Saturday, July 27, 2013

Truyền thuyết về đạo sư Liên Hoa Sanh - 1


Đọc để biết rằng cuộc đời mình dù thiên  tạo hay do nhân tạo cũng đều có nhân quả, trả vay, cũng có những cái luân thường xoay vầng.  Thành ra đừng nghỉ là một khi thoát sanh về cảnh giới Phật thì mình sẽ chẳng có trôi đầu lại thế gian.  Chẳng qua là trở lại với kiếp người nào và cuôc sống sẽ ra sao mà thôi.  Luân hồi vẫn còn trong thời gian trong sự tu tập của chúng ta.

---------------------------------------------------------------------------------
Trích từ cuốn Tạng thư đại giải thoát
Chuyển soạn bản điện tử và ghi chú bởi Nguyễn Mỹ Dung và nhóm Bồ Đề Tâm Hà Nội
*
TIỂU SỬ YẾU LƯỢC

THEO QUYỂN SÁCH CỦA ĐẠI ĐỆ TỬ LÀ ĐỨC BÀ YESHE TSOGYAL NGƯỜI TÂY TẠNG HÓA THÂN CỦA SARASVATI NỮ THẦN HỌC THUẬT.
Dựa trên các đoạn trích được dịch sang tiếng Anh bởi Sardar Bahadur S.W Laden La với sự phụ trợ của Lama Sonam Senge.

MỘT ĐẤNG GIÁC NGỘ VIÊN MÃN

Hỡi Vasettha, nên biết là thỉnh thoảng lại có một Như Lai sinh ra nơi thế gian, một Đấng Giác Ngộ Viên Mãn, có ơn phước và xứng đáng, đầy trí huệ, thiện hảo và hạnh phúc, với tri thức về thế gian, là người hướng dẫn vô thượng của chúng sanh vô minh, thầy của trời, người và là một vị Phật an lạc. Ngài biết rõ tất cả các thế giới – như thế giới ở dưới với tất cả các sinh linh, thế giới ở trên của Mara và Brahma (Ma Da và Phạm Thiên) – và chúng sinh, Sa Môn và Bà La Môn, trời và người và Ngài truyền tri thức của mình cho người khác. Ngài tuyên bố Chân lý theo ngôn ngữ cũng như tinh thần của chân lý, đẹp ở phần đầu, đẹp ở phần giữa, đẹp ở phần cuối; Ngài trình bày về Đời Sống Cao Cả trong sự thanh tịnh và hoàn hảo của nó.
Lời Đức Phật, Trong kinh Tevigga

GIỚI THIỆU

Trong quyển sách này, Đức Liên Hoa Sanh được mô tả như hiện thân thiêng liêng của lý tưởng Tây Tạng, Danh Nhân Văn Hóa vĩ đại hơn cả Phật Thích Ca. Những điều kỳ diệu của huyền thoại Đông phương, sự bí mật của Mật giáo và những huyền thuật dị thường đều trở thành hào quang bao phủ xung quanh Ngài. Giống như các nhận vật huyền thoại của Âu Châu và các vị thần của Ai Cập Cổ, Đức Liên Hoa Sanh thuộc dòng siêu nhân, vượt lên trên mọi sự phô trương cũng như mọi thông lệ của thế gian.

Trong “Truyền thuyết Gesar” một anh hùng ca của vùng Trung Á, những tính chất anh hùng như của Đức Liên Hoa Sanh cũng được đề cao. Trong khi Gesar là vị vua – chiến sĩ có quyền năng dị thường tiêu diệt bạo lực và bất công thì sứ mạng của Đại Sư Liên Hoa Sanh là diệt trừ điều xấu và thiết lập Giáo Pháp.

Có lẽ không có chỗ nào trong văn học tôn giáo lại có sự tương đồng kỳ lạ hơn sự trùng hợp giữa hai sự tích về Liên Hoa Sanh và Melchizedek (trong Cựu Ước kinh Thiên Chúa Giáo, tức Thánh Kinh của Do Thái giáo). Cả hai vị đều là vua Công Chính, vua Hòa Bình, và là đại sư hay đại giáo sĩ. Melchizedek được coi là “không cha, không mẹ, không có gia phả, và không có đầu đời hay cuối đời” và “luôn luôn là một giáo sĩ”, giống như Liên Hoa Sanh. Cả hai đều thuộc dòng truyền thừa các Vị Thầy Vĩ Đại, và đều lập một phái bí truyền, phái của Melchizedek được coi là vào thế kỷ thứ VI trước Công nguyên, và phái của Liên Hoa Sanh có từ giữa thế kỷ VIII Công nguyên. Người ta không được biết gì về nguồn gốc hay kết cuộc của hai danh nhân này. Theo truyền thuyết, cả hai đều được coi là bất tử.

Đối với các nhà nhân chủng học cũng như với các sử gia và các nhà nghiên cứu nguồn gốc tôn giáo, quyển tiểu sử Đại Sư Liên Hoa Sanh này có một giá trị độc đáo, vì nó diễn tả tiến trình thánh – hóa của một nhân vật lịch sử và đồng thời cho thấy sơ lược về tình trạng văn hóa đáng chú ý của Ấn Độ 12 thế kỷ trước, cũng như trình bày một số suy luận của các Luận sư Đại thừa về vấn đề Chân lý Tối Thượng (Đệ Nhất Nghĩa Đế).

Ngoại trừ các huyền thoại, các truyền thuyết dân gian và truyện các đạo sư, tiểu sử này còn chưa nhiều điều đáng được các Phật tử thuộc mọi tông phái quan tâm.

Chúng ta có thể thấy rõ điều này trong các đoạn nói về Đức Ananda làm lễ thọ giới cho Đạo sư Liên Hoa Sanh, truyện một Tỳ - khưu không trung thành, Đức Ananda được chọn làm đại đệ tử, Ananda nói về Đức Phật và kinh sách, truyện các ngoại đạo bị thua trong cuộc tranh luận và thi tài pháp thuật ở Bodh Gaya. Những người thuộc giáo phái Phật giáo Theravada có thể tin hay không tin những điều kể về cuộc đời và giáo lý của Đức Phật trong tiểu sử này, nhưng ít nhất những điều này cho thấy trong Phật giáo, cũng như trong Thiên Chúa giáo và các tôn giáo khác, có những tài liệu hay những kinh sách được coi là ngoại thư. Nền văn học ngoại thư này có giá trị trong việc nghiên cứu nguồn gốc Phật giáo.

Về những sự kiện kỳ lạ và những giáo lý khác nhau trong quyển sự tích này thì người đọc phải có óc phán xét. Trong đó có sự pha trộn của cái hữu lý và cái vô lý, cũng như bí truyền và công truyền. Nhưng ở bên dưới Tiểu Sử của Đại Sư như một tổng thể, chúng ta có thể nhận ra ý định tốt của Đức Bà Yeshe Tsogyal, đại đệ tử của Đức Liên Hoa Sanh và là người viết tiểu sử của Ngài rồi đem giấu quyển này trong một cái hang ở Tây Tạng để nó sẽ được tìm thấy và truyền lại cho chúng ta. Vậy người đọc quyển Tiểu Sử Yếu Lược này chịu ơn Đức Bà Yeshe Tsogyal như một đệ tử trung thành chịu ơn vị thầy của mình.

ĐẠI SƯ LIÊN HOA SANH


ĐỨC PHẬT TIÊN TRI VỀ SỰ RA ĐỜI CỦA ĐỨC LIÊN HOA SANH

Khi Đức Phật sắp thị tịch ở Kushinagara và các đệ tử của Ngài đang than khóc, Ngài nói với họ: “Trong thế gian vô thường này chúng sinh khong thể tránh được cái chết, đã tới lúc ta phải ra đi. Nhưng đừng than khóc nữa, vì 12 năm sau khi ta lìa thế gian, ở hồ Dhanakacha ở góc tây bắc của xứ Urgyan, sẽ có một người thông thái và đầy quyền năng tâm linh mạnh hơn ta sinh ra trong một đóa hoa sen. Người đó sẽ được gọi là Liên Hoa Sanh và truyền bá Mật giáo.”
Tham khảo thêm, theo http://www.lionsroar.name/guru_padmasambhava.htm:
Một tài liệu khác viết Đức Phật tiên đoán rằng “sau một thời gian khoảng 12 năm khi ta nhập Niết bàn, như người chinh phục vĩ đại nhất trên thế giới, ta sẽ xuất hiện một lần nữa, trong vùng đất Uddiyana, dưới tên gọi Padmasambhava, ta sẽ truyền những giáo lý Mật thừa.”
Quoted by Evans Wentz, ibid, p. 105. The actual source of this passage, as quoted by Wentz, is the Mahaparinirvana Sutra. Although the Buddha's prediction proved completely accurate with respect to the details of the birth of Padmasambhava, his declaration regarding Padma's greatness compared to his own is not taken literally but hyperbolically by some readers, for how could there be anyone greater than the Buddha? However, it could be argued that Padmasambhava was greater than Buddha Shakyamuni with respect to his human form since he was not susceptible to aging, illness and death.Moreover, there is a belief based on a passage in the Kanjur, that Buddha Shakyamuni took birth as Padmasambhava for the special purpose of preaching the tantric doctrines. He is quoted as having said at the time of his passing, in response to the question why he had not taught the Tantras, that he was unfit to do so having been born from a human womb, and that only a superhuman birth would result in the exceptionally pure body required for the revelation of the Tantras. From an absolute point of view there is no being superior to a buddha. What is meant here is that a particular emanation of a buddha may be, relatively speaking, superior to another of his emanations. In the Nirvana Sutra Buddha Shakyamuni enumerates five qualities of his own emanation as Padmasambhava that make it superior to his others:
Kyeho! Listen, whole retinue, with one-pointed mind.
This emanation of myself
Will be superior to other emanations in the three times.
Not subject to age and decline,
His eminent form will be superior to other emanations.
From the very first vanquishing the four maras,
His wrathful power will be superior to other emanations.
Teaching the greater vehicle of buddhahood in one lifetime,
His realization will be superior to other emanations.
Converting the central and surrounding lands of the Jambu continent,
His benefit for beings will be superior to other emanations.
Beyond passing away in this Good Aeon,
His life span will be superior to other emanations.
This is because he is an emanation of Amitabha.


VUA INDRABODHI

Ở xứ Urgyan (hay Udiana) phía tây của Bodh Gaya, có một thành phố lớn tên là Jatumati, trong thành có một cung điện gọi là “Bích Ngọc Cung”, nơi ngự của vua Indrabodhi. Nhà vua có thật nhiều của cải thế gian cũng như quyền lực rất lớn, với năm trăm hoàng hậu, một trăm viên quan người Phật giáo và một trăm viên quan ngoại đạo, nhưng Ngài lại bị mù. Khi người con độc nhất của Ngài bị chết và ngay sau đó nạn đói hoành hành trong vương quốc, Indrabodhi khóc than vì vận xấu của mình. Được một đạo sĩ an ủi, Ngài triệu tập các tu sĩ, bảo họ làm lễ cúng và tụng kinh. Sau đó Ngài phát nguyện bố thí tất cả tài sản của mình, làm cho kho tàng và các kho lương thực trống rỗng. Rốt cuộc, các thần dân của Ngài nghèo quá đến nỗi họ phải ăn lúa non và cả những bông hoa nữa.

NHÀ VUA THẤT VỌNG

Tuyệt vọng vì thấy mình không có con nối ngôi, nhà vua làm lễ cúng và cầu nguyện các vị thần của tất cả các tín ngưỡng, nhưng vẫn không có một đứa con trai nào sinh ra cho Ngài cả; Ngài không còn tin vào một tôn giáo nào nữa. Một hôm, Ngài đi lên nóc cung điện để đánh trống triệu tập mọi người tới, rồi Ngài nói với các giáo sĩ: “Tất cả hãy nghe ta nói! Ta đã cầu nguyện thần linh và các quỷ thần bảo hộ xứ này, và cũng đã cúng dường Tam Bảo, nhưng ta đã không được ban cho một đứa con nào. Như vậy, tôn giáo không có sự thật nào cả. Ta ra lệnh trong bảy ngày các người phải phá bỏ tất cả những vị thần này, nếu không ta sẽ trừng phạt”.

ĐỨC QUÁN THẾ ÂM THỈNH CẦU PHẬT A DI ĐÀ

Lời đe dọa của nhà vua làm các giáo sĩ kinh sợ; họ vội tìm vật liệu để làm vật tế sinh. Thần linh cùng các vị Hộ pháp nổi giận làm giông bão, mưa đá và mưa máu trên khắp xứ Urgyan, mọi người hoảng hốt như cá mắc cạn. Quá thương xót, Bồ tát Quán Thế Âm thỉnh cầu Phật A Di Đà trên cõi trời Cực Lạc bảo vệ những người dân đau khổ của xứ Urgyan.

PHẬT A DI ĐÀ HÓA HIỆN

Được thỉnh cầu như vậy, Phật A Di Đà nghĩ: “Để ta hóa sinh nơi hồ Dhanakosha”. Rồi Ngài phóng ra từ lưỡi của mình một tia sáng màu đỏ bay như một ngôi sao băng xuống giữa hồ. Khi tia sáng đi vào trong nước, một hòn đảo có cỏ mầu vàng kim hiện ra, và trên đảo có ba dòng suối màu lục ngọc. Ở giữa đảo một hoa sen mọc lên. Lúc đó, Phật A Di Đà tỏa hào quang rực rỡ và phóng ra từ tim mình một chùy kim cương có năm mũi nhọn rơi vào giữa hoa sen.

GIẤC MỘNG CỦA NHÀ VUA VÀ CÁC TU SĨ

Việc này làm các vị thần nguôi giận, không làm hại người dân xứ Urgyan nữa, mà nhiễu quanh hồ đảnh lễ và cúng dường. Nhà vua mơ thấy mình cầm trong tay một chùy kim cương có năm mũi nhọn phát ra hào quang rực rỡ đến nỗi cả vương quốc được soi sáng. Khi thức dậy, nhà vua rất vui sướng và Ngài lại tiếp tục thờ kính Tam Bảo; các vị thần cũng đến quy phục Ngài. Các tu sĩ Phật giáo cũng mơ thấy điềm lành: Họ thấy một ngàn mặt trời soi sáng thế gian. Nhưng những điều này làm cho các tu sĩ ngoại đạo lo ngại.

TIÊN TRI VỀ HÓA THÂN CỦA PHẬT A DI ĐÀ

Khi nhà vua kính cẩn nhiễu quanh một cái tháp chín tầng xuất hiện một cách kỳ diệu từ trong một hồ nước ở trước cung điện, các vị thần hiện ra ở trên trời và tiên tri: “Lành thay! Lành thay! Phật A Di Đà đấng Bảo Hộ loài người sẽ ra đời như một Hóa Thân trong một hoa sen ở giữa Hồ Ngọc (Hồ Dhanakosha), và Ngài sẽ xứng đáng làm con của người. Hãy bảo vệ Ngài tránh mọi nguy hiểm rồi người sẽ được mọi điều tốt”.

Nhà vua nói cho quan tể tướng Trigunadhara biết về điều tiên tri này và bảo ông đi tìm đứa trẻ trong hoa sen trên hồ nước. Quan tể tướng đi ngay tới hồ và trông thấy một hoa sen rất lớn ở giữa hồ. Ngồi trong hoa sen là một đứa bé trai khoảng một tuổi. Không tin là nhà vua có lý khi muốn nhận một đứa trẻ khác thường như vậy làm con, quan tể tướng quyết định không nói cho nhà vua biết là mình tìm thấy đứa nhỏ.

VIÊN NGỌC NHƯ Ý

Vì vương quốc đã nghèo đi, nhà vua gọi các quan tới để hỏi ý kiến. Có người khuyên nên tăng gia nông nghiệp, có người bảo nên phát triển thương mại, và có gười tuyên bố nên gây chiến cướp đoạt tài sản của các lân bang. Không chấp nhận những chính sách trái ngược với lời dạy của Giáo Pháp, nhà vua quyết định liều mạng sống của mình vì lợi ích của nhân dân bằng cách đi xuống biển tìm các Naga (Long vương, hay Rắn Thần) xin một viên ngọc như ý để khi trở về có thể nuôi sống tất cả thần dân của mình.

Ngài đi xuống cung điện của các Naga và được công chúa Naga tặng một viên ngọc như ý. Cầm viên ngọc trong tay, nhà vua ước cho mắt trái của mình sáng trở lại, và Ngài được như ý.

NHÀ VUA TÌM THẤY EM BÉ TRONG HOA SEN

Nhà vua trở về Urgyan, và ngay khi tể tướng Trigunadhara đến chào, Ngài trông thấy một cầu vồng ngũ sắc hiện ra trên hồ Dhanakosha, dù lúc đó trời không có mây và mặt trời đang chiếu sáng. Nhà vua nói với quan tể tướng: “Hãy đi xem có cái gì ở trên hồ”.
Tể tướng hỏi: “Làm sao bệ hạ trông thấy được?”
Nhà vua trả lời:
“Ta đã dùng viên ngọc như ý để ước được sáng mắt”. Bấy giờ tể tướng mới nói cho nhà vua là mình đã tìm thấy đứa bé trong hoa sen trên hồ và khong dám trình lên nhà vua việc này, rồi ông khuyên nhà vua tự đi tới hồ để tìm đứa bé. Nhà vua nói: “Đêm hôm qua, mơ thấy từ bầu trời trên hồ rơi xuống tay ta một chùy kim cương chín mũi nhọn, và trước đó ta mơ thấy từ tim của ta phát ra một mặt trời chiếu sáng khắp thế gian”.

Nhà vua và tể tướng đi tới hồ, chèo một chiếc thuyền nhỏ tới chỗ có cầu vồng. Ở đó họ trông thấy một hoa sen lớn tỏa hương thơm. Ngồi ở giữa hoa sen là một em bé trông giống như Đức Phật, tay trái cầm một hoa sen, tay phải cầm bình cam lộ, và ở khuỷu tay trái là một cây chĩa ba. Các pháp khí đều nhỏ tương xứng. Nhà vua cảm thấy rất tôn sùng em bé tự sinh ra này và Ngài khóc vì quá vui mừng. Ngài hỏi em bé: “Cha mẹ ngươi là ai? Ngươi là người xứ nào? Thuộc đẳng cấp nào? Ngươi ăn gì để sống, và tại sao lại ở đây?” Em bé trả lời: “Cha tôi là Trí Huệ, mẹ tôi là Tánh Không. Xứ của tôi là xứ Giáo Pháp. Tôi không thuộc đẳng cấp nào hay tín ngưỡng nào. Tôi sống bằng sự bối rối. Tôi ở đây là để diệt Tham, Sân, Si”. Khi em bé nói xong, mắt phải của nhà vua sáng trở lại. Quá hân hoan, nhà vua đặt tên cho em bé là “Kim Cương Sinh Ra Trên Hồ”, rồi Ngài và tể tướng đảnh lễ em bé.

EM BÉ ĐƯỢC ĐƯA VỀ HOÀNG CUNG

Nhà vua mời em bé về với mình. Em bé nói: “Tôi sẽ về với Ngài, vì tôi tới thế gian để làm lợi ích cho chúng sinh, nhiếp phục những kẻ xấu, và vì Giáo Lý của Chư Phật.” Hoa sen mở lớn hơn và em bé nhảy lên bờ hồ như một mũi tên. Ở chỗ em bé chạm mặt đất, một hoa sen tức khắc mọc lên, và em bé ngồi trong hoa sen đó, vì vậy nhà vua đặt tên cho em bé là Liên Hoa Sanh. Ngài nghĩ rằng em bé sẽ là người kế vị và sẽ là đạo sư của mình. Rồi Ngài bứt cuống sen, nhấc nó lên cùng với em bé ngồi ở trên và cùng quan tể tướng trở về hoàng cung.

Bầy hạc và đàn vịt trời quá đau khổ vì bị mất em bé trong hoa sen trên hồ, có con đậu trên vai em bé, có con cúi đầu ủ rũ bay ở đằng trước, có con sa xuống đất nằm như đã chết rồi, có con bay xung quanh hồ kêu những tiếng thảm não, có con chúi mỏ xuống đất mà khóc. Cả loài cây cỏ cũng buồn rầu nghiêng về phía em bé. Sáo, vẹt, công và các loài chim khác bay tới phía trước sát cách nhau để cản trở đoàn người. Kên kên, diều hâu nhào xuống mổ nhà vua và tể tướng. Những con chim nhỏ thì kêu inh ỏi. Sư tử, cọp, gấu và các loài thú dữ khác chạy theo ở hai bên đe dọa đoàn người. Voi, trâu rừng và các con thú khác cũng chạy ra khỏi rừng để phản đối. Các tinh linh và các thổ thần nổi giận gây sấm, chớp và mưa đá.

Khi đoàn người tới các làng, tất cả dân làng đều đi theo. Khi trông thấy một người già câu cá bên đường, em bé nghĩ: “Đây là điềm báo cho thấy nếu mình làm vua xứ này thì mình cũng giống như những con cá bị câu kia”. Sau đó, khi thấy một con quạ đuổi bắt một con gà gô đang ẩn mình trong đám dâu, em bé nghĩ: “Đám dâu tượng trưng cho vương quốc, con quạ là nhà vua, còn con gà gô là mình. Việc này có ý nghĩa mình không nên giữ ngôi vua lâu”.

HOÀNG TỬ, NHÀ THỂ THAO, VÀ VUA

Khi về tới hoàng cung, nhà vua đem viên ngọc như ý ra để ước một cái ngai làm bằng bẩy món quý báu ở trên có lộng che. Ngài đặt em bé lên ngai rồi tuyên bố em bé là con trai và là người kế vị mình. Em bé sinh ra trong hoa sen được gọi là Hoàng tử Bồ Tát và được tôn làm vua. Khi được 13 tuổi, Ngài ngồi trên ngai làm bằng vàng và lục ngọc, các giáo sĩ làm lễ cầu quốc thái dân an. Phật A Di Đà, Bồ tát Quán Thế Âm và các vị Thiên vương ở mười phương đến rưới cam lộ lên Ngài và gọi Ngài là vua Hoa Sen, tức Padma Gyalpo (một trong tám phương diện của Đại sư Liên Hoa Sanh).
Vua Hoa Sen đặt ra luật pháp mới dựa trên Mười Điều Cấm (Thập giới). Cả vương quốc trở nên thịnh vượng và mọi người đều hạnh phúc. Ngài học giỏi các môn thơ và luận lý. Về môn đấu vật và các môn thể thao khác thì không ai thắng được Ngài. Ngài có thể bắn một mũi tên xuyên qua lỗ kim, hay bắn mười ba mũi tên liên tiếp, mũi sau cắm vào đuôi mũi trước. Sức bắn cung của Ngài mạnh đến nỗi mũi tên xuyên qua bẩy cánh cửa bằng da và bẩy cánh cửa bằng sắt, và khi Ngài bắn lên trời, mũi tên bay cao tới nỗi người ta không trông thấy nó nữa, vì vậy mọi người gọi Ngài là “Vua Anh Hùng Thể Thao Đại Lực”.

Có lần Ngài nhấc bổng tảng đá lớn bằng con trau “Yak” rồi liệng nó xa tới nỗi không ai trông thấy nó nữa. Ngài có thể để chín cái đe vào một cái bao và ném chúng vào một mỏm đá làm cho nó đổ xuống. Ngài có thể chạy một hơi ba vòng quanh thành phố nhanh như tên bắn. Ngài bơi nhanh hơn cá, và có thể quăng dây bắt một con diều hâu đang bay trên trời. Ngài cũng là một nhạc sĩ có tài. Vì vậy Ngài cũng được gọi là “Vua Sư Tử Bất Bạo”.

CÁC LA HÁN

Một hôm Ngài đi một mình tới Rừng Bi Thảm ở cách hoàng cung 2 dặm để tham thiền. Khi Ngài đang ngồi thiền, mấy vị La Hán bay qua đó liện hạ xuống và ca tụng: “Lành thay! Lành thay! Chắc chắn Ngài là Liên Hoa Vương. Ngài là vị Phật thứ nhì, xuất hiện nơi thế gian để báo hiệu thời đại mới, và sẽ chinh phục thế gian. Dù chúng tôi có một trăm cái lưỡi và sống từ đại kiếp này sang đại kiếp khác cũng không thể có được một phần nhỏ sự thông thái của Ngài”. Sau khi nhiễu quanh Ngài bảy vòng, họ bay lên trời rồi biến mất.

KẾ HOẠCH RÀNG BUỘC LIÊN HOA VƯƠNG BẰNG HÔN NHÂN

Thấy Hoàng tử thiên về đời sống tâm linh, vua Indrabodhi và các quan sợ Ngài chối bỏ vương quốc, họ bàn với nhau là phải tìm cho Ngài một người vợ. Hoàng tử biết họ muốn ràng buộc mình vào đời sống gia đình nên Ngài không chọn một cô gái nào trong số những người được tuyển từ khắp xứ Urgyan. Vua Indrabodhi ép Ngài phải lấy vợ trong vòng bảy ngày. Sau khi suy nghĩ kỹ, hoàng tử quyết định làm theo lệnh vị vua già là người đã nuôi mình như cha nuôi con. Ngài đưa cho nhà vua một bản viết về hạng thiếu nữ mà Ngài sẽ chấp nhận.

Nhà vua ra lệnh cho tể tướng Trigunadhara đi tìm một cô gái có những điều kiện mà hoàng tử đòi hỏi. Tể tướng lập tức đi tới xứ Singala nơi đang tổ chức một đại lễ Phật giáo. Trong cuộc lễ, tể tướng trông thấy một cô gái đẹp bậc nhất trong một đoàn năm trăm thiếu nữ. Cô ta là Bhasadhara, con vua Chandra Kumar và đã đính hôn với một hoàng tử. Tể tướng vội trở về tâu lại với vua Indrabodhi rằng ông thấy Bhasadhara xứng đáng với Liên Hoa Vương.


LỄ CƯỚI

Lấy cớ là muốn tặng quà cho họ, vua Indrabodhi mời công chúa và bón trăm chín mươi chín cô gái kia tới cung điện của Ngài. Khi nhìn thấy Bhasadhara hoàng tử hài lòng ngay. Ngài đưa cho công chúa viên ngọc như ý; nàng ước được làm vợ Ngài. Sau đó Bhasadhara và các cô gái trở về Singala với một bức thư gửi vua Chandra Kumar thỉnh cầu Ngài cho phép Bhasadhara được thành hôn với hoàng tử Liên Hoa Sanh. Vua Chandra Kumar trả lời rằng Nài rất muốn được hân hạnh đáp ứng lời thỉnh cầu, nhưng công chúa đã đính hôn với ông hoàng xứ Singala và sắp đến ngày làm lễ cưới.
Nhận được tin này, Hoảng tử Liên Hoa Sanh nói: “Chỉ có một mình nàng là tôi thấy vừa ý. Tôi phải có nàng làm vợ”. Vua Indrabodhi gọi một đạo sĩ tới nói rằng: “Hãy đi sang xứ Singala, tới hoàng cung vào lúc lễ cưới tạm ngừng một đêm, lấy bụi sắt trộn một chút nước để vào dưới móng tay của công chúa.” (để hóa giải pháp thuật của người Singala).

Sau khi vị đạo sĩ vâng lệnh ra đi, nhà vua lên nóc hoàng cung, kéo cao lá cờ chiến thắng có gắn viên ngọc như ý rồi cúi lạy bốn hướng, cầu nguyện rằng Bhasadhara và các tì nữ của nàng sẽ được mang về trước mặt Ngài. Điều ước của Ngài được thực hiện nhanh như gió.

Nhà vua ra lệnh sửa soạn lễ cưới của hoàng tử Liên Hoa Sanh và Bhasadhara. Trong lễ cưới và theo phong tục thời đó, một trăm ngàn phụ nữ Urgyan tuyên bố Bhasadhara là Hoàng hậu. Sau đó bốn trăm chín mươi chín cô gái cũng làm lễ cưới với hoàng tử vì theo truyền thống, một vị vua của xứ Urgyan phải có năm trăm người vợ. Thế là hoàng tử Liên Hoa Sanh hưởng hạnh phúc thế gian trong năm năm.

CHỐI BỎ

Rồi vị Phật Thiền Vajra Sattva (Kim Cương Tát Đỏa) xuất hiện, nói với hoàng tử rằng đã đến lúc Ngài từ bỏ cuộc sống hôn nhân cùng ngai vàng. Còn vua Indrabodhi thì mơ thấy mặt trời và mặt trăng lặn cùng một lúc, cung điện đầy tiếng than thở và tất cả các quan đều khóc. Khi thức dậy, Ngài suy nghĩ về giấc mơ mà buồn rầu. Ít lâu sau, hoàng tử và các cận thần đi bộ tới Rừng Bi Thảm, nơi Ngài đã gặp các vị La Hán. Lúc đó trên bầu trời hướng nam hiện ra các dấu hiệu Phật giáo cho thấy hoàng tử sắp trở thành một vị Chuyển Luân Vương hay vị vua vĩ đại nhất thế gian. Quả nhiên, nhiều vị vua của các xứ khác lần lượt chịu thần phục Ngài.

Sau khi đạt được đỉnh cao của quyền lực thế gian và lạc thú phàm tục như vậy, Đức Liên Hoa Sanh nhận ra tính chất giả ảo và không đáng thỏa mãn của vạn vật trong cõi vô thường. Ngài nói với vua cha là mình đã quyết định từ bỏ ngôi vua để xuất gia. Khi vua Indrabodhi phản đối, Ngài nói: “Nếu không được sống đời tu hành, tôi sẽ chết ngay tại đây trước mặt Ngài”. Nói rồi Ngài cầm một con dao găm đâm vào sườn bên phải của mình như muốn thí mạng. Nhà vua nghĩ thà để cho hoàng tử xuất gia hơn là làm cho Ngài tự tử. Cả những lời van xin của các quan cũng như lời cầu khẩn từ bạn thân của nhà vua là Kim Quang người Singala hay lời than khóc của năm trăm người vợ cũng không thể làm cho Đức Liên Hoa Sanh từ bỏ ý định. Vì vậy Ngài có tên là “Vua Kim Cương Bất Khả Thuyết Phục”.







No comments:

Post a Comment