Saturday, July 27, 2013

Truyền thuyết về đạo sư Liên Hoa Sanh - 2


CHIA LY

Khi Đức Liên Hoa Sanh sắp ra đi, năm trăm người vợ của Ngài khóc và nói rằng: “Ngài là con mắt của chúng tôi; chúng tôi không thể xa Ngài một phút nào cả. Ngài nỡ lòng nào bỏ chúng tôi như bỏ những cái xác chết ngoài nghĩa địa. Hãy cho chúng tôi đi theo Ngài tới bất cứ đâu, nếu không chúng tôi sẽ như chó mất chủ. Ngài không thương xót chúng tôi hay sao?”

Đức Liên Hoa Sanh trả lời: “Cuộc sống thế gian là vô thường, chia ly là điều không thể tránh được. Thế gian giống như cái chợ, người ta đến rồi đi, thế thì tại sao lại phải phiền não vì chia ly? Đây là luân hồi mà chúng ta phải từ bỏ để nhất tâm tìm giải thoát. Ta đã quyết định sống đời tu sĩ và ta sẽ sửa soạn con đường cho các người tự cứu độ mình, để sau đó các người có thể làm như ta. Nhưng bây giờ hãy ở lại đây.” Khi ra đi Ngài hứa với họ là Ngài sẽ trở về khi nào đạt chân lý, vì vậy họ gọi Ngài là “Vị Vua Giữ Lời Hứa”.

VÌ NGHIỆP QUẢ LÀM NGƯỜI KHÁC MẤT MẠNG

Đức Liên Hoa Sanh đi tới một nơi khác trong xứ Urgyan. Ở đó có một người sinh ra với bộ phận sinh dục có đầy ở trên thân mình, vì kiếp trước người đó là một tu sĩ phạm giới sống với một kỹ nữ. Người kỹ nữ đã đầu thai làm con trai của một vị vua. Lúc đó người kia biến thành một con ruồi đậu trên trán của đứa bé trai đó. Đức Liên Hoa Sanh liệng một viên sỏi vào con ruồi mạnh đến nỗi không những làm con ruồi chết mà viên sỏi còn xuyên vào trong óc đứa bé nữa.

Khi bị tố cáo là thủ phạm làm chết đứa bé, Đức Liên Hoa Sanh giải thích rằng ngày xưa có một người kỹ nữ bị một nhân tình của mình tên là Padma Tsalag giết vì ghen khi người đó được người hầu gái của người kỹ nữ cho biết là nàng đã bí mật có một người tình khác là một thương gia tên Hari. Padma Tsalag lại đổ tội cho một người tên là Gautama là thủ phạm vụ giết cô kỹ nữ, và Gautama phải chịu tử hình. Vì con ruồi là Padma Tsalag, con trai vị vua là người kỹ nữ, còn Đức Liên Hoa Sanh chính là kiếp sau của Gautama nên do nghiệp lực, Ngài đã liệng viên sỏi gây ra cái chết của đứa bé. Ngài thỉnh cầu vua Indrabodhi cho phép luật pháp của vương quốc được thi hành, và Ngài bị giam trong hoàng cung.

Lúc đó kinh đô bị mười ngàn yêu quái vây chặt vì chúng không muốn Đức Liên Hoa Sanh trở thành tu sĩ để có thể hủy diệt quyền lực của chúng, và vì vậy cổng thành cũng như cổng hoàng cung được đóng chặt trong khi Đức Liên Hoa Sanh tìm cách thoát ra ngoài. Ngài cởi bỏ y phục, bôi lên người một thứ thuốc kỳ diệu làm bằng xương người, rồi cầm một chùy kim cương và một cây chĩa ba. Ngài đi lên nóc hoàng cung nhảy múa như một người khùng. Ngài thả cho cả chùy kim cương lẫn cây chĩa ba rơi xuống; cây chĩa xuyên vào tim của người vợ một viên quan, còn chùy kim cương rơi trúng vào đầu đứa con nhỏ của bà ta và cả hai đều bị chết.

BỊ LƯU ĐÀY

Các quan cho rằng vì đã làm chết hai người, Đức Liên Hoa Sanh phải bị treo cổ, nhưng nhà vua nói: “Đứa con này của ta không phải là người thường, và vì Ngài thuộc giòng giống thiêng liêng nên không thể chịu tội tử hình. Ta quyết định lưu đày Ngài.”

Nhà vua nói với Đức Liên Hoa Sanh là án lưu đày sẽ được thi hành trong ba tháng nữa. Đức Liên Hoa Sanh giải thích rằng, cũng giống như vụ đứa bé bị chết với con ruồi, vụ hai mẹ con bị chết là có lý do nghiệp quả. Trong kiếp trước đứa con là người hầu gái của cô kỹ nữ, và đã cho Padma Tsalag biết về liên hệ vụng trộm giữa cô chủ của mình và Hari, người thương gia; còn người mẹ chính là kiếp sau của Hari. Dù không nhận tội cố sát nhưng Đức Liên Hoa Sanh không thù ghét một người nào trong số những người buộc tội mình.

Nhiều xứ khác của Ấn Độ, cũng như Trung Hoa và Ba Tư, được coi là những nơi mà Đức Liên Hoa Sanh sẽ phải lưu đày, nhưng nhà vua nói rằng Ngài có thể tới bất cứ chỗ nào Ngài muốn. Đức Liên Hoa Sanh nói: “Đối với ta, xứ nào cũng tốt cả. Ta chỉ cần được làm việc đạo, và bất cứ chỗ nào cũng là tu viện của ta.”

Nhà vua bí mật tặng Ngài viên ngọc như ý, nhưng Ngài không nhận, và nói: “Bất cứ vật gì ta nhìn cũng là ngọc như ý của ta”. Rồi Ngài bảo nhà vua đưa bàn tay ra và Ngài nhổ vào bàn tay đó, tức khắc nước bọt của Ngài trong bàn tay của nhà vua biến thành một viên ngọc như ý khác.
Bhasadhara kêu khóc và nắm lấy tay Ngài, xin Ngài cho mình cùng được lưu đày, nhưng Đức Liên Hoa Sanh đi ra một khu vườn để nói với đám đông đang đi theo Ngài:

“Xác thân là vô thường và giống như bờ vực thẳm, vì xác thân và bờ vực dẫn người ta đến cái chết. Hơi thở là vô thường như mây khói. Nhân tâm là vô thường như tia chớp. Cuộc đời là vô thường như giọt sương trên đầu ngọn cỏ.”

Sau đó bốn vị Thiên vương trấn giữ bốn hướng đông, tây, nam, bắc xuất hiện cùng với các vị thần phò tá, họ đều phục lạy và ca tụng Đức Liên Hoa Sanh. Bốn Dakini của bốn hướng chính cũng đến trong tiếng nhạc và tiếng hát để đặt Đức Liên Hoa Sanh ngồi trên một con ngựa thần, và Ngài biến vào bầu trời hướng nam. Vào lúc trời tối Ngài đáp xuống đất rồi đi tới một cái hang nơi Ngài làm lễ và cầu nguyện trong bảy ngày. Tất cả các vị thần hiền hòa đều xuất hiện với Ngài như trong một tấm gương để ban cho Ngài quyền năng siêu việt sinh tử.

VỊ THẦN CỦA CÁC XÁC CHẾT

Sau đó Ngài đi tới Nghĩa địa “Gỗ Trầm Hương Mát”, cách Bodh Gaya khoảng mười dặm. Dùng xác chết làm tọa cụ, Ngài ở đó trong 5 năm để hành thiền. Thức ăn của Ngài là thực phẩm mà người ta cúng cho người chết và để lại ở nghĩa địa cùng với xác chết; y phục của Ngài là vải liệm xác chết. Vì vậy người ta gọi Ngài là “Vị Thần Của Những Xác Chết”. Ở đây Ngài dạy cho các Dakini về chín giai đoạn tu tập của Đạo pháp.
Trong một nạn đói, nhiều xác chết được đặt ở nghĩa địa không có vải liệm hay thực phẩm, vì vậy Đại sư Liên Hoa Sanh biến thịt xác chết thành thức ăn thanh tịnh để dùng và lấy da của xác chết làm y phục. Ngài nhiếp phục các ma quỷ sống trong nghĩa địa và chúng chịu sự sai khiến của Ngài.

TIÊU DIỆT BỌN VÔ ĐẠO

Một tiểu vương của xứ Urgyan tên là Indraraja và thần dân của ông ta sinh tâm thù địch với Giáo pháp, vì vậy Đức Liên Hoa Sanh biến thành một vị Thần Phẫn Nộ và tước thể xác của họ vì đó là phương tiện để họ tạo nghiệp xấu, rồi Ngài dùng pháp thuật để uống máu và ăn thịt những cái xác đó. Thần thức của họ được Ngài giải thoát không rơi vào địa ngục. Ngài lấy bất cứ người đàn bà nào Ngài gặp để thanh tịnh hóa tâm của họ và làm cho họ xứng đáng làm mẹ những đứa con có đạo tâm.

QUỶ TRẺ TẨU THOÁT

Khi người vợ của vua Ahruta bị chết trong lúc đang có thai, xác của bà được bảo quàn ở một nghĩa địa nơi Đại Sư đang tham thiền. Ngài nhận thấy đứa bé gái trong bụng xác chết vẫn còn sống và vì giữa Ngài và đứa bé có nhân duyên với nhau trong kiếp trước nên Ngài quyết định nuoi nó. Biết được việc này, vua Ahruta cho quân sĩ tấn công Đại Sư. Vua Warma Shri cũng cho một dũng sĩ nổi tiếng tới hỗ trợ cho đạo quân kia. Đức Liên Hoa Sanh bắn trúng dũng sĩ đó một mũi tên rồi Ngài tẩu thoát; vày Ngài có tên là “Quỷ Trẻ Tẩu Thoát”.

Sau khi xây một bảo tháp để sám hối, Đức Liên Hoa Sanh trú ở “nghĩa địa Hạnh Phúc”, nơi các Dakini Phẫn Nộ có tên là “Nhiếp Phục Ma Quỷ” tới ban phước cho Ngài. Sau đó Ngài tham thiền ở nghĩa địa Sosaling, miền nam xứ Urgyan, và được các Dakini hiền hòa ban phước.

THU PHỤC CÁC DAKINI Ở HỒ DHANAKOSHA

Ngài cũng tới hồ Dhanakosha nơi mình đã sinh ra để giảng giáo lý Đại thừa cho các Dakini bằng ngôn ngữ của họ. Ngài thu phục họ và các quỷ thần địa phương bằng quyền năng tâm linh và họ phát nguyện giúp đỡ Ngài trong sứ mạng của Ngài trên thế gian. Được Vajra Varahi ban phước.
Chỗ ở kế tiếp của Đức Liên Hoa Sanh là “nghĩa địa Kinh Hoàng”, nơi Vajra Varahi xuất hiện ban phước cho Ngài. Bốn dòng nam thần và các Dakini của Ba Nơi Bí Mật, ở dưới mặt đất ở trên mặt đất và ở trên không, cũng xuất hiện, gia trì lực nhiếp phục của Ngài, và gọi Ngài là Dorje Dragpo, tức “Thần Phẫn Nộ Kim Cương”.

QUYẾT ĐỊNH TÌM THẦY

Đức Liên Hoa Sanh bây giờ tới thăm viếng Bodh Gaya hay Bồ Đề Đạo Tràng nơi Đức Phật thành đạo. Ngài tập pháp biến đổi hình dạng, và có khi Ngài tự biến thành một đàn voi rất đông, có khi thành một nhóm đạo sĩ. Khi người ta hỏi Ngài là ai, Ngài trả lời: “Ta không có cha mẹ, không sư trưởng, không thầy, không đẳng cấp, không tên. Ta là Phật tự sinh”. Mọi người nói với nhau: “Người này không có thầy, như vậy không phải là quỷ hay sao?” Câu nói này làm cho Ngài suy nghĩ: “Dù mình là hóa thân tự sinh của Đức Phật và do đó không cần một vị thầy nào cả, nhưng mình nên theo học các học giả về Ba Giáo Lý Bí Mật, vì những người này cũng như người đời sau cần có sự hướng dẫn về đạo pháp”.

CÁC MÔN MÀ NGÀI HỌC

Vị thầy đầu tiên của Đức Liên Hoa Sanh là một “Loka Siddha”, hay một người đã thành tựu lục thông hay các quyền năng tâm linh, ở thành Ba Nại (Benares), và cũng là một vị thầy về môn chiêm tinh học. Ngài được dạy về năm mà Đức Phật được thụ thai, năm mà mẹ của Đức Phật mộng thấy một con voi trắng nhập vào bào thai, năm Đức Phật ra đời, và về sự tương ứng của những thời kỳ có ý nghĩa huyền bí này với lịch Tây Tạng. Ngài cũng được dạy về nguyên nhân của nhật thực và nguyệt thực. Bây giờ Ngài được gọi là “Nhà Chiêm Tinh Học Của Kalachakra” tức là của “Bánh Xe Thời Gian” hay “Vòng Thời Gian”.

Sau đó, Đức Liên Hoa Sanh học thông thạo môn y học với con trai của một y sĩ danh tiếng được gọi là “Người trẻ tuổi chữa bệnh”. Vì vậy Ngài có danh hiệu là “Tinh Hoa Y Học Cứu Mạng”.
Vị thầy kế tiếp của Ngài là một đạo sĩ được tiếng là người giỏi nhất về môn chính tả và viết văn, dạy Ngài tiếng Sanskrit và các thổ ngữ tương cận, ngôn ngữ của quỷ, ý nghĩa của các dấu hiệu và biểu tượng, ngôn ngữ của các vị thần, của loài thú, và của các loài khác thuộc sáu loài Luân Hồi. Đức Liên Hoa Sanh học thông thạo 64 loại chữ viết và 360 ngôn ngữ, vì vậy Ngài được gọi là “Vị Thầy Sư Tử Về Ngôn Ngữ”.

Ngài lại học với một nghệ sĩ giỏi, tên là Vishvakarma và đã được 80 tuổi, cho đến khi lão luyện các nghề vàng, bạc, ngọc, đồng, sắt và đá, nghề tạc tượng, vẽ tranh, nặn tượng, khắc hình, nghề mộc, xây nhà, làm dây thừng, làm giầy, làm mũ, may y phục và tất cả các nghề khác. Một người đàn bà ăn mày dạy Ngài nghề làm đồ gốm. Vì vậy Ngài được gọi là “Vị Thầy Có Học Mọi Công Nghệ”.

ĐẠO SƯ PRABHAHASTI

Ít lâu sau đó, trong khi du hành Đức Liên Hoa Sanh gặp hai Tỳ khưu đang trên đường đi tới chỗ đạo sư của họ. Chào họ xong Ngài xin họ chỉ giáo về đạo pháp. Nhưng thấy Ngài mang võ khí và hình dạng lại thô kệch như quỷ dạ xoa, họ bỏ chạy. Ngài gọi họ rồi nói: “Ta đã bỏ những hành động xấu để sống theo giáo pháp. Làm ơn nói cho ta biết về đạo”. Họ bảo Ngài đưa cho họ cây cung và ống đựng những mũi tên sắt rồi đưa Ngài đi cùng tới gặp thầy của họ là Prabhahasti, một hóa thân của A Đề Phật (Adi Buddha, Phật Nguyên Thủy) sống trong một cái nhà gỗ có chín cửa (thể xác và cửu khiếu). Sau khi đảnh lễ vị đạo sư, Ngài nói: “Lành thay! Lành thay! Đạo sư tôn quý, xin Ngài hãy nghe ta nói. Dù ta là một hoàng tử, sinh ra ở xức Urgyan, nhưng ta đã phạm tội giết đứa con quỷ của một viên quan nên đã bị lưu đày. Ta tới đây mà không có quà biếu cho Ngài thì thật là không phải, nhưng ta không có tài sản thế gian nào cả. Xin Ngài hạ cố dạy ta tất cả những gì Ngài biết.”
Đạo sư đáp: “Lành thay! Lành thay! Chàng tuổi trẻ dị thường! Ngài là cái bình quý để đựng tinh hoa Giáo Pháp. Ngài là hiện thân của vật chứa giáo lý Đại thừa. Ta sẽ dạy Ngài tất cả.”

Đức Liên Hoa Sanh nói: “Trước hết, xin hãy ban cho ta phạm hạnh (hạnh không dâm dục)”. Đạo sư trả lời: “Ta có thể dạy Ngài các pháp tu tập nhưng ta không thể ban cho Ngài phạm hạnh. Muốn có phạm hạnh Ngài nên tới gặp Ananda ở Hang Asura. Bây giờ trước khi học về Đại thừa, hãy nhận sự ban phước của ta.”

Đại sư Prabhahasti dạy Đức Liên Hoa Sanh phương tiện đạt Phật Quả; tránh thoái chuyển; thông suốt về ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới; sáu hạnh hoàn hảo (Ba la mật): Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ; và các pháp tu tập. Dù Đức Liên Hoa Sanh chỉ cần học một lần là nhớ và thông thạo bất cứ môn nào, nhưng để rửa sạch mọi tội lỗi của Ngài, đạo sư cho Ngài học lại mỗi môn mười tám lần.

ĐỨC ANANDA

Sau đó, ở Hang Asura (A-tu-la), với sự chủ trì của Đức Ananda, Đức Liên Hoa Sanh phát nguyện giữ giới độc thân và làm lễ thọ giới. Đức Ananda phong Ngài làm một đại diện của Đức Phật. nữ Thần Đất tới mặc áo vàng cho Ngài, và chư Phật mười phương xuất hiện ca tụng Ngài là “Sư Tử Dòng Sakya, người Thọ Pháp.”

SỰ ƯU TÚ CỦA ĐỨC ANANDA

Khi đã thọ giới Tỳ khưu, có quyền năng Đại thừa để diệt trừ những ác trược của thế gian, Đức Liên Hoa Sanh cũng làm như các vị Phật đời trước là ra ngoài đời thuyết pháp hóa độ chúng sanh và nói chuyện giáo pháp với các Bồ tát. Và khi đã trở thành mọt Bồ tát, ngài trở về với Ananda. Một hôm Ngài hỏi tại sao Đức Ananda trỏ thành đại để tử của Đức Phật, Đức Ananda trả lời rằng Ngài trở thành đệ tử ưu tú của Đức Phật vì Ngài thành tâm thực hành các giáo lý, rồi Ngài kể truyện sau đây.

TRUYỆN MỘT TỲ KHƯU KHÔNG TRUNG THÀNH

Ở Bodhi Gaya có một Tỳ khưu tên là “Thiện Tinh”, đã học thuộc 12 quyển kinh nhưng không thực hành một điều gì cả, vì vậy Đức Phật khuyên Tỳ khưu đó: “Dù người thuộc lòng mọi giáo lý, nhưng ngươi lại không thực hành, như vậy ngươi không thể được coi là người có học”. Tỳ khưu đó nổi giận, cãi lại: “Ngài chỉ có ba điều khác tôi, đó là 32 tướng hảo lớn, 80 tướng hảo nhỏ, và hào quang lớn bằng hai cánh tay dang thẳng. Tôi cũng là người có học. Dù đã theo hầu Ngài 24 năm rồi nhưng tôi không thấy Ngài có một chút tri thức nào lớn cỡ hạt cải”. Cơn giận tăng thêm, Tỳ khưu đó la lớn hết sức. “Ta không đi theo ngươi nữa, đồ ăn mày vô dụng. Ta hiểu Giáo Pháp hơn người, đồ hèn chạy khỏi xứ của mình.” Rồi Tỳ khưu đó vừa la lớn vừa bỏ đi.

ĐỨC ANANDA ĐƯỢC CHỌN LÀM ĐẠI ĐỆ TỬ

Đức Phật gọi tất cả cá đệ tử lại rồi nói: “Thiện Tinh đã giận ta và bỏ đi. Ta muốn biết ai sẽ là thị giả của ta thay cho y”. Mọi người đảnh lễ, xin làm thị giả, và đều nói: “Con muốn theo hầu Ngài, con muốn theo hầu Ngài”. Đức Phật hỏi: “Tại sao lại muốn theo hầu ta khi biết là ta đã già rồi?” Rồi Ngài không chọn ai cả, và mọi người đều im lặng tham thiền. Nhưng Đức Moggallana (Mục Kiền Liên) nhận thấy ngay là chỉ có Đức Ananda là xứng đáng làm thị giả của Đức Phật. Kết quả là pháp hội gần năm trăm Tỳ khưu có học, trong só đó có nhiều vị là Bồ tát, chọn Ananda. Đức Phật cười rồi nói: “Lành thay!” và Đức Ananda thưa: “Dù không xứng đáng, nhưng nếu phải hầu hạ Ngài, con xin Ngài hứa với con ba điều. Điều thứ nhất là con được phép tự cung cấp cho mình thực phẩm và y phục. Điều thứ hai là Ngài sẽ dạy cho con bất cứ giáo lý nào con thỉnh cầu. Và điều thứ ba là Ngài sẽ khong dạy một giáo lý mới nào khi con không có mặt.”
Đức Phật cười rồi trả lời: “Lành thay! Lành thay! Lành thay!”

ĐỨC PHẬT TIÊN TRI CÁI CHẾT CỦA TỲ KHƯU KHÔNG TRUNG THÀNH

Câu hỏi trước hết của Đức Ananda với Đức Phật là về Tỳ khưu Thiện Tinh. Đức Phật nói rằng bẩy ngày nữa Thiện Tinh sẽ chết và trở thành ma đau khổ trong vườn tịnh xá. Khi được Ananda cho biết về lời tiên tri của Đức Phật, Thiện Tinh lo lắng nói: “Có khi những lời nói dối của ông ta trở thành sự thật. Nhưng nếu sau bẩy ngày nữa mà tôi còn sống thì tôi sẽ có thêm nhiều điều để nói về ông ta. Trong khi đó, tôi sẽ ở lại đây.”

Vào buổi sáng ngày thứ tám Ananda thấy Thiện Tinh đã chết và hồn ma của y ám ảnh vườn tịnh xá. Sau đó, khi Đức Phật tới vườn giảng Giáo pháp, hồn ma quay mặt đi chỗ khác và lấy hai bàn tay bịt tai lại.

ĐỨC ANANDA NÓI VỀ ĐỨC PHẬT

Đức Ananda nói rằng Ngài đã hầu hạ Đức Phật một cách trung thành trong 21 năm. Ngài kể rằng Đức Phật thành đạo ở Bodh Gaya vào năm Ngài 3 tuổi và chuyển pháp luân ở Sarmath, gần thành Benares, dạy về Tứ Diệu Đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Trong bẩy năm kém hai tháng dạy đạo ở Sarmath, lời của Đức Phật được viết trong 12 quyển kinh mà Thiện Tinh đã học thuọc lòng và trong 10 quyển khác. Đức Ananda nói về nội dung của mười quyển này như sau: Quyển một giảng giáo lý về Thiện và Ác, quyển hai, quyển ba và bốn, nói về một trăm bổn phận tôn giáo; quyển năm nói về cách thực hành những bổn phận đó; quyển sáu nói giáo lý về tự ngã; quyển bẩy nói về các pháp tu tập, quyển tám nói về quả báo tốt của từ tâm; quyển chín nói về trí huệ; quyển mười nói về tâm và ý; cũng có một số giáo lý khác về tham, sân, si, giới điều của tu sĩ, về đạo sư và phương pháp thuyết giảng về Tánh Không, về quả báo tốt của sự trì giới và về pháp giải thoát.

Trong thời kỳ giáo hóa thứ nhì kéo dài khoảng 10 năm, Đức Phật dạy giáo lý Đại thừa ở xứ Magadha, ở Gridhrakuta, Jetavana, và các nơi khác. Ngài cũng thuyết giảng cho các Bồ tát Di Lặc, Quán Thế Âm và các vị khác ở cõi trời cũng như các quỷ thần về tinh túy của Giáo Pháp như được trình bày trong các kinh sách. Đức Phật cũng nói về chuyến viếng thăm Tích Lan của Ngài.

Thời thuyết pháp thứ ba của Đức Phật kéo dài 13 năm, phần lớn thời gian nầy Ngài dạy các vị thần, các Naga (Thần Rắn), các La Han, và các loài khác ở các cõi cao. Trong thời kỳ thứ tư, gồm bẩy năm, Ngài dạy giáo lý Mật giáo nhưng chỉ dạy phần công truyền (Hiển giáo).

Đức Phật chỉ dẫn và gia trì lực cho một trong năm vị Phật thiền là Vajrapani (Kim Cương Thủ) dạy phần bí truyền của Mật giáo và Ngài nói với Phật Vajrapani: “Khong thể cùng lúc có hai vị Phật thuyết pháp ở Bodh Gaya. Nếu có một vị Phật nữa thì Ngài chỉ đến sau khi vị Phật hiện tại ra đi”.
Từ lúc nầy cho đến khi nhập Niết bàn vào năm 82 tuổi, Đức Phật thuyết Kinh, Luật, Luận và bộ “Getri” tức 84.000 ngàn câu kệ, còn gọi là 84.000 pháp môn.

ĐỨC LIÊN HOA SANH HỌC VỚI ĐỨC ANANDA

Đức Liên Hoa rất hài lòng với những lời của Đức Ananda và Ngài theo học Đức Ananda trong 5 năm, làu thông 12 quyển ghi lời dạy của Đức Phật, tức bộ “Getri” mà Thiện Tinh đã học thuộc lòng.
Khi gần học xong với Đức Ananda, Đức Liên Hoa Sanh nhận thấy phần công truyền của giáo pháp là không đủ, Ngài nghĩ: “Mình phải tìm ra một con đường hoàn thiện hơn với những giáo lý về Tánh Không và Trí Huệ.”

ĐỨC ANANDA NÓI VỀ KINH SÁCH

Ngài hỏi Đức Ananda: “Các câu Kinh Điển và Mật Điển đã được viết trong bao lâu? Có bao nhiêu quyển tất cả và có thể tìm thấy ở đâu?” Đức Ananda trả lời: “Từ khi Đức Phật nhập Niết bàn, tất cả những gì Ngài nói đã được ghi chép. Nếu dùng Voi Thần của Indra để chở thì số kinh sách này sẽ là 500 lố.”

Các Deva (Thiên Thần) và các Naga (Rắn Thần) đều muốn chiếm bộ kinh sách cho cõi của họ. Những quyển của bộ “Boom” (gần 12 quyển “Đại Bát Nhã”) được cất giấu ở cõi của các Naga. Bộ “Bát Nhã Ba La Mật” được cất giấu ở cõi trời Indra (Đế thích). Phần lớn Kinh Tạng được cất giấu ở Bodh Gaya. Luận Tạng được cất giấu ở Tu viện Nalanda. Đa số kinh sách Đại thừa được cất giấu ở Urgyan, còn những văn bản khác được để vào trong Bảo Tháp ở Nalanda. Tất cả những kinh sách này đều được bảo vệ chống lại sự phá hoại của côn trùng và ẩm thấp.

ĐỨC LIÊN HOA SANH THUYẾT PHÁP VÀ HỌC

Sau khi hoàn tất việc học với Đức Ananda, Đức Liên Hoa Sanh đi tới một nghĩa địa chỗ ở của Thần Mahakala, có mình trâu Yak, đầu sư tử và chân giống như những con rắn. Nghĩa địa có một cái tháp làm bằng ngọc quý, chỗ tựa lưng của Đức Liên Hoa Sanh khi Ngài thuyết pháp. Trong 5 năm ở đó Ngài dạy các Dakini và được gọi là Đấng Tia Sáng Mặt Trời (một trong tám phương diện của Ngài).
Để tìm một giáo lý có khả năng diễn giảng những điều quan trọng một cách ngắn gọn, và khi được ứng dụng sẽ có hiệu quả tức khắc, như mặt trời vừa mới mọc tức khắc tỏa ánh sáng và sức nóng, Đức Liên Hoa Sanh đi lên cõi trời Ogmin gặp Đức A Đề Phật và được dạy Giáo Lý Đại Hoàn Thiện. Lúc này Đức Liên Hoa Sanh được gọi là Vajra Dhara (Kim Cương Trì) về mặt bí truyền.

Sau đó, Ngài đi tới nghĩa địa “Hạnh Phúc Tăng Trưởng” ở Kashmir. Trong 5 năm ở đó Ngài dạy Giáo Pháp cho nữ quỷ Gaurima và cho nhiều Dakini. Ngài được gọi là “Người Truyền Trí Huệ Cho Các Cõi” (một trong tám phương diện). Rồi Ngài lại đi lên cõi trời của Đức Phật Vajra Sattva để học thấu đáo môn Yoga và Mật giáo, và Ngài được gọi là Vajra Dhara về mặt công truyền.

Đức Liên Hoa Sanh cũng sống 5 năm ở nghĩa địa “Đỉnh Núi Tự Tạo” ở Nepal. Ở đó Ngài dạy và nhiếp phục nhiều loại quỷ thần và Ngài chế ngự ba cõi luân hồi, vì vậy Ngài được gọi là “Tiếng Rống của Sư Tử” (một trong tám hương diện).

Ở cõi trời của Đức A Đề Phật, Đức Liên Hoa Sanh được dạy trọn vẹn về Chín Thừa hay Chính Đạo Pháp đạt giác ngộ, về 21 luận thư về “Chitti Yoga” (Yoga Tâm Thức), và về mọi điều thuộc Mật Chú và Mật Giáo, và Ngài được gọi là “Người Được Dạy Trọn Vẹn”.

Ở nghĩa địa “Đỉnh núi Lanka”, xứ Sahor, Ngài thuyết pháp và nhiếp phục nhiều quỷ thần đáng sợ. Các quỷ thần sinh ra từ nước ở đâu cũng gọi Ngài là Liên Hoa Sanh.

Ở nghĩa địa “Đỉnh Núi Thần”, xứ Urgyan, trong 5 năm, Đức Liên Hoa Sanh học cách đạt giải thoát Mật Giáo do một Dakini thuộc Dòng Vajra Yogini dạy (đây là nữ Thần Dạy Học Kim Cương Du Già Nữ của Mật giáo Tây Tạng).

Ở nghĩa địa “Đỉnh Núi Hoa Sen” Ngài dạy các Dakini và được gọi là “Đấng An Ủi Vĩnh Cửu Của Chúng Sinh” (một trong tám phương diện).

ĐƯỢC MỘT DAKINI TRUYỀN PHÁP

Vị thầy tiếp theo của Đức Liên Hoa Sanh là một Dakini đã thọ giới, sống ở trong vườn trầm hương giữa một nghĩa địa, trong một cung điện làm bằng sọ người. Khi đến cung điện Ngài thấy cửa đã đóng, và khi một người hầu mang nước vào cung, Ngài tham thiền để người đàn bà đó bị chặn lại bằng pháp thuật của Ngài. Người đàn bà liền dùng một con dao bằng thạch anh mổ ngực của mình, để lộ ra ở phần trên 42 Vị Thần Hiền Hòa, và ở phần dưới 58 Vị Thần Phẫn Nộ (tức Mandala 100 vị thần Mật giáo), rồi nói với Ngài: “Ta nhận thấy Ngài là một khất sĩ kỳ diệu có quyền năng lớn. Nhưng hãy nhìn ta, Ngài không tin ta sao?” Đức Liên Hoa Sanh cúi chào người đàn bà, xin lỗi rồi hỏi về những giáo lý mà Ngài muốn biết. Người đàn bà trả lời: “Ta chỉ là người hầu. Hãy đi vào bên trong”.

Trong cung điện, Đức Liên Hoa Sanh thấy vị Dakini ngồi trên ngai mặt trời và mặt trăng, hai tay cầm trống “Damaru” (trống bồi) và chén sọ, xung quanh là 32 Dakini đang dâng lễ. Đức Liên Hoa Sanh đảnh lễ, dâng lễ vật rồi thỉnh cầu Nữ Thần dạy mình các giáo lý công truyền cũng như bí truyền. Ngay lúc đó 100 vị Thần Hiền Hòa và Phẫn Nộ xuất hiện ở bên trên. Nữ Thần nói: “Hãy nhìn các vị thần. Bây giờ hãy thọ pháp”. Ngài đáp: “Chư Phật các đời đều có thầy, vậy hãy nhận tôi làm đệ tử của Ngài.”

Nữ Thần thâu tất cả các vị thần trở vào thân của mình rồi biến Đức Liên Hoa Sanh thành chuẩn tự Hum và nuốt chuẩn tự đó. Ở trong bụng của Nữ Thần Đức Liên Hoa Sanh nhận được lễ điểm đạo truyền pháp. Quan Thế Âm bí mật. Khi chuẩn tự “Hum” đi tới vùng luồng hỏa xà Kundalini, Nữ Thần ban cho Ngài lễ điểm đạo thân, khẩu, ý và Ngài được giả trừ mọi ô trược và vô minh. Nữ Thần cũng ban cho Ngài lễ điểm đạo Hayagriva (Thần Đầu Ngựa biểu lộ qua ma quỷ hay qua các lực lượng hủy diệt và bất hòa) để có quyền năng nhiếp phục ma quỷ.

MỘT VỊ THẦY TRÍ GIẢ

Một Trí Giả (Rig Zin) ở cõi trời Og Min (Akanistha, Sắc Cứu Cánh Thiên), cõi trời cao nhất của Phật giáo, dạy Đức Liên Hoa Sanh tất cả những gì mình biết về quyền thuật, tái sinh, tri thức thế gian, kho tàng bí mật, quyền năng đối với của cải trần tục và trường thọ, về mặt công truyền cũng như bí truyền.

MỘT ĐẠO SƯ MIẾN ĐIỆN

Vị Trí Giả đó bảo Đức Liên Hoa Sanh đến xứ Pegu ở Miến Điện tìm hoàng tử Shri Singha, một Đạo sư sống trong hang và dạy những giáo lý tinh yếu của tất cả các phái Phật giáo mà không phân biệt những giáo lý này với nhau. Khi Đức Liên Hoa Sanh tới xin thọ giáo, Đạo sư chỉ lên trời rồi nói: “Đừng ham muốn cái gì mình trông thấy. Không ham muốn, không ham muốn. Ham muốn, ham muốn. Đừng ham muốn ham muốn, đừng ham muốn ham muốn. Không vô minh, không vô minh. Vô minh, vô minh. Tánh Không của vạn pháp, Tánh Không của vạn pháp. Ham muốn ở trên, ở dưới, ở giữa, ở mọi hướng không phân biệt”. Vị thầy giải thích cặn kẽ giáo lý nầy rồi bảo đảm với Đức Liên Hoa Sanh là Ngài sẽ hiểu tinh túy của mọi giáo lý. Đức Liên Hoa Sanh liền ca tụng Đạo sư rồi hỏi: “Phật và không Phật khác nhau ở chỗ nào?” Shri Singha trả lời: “Dù tìm chỗ khác nhau cũng không thấy có gì khác nhau cả. Vì vậy đừng chấp vào sắc tướng bên ngoài. Dùng Trí Huệ hoàn hảo để trông thấy những điều bên trong. Chưa có ai khám phá ra Nguyên Nhân Đầu Tiên hay Nguyên Nhân Thứ Hai. Chính ta cũng chưa biết. Ngài cũng vậy, Ngài cũng không thể biết được.”

NGUỒN GỐC CỦA ĐỨC VĂN THÙ

Vị thầy kế tiếp của Đức Liên Hoa Sanh là Bồ Tát Văn Thù, trụ ở Ngũ Đài Sơn, gần sông Sita Sara, tỉnh Sơn Tây, Trung Hoa. Giống như Đức Liên Hoa Sanh, Đức Văn Thù có nguồn gốc kỳ diệu:
Có một lần Đức Phật đến Trung Hoa để thuyết pháp, nhưng người ta không nghe mà nhục mạ Ngài, vì vậy Ngài trở về Gridharakuta (Núi Linh Thứu) ở Ấn Độ. Thấy rằng không thể dạy giáo lý thượng thừa cho người Trung Hoa, Đức Phật quyết định chỉ truyền giáo lý thông thường và môn chiêm tinh cho họ. Ngài phóng ra từ đỉnh đầu một tia sáng mầu vàng, tia sáng này rơi trên một cái cây ở gần một trong năm bảo tháp xây trên năm đỉnh của Ngũ Đài Sơn. Thân cây mọc ra một cục u và từ cục u mọc ra một hoa sen. Đức Văn Thù sinh ra từ hoa sen này, tay phải cầm Gươm Trí Huệ, tay trái cầm hoa sen xanh với sách Trí Huệ.

CON RÙA VÀNG VÀ CHIÊM TINH HỌC

Từ đầu của Đức Văn Thù phát ra một con rùa vàng. Con rùa đi xuống sông Sita Sara, và từ một cái bọt nước hai con rùa trắng một đực một cái sinh ra. Hai con rùa này sinh ra năm loài rùa.
Lúc này Đức Phật phát ra từ đỉnh đầu một tia sáng màu trắng rơi xuống Nữ Thần Chiến Thắng. Nữ Thần tới gặp Đức VĂn Thù và được Ngài dạy bảy ngành Chiêm tinh học với 84.000 luận thư. Trong đó 21.000 luận thư dạy môn chiêm tinh cho người sống, 21.000 luận thư cho người chết, 21.000 cho hôn nhân và 21.000 cho ruộng đất.

ĐỨC LIÊN HOA SANH PHỤC HỒI MÔN CHIÊM TINH

Khi môn Chiêm tinh phát sinh từ Đức Văn Thù đã phổ biến khắp thế giới và được người ta ham mê đến nỗi giáo pháp của Đức Phật bị bỏ quên, Đức Văn Thù cất tất cả các sách Chiêm tinh học vào một cái hộp bằng đồng rồi giấu cái hộp vào một tảng đá ở sườn hướng đông của Ngũ Đài Sơn. Không còn sự hướng dẫn của môn Chiêm tinh nữa, loài người phải chịu nhiều tai họa như bệnh tật, tuổi thọ thấp, nghèo khổ, gia súc không sinh sản và nạn đói.

Được biết điều này, Bồ tát Quán Thế Âm xuất hiện trước Đức Liên Hoa Sanh và nói: “Ta đã cải tạo thế gian ba lần và đã trở về Phổ Đà Sơn (Potala). Nhưng bây giờ nhìn xuống thế gian, ta thấy loài người vẫn đau khổ và ta đã khóc. Vậy Ngài hãy hóa thành hình dạng của Brahma (Phạm Thiên) đi tìm lại bảo tạng Chiêm tinh học đã được cất giấu”.

Đức Liên Hoa Sanh làm theo lời, đi tới chỗ Đức Văn Thù và nói: “Dù chỉ là một phần nhỏ trong Giáo Pháp của Đức Phật, nhưng môn Chiêm tinh rất có lợi cho người thế gian. Vì vậy tôi xin Ngài lấy các sách chiêm tinh ra và dạy tôi môn Chiêm tinh”. Đức Văn Thù lấy sách Chiêm tinh ra khỏi chỗ cất giấu rồi dạy Đức Liên Hoa Sanh tất cả các môn này.

CÁC VỊ THẦY KHÁC

Sau đó Đức Liên Hoa Sanh học thêm giáo lý với Đức A Đề Phật và Ngài cũng học với các vị thầy khác tám giáo lý về các vị thần Hiền Hòa và Phẫn Nộ, quỷ thần thuọc ba cõi luân hồi, những bài kinh tụng, thần chú nguyền rủa, tinh yếu của tất cả tinh túy tôn giáo, và tính chất của việc phụng hiến. Các vị thần thuộc các môn này cũng xuất hiện trước mặt Ngài. Ngài xây một cái tháp có 13 bậc để cất giấu các sách viết về tám giáo lý này.

ĐỨC LIÊN HOA SANH LẤY LẠI KINH SÁCH

Một vị Dakini hiện ra trước Đức Liên Hoa Sanh và chào Ngài như: “Hóa thân của Tâm Phật A Di Đà” rồi nói rằng đã đến lúc Ngày lấy lại các kinh sách viết lời dạy của Đức Phật đã được cất giấu trước kia. Đức Liên Hoa Sanh thu thập các kinh sách từ các cõi trời, cõi Naga và cõi loài người. Khi đã học thông thạo các kinh sách này, Ngài được gọi là “Đấng Giàu Mạnh Của Thế Gian” (giàu và mạnh về trí huệ).

ĐỨC LIÊN HOA SANH ĐẠT QUYỀN NĂNG TÂM LINH

Ngài đi tới Núi Linh Thứu để học thuần thục các pháp luyện sức khỏe và trường thọ; đạt quyền năng tâm linh về năm giác quan bằng cách tuyệt thực và chỉ uống nước, giữ sức khỏe và thân nhiệt trong khi khỏa thân phương pháp làm cho tâm trí trong sáng, thân thể nhẹ nhàng, chạy nhanh bằng cách điều hòa cơ thể, sống lâu và học rộng như bầu trời bằng cách tuyệt thực và ứng dụng giáo lý về Tánh Không. Do thực hành mọi sám hối, Ngài chịu đựng mọi khó nhọc. Lúc này danh hiệu của Ngài là “Người Hưởng Đại Lạc”.

Đức Liên Hoa Sanh cũng đạt quyền năng rút cam lộ từ cát và sỏi, biến đồ dơ và thịt xác chết thành thực phẩm thanh tịnh, và nghệ thuật nhào lộn. Ngài được gọi là “Người Hưởng Thực Phẩm Một Cách Đế Vương”.

Đức Liên Hoa Sanh còn thủ đắc các quyền năng trường thọ bằng cách dùng tinh chất của vàng, phòng bệnh bằng tinh chất của bạc, đi trên nước bằng tinh chất của ngọc trai, hóa giải chất độc bằng tinh chất của sắt, đắc huệ nhãn bằng tinh chất của lam ngọc. Bây giờ Ngài có tên là “Hoa Sen Tinh Chất Của Ngọc”.

Đức Liên Hoa Sanh thuần thục trong cách dùng một ngàn loại tinh chất như vậy, và Ngài truyền bá phương pháp này vì lợi ích của mọi người.

Dược sư Phật xuất hiện đưa cho Ngài một bình cam lộ và bảo Ngài uống, Ngài uống một nửa còn một nửa Ngài giấu trong một bảo tháp. Bây giờ Ngài được gọi là “Liên Hoa Sanh Thành Tựu Giả”.

No comments:

Post a Comment