Saturday, July 27, 2013

Truyền thuyết về đạo sư Liên Hoa Sanh - 3

Mệt chưa?  Ai trì chí và nosy thì xin đọc tiếp nha.

-----------------------

ĐỨC LIÊN HOA SANH TIÊU DIỆT BỌN ĐỒ TỂ



Ở một thành phố kia có nhiều người làm nghề sát sinh. Để tiêu diệt họ Đức Liên Hoa Sanh đầu thai làm một người con của họ và có tên là Kati kẻ Hoang Đàng Tay Quỷ. Vì làm nghề đồ tể, Kati không thấy có sự khác nhau giữa việc giết và ăn thịt loài thú với giết và ăn thịt loài người, vì vậy Kati giết các đồ tể và ăn thịt họ. Khi Kati cắt từng miếng thịt của mình để ăn thì người ta chửi và đuổi Ngài đi.

Kati làm quen với một đồ tể tên là Tumpo, cũng độc ác như Ngài, và nói với y rằng vì hai người có lối sống giống nhau nên sẽ hành động cùng với nhau. Kati đưa cung tên và bẫy cho Tumpo rồi nói: “Hãy ra sức giết bọn đồ tể kia, còn ta sẽ hết sức đưa thần thức của họ tới cõi của các vị thần”. Thế là tất cả các đồ tể đều bị giết.

NHIẾP PHỤC CÁC QUỶ THẦN

Tiếp theo, Đức Liên Hoa Sanh nhiếp phục các ngoại đạo và các quỷ thần, họ phát nguyện sẽ giúp Ngài thiết lập Giáo Pháp. Ngài viết một quyển sách về cách nhiếp phục quỷ thần và cất giấu quyển này trong một tảng đá.

Ngài nghĩ: “Mình không thể dễ dàng truyền bá Giáo pháp cứu độ chúng sinh khi chưa tiêu diệt điều xấu”. Rồi Ngài trở về nghĩa địa “Gỗ Trầm Mát” gần Bodh Gaya và làm ở đó một ngôi nhà bằng sọ người có tám cửa, ở bên trong có một cái ngai nơi Ngài ngồi thiền. Vị thần Phẫn Nộ Tho Wo Hum Chen (Hộ pháp của các chùa) xuất hiện, đảnh lễ Ngài rồi nói: “Hỡi Đấng Kim Cương Thân, Người Giữ Đạo Thích Ca, ngồi trên ngai như sư tử, tự sinh, tự lớn, người chinh phục sinh, lão và tử, trẻ trung vĩnh cửu, vượt mọi nhu nhược của thể xác, Ngài là Pháp thân. Ngài chiến thắng quỷ ngũ uẩn, quỷ đau khổ và bệnh tật, sứ giả của Diêm Vương, và quỷ tham dục. Hỡi Người Anh Hùng, đã tới lúc để Ngài hủy diệt những điều xấu này”.

Rồi Đức Liên Hoa Sanh xuất thiền, leo lên nóc nhà, dựng tám lá cờ chiến thắng, trải những tấm da người lấy từ những xác chết ở nghĩa địa rồi nhảy múa ở trên đó một cách dữ dội. Ngài biến thành có chín đầu và mười tám tay. Ngài niệm thần chú với một chuỗi xương để chế ngự và giết tất cả những loài ma quỷ này, ăn tim và uống máu của chúng. Ngài biến thần thức của chúng thành chủng tự “Hum” rồi làm cho “Hum” biến vào các cõi trời. Bây giờ Ngài được gọi là “Tinh Chất Kim Cương”.

Đức Liên Hoa Sanh tự biến thành vua của các vị Thần Phẫn Nộ rồi nhập thiền để diệt trừ ma quỷ và giết tất cả những người đàn bà phạm giới nguyện rồi đưa thần thức của họ lên các cõi Phật, vì vậy Ngài được gọi là “Người Diệt Quỷ”.

Biến thành thần đầu ngựa Hayagriva, Đức Liên Hoa Sanh nhảy múa trên một hồ nước độc nóng sôi để nhiếp phục tất cả các naga (rồng, rắn) độc ác sống trong hồ, và Ngài được gọi là “Người Nhiếp Phục Naga”.
Biến thành hình dạng các vị thần khác, Ngài chế ngự các loài quỷ gây bệnh, chướng ngại, mưa đá và nạn đói. Trong hình dạng Văn Thù Đỏ, Ngài điều khiển tất cả các vị thần sống ở các cõi trời của Brahma (Phạm Thiên) bằng cách niệm thần chú của họ. Ngài cũng biến thành các hình dạng khác để nhiếp phục tất cả các loài ma quỷ dữ.

Như Hala Hala (Quán Thế Âm sáu mặt), Đức Liên Hoa Sanh chế ngự các ma quỷ liên quan tới đồng cốt. Như Thân Có Ba Mươi Hai Chữ Vạn Phẫn Nộ, Ngài chế ngự chín hành tinh Mặt Trời, Mặt Trăng, Hỏa Tinh, Thủy Tinh, Kim Tinh, Mộc Tinh, Thổ Tinh, Raha, Khetu và mọi vật chịu ảnh hưởng của chúng. Như Diêm Vương (Yama) có sáu mặt, Ngài chế ngự mọ vị thần dưới quyền của Diêm Vương. Ngài cũng nhiếp phục Pe Har, vua của ba cõi luân hồi, cũng như Mahadeva, Pashupati và các vị thần khác của người Bà La Môn cùng với các vị thần của Danh Giáo. Thần Mahakala và các Nữ Thần Remati và Ekadzati đã xuất hiện để ca tụng Ngài đã chinh phục mọi quỷ thần.

PHỤC HỒI MA QUỶ VÀ DẠY GIÁO PHÁP

Sau khi nhiếp phục ma quỷ, Đức Liên Hoa Sanh muốn đạt Trí Huệ Chân Lý, nên Ngài đi tới Bodh Gaya để tiêu diệt vô minh bằng oai lực của kinh sách, và Ngài tham thiền ở đó. Bằng cách niệm thần chú “Hri Hum Ah”, Ngài làm sống lại tất cả các ma quỷ và Naga mà Ngài đã giết, dạy chúng Giáo Pháp, gia trì lực cho chúng, và dùng chúng vào việc bảo vệ Giáo Pháp. Sau đó Ngài dạy hiển giáo và mật giáo cho các Dakini, đặc biệt là bốn Dakini trưởng thượng ở hồ Dhanakosha nơi Ngài sinh ra. Vajra Varahi và các Dakini này đều chịu phục Ngài. Ngài cũng dạy các vị thần của Tám Hành Tinh.

CÔNG CHÚA MANDARAVA

Đức Liên Hoa Sanh đi tới thành phố Sahor ở góc tây bắc của xứ Urgyan. Vua Arshadhara của Shahor có 360 người vọ và 720 viên quan. Khi vua và hoàng hậu giao hợp, Đức Liên Hoa Sanh phóng một tia sáng vào bụng hoàng hậu bà mộng thấy một trăm mặt trời làm cho xứ Sahor khô hạn và từ đỉnh đầu bà mọc ra một bông hoa bằng lục ngọc, khi bà mang thai, các vị thần nam nữ đến che cho bà. Bà hạ sinh một bé gái và vì vậy làm Hoàng gia không vui lòng, nhưng một đạo sĩ nói rằng công chúa có 32 tướng tốt của một vị Phật và là con gái của một vị thần, do đó sẽ không lấy chồng mà sẽ trở thành một nữ tu sĩ. Đạo sĩ đặt tên cho công chúa là Mandarava.

Đến năm 13 tuổi, công chúa được mọi người coi là hóa thân của một nữ thần và được 40 ông hoàng của các xứ từ Ba Tư tới Trung Hoa cầu hôn. Khi công chúa từ chối tất cả những người này, nhà vua ra lệnh cho nàng phải chọn một người trong vòng ba ngày. Vì biết các kiếp trước của mình nên công chúa nói với nhà vua rằng nàng phải đi tu. Nhà vua liền cho 500 tì nữ canh phòng nàng và nói rằng nếu để cho nàng tự tử họ sẽ bị giết hết.

Có một lần khi mấy người hầu không tìm được thịt mà hoàng hậu muốn ăn, bà bí mật bảo Mandarava ra chợ tìm mua. Nhưng vì không tìm được thịt nên công chúa cắt một miếng thịt từ xác chết của một đứa bé mà nàng trông thấy khi trở về hoàng cung. Hoàng hậu bảo công chúa nấu thịt để làm một món ăn. Khi ăn món thịt này, nhà vua bỗng bay lên cao lơ lửng trong không khí, vì vậy Ngài cho rằng đây là thịt của người Bà La Môn đã tái sinh bảy lần, và Ngài cho đi lấy xác của người đó để làm những viên thuốc huyền diệu rồi đựng trong một cái hộp đem chôn ở một nghĩa địa với sự bảo vệ của Dakini.

MANDARAVA ĐI TU

Mandarava và một nữ tì chạy trốn khỏi hoàng cung tới một khu rừng, ở đây nàng bỏ hết y phục và đồ trang sức quý giá, nhổ tóc và dùng móng tay cào rách mặt để hủy hoại nhan sắc của mình rồi nhập thiền.
Khi người nữ tì vội chạy về hoàng cung nói cho nhà vua biết, Ngài liền mời các ông hoàng đến cầu hôn trở về xứ của họ với lý do là Mandarava đã đi tu. Ngài cho công chúa và 500 nữ tì thọ giới và xây cho họ một tu viện nguy nga.

ĐỨC LIÊN HOA SANH DẠY MANDARAVA

Biết là đã đến lúc dạy công chúa Mandarava, Đức Liên Hoa Sanh cưỡi mây bay từ Hồ Dhanakosha tới tu viện. Ở trong vườn tu viện, Mandarava và các nữ tì trông thấy một người trẻ tuổi tươi cười ngồi trên một cầu vồng, trong không khí thì có tiếng chiêng và mùi hương thơm, và họ đều bất tỉnh vì ngạc nhiên. Đức Liên Hoa Sanh làm cho họ tỉnh lại bằng cách phóng ra những tia sáng đỏ, trắng và xanh. Mandarava mời Ngài vào tu viện để thuyết pháp.

Khi được Mandarava hỏi về thân thế, Ngài nói: “Ta không có cha mẹ. Ta từ Chân Không hiện ra. Ta là tinh túy của A Di Đà và Quán Thế Âm, ra đời trong hoa sen trên Hồ Dhanakosha. Cùng tính chất với A Đề Phật, Kim Cương Trì và Đức Phật ở Bodh Gaya, ta là Liên Hoa Sanh sinh ra từ các vị này. Ta sẽ giúp đỡ chúng sinh. Ta là vị thầy của Tám Cha, Tám Mẹ, Tám Nơi Đến, Tám Chỗ Ở, Tam nghĩa địa Để Hành Thiền, Tám loại Đạo Sư, Tám Loại Trí Huệ, Tám Lama Tối Cao, Tám Loại Ảo Thuật, Tám Loại Y Phục, Tám Vị Thần Khó Cúng Dường, Tám Phần Y Phục Đạo Sĩ Trong nghĩa địa, Tám Quá Khứ, Tám Tương Lai, Tám Loại Lỗi Quá Khứ và Tám Loại Lỗi Tương Lai. Ta đã kết tập mọi giáo lý hoàn hảo. Ta biết rõ quá khứ, hiện tại và tương lai. Ta sẽ dựng Cờ Chân Lý khắp thế gian. Ta là vị Thầy vô song của tất cả.”
Đức Liên Hoa Sanh dạy Mandarava và 500 nữ tì về Ba Môn Yoga. Họ thực hành các môn này.

ĐỨC LIÊN HOA SANH BỊ BẮT

Một người chăn trâu trông thấy Đức Liên Hoa Sanh tới tu viện và nghe họ nói chuyện với nhau. Y nói với mọi người là công chúa Mandarava sống với một đạo sĩ trẻ tuổi và nàng không phải là người đức hạnh như người ta vẫn tưởng. Khi nghe thấy lời đồn, nhà vua hưa thưởng cho ai chứng minh được những điều này là có thật. Người chăn trâu liền ra mặt đòi phần thưởng. Nhà vua ra lệnh phá tu viện để bắt Đức Liên Hoa Sanh rồi ra lệnh: “Lấy dầu cải thiêu sống nó. Lột trần Mandarava nhốt trong một cái hố có đầy gai trong 25 năm. Che miệng hố lại để nó không trông thấy bầu trời xanh. Cho hai nữ tu trưởng vào ngục. Những nữ tu khác ở trong tu viện phải bị giữ cho không nghe thấy tiếng của một người đàn ông nào cả.”

Quân sĩ lột trần Đức Liên Hoa Sanh, trói tay sau lưng, nhổ vào Ngài, đánh và ném đá Ngài, rồi trói Ngài vào một cái cọc ở ngã ba đường. Mười bẩy ngàn người được lệnh mang tới một bó củi và một chút dầu cải. Họ lấy một cuộn vải đen nhúng trong dầu cải rồi cuốn quanh người Ngài. Giản hỏa làm bằng củi và lá cây được tưới dầu cải và cao như núi. Khi được châm lửa ở bốn hướng, giàn hỏa bốc lửa và khói che kín cả bầu trời.
Bỗng có tiếng nổ lớn như động đất. Tất cả các vị thần và các vị Phật đều tới cứu Đức Liên Hoa Sanh. Có vị biến hóa một hồ nước, có vị gạt củi ra, tháo tấm vài dầu bọc quanh Ngài, có vị quạt cho Ngài. Sau bẩy ngày mà khói vẫn bốc lên từ giàn hỏa, nhà vua nghĩ: “Người này có thể là hóa thân của một vị thần nào đó”. Rồi Ngài cho người đi xem giàn hỏa. Ở đó họ kinh ngạc khi trông thấy một hồ là một hoa sen với một bé trai khoảng tám tuổi có hào quang ngồi ở trên. Tám thiếu nữ có hình dạng giống như công chúa Mandarava đứng hầu em bé đó.

Khi được tấu trình, nhà vua nghĩ đây chỉ là một giấc mơ, và Ngài đi ra hồ để thực sự nhìn thấy em bé. Em bé đó la lên: “Vị vua độc ác kia, ngươi đã có ý định thiêu chết vị Đại Sư của quá khứ, hiện tại, tương lai. Người chỉ nghĩ tới những chuyện thế gian chứ không biết gì tới Giáo Pháp. Người nhốt người ta mà không có lý do. Ngươi chỉ làm điều xấu vì bị ngự trị bởi Năm Độc, tham, sân, si, ganh tị, kiêu ngạo. Người không biết gì về tương lai. Các ngươi đã phạm Mười Giới Điều.”

Nhà vua thành thật sám hối, nhận ra Đức Liên Hoa Sanh là vị Phật của quá khứ, hiện tại, tương lai, và xin dâng bản thân cũng như vương quốc của mình cho Ngài. Đức Liên Hoa Sanh nói: “Đừng than thở nữa. Hoạt động của ta rộng lớn như bầu trời. Ta không biết tới sướng hay khổ. Lửa không thể thiêu đốt được thân an lạc bất tử này.”

Nhà vua cho người tới đưa Mandarava về nhưng nàng không chịu ra khỏi cái hố đầy gai cho đến khi nhà vua đích thân tới giải thích mọi chuyện. Rồi công chúa Mandarava ca tụng Đạo Sư của mình và Đức Liên Hoa Sanh cũng ca tụng nàng. Sau đó, nhà vua dâng cho Ngài vương quốc và Mandarava.

ĐỨC LIÊN HOA SANH NGĂN CẢN CHIẾN TRANH

Những người tới cầu hôn Mandarava trước đây làm chiến tranh với nhà vua vì Ngài đã dâng Mandarava cho Đức Liên Hoa Sanh. Mahapala kéo quân tới trước hết. Sau khi nhận được cung và tên toàn thắng của các vị thần, Đức Liên Hoa Sanh gởi một bức thư cùng với một con voi chở những cung tên này và hai dũng sĩ khổng lồ đi hộ tống. Khi Mahapala trông thấy những cây cung lớn và hai dũng sĩ, ông ta liền rút quân về. Vì có tin đồn không ai có thể dùng những cung tên lớn như vậy, Đức Liên Hoa Sanh ra lệnh cho Rahula lấy một cây cung và một mũi tên bắn trúng một cái đích bằng sừng ở khoảng cách mà người ta không trông rõ một người, thế là các vị vua chúa đều rút quân về.

VUA XỨ SAHOR ĐƯỢC ĐIỂM ĐẠO

Vua xứ Sahor tôn Đức Liên Hoa Sanh là Đạo sư của mình và xin Ngài dạy các giáo lý Mật Chú, Mật Điển và Kinh Điển. Ngài nói: “Chìm đắm trong việc thế gian mà lại giữ giới thì đó là điều khó. Học giáo lý mật giáo mà không làm lễ truyền pháp thì cũng như đổ nước vào một cái bình bằng đất không nung trong lò”. Nhưng sau khi thực hành các pháp tu tập, nhà vua và 21 người khác được điểm đạo, và nhà vua trở thành một vị thầy dạy Giáo Pháp.

MANDARAVA HỎI ĐẠO

Một hôm Mandarava hỏi Đức Liên Hoa Sanh về đạo pháp và Ngài trả lời như sau:
- “Kinh Điển khác Mật Chú và Mật Điển ở chỗ nào?”
- “Kinh Điển là nhân, Mật Chú và Mật Điển là quả”.
- “Đại thừa và Tiểu thừa khác nhau ở chỗ nào?”
- “Khác ở hai điều hiển giáo và mật giáo (công truyền và bí truyền)”
- “Có gì khác nhau giữa sự thật hữu vi và sự thật vô vi?”
- “Đó là sự khác nhau giữa tục đế và chân đế (sự thật một phần và sự thật trọn vẹn)”.
- “Chỗ khác nhau giữa nghi thức công truyền và Trí Huệ là gì?”
- “Đó là sự khác nhau giữa không và có”.
- “Luân hồi và Niết bàn có gì khác nhau?”
- “Khác ở điểm Vô Minh và Trí Huệ”.

Khi Mandarava hỏi về các kiếp quá khứ và tương lai của mình, Ngài nói rằng câu trả lời sẽ rất dài để có thể nói ngay. Mandarava lại hỏi: “Trong kiếp trước, ai là cha của tôi?” Ngài nói: “Cha của nàng là con trai của một vị vua đạo sĩ xứ Kalinga. Ông quy y thọ giới với Đức Phật ở thành Ba Nại (Benares) và làm cho người Danh Giáo và Ấn Giáo theo Phật Giáo. Ông trụ trì tu viện Vikramashila. Nhưng vì ông đánh người ngoại đạo và giết nhiều người nên vẫn phải luân hồi, đầu thai trong bụng hoàng hậu của vua Arti. Khi hoàng hậu chết và được quàn ở trong nghĩa địa, ta đã mổ lấy thai nhi ra nhưng nó đã chết và tái sinh làm vua cha của nàng”.

- “Kiếp sau cha tôi sẽ ra sao?”
- “Trước hết ông sẽ là một người tên là Akara Mati Shila ở xứ loài khỉ Tây Tạng. Sau đó ông sẽ tái sinh ở xứ Dạ Xoa. Rồi ông sẽ là một hoàng tử của vua xứ Katala. Rồi lại sinh ra trong loài bán thần và ta sẽ là đạo sĩ của ông. Sau đó ông là Deva Akarachandra con của một tu sĩ ở Nepal. Rồi sau khi được Đức Quán Thế Âm dạy ở cõi của Ngài, ông sẽ đầu thai làm hoàng tử Lhaje con của vua Mu Thi Tsan Po của Tây Tạng và sẽ gặp ta ở đó, một lần nữa ta sẽ nói với ông về tương lai của ông. Sau 20 kiếp ông sẽ tái sinh ở Sahor, có khi là một vị vua đạo đức, có khi là một học giả, có khi ở trong hoàn cảnh thấp kém hơn, nhưng do sự từ bi của ta, ông sẽ không bao giờ sinh vào địa ngục. Tất cả những điều này nàng phải giữ bí mật”.

Đức Liên Hoa Sanh dạy công chúa Mandarava Giáo Pháp và Giới Luật. Ngài ở lại xứ Sahor 200 năm và làm cho người dân xứ này tin theo Giáo Pháp.

THAM THIỀN TRONG HANG

Đã đến lúc truyền bá Giáo Pháp khắp Ấn Độ, Trung Hoa, Tây Tạng, Nepal và các xứ ngoại đạo, Đức Liên Hoa Sanh cho Mandarava biết là Ngài sắp ra đi. Nàng thỉnh cầu Ngài hãy dạy cho mình môn Yoga Kundalini trước. Ngài nói: “Ta sắp đi tới Ripotala (Phổ Đà, cõi của Bồ tát Quán Thế Âm) ở phương đông. Vào đêm thứ ba sau khi ta đi hãy quay mặt về hướng đông cầu khẩn ta thành tâm, ta sẽ tới với nàng”. Rồi Ngài ngồi trên mọt cái ngai làm bằng hai chùy kim cương bắt chéo, và được bốn nữ thần đưa tới cung điện của Đức Quán Thế Âm, nơi Ngài tham thiền trong một cái hang.

Cảm thấy cô đơn và buồn lòng, Mandarava vừa khóc vừa trốn ra khỏi cung điện Sahor. Đức Liên Hoa Sanh hiện ra với nàng và nói: “Nàng không biết nhiếp phục mình mà lại muốn biết tất cả giáo lý của ta. Hãy từ bỏ những chuyện phàm tục, chú tâm vào Giáo Pháp”. Rồi Ngài đưa nàng tới cái hang ở cõi của Đức Quán Thế Âm để cầu nguyện và cúng dường Đức Phật Vô Lượng Thọ. Đức A Di Đà hiện ra, đặt chiếc bình trường thọ lên đầu Đức Liên Hoa Sanh và Mandarava, cho hai người uống cam lộ bất tử, điểm đạo và ban cho họ sự bất tử cho tới cuối đại kiếp. Đức Liên Hoa Sanh được biến thành Hayagriva, và Mandarava được biến thành Vajra Varahi. Cả hai đều có quyền năng biến thành cầu vồng hay tàng hình. Sau đó hai người trở xuống thế gian trú ngụ trong một cái hang ở xứ Kotala, ở lại xứ này 12 năm để tu tập và được vua Kotala cúng dường phẩm vật.

CÔNG CHÚA KOTALA HY SINH CHO THÚ ĐÓI

Dùng huệ nhãn, Đức Liên Hoa Sanh trông thấy một nghĩa địa nơi những con thú sống bằng thịt xác chết đang bị thiếu đói vì thiếu xác chết. Do lòng từ bi lớn với những con thú này, Ngài đi tới nghĩa địa tự hiện mình cho chúng dùng làm thức ăn. Nhưng vì thân thể Ngài vô hình (đây là thể vía) nên mấy con thú không thể ăn được.
Để tìm cách cứu sống mấy con thú này, Đức Liên Hoa Sanh nhập thiền và thấy rằng vị vua trước của xứ Sahor đã tái sinh làm công chúa xứ Kotala, và Ngài nghĩ rằng thịt của vị công chúa này có thể được dùng làm thực phẩm cho mấy con thú. Ngài biến mình thành một cặp diều hâu làm tổ và đẻ trứng, Khi công chúa đi ra ngoài thành tìm cỏ “Kusha” và trông thấy trứng diều hâu, nàng lấy lá cây phủ lên tổ chim để che cho mấy quả trứng, lấy đá chặn ở các góc để tổ không bị gió thổi bay. Con diều hâu trống cũng giúp nàng làm những việc này. Vì vậy lòng xót thương được gợi trong công chúa và nàng quyết định sống cuộc đời đạo pháp. Công chúa đi tới chỗ của Đức Liên Hoa Sanh và Mandarava để được chỉ dẫn. Ngài nói với công chúa: “Nếu nàng muốn trở thành tu sĩ thì trước hết phải biết tới cái khổ của những con thú trong nghĩa địa, hay đi tới đó hiến thể xác của mình cho chúng. Khi ăn thể xác của nàng, tất cả những con thú đó sẽ tái sinh làm người và sẽ là đệ tử của nàng sau vài kiếp nữa khi nàng tái sinh làm vua Srong Tsan Gampo ở xứ Tuyết. Vị vua đó sẽ cử người đi thỉnh bức tượng của Đức Quán Thế Âm về Tây Tạng. Vào lúc đó những con thú này sẽ tái sinh làm người, một số ở miền Đông Ấn Độ, một số ở Singala. Họ sẽ quy y Tam Bảo và xây 200 Tu viện. Bức tượng Quán Thế Âm có mười một mặt sẽ được mang về Tây Tạng và Con Cái Của Khỉ (người Tây Tạng) sẽ thờ phụng Ngài”.

Công chúa liền đưa cho Đức Liên Hoa Sanh y phục và đồ trang sức của mình rồi đi tới nghĩa địa hiến thể xác cho những con thú.

Khi vua xứ Kotala được Ngài cho biết về việc làm đầy từ bi của công chúa, ông cũng xin Ngài dạy Giáo Pháp cho mình. Đức Liên Hoa Sanh tới hoàng cung thuyết giảng giáo lý Đại thừa về sự tự hy sinh và Bồ đề tâm vì lợi ích của chúng sinh.

VUA ASHOKA

Sau khi viếng Tám Nghĩa Địa Lớn ở Ấn Độ, và những nơi khác, Đức Liên Hoa Sanh tới kinh đô Pataliputra của vua Ashoka (A Dục) vị vua đã gây tranh chấp giữa hai phái tu sĩ già và trẻ, đã giết các tu sĩ phái trẻ và đánh rồi để cho chết các tu sĩ phái già. Vua Ashoka cũng đã gây chiến với một vị vua địch thủ và đang giữ ông vua này làm tù nhân.

Để kềm chế Ashoka, Đức Liên Hoa Sanh biến thành một tỳ khưu rồi đi tới hoàng cung khất thực. Khi gặp Ngài, vua Ashoka nói: “Người này tới đây là để tỏ ý khinh thường ta”, rồi ra lệnh nhốt Ngài vào ngục. Sau đó Ngài bị liệng vào một cái vạc dầu sôi lớn để nấu cho đến khi tan ra, theo lệnh của nhà vua. Ngày hôm sau, nhà vua trông thấy một hoa sen mọc lên từ vạc dầu và ngồi trên hoa sen là vị tỳ khưu. Quá kinh ngạc, vua Ashoka tức khắc nhận ra sai lầm của mình, cúi lạy vị tỳ khưu và hỏi Ngài mình phải làm gì để chuộc lại tội lớn này. Đức Liên Hoa Sanh trả lời: “Chỉ bằng cách xây mười triệu bảo tháp trong một đêm và bố thí thật nhiều cho người nghèo thì Ngài mới có thể chuộc lại tội lỗi.”.

Nhà vua nói: “Bố thí nhiều cho người nghèo thì dễ nhưng xây mười triệu bảo tháp trong một đêm thì khó. Có lẽ Ngài muốn nói rằng tôi sẽ không thể rửa sạch được tội lỗi”. Đức Liên Hoa Sanh trả lời: “Ngài sinh ra trong thế gian là để thực hiện lời tiên tri của Đức Phật. Nếu Ngài đến cầu nguyện trước cây Bồ Đề ở Bodh Gaya, Ngài sẽ xây được mười triệu bảo tháp.”
Nhà vua đi tới cây Bồ Đề và cầu nguyện: “Nếu sự thật tôi sinh ra là để thực hiện lời tiên tri của Đức Phật, nguyện tôi được hộ trì để xây mười triệu bảo tháp trong một đêm”. Lời cầu nguyện này được thực hiện và ở thành Maghadha vua Ashoka bố thí thật nhiều cho người nghèo.

HAI HOÀNG TỬ TRANH ĐUA

Bây giờ Đức Liên Hoa Sanh trú ngụ ở một nghĩa địa trong xứ Baidha của một vị vua đạo sĩ tên là Balin, một người rất giỏi về y học. Balin có hai người vợ, mỗi người sinh một con trai. Balin bí mật dạy đứa con của người vợ thứ nhất tất cả kiến thức y học của mình nhưng không dạy gì cho đứa con của người vợ thứ nhì cả, một hôm nhà vua nói rằng sẽ cho hai hoàng tử thi tài y học. Người mẹ của hoàng tử nhỏ nghĩ rằng nhà vua tổ chức cuộc thi để chọn một người kế vị ngôi báu, và bà khóc lóc vì con trai của mình không biết gì về y học cả. Hoàng tử nhỏ bảo mẹ mình đừng than khóc nữa rồi đi gặp Đức Liên Hoa Sanh để nhờ Ngài dạy năm môn y học cao cấp. Ngày thi đã tới, nhà vua tuyên bố hoàng tử nào có nhiều tri thức y học nhất sẽ được kế vị.

Trong cuộc thi công khai này, hoàng tử lớn cho thấy mình thông thạo 300 luận thư y học, nhưng hoàng tử nhỏ còn biểu lộ nhiều tài năng hơn vì ngoài 300 luận thư y học, chàng còn thuyết giảng Phật pháp một cách tuyệt diệu đến nỗi quỷ thần và các Naga (tức Long thần hộ pháp) hiện ra đảnh lễ chàng.
Vua Balin nói: “Ngươi không được dạy mà lại quán thông mọi thứ”. Rồi ông quỳ xuống trước hoàng tử nhỏ, đặt hai chân của chàng lên đầu mình. Người vợ thứ nhất nổi giận kêu lên: “Ngài đã bí mật dạy con trai của tôi, nhưng Ngài lại truyền tinh túy y học cho hoàng tử nhỏ. Nếu hai người đều được dạy như vậy thì con tôi đã thắng. Bây giờ Ngài làm nhục nó trước mặt mọi người, nếu Ngài không chia đều vương quốc cho hai người, tôi sẽ tự tử ngay bây giờ”. Nhà vua đồng ý chia đôi vương quốc, nhưng hoàng tử nhỏ không nhận phần chia và nói rằng mình sẽ làm tu sĩ. Hoàng tử trở thành đệ tử của Đức Liên Hoa Sanh, học thông thạo Kinh Điển, Mật Điển và Mật Chú, viết nhiều luận thư về đạo pháp, y học, và có tên là Siddhi Phala hay Thành Tựu Quả.

ĐẠO SĨ NGẮM MẶT TRỜI

Trong khoảng thời gian này, một đạo sĩ tu luyện pháp ngắm mặt trời đang thuyết giáo lý ngoại đạo. Ông ta thực hành pháp thu sinh lực của mặt trời vào cơ thể của mình, và khi ông mở mắt ra một tia lửa phóng ra từ hai mắt làm cho tu viện Vikramashila ở thành Magadha bốc cháy và nhiều kinh sách bị hủy hoại. Tai họa này làm cho vua Naga là Muchilinda bị bệnh nặng (vì Naga hay rắn thần có nhiệm vụ bảo tồn kinh sách). Một vị vua khác của loài Naga là Nanda biết là Muchilina sẽ chết nếu không được cứu chữa ngày bởi một y sĩ loài người. Tỳ khưu Siddhi Phala được mời tới và chữa khỏi cho Muchilinda. Để trả ơn, vua Naga biếu Tỳ khưu một phần lớn bộ kinh “Boom” tức Kinh Bát Nhã mà Đức Ananda, đại đệ tử của Đức Phật, đã giao cho các Naga bảo tồn. Phần kia của bộ “Boom” được các Naga giữ lại để làm vật bảo đảm cho lời hứa của Tỳ khưu Siddha Phala sẽ trở lại xứ của họ. Tỳ khưu này trở về cõi loài người với bộ kinh “Boom” và được nổi tiếng với tên Nagarjuna (Luận Sư Long Thọ).

ARYA DEVA

Khi Đức Liên Hoa Sanh trú ngụ ở một nghĩa địa trong xứ Singala, vua của xứ này là Shri Phala cúng dường Ngài và trở thành đệ tử của Ngài. Bằng huệ nhãn, Đức Liên Hoa Sanh thấy người ngoại đạo kéo quân tới hủy diệt Tu viện Vikramashila tái lập tôn giáo của họ. Sau đó, người làm vườn của vua Shri Phala thấy một hoa sen lớn mọc trên một cái hồ trong vườn của hoàng cung. Khi vua và hoàng hậu ra xem họ thấy trong hoa sen có một bé trai đẹp đẽ khoảng tám tuổi. Một đạo sĩ nói: “Đây là hóa thân của Shakya Mitra, có nhiệm vụ tiêu diệt Maticitra, kể địch lớn của Phật giáo, có thầy dạy là thần Mahadeva. Hãy mang em bé này về nuôi ở cung điện”.

Đức Liên Hoa Sanh điểm đạo truyền pháp cho em bé, và em bé được gọi là Arya Deva (Thánh Thiên). Em bé xin Đức Liên Hoa Sanh cho mình thọ giới, nhưng Ngài nói: “Người phải thọ giới với Nagarjuna”. Arya Deva trở thành một trong những luận sư vĩ đại nhất của Phật giáo.

Đức Liên Hoa Sanh ở lại Baidha và Singala gần 200 năm. Làm cho nhiều người tin theo Đại thừa Phật giáo.

THIẾT LẬP PHẬT PHÁP Ở BENGAL

Ở miền đông xứ Bengal có một vị vua trẻ tuổi ngoại đạo hùng mạnh nhưng độc ác ngự trong một cung điện có sáu vòng hoài và tám cửa. Vị vua này nuôi một con mèo có một ngàn mắt, và có một viên ngọc huyền diệu tỏa ra ánh sáng.

Để tiêu diệt vị vua này Đức Liên Hoa Sanh cho Mandarava biến thành một người có mặt mèo rồi dùng huyền thuật hóa hiện một đạo quân 81000 người tiến đánh vương quốc đó và giết được vị vua. Năm nữ thần khoái lạc của vị vua được chuyển hóa. Với hình dạng của A Đề Phật, Đức Liên Hoa Sanh đưa thần thức của tất cả những người bị chết trong trận đánh đó lên các cõi trời. Những người sống thì được Ngài dạy để theo Phật giáo. Ngài làm cho xứ này phồn thịnh, nhân dân hạnh phúc.

Tu viện Vikramashila được tái thiết, nhưng vua Houlagou của Ba Tư tiến đánh với một đạo quân lớn phá hủy 12 ngôi nhà của tu viện cùng với nhiều kinh sách. Hai Tỳ khưu có học là Thok Me (Tức luận sư Aganga hay Vô Trước) và Yik Nyen tự biến thành hai Tỳ khưu ni. Hai vị này giới thiệu và trình bày Năm Giáo Lý của Đức Maitreya (Bồ tát Di Lặc), Tám Luận Thư “Prakarana” và luận thư “Abhidharma Kesha” (A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận của Thế Thân).

ĐỨC LIÊN HOA SANH ĐẮC PHẬT QUẢ

Đức Liên Hoa Sanh tới Bodh Gaya và, với sự hiện diện của Đạo sư Singha, lập các Mandala của các vị Thần Phẫn Nộ liên quan tới ba pháp Ati Yoga, Chitti Yoga, Yanti Yoga, và trình bày với Đạo sư Singha phương pháp đạt Niết Bàn bằng giáo lý và hành vi. Khi đã nói xong, Đức Liên Hoa Sanh bay lên trên không cao đến nỗi không thể trông thấy Ngài, rồi Ngài tái xuất hiện trong các hình dạng khác nhau, biểu diễn nhiều quyền năng huyền diệu. Ngài trở xuống mặt đất, xây một bảo tháp bằng ngọc rồi dâng cho Chư Phật.
Nhiều học giả chứng kiến cuộc thi triển pháp thuật, thỉnh cầu Ngài dạy họ Giáo Pháp, và Ngài thuyết giảng cho họ về Kinh Điển, Mật Điển, Mật Chú, Luận Tạng, Luật Tạng và y học, vì vậy họ gọi Ngài là “Đại Học Giả”. Ngài cũng dạy họ trọn vẹn môn “Kriya Yoga” (Du Già Hành Động, về các nghi thức thờ phụng), và họ gọi Ngài là “Kim Cương hoàn hảo”.

Họ ghi chép tất cả những gì Ngài dạy rồi cất tất cả những văn bản này vào một cái hộp làm bằng ngọc quý buộc vào một lá cờ chiến thắng dựng trên tàn tích của Tu viện Vikrama. Họ gọi Ngài là “Đấng Giác Ngộ, Cờ Chiến Thắng Của Giáo Pháp”. Ngay sau đó trời mưa bảy ngày liền, mọi bệnh tật đều biến mất, và mười ba điềm lành xuất hiện. Như vậy Đức Liên Hoa Sanh trở thành Phật ở Bodh Gaya, và ở trên nóc cung điện ở đó Ngài gầm lên như một con sư tử. Người ngoại đạo rất kinh động, và Ngài đưa họ về với Phật giáo. Họ gọi Ngài là “Senge Dradog” hay “Sư Tử Hống”.

TRUYỀN ĐẠO Ở TÁM XỨ

Khi đã tới lúc truyền bá Giáo Pháp ở tám xứ khác, trước hết Đức Liên Hoa Sanh đi tới xứ Jambumala ở phía đông của xứ Urgyan, nơi có nhiều cây “Jambu” (dâm bụt), và dạy Kim Cương Thừa ở đó. Kế tiếp Ngài đi tới xứ Partala ở miền nam, nơi người ta sùng bái Văn Thù Đen (phương diện phẫn nộ của Đức Văn Thù), và ở đây Ngài dạy về hai phương diện Hiền Hòa và Phẫn Nộ của Đức Văn Thù. Kế đó Ngài tới xứ Nagapota ở miền tây nơi người ta sùng bái Hayagriva ở Phương Diện Hoa Sen, và Ngài dạy về hai phương diện hiền hòa và phẫn nộ của Đức Quán Thế Âm. Rồi Ngài tới xứ Kashakamala ở miền bắc nơi có tín ngưỡng Phurbu hay Dao Găm Thiêng, và Ngài dạy về tín ngưỡng này. Ở xứ Trang Srong miền đông nam nơi người ta thờ Nữ Thần Mẹ, Ngài dạy họ cách triệu thỉnh các Nữ Thần này. Ở xứ La Sát ăn thịt người, miền tây nam, có vua Triều Đại Mười Đầu Lanka (Tích Lan) trị vì, vơi người ta thờ Vishnu, Ngài dạy Giáo lý Kalachakra để họ quy y Phật. Sau đó Ngài tới xứ Lung Lha, miền tây bắc, có tín ngưỡng Mahadeva, dạy về cách làm lễ cúng và ca tụng các vị thần khó cúng dường. Ở xứ Kekki Ling hay “Xứ Anh Hùng”, miền đông bắc, nơi người ta thực hành huyền thuật đen, Ngài dạy một trong tám phép cúng các vị thần.

Rồi Ngài tới Hồ Dhanakosha ở giữa xứ Urgyan (cùng với tám xứ nói trên là một biểu tượng lớn giống như một Mandala) và thấy người dân thịnh vượng, giáo lý Đại thừa cũng hưng thịnh. Ngài nhập thiền và thấy rằng chưa tới lúc để giáo hóa tất cả những xứ khác, vì vậy Ngài trở về Bengal sống với Mandarava ở một nghĩa địa.

NGƯỜI BẠN NGHI NGỜ

Một trong những người bạn đến thăm Đức Liên Hoa Sanh và Mandarava ở nghĩa địa nơi hai vị ẩn tu nghi rằng hai người sống với nhau như vợ chồng. Người đó nói: “Giỏi thật! Ngài bỏ vợ hợp pháp ở cung điện Urgyan. Thật là xấu xa!” Người đó cũng không mời Ngài tới viếng nhà mình, nhưng Ngài nghĩ: “Người này không hiểu ẩn nghĩa của Đại Thừa và các pháp tu luyện ba kinh mạch chính (luồng hỏa xà Kundalini) nên mình tha thứ cho y”.

MỘT ĐẠO SĨ BÀ LA MÔN

Tự biến thành con của một người Bà La Môn, Đức Liên Hoa Sanh đi tới Đền Thờ Khasar Pani (một hình thức của Quán Thế Âm) đảnh lễ vị đạo sĩ Bà La Môn có khả năng tiên tri. Đạo sĩ hỏi: “Tại sao ngươi đảnh lễ ta?” Ngài đáp: “Để có thể giúp đỡ chúng sinh, tôi đi tìm người nào tái sinh làm một Bà La Môn bảy kiếp liên tiếp. Nếu không thể đáp ứng ngay bây giờ, xin Ngài dành cho tôi lúc Ngài qua đời”.

Đạo sĩ nói: “Khi đang sống ở thế gian, người ta không nên bỏ mạng sống trước khi tới lúc chết. Nhưng khi ta chết người có thể tới lấy thịt của ta”.

Năm năm sau, đạo sĩ Bà La Môn đó chết. Một đại học giả tên là Dhombhi Heruka (một hóa thân của Đức Liên Hoa Sanh) tức khắc xuất hiện để đòi cái xác. Một đàn chó sói tấn công học giả đó, nhưng vì có huyền thuật Ngài đuổi đàn sói đi bằng cách nhìn vào chúng rồi lấy cái xác cưỡi lên một con cọp. Ngài dùng những con rắn để làm dây cương cho con cọp, đeo đồ trang sức bằng xương người, cầm chĩa ba, đi tới thành phố Hồi giáo Dedan. Ngài đi quanh thành phố và rao rằng người nào muốn Ngài sẽ cho cái xác. Một người đi đường nói: “Đạo sĩ này nói chuyện vớ vẩn. Ông ta không thể cưỡi con cọp mà không cho nó ăn mật ong, cũng không thể luyện mấy con rắn mà không cho chúng ngửi xạ hương” (theo niềm tin của người Tây Tạng).

No comments:

Post a Comment