Trong khi cả thế giới lựa chọn chỉ số GDP (Gross Domestic Products – Tổng sản phẩm quốc nội) làm thước đo thịnh vượng và phát triển, thì riêng tại đất nước này, chỉ số đó bị loại bỏ thay vào đó là GNH (Gross National Happiness- Tổng hạnh phúc quốc dân).
Những cánh rừng ngọn núi xanh bát ngát, tu viện tịch lặng uy nghiêm, niềm vui lấp lánh trong ánh mắt người dân, sự yên bình sung túc thể hiện trên từng lá cây ngọn cỏ… Tại nơi đất nước hạnh phúc nhất thế giới này, người dân đều thỏa mãn với cuộc sống của mình và hầu hết du khách đã đến một lần đều muốn quay trở lại.
Đứng ngoài thế giới văn minh
Taktshang, tu viện Phật giáo nổi tiếng nhất ở Bhutan
Trước năm 1974, nhiều người không biết đến sự tồn tại của một đất nước Bhutan nhỏ bé, lọt thỏm giữa trập trùng rừng núi của dãy Himalaya. Khi ấy, người nước ngoài không được phép nhập cảnh vào Bhutan và người Bhutan không có điều kiện để đi ra nước ngoài.
Tòa nhà Chính phủ ở phía bắc thủ đô Thimphu. Với hơn 60% diện tích lãnh thổ còn rừng bao phủ, ngay cả các đô thị lớn của Bhutan cũng tràn ngập màu xanh.
Hơn 30 năm sau, Bhutan vẫn gần như đứng ngoài thế giới văn minh. Đây là quốc gia cuối cùng có sóng truyền hình (năm 1999). Cả nước chỉ có duy nhất một sân bay, với một đường băng, nơi máy bay chỉ có thể lên xuống vào ban ngày, trong điều kiện thời tiết tốt. Trên khắp thế giới, chỉ có 8 phi công có đủ khả năng và bản lĩnh để được phép hạ cánh ở Bhutan.
Họ không đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thay vào đó, họ duy trì cuộc sống thanh bình, chậm rãi của người dân, không “đô thị hóa”, không “hiện đại hóa”, chú ý vào chất lượng cuộc sống và các giá trị tinh thần…
Kể từ năm 1971, Bhutan đã loại bỏ chỉ số GDP (tổng sản phẩm nội địa) và thay thế bằng một chỉ số mới – GNH (tổng hạnh phúc quốc gia). Chỉ số Tổng Hạnh phúc Quốc dân này được tính toán hàng năm. Theo đó, đời sống tinh thần – thể chất, văn hóa – xã hội của người dân, việc bảo vệ tài nguyên – môi trường của quốc gia… được đưa lên ưu tiên số một.
Thủ đô duy nhất không có đèn giao thông
Sân bay duy nhất của Bhutan, nằm cách thành phố Paro 6km, đón tiếp khách phương xa bằng những thửa ruộng bậc thang vàng óng ả, tỏa ra một mùi hương no ấm của lúa chín. Phía sau những thửa ruộng ấy, Paro mở ra đột ngột như một câu chuyện cổ tích.
Những tu viện Phật giáo Tây Tạng trầm mặc trong khói hương, thấp thoáng bóng cà sa đỏ thắm của các vị tu hành. Những khung cửa chạm trổ cầu kỳ, treo đầy những chùm ớt chín, lấp ló nụ cười nửa thân thiện, nửa tò mò của các cô bé, cậu bé má đỏ hồng. Những con phố nhỏ, sạch bong và yên tĩnh, được viền bằng những ngôi nhà xinh xắn sơn màu trắng hoặc vàng nhạt. Cảnh vật nhuốm màu thời gian huyễn hoặc như hiện ra từ một quá khứ xa xôi.
Kiến trúc Bhutan gây ấn tượng mạnh và hoàn toàn khác biệt với tất cả những quốc gia còn lại trên thế giới. Tất cả nhà cửa ở đây, dù mới xây, đều mang dáng vẻ cổ xưa. Không có bóng dáng của cao ốc hiện đại theo lối kiến trúc hình hộp phương Tây. Nhà nước Bhutan có quy định rất rõ ràng về chiều cao cũng như phong cách của các tòa nhà để đảm bảo mọi đô thị đều là một thể thống nhất, hài hòa, phản ánh rõ nét sắc thái văn hóa
truyền thống của đất nước.
Ở Paro hay kể cả Thimphu, thủ đô đồng thời là thành phố lớn nhất của Bhutan, hầu như không có cảnh tắc đường. Xe cộ ít nên không khí rất trong lành. Thimphu có lẽ là thủ đô duy nhất trên thế giới không có đèn tín hiệu giao thông. Trước kia, ở đây cũng đã từng có một cái, nhưng người dân không thích vì cho rằng nó kệch cỡm và không hài hòa với cảnh quan chung. Vì thế, chính quyền thành phố đã cho dỡ bỏ và thay vào bằng một cảnh sát.
4 “nguyên liệu” làm nên Hạnh phúc
Vị vua thứ tư, Jigme Singye Wangchuck là người đề ra tiêu chuẩn Tổng mức Hạnh phúc Quốc gia (Gross National Happiness – GNH) để đánh giá mức độ phát triển của đất nước, thay cho các chỉ số kinh tế như GNP hay GDP. Bhutan là quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới áp dụng GNH.
Nhà vua cho rằng, 4 điểm mấu chốt để làm nên Hạnh phúc Quốc gia là: phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa và lãnh đạo tốt. Tất cả các luận điểm này đều được vua Jigme Singye Wangchuck thực thi một cách hiệu quả.
Hạn chế du lịch, bảo tồn di sản văn hóa
Bhutan mở cửa để phát triển kinh tế du lịch, nhưng đồng thời áp dụng chính sách chặt chẽ để hạn chế số lượng du khách hàng năm trong khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng địa phương và không ảnh hưởng đến môi trường cũng như các di sản văn hóa.
Cách quản lý số lượng du khách cũng rất độc đáo. Bhutan không hạn chế cấp visa, nhưng quy định mọi du khách đều phải mua tour trọn gói của các công ty do nhà nước cấp phép hoạt động, với mức phí tối thiểu cho một ngày lưu trú là 200 USD. Mức giá khá cao này giúp ngành du lịch Bhutan, dù chỉ phục vụ một lượng khách nhỏ, nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu lợi nhuận và bảo tồn.
Đốn một cây xanh phải trồng bù 3 cây
Theo sắc lệnh của nhà vua, cứ đốn 1 cây xanh vì bất cứ mục đích gì thì đều phải trồng bù 3 cây mới. Nhờ thế mà cho đến nay, hơn 60% diện tích Bhutan vẫn còn rừng bao phủ và 1/4 lãnh thổ là các công viên quốc gia.
Túi nylon bị cấm sử dụng. Thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng và chất bảo quản là những thứ xa lạ với nông dân. Những chính sách tích cực này giúp Bhutan có môi trường nguyên sơ và hệ sinh thái đa dạng vào bậc nhất thế giới.
Không truyền hình bạo lực, không MTV, không tội phạm
Rất ít quốc gia có thể bảo vệ bản sắc văn hóa như Bhutan. Đường phố tràn ngập sắc màu rực rỡ của gho (áo khoác dài đến đầu gối, thắt lưng ở ngang eo, dành cho nam giới) và kira (váy quấn của phụ nữ). Đa số người dân Bhutan mặc những trang phục truyền thống này hàng ngày, theo quy định của nhà vua.
Đường phố tràn ngập sắc màu rực rỡ của gho (áo khoác dài đến đầu gối, thắt lưng ở ngang eo, dành cho nam giới) và kira (váy quấn của phụ nữ).
Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống lớn nhất: chân thật và hướng thiện
Giá trị văn hóa Bhutan không chỉ nằm ở vẻ bề ngoài của người dân mà còn ghi dấu đậm nét trong tính cách họ, chân thật và hướng thiện theo đúng tinh thần Phật giáo (đạo Phật là quốc giáo ở Bhutan với hơn 70% dân số là Phật tử).
Bhutan là quốc gia của những đền đài, tu viện cổ xưa. Người dân nơi đây là những Phật tử trung thành, đi đến đâu, bạn cũng sẽ thấy cờ phướn của nhà Phật tung bay, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ không hề bị tác động bởi bàn tay con người.
Đất nước duy nhất trên thế giới không có nạn trộm cướp, giết người và ma túy
Khi cho phép triển khai truyền hình và internet, nhà vua đã nghĩ đến việc ngăn chặn tác động xấu mà những sản phẩm của văn minh phương Tây này gây ra cho người dân. Các kênh truyền hình có tính chất khiêu dâm, bạo lực (kể cả kênh thể thao Ten Sports vì kênh này dành một thời lượng lớn cho môn đấu vật), Fashion TV và kênh âm nhạc MTV đều bị cấm ở Bhutan. Chẳng ngạc nhiên khi ở thế kỷ 21, vương quốc này vẫn hầu như không có nạn trộm cướp, giết người và ma túy.
Những biển hiệu trên đường phố khiến bạn mỉm cười hạnh phúc
Khi đến Bhutan, người ta sẽ không thấy nhiều biển hiệu quảng cáo mà thay vào đó là những câu khẩu hiện hẳn sẽ khiến nhiều du khách mỉm cười, chẳng hạn “Cuộc sống là một cuộc hành trình! Hãy lên đường!”, “Hãy để thiên nhiên dẫn đường chỉ lối!” hoặc “Rất xin lỗi nếu có bất cứ sự bất tiện nào!”…
Chỉ số Tổng Hạnh phúc Quốc dân GNH của Bhutan được hiện thực hóa trong từng chi tiết nhỏ của đời sống, họ hy vọng những du khách đặt chân đến Bhutan cũng có thể được hưởng sự hạnh phúc, dễ chịu trong cuộc sống của những người dân nơi vương quốc xa xôi, bí ẩn này.
97% dân số hạnh phúc
Trong một cuộc khảo sát năm 2005, 45% người dân Bhutan cho rằng họ rất hạnh phúc, 52% cảm thấy hạnh phúc và chỉ có 3% chưa hài lòng về cuộc sống của mình. Bhutan là một trong 10 nước đứng đầu thế giới về mức độ thỏa mãn của người dân và là nước duy nhất trong nhóm này có mức thu nhập tính theo đầu người chỉ hơn 1.800 USD.
Không hạnh phúc sao được khi trẻ em đi học không phải đóng bất cứ khoản tiền nào mà còn được trợ cấp sách vở, lương thực. Người dân và kể cả du khách đều được chăm sóc sức khỏe hoàn toàn miễn phí. Dù còn hơn 30% dân số thuộc diện nghèo, nhưng ở Bhutan, không ai lo bị đói, lo ốm đau không có tiền thuốc men hay lo con cái mình thất học.
Từ bỏ quyền lực vì lợi ích quốc gia
Điều duy nhất khiến dân chúng cảm thấy không hạnh phúc có lẽ chính là quyết định chuyển thể chế nhà nước từ quân chủ chuyên chế sang quân chủ lập hiến do chính vua Jigme Singye Wangchuck đề ra.
Ông cho rằng, quyền lực tuyệt đối nằm trong tay nhà vua chỉ mang lại lợi ích cho đất nước khi đó là một vị vua sáng suốt, tận tụy. Nếu trong tương lai, người lên ngôi không có đủ năng lực hay đạo đức thì đất nước sẽ thiệt hại nặng nề.
Chính vì thế, Bhutan phải dân chủ hóa, chuyển quyền lựa chọn người điều hành đất nước vào tay nhân dân, thông qua việc bầu cử nghị viện. Đây là điểm mấu chốt để thực hành lãnh đạo tốt, một trong 4 nhân tố cấu thành nên Hạnh phúc Quốc gia. Cuộc bầu cử nghị viện đầu tiên ở Bhutan được tổ chức đầu năm 2008.
Quyết định dân chủ hóa đất nước khi đó không làm cho người dân Bhutan hạnh phúc, vì họ đã rất hài lòng với sự lãnh đạo của nhà vua. Họ không biết sự thay đổi liệu có mang lại điều gì tốt đẹp hơn những cái họ đang có, hay chỉ dẫn đến xung đột và tranh chấp giữa các đảng phái chính trị.
Rất nhiều người đã đến trước Hoàng cung, cầu xin nhà vua tiếp tục nắm giữ quyền lực tuyệt đối. Để thuyết phục người dân về lợi ích của dân chủ hóa, vua Jigme Singye Wangchuck đã cho con trai mình (vua Bhutan thứ 5) đi khắp đất nước, gặp gỡ mọi tầng lớp nhân dân. Vị vua 28 tuổi, tốt nghiệp đại học Oxford, đăng quang tháng 11/2008, là vị vua đầu tiên của chế độ quân chủ lập hiến tại Bhutan.
Giáo dục theo chuẩn “nhà trường xanh”
Ở các trường học ở Bhutan, học sinh được định hướng giáo dục theo chuẩn “nhà trường xanh”. Bên cạnh việc học các môn cơ bản, các em được học cách làm nghề nông, cách sống thân thiện với môi trường, chính các em sẽ tham gia phân loại và tái chế rác của nhà trường mình.
Ngoài ra, mỗi ngày đến lớp đều có một khoảng thời gian để cô trò cùng ngồi thiền. Chuông báo hết tiết là những đoạn nhạc du dương giúp người nghe thư giãn. Giáo dục Bhutan không đặt nặng việc các em phải là những học sinh giỏi, họ muốn các em sẽ là những công dân tốt.
Đứng vững vàng khi cả thế giới lao đao
Trong ba thập kỷ qua, Bhutan đã đề ra một quan điểm đi đầu thế giới rằng sự hạnh phúc, khỏe mạnh của người dân quan trọng hơn việc chỉ tập trung mọi nỗ lực vào phát triển kinh tế. Sự lựa chọn này qua thời gian đã chứng minh được là sự lựa chọn đúng đắn.
Trong khi cả thế giới lao đao trước những cơn khủng hoảng kinh tế, trước tình trạng thiên nhiên bị hủy hoại, khí hậu nóng lên… thì riêng một mình quốc gia bé nhỏ Bhutan lại ngày càng nổi lên như một quốc gia thịnh vượng, đã định hướng được cách phát triển bền vững, lâu dài và hiệu quả. Thiên nhiên được bảo tồn tuyệt đối, kinh tế, giáo dục, sức khỏe phát triển bền vững.
Những thành tựu đáng kinh ngạc của Bhutan là minh chứng cho điều đó. Trong vòng 20 năm, tuổi thọ trung bình của người dân Bhutan được tăng gấp đôi, 100% trẻ em được tới trường, mức độ trong lành của môi trường ở mức lý tưởng, thiên nhiên được bảo vệ tối đa, 60% diện tích quốc gia được che phủ bởi rừng… Bhutan cấm việc xuất khẩu gỗ, mỗi tháng đều có một ngày toàn dân đi bộ…
Bộ trưởng Giáo dục Bhutan – ông Thakur Singh Powdyel từng phát biểu: “Phá rừng phá biển để làm giàu thì quá dễ, ở Bhutan, chúng tôi tin rằng đó không phải là cách để thịnh vượng dài lâu. Chỉ có cách bảo vệ thiên nhiên – môi trường, chăm sóc cho chất lượng cuộc sống người dân thì một quốc gia mới thực sự được coi là phát triển”.
Chỉ số GNH của Bhutan đang ngày càng thu hút sự quan tâm và khen ngợi của dư luận quốc tế, ngày càng có nhiều học giả từ khắp nơi trên thế giới tìm hiểu, phân tích về chiến lược phát triển của vương quốc bé nhỏ nằm trong dãy Himalaya – đất nước Bhutan.
Đây là quốc gia duy nhất trên thế giới tính toán mức độ thịnh vượng của đất nước dựa trên mức độ hạnh phúc của người dân, chứ không phải dựa trên chỉ số GDP – tổng sản phẩm quốc nội. Những gì Bhutan làm khiến cả thế giới phải suy ngẫm và nhắc đến quốc gia Châu Á bé nhỏ này.
No comments:
Post a Comment