tây Tạng trục xuất đa số những người không theo Phật giáo tới vùng sa mạc miền Bắc, tới Nepal, Mông Cổ, và những xứ thưa dân khác. Phật pháp được đưa tới khắp nơi ở Tây Tạng. Kinh sách Phật giáo cũng được dịch từ tiếng Saskrit sang tiếng Tây Tạng, cũng như các Mật Điển, Mật Chú và các luận thư về chiêm tinh học và y học.

ĐỨC BÀ YESHE TSOGYAL

Đức Liên Hoa Sanh có năm đệ tử và họ đã viết một số sách về giáo lý của Ngài rồi cất giấu ở nhiều nơi vì lợi ích của các thế hệ tương lai. Một trong những đệ tử này là Đức Bà Yeshe Tsogyal người Tây Tạng, được coi là có trí nhớ kỳ diệu, chỉ nghe một lần là nhớ mãi. Bà ghi lại tất cả những lời dạy của Đại Sư thành một cuốn sách (cuốn này đã cất giấu và được tìm ra do cảm hứng khoảng 500 năm trước đây bởi một terton, và đã được trích dịch thành cuốn tiểu sử này).

Khi Đức Bà Yeshe Tsogyal đã viết xong trên giấy màu vàng theo lời kể của Đức Liên Hoa Sanh về cuộc đời của mình, Ngài nói: “Trước khi chết, con hãy chôn cuốn sách này trong hang cách thân cây mọc cô độc khảng 18 thước, cây này mọc ở trên một tảng đá có hình dạng giống như một con sư tử ở Boom Thang (cách Lhasa khoảng 24 cây số). Cái hang này không có ánh sáng nào lọt vào và chỉ có thể từ phía trên vào bằng cách dùng dây thừng tuột xuống. Ta đã chôn ở đó quyển: “Nghi Quỹ Mặt Trời”, và quyển này cũng phải được cất giấu ở đó.”

Ngài cũng cho biết là nếu việc cất giấu cuốn sách không được giữ bí mật thì các Dakini sẽ quấy phá Bà.

VỊ HỌC GIẢ VÀ NHÀ VUA QUA ĐỜI

Vị Học Giả Bồ Tát của Học Viện Nalanda đến Tây Tạng trước Đức Liên Hoa Sanh đã qua đời trong cùng khoảng thời gian khi vua Trisong Deutsen từ trần. Vị vua kế tiếp của Tây Tạng là Muthi Tsanpo. Đức Liên Hoa Sanh nói với nhà vua là mình đã sinh ra từ hoa sen trên hồ Dhanakosha tám năm sau khi đức Phật nhập niết bàn. Ngài đã hoạt động ở khắp Ấn Độ và Tây Tạng, cũng như ở Ba Tư, Sikkim, Bhutan, Trung Hoa, Tích Lan, và Ngài ở Tây Tạng một trăm mười một năm.

ĐỨC LIÊN HOA SANH RỜI TÂY TẠNG

Đức Liên Hoa Sanh quyết định rời Tây Tạng, Ngài nói với nhà vua: “Đã đến lúc phải nhiếp phcụ bọn La Sát. Chỉ có ta mới có thể nhiếp phục được chúng. Nếu không nhiếp phục chúng bây giờ, chúng sẽ ăn tất cả loài người và thế gian sẽ không còn một người nào cả.” Loài La Sát sống ở một xứ có hình tam giác giống như xương vai, có năm thành phố lớn. Đức Liên Hoa Sanh cũng cho biết là những thành phố này ở không xa xứ Urgyan. Mỗi thành phố có năm trăm làng. Ngài sẽ không tiêu diệt bọn La Sát mà chỉ làm cho họ quy y Phật pháp.

Khi sắp ra đi, Ngài nói: “Từ đây trở đi, Đức Quán Thế Âm sẽ truyền bá Giáo pháp”. Nhà vua, các quan và đoàn tùy tùng tiễn chân Ngài tới Gung Thang nơi đoàn người dừng lại nghỉ đêm.

Sáng hôm sau, khi Đức Liên Hoa Sanh chào giã từ mọi người xong thì từ trên trời giữa hào quang ngũ sắc, một con ngựa màu xanh có đủ yên cương hiện ra cùng với các vị thần trong tiếng nhạc trời. Ngài lên yên cương và con ngựa bay đi, Ngài ban phước lần cuối cho mọi người, nhân danh Phật, Pháp, Tăng rồi cùng với các vị thần biến đi trên các tia sáng mặt trời.

Một số vị Lama nhập định và thấy Đức Liên Hoa Sanh đi qua xứ Urgyan rồi hạ xuống xứ Singala, trú ở dưới một cây mộc lan, họ cũng thấy con ngựa xanh lăn trong cát vàng của Singala. Sau đó họ thấy các cô gái La Sát vây quanh nghe lời dạy của Ngài, rồi Ngài biến thành vua của loài La Sát và nhiếp phục họ.

LỜI CUỐI SÁCH

Quyển này được viết bởi Yeshe Tsogyal, hóa thân của Yang Chen (tức Sarasvati, Nữ Thần Học Thuật), vì lợi ích của chúng sinh các đời sau.
Tên của cuốn sách này là “Giáo Lý Của Đức Liên Hoa Sanh”. Một tên khác là “Sự tích trọn vẹn”, một tên khác nữa là “Lời chứng minh của Trisong Deutsen”.
Quyển sách nguyên thủy nhiều chi tiết này đã được viết và chôn giấu như một viên ngọc quý.
Nguyện quyển sách này gặp người có công đức lớn.
Bảo tạng này được lấy ra từ hang Gương Lớn ở Pouri bởi Đạo sư Sangya Lingpa. Đây là một quyển sách viết bằng tiếng Sanskrit và được dịch sang tiếng Tây Tạng không thiếu một chữ.
Vì lợi ích của người thế gian, Namgyal Dukpa khắc bản gỗ dưới sự giám sát của hoàng gia Pum Thang của xứ Buhtan, theo lệnh của Ngagki Wangpo.


No comments:

Post a Comment