Không hiểu sao con người sống trong an bình và hòa đồng thì không ai chịu sống hết, cứ phải muốn xâm chiếm, tước đoạt để rồi khi chết có được hết tất cả hay không? Ngày nay, không riêng gì mọi người trên toàn thế giới tu hay không tu, là cư sĩ hay tu sĩ cũng vậy. Danh vọng, sân, si quá nhiều khiến cho thế giới đảo điên mà còn dẫn dắt hàng triệu triệu người sa lướt khổ. Đời đã khổ mà còn không lo tìm lối thoát, cứ mãi gieo thêm bao điều khổ cho bản thân và mọi người.
Tây Tạng ở trên một địa thế cao nhất thế giới, lưng chừng dãy núi Himalayas. Vì băng giá quanh năm, núi non chập chùng bao tỏa tạo nơi đây thành một cõi riêng, trầm lắng, khác hẳn với thế giới đầy xao động bên ngoài.
Nơi đây là xứ Phật, nơi mà đạo Từ Bi đã hiển hiện từ bao thế kỷ, hiển hiện trên nét mặt trang nhã, hiền hoà của người Tây Tạng, hiển hiện trên khắp cả quê hương của họ: trên mái nhà, nơi đầu ngõ, trên từng con đường, từng mô sỏi đá (manidoi), bên ven lộ, ven núi, ven hồ .
Đâu đâu cũng có tu viện và chùa chiền, những cơ sở tôn nghiêm mà dân tộc Tây Tạng từ người già cho đến đứa trẻ thơ tới chiêm nghiệm, tụng niệm hàng ngày để nuôi dưỡng và nâng cao đời sống tâm linh của mình. Nơi xứ sở này có những người con Phật đi hành hương bằng đôi chân đất cả ngàn cây số đến những ngôi chùa thiêng liêng, cổ kính được xây dựng hàng ngàn năm trước. Họ vừa đi vừa đập thân xuống đất để hành xác trên những con đường sỏi đá gồ ghề, trên những con đèo, con dốc cao vời vợi trong cái vô cùng lạnh buốt của núi rừng Himalayas. Họ không quản mệt nhọc, đói khát, kể cả cái chết dọc đường để được dâng lễ trước cửa Phật, để được nghe những lời thuyết pháp của các vị cao tăng hay được nhìn thấy tận mắt vị Phật Sống Đạt Lai Lạt Ma mà họ tôn kính.
Trên thế giới không có dân tộc nào tôn sùng đạo Phật như người Tây Tạng.
Theo giáo lý của đức Phật, con người bị bức màn u minh THAM, SÂN, SI che phủ và thúc đẩy làm những hành động độc ác gây đau khổ lẫn nhau, cũng từ đó tạo ra cái nhân (nghiệp) cho mình kiếp này để gánh cái quả kiếp sau, cứ thế mà luân hồi, sinh sinh tử tử không bao giờ dứt!
Vì thương xót chúng sinh nên sau khi ngộ đạo, phát nguyện đầu tiên của Ngài là giải thoát chúng sinh thoát khỏi đau khổ. Nên người ta gọi đạo Phật là đạo Từ Bi. Từ là hiền lành, bi là thương xót, thương xót cả đến con sâu con kiến huống chi con người! Bởi lẽ đó, dù bị xúc phạm, bị hành hạ, hãm hại tới đâu những người con Phật cũng không nuôi lòng thù oán mà luôn luôn từ bi hỉ xả: “Lấy oán báo oán, oán chồng chất, lấy ân báo oán oán tiêu tan”.
Biết như thế chúng ta mới hiểu được sự hy sinh vô bờ bến của những người con Phật ở Tây Tạng hiện đang đấu tranh chống lại nhà cầm quyền Trung cộng áp đặt chính sách cai trị tàn bạo trong mưu toan chiếm đoạt đất nước và đồng hóa họ, dân tộc họ thành người Hán!
Kể từ năm 1950 khi Trung cộng đem quân xâm chiếm Tây Tạng đến nay, người dân xứ Phật ngập chìm trong bể ác: Thủ tiêu, giết chóc, đọa đày, tàn phá chỉ vì lòng tham lam không bờ bến của Trung cộng!
Người dân Tây Tạng không thể đứng nhìn quê hương của họ bị xoá bỏ trên bản đồ thế giới, nhân dân họ phải sống kiếp nô lệ đọa đày.
Họ phải đấu tranh cho sự sống còn.
Họ không lái xe bom đi giết thật nhiều người Hán, thay vào đó họ hy sinh ngay chính bản thân họ để cảnh tỉnh và giác ngộ những kẻ xâm lăng. Bi, Trí, Dũng là ba đức tính cao quý nhất của nhà Phật hiện đang được những người con Phật Tây Tạng thể hiện trong việc đòi hỏi quyền độc lập, quyền tự do, quyền sống cho dân tộc và đất nước họ.
Họ dũng cảm tự thiêu để ngọn lửa đánh thức lương tâm đã mất của người Trung cộng và nhắc nhở, kêu cứu thế giới rằng còn một phần nhân loại tại Tây Tạng đang bị đọa đày và đang trong nguy cơ bị hủy diệt bởi tham vọng của những kẻ xâm lăng.
Từ tháng Ba năm 2009 đến nay đã có gần 140 người tự thiêu trong tinh thần Bi-Trí-Dũng trên núi Himalayas chưa đủ để chuyển hoá người Trung Hoa nên nhân loại vẫn liên tục nhận được những lời kêu cứu của họ. Không tháng nào không có người tự thiêu, có tháng lên tới 127 người, và chỉ trong hai tuần lễ đầu tháng 4/2015 này có hai người là Ni cô Yeshi Kando tự thiêu ngày 11 tại tu viện Cam Tư và ông Nei Kyab tự thiêu ngày 15 tại Huyện A Bá, Tỉnh Tứ Xuyên.
Thế giới đã lên tiếng nhiều về thảm trạng ở Tây Tạng. Những bài báo nói về người Tây Tạng bị đàn áp được đăng trong những tờ báo nổi tiếng, phát hành hàng triệu bản mỗi ngày trên khắp thế giới như tờ Libération, Le Monde…. Những hãng thông tấn AFP, AP, Reuteurs đánh đi tin tức về người Tây Tạng tự thiêu tới hàng trăm quốc gia. Những đài Radio, Truyền Hình và Web site của các nước Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Đức… nói và viết hàng trăm thứ tiếng, thứ chữ cho hàng trăm triệu người nghe và đọc.
Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, bà Navi Pillay ngày 02/11/2012 đã mạnh mẽ nói lên tiếng nói của Cộng Đồng Thế Giới: “Tôi cảm nhận nỗi phẫn uất và tuyệt vọng của người Tây Tạng khiến họ đã phải dùng đến những biện pháp cùng cực như thế”. Cộng Đồng châu Âu ra bản Thông Cáo ngày 14/12/2012: “Liên Hiệp Châu Âu vô cùng đau buồn vì số người Tây Tạng tự thiêu mỗi ngày một nhiều”.
Nhưng từ đó đến nay chính quyền Trung cộng vẫn làm ngơ và càng ngày tình trạng càng trở nên xấu hơn.
Đã đến lúc, vì tình nhân loại và vì trách nhiệm chung của những người sống trên trái đất này, xin mọi người hãy biểu lộ bằng lời nói, chữ viết, bằng hành động cho chính quyền Trung cộng biết rằng Cộng Đồng Nhân Loại không đồng tình với họ.
Trung cộng hãy trả cho dân tộc Tây Tạng quyền sống và quyền có một quê hương độc lập.
Ngày18 tháng 4 năm 2015
Phạm Hy Sơn
No comments:
Post a Comment