Các Thầy Tỳ kheo, sau khi Ta tịch diệt, các Thầy hãy trân trọng tôn kính TỊNH GIỚI, như đêm tối gặp ánh sáng, như người nghèo được của báu. Phải coi giới luật là bậc đại sư của các Thầy cũng như lúc Ta còn ở đời, không khác. Mà giữ tịnh giới, các Thầy không được buôn bán, đổi chác, tạo lập vườn nhà làm của riêng, chứa chấp kẻ tôi đòi, cùng chăn nuôi các loại sinh động vật.
Lời mở đầu
Ðây là thông điệp cuối cùng của Ðức Phật trao cho hàng đệ tử khi Phật sắp thị tịch Niết bàn ở rừng Sala song thụ, thuộc thành Câu thi na yết la (Kussinaga), Ấn Ðộ, trong đêm trăng tròn tháng 2 âm lịch, cách nay 2523 năm, dương lịch 1980.
Kể từ ngày ấy đến nay, lịch sử ghi dấu về con người và cuộc đời, đã có biết bao sự đổi thay! Trải qua biết bao triều đại hưng suy! Cũng như đã có những nền văn hoá, văn minh của loài người qua từng thời kỳ rực rỡ rồi tàn lụi! Hầu hết, những di sản tinh thần và vật chất ấy, hiện nay chỉ còn là những dấu vết hoang tàn, những mảnh vụn chữ nghĩa, ghi chép trong các sách thánh hiền, và được coi đó như những bảo vật lưu trữ tại các cổ thư viện, bảo tàng viện. Nhưng với con người muôn thuở, về tính thể, vẫn có những nét giống nhau; nếu có sự khác biệt thì đó là về cảm nghĩ, về lối sống, về hoàn cảnh xã hội con người thuở xưa có khác con người ngày nay. Ðức Phật sinh ra trong thế giới loài người nhưng Phật là đấng Giác Ngộ Người Phật nên Phật thấu hiểu những nỗi lo toan, băn khoăn, thắc mắc về (khắp mặt) tâm lý, tình cảm, về trí tuệ, đạo đức, về lối sống của con người và, do đấy, giáo pháp của Phật rất thân thiết, gần gũi với chúng ta. Giáo pháp ấy là tổng hợp mọi khuôn nếp sống và quán triệt hết những gì là tinh hoa cao đẹp nhất của con người và vạn hữu một nền giáo lý xây dựng trên sự thật về con người và về cuộc đời: lấy con người làm chủ điểm để giải quyết những việc liên quan đến cuộc sống con người. Ðấy là tất cả Sự Thật (mà) trong kinh gọi là khế lý và khế cơ. Khế lý có nghĩa giáo lý của Ðức Phật là sự thật, đúng chân lý. Khế cơ, tức giáo pháp ấy thích hợp với mọi trình độ con người và xã hội loài người, trong khắp các thời đại.
Phần nội dung và chủ yếu của thông điệp là thuyết minh về pháp "Tứ đế" (1) và "Lục độ" (2), là hai nguyên lý căn bản nhằm giáo dục con người cách tu dưỡng thân tâm, diệt trừ mọi nỗi nguy khốn, khổ đau, hòng giúp con người xây dựng một Xã hội người thực sự văn minh, nhân bản và hạnh phúc, một lối sống cao đẹp của Ðạo Làm Người. Và, muốn được như vậy, Ðức Phật khuyên con người hãy sống thương yêu, hỷ xả... và đừng bao giờ tạo "nghiệp" gây khổ não cho nhau, vì mọi con người đều đáng thương, đều cần phải được sống xứng đáng cho trọn kiếp người. Mọi con người đều đáng tôn trọng và cần được phụng sự.
Dưới đây tôi xin dẫn một đoạn nói về pháp "Tứ Ðế" do tôn giả A Nâu Lâu Ðà (Anurudha), một cao đệ của Ðức Phật, thuyết trình trước liệt vị thánh tăng vân tập ở rừng Sa La song thụ, khi Ðức Thế Tôn sắp tịch diệt Niết bàn, để tất cả chúng ta cùng lĩnh hội, suy ngẫm và thực hành.
"... Mặt trăng có thể nóng, mặt trời có thể lạnh, chứ chân lý Tứ Ðế không thể nào khác được. Như Ðức Phật dạy: Khổ đế, sự thật là khổ, quyết không có gì là vui sướng cả. Mà chính Tập đế là nhân (nguyên nhân gây ra mọi nỗi khổ đau), hẳn không có nhân nào khác. Vậy Diệt khổ tức là diệt trừ nguy&ec irc;n nhân. Nhân mà diệt thì quả cũng bị diệt.
ÐẠO DIỆT KHỔ TỨC LÀ CHÍNH ÐẠO, NGOÀI RA KHÔNG CÒN ÐẠO NÀO KHÁC NỮA."
Trong pháp Tứ Ðế gồm có Thập Nhị Nhân Duyên (3) và Bát Chính đạo (4). Mà giáo lý Thập Nhị Nhân Duyên là trình bày sự hình thành về vũ trụ và về con người một cách chính xác, khoa học (5). Tuy nhiên, Ðức Phật rất khiêm tốn, Phật chỉ nhận mình như một vị Y Vương, và giáo pháp của Phật như là những liều thuốc thần hiệu, uống hay không uống, tùy mỗi bệnh nhân sử dụng nó. Lại như kẻ dẫn đường giỏi, dắt loài người về nẻo chính, nghe mà không đi theo, thì đó không phải lỗi của kẻ dẫn đường.
Ðạo Phật là một triết lý sống, một đạo đã mang lại ánh sáng Trí Tuệ, Niềm Tin và Tình Thương đến với con người và cuộc đời...
KINH PHẬT DẠY LẦN CUỐI KHI SẮP NIẾT BÀN
Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni lúc bắt đầu chuyển pháp Luân (Dhammachakhappavattanasoutta) độ cho tôn giả A Nhã Kiều Trần Như (Ajnata Kaundinya); lần giảng Pháp cuối cùng, độ cho trưởng lão Tu Bạt Ðà La (Subhadra). Và những ai mong cầu được cứu độ, Ðức Phật đều bình đẳng hóa độ cho hết cả. Ngay khi Phật sắp tịch diệt (Niết bàn) ở rừng Sa La song thụ; lúc ấy khoảng nửa đêm, bầu trời tịch mịch, không một âm vang, Ðức Phật vì lòng thương các đệ tử mà lược thuyết những Pháp Yếu như sau:
- Các Thầy Tỳ kheo, sau khi Ta tịch diệt, các Thầy hãy trân trọng tôn kính TỊNH GIỚI, như đêm tối gặp ánh sáng, như người nghèo được của báu. Phải coi giới luật là bậc đại sư của các Thầy cũng như lúc Ta còn ở đời, không khác. Mà giữ tịnh giới, các Thầy không được buôn bán, đổi chác, tạo lập vườn nhà làm của riêng, chứa chấp kẻ tôi đòi, cùng chăn nuôi các loại sinh động vật.
Cho đến các thứ báu vật đều nên tránh xa như tránh xa lò lửa. Cũng không được phá hủy cây cối, khai khẩn ruộng đất, xem tướng lành dữ, coi sao, đoán điềm, lấy số, bói toán... đều là những việc không nên làm. Hãy tiết chế thân tâm, ăn ngủ đúng giờ, giữ gìn đời sống thanh tịnh. Ngoài ra, các Thầy còn không nên dự vào các công việc thế tục, như nhận lĩnh sứ thần, thông báo tin tức, luyện chú, vẽ bùa, làm giả thuốc thánh, kết bạn với người quyền quý, thân cận kẻ càn dỡ, xấc láo. Phải đoan tâm chính niệm để cầu tự độ. Không được bên trong thì giấu nhẹm thói xấu của mình, mà bề ngoài lại giả vờ đạo đức, hòng lừa bịp quần chúng. Ðối với bốn món cúng dường (2) chỉ cần "vừa đủ", không nên chứa góp khi được cúng dường. Ðấy là lược thuyết về tướng trạng của sự giữ giới.
(1) "Giới" là đường chính, nẻo thuận, và là gốc của giải thoát, cũng gọi là Ba la đề mộc xoa (Pratimoksha).
(2) Bốn món của đàn việt cúng dường chư Tăng là: các thức ăn uống, quần áo, chăn màn và thuốc thang.
Muốn dứt trừ khổ đau, thủ đắc phép thiền định để đạt được trí tuệ, ta không thể không nương vào sự giữ giới mà có. Nên các Thầy phải giữ tịnh giới, không được lơ là, hủy phạm. Ai chuyên giữ tịnh giới ắt hưởng mọi pháp lành; nếu tịnh giới không giữ, thì các công đức tốt đẹp không thể nảy sinh. Phải biết rằng: giới là nơi trú ngụ an ổn công đức đệ nhất.
- Các Thầy Tỳ kheo, đã hay giữ tịnh giới; còn cần phải biết cách tự chế, không cho năm căn (3) dông dỡ đuổi theo năm dục vọng (4). Cũng như người chăn trâu, cầm roi trông chừng, là cốt giữ trâu khỏi ăn lúa mạ nhà người ta. Nếu bỏ mặc năm căn, thì chẳng những năm dục vọng sẽ vô cùng bừa bãi, mà còn không thể chế ngự được và, như vậy, khác gì con ngựa dữ, không có dây cương kìm hãm, có lúc nó sẽ kéo người ta sa xuống hố hầm. Tuy (việc đó) có bị bức hại, cũng chỉ trong một đời; chứ bọn giặc năm căn thì gieo tai vạ cho nhiều đời! Ách nạn ấy mới thật khủng khiếp, há lại không thận trọng ư? Cho nên người có trí sáng, phải chế ngự nó mà không dễ dãi, và đề phòng nó như bọn giặc, chớ để buông thả! Nếu để buông thả năm căn, chẳng bao lâu chúng sẽ tác hại. Mà năm căn, tâm là chủ động: các Thầy phải khéo léo lắm mới chế ngự nổi nội tâm. Cái "tâm" thật đáng sợ, đáng sợ hơn rắn độc, thú dữ, oán tặc. Và cả lửa cháy phừng phừng nữa cũng chưa thể đem so sánh được với tâm. Như một kẻ tay cầm bình mật, chân bước đi vội vã, chỉ biết có bình mật mà không thấy được hố sâu! Như con voi điên dại không có khóa chân; con vượn, con khỉ leo trèo, nhảy nhót trên cành cây, khó mà cấm cản nổi chúng. Phải gấp điều phục chúng. Chớ có buông xuôi, bỏ mặc... Ai bỏ mặc cho tâm chạy theo sở thích, người ấy đã đánh mất hết mọi sự tốt lành.
Nhưng nếu biết chế ngự nội tâm, mọi việc sẽ chu toàn cả. Do đấy, là Tỳ kheo, các Thầy phải siêng năng tinh tiến, cần chiết phục được nội tâm mình.
(3) Năm căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân.
(4) Năm món ham muốn: tiền của, nữ sắc, danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ.
- Các Thầy Tỳ kheo, khi thụ dụng thức ăn uống, nên coi như dùng thuốc, ngon hay không ngon, cũng không ăn thêm lên hoặc ăn bớt đi. Mà chỉ coi sự ăn uống cốt sao để nuôi thân khỏi đói khát, thế thôi. Như con ong hút nhụy hoa mà không làm tổn hại đến sắc hương, Tỳ kheo cũng nên như thế: khi nhận món cúng dường của thí chủ, các Thầy nên coi đó như liều thuốc dùng để chữa bệnh tật, không được tham cầu quá mức khiến cho tâm thiện bị hủy hoại. Cũng như người có trí tuệ, lường biết sức lực con bò chở được nhiều hay ít; không để bò chở quá nặng đến phải kiệt sức.
- Các Thầy Tỳ kheo, ban ngày cần để tâm siêng năng tu tập pháp lành, chớ bỏ phí thì giờ! Ðầu hôm, sớm mai cũng đừng bỏ phí! Nửa đêm thì tụng kinh để tiêu trừ phiền não. Không vì chút lý do ngủ nghỉ làm hỏng cả cuộc đời, đến trở thành vô ích! Phải luôn suy niệm về lẽ vô thường, và coi đó như ngọn lửa đốt cháy thế gian mà gấp lo tu tập bản thân. Chớ có ham ngủ nghỉ. Bọn giặc phiền não thường rình rập ám hại người, thực nguy hiểm, nguy hiểm còn hơn cả oán thù truyền kiếp. Các Thầy há lại lấy sự ngủ nghỉ làm trọng mà không sớm tỉnh thức đó sao? "Phiền não" chính là con rắn độc ở ngay nội tâm các Thầy, cũng như con rắn đen núp trong căn buồng nơi các Thầy thường ngủ. Các Thầy hãy lấy lưỡi câu giới luật mà sớm trừ diệt nó đi. Chỉ chừng nào bọn giặc phiền não ra khỏi nội tâm rồi, ta mới được tự tại, nghỉ ngơi. Nếu biết chúng còn ẩn núp ở đâu đó mà vẫn yên ngủ, thì đấy hẳn là người không biết hổ thẹn là gì! Người biết hổ thẹn khác nào mặc chiếc áo đẹp nhất trong các đồ trang sức. Sự biết thẹn ví như lưỡi câu thép ngăn ngừa người ta không phạm những điều phi pháp.
Này, Các Thầy Tỳ kheo, các Thầy hãy thường xuyên biết hổ thẹn, chớ có coi thường, quên lãng, xa lìa lòng hổ thẹn, tức tự mình đã đánh mất hết công đức rồi vậy. Người biết hổ thẹn ắt được hưởng mọi pháp lành. Người không biết hổ thẹn, đâu có khác gì loài cầm thú.
- Các Thầy Tỳ kheo, nếu có người từ đâu đến đánh gãy chân tay..., các Thầy hãy nén lòng tức giận, cũng như hãy giữ gìn miệng lưỡi, chớ có buông ra những lời chửi rủa. Còn để tâm tức giận là trái với đạo giải thoát, mất hết các công đức. Công đức của nhẫn nhục hơn cả trì giới và khổ hạnh. Ai có năng lực thực hành hạnh nhẫn nhục, thật xứng đáng là bậc đại nhân. Người nào không biết vui vẻ chịu đựng những lời xỉ vả ác độc như uống nước cam lộ, thì không thể gọi là người trí tuệ hiểu đạo. Vì sao? Vì tức giận sẽ phá hoại các pháp lành, làm tổn thương đến thanh danh, người đời nay và người đời sau không ai còn muốn nhìn thấy mình nữa. Nên biết rằng: tâm tức giận còn độc hại hơn lửa nóng! Hãy đề phòng, gìn giữ, chớ để cho chúng len lỏi, đột nhập trong người ta. Bọn giặc cướp lấy công đức, vẫn không nguy hiểm bằng tức giận. Người tại gia đam mê sắc dục bởi họ không phải là người hành đạo, không có phương pháp để kiềm chế, nên có tức giận còn có thể tha thứ, chứ người xuất gia hành đạo, là người từ bỏ dục vọng, mà vẫn chứa trong lòng sự tức giận, thì không nên vậy. Cũng như áng mây trắng hiền hòa đang trôi lơ lửng giữa bầu trời trong xanh, bỗng nhiên ầm ầm nổi cơn sấm sét, hẳn không thể nào thích hợp.
- Các Thầy Tỳ kheo, khi cạo bỏ mớ tóc trên đầu, xa lìa mọi thứ trang sức ở đời, khoác trên vai tấm áo hoại màu, tay cầm bình bát, đi khất thực để tự nuôi sống; đã biết thực hiện như thế mà còn khởi tâm kiêu mạn, thì hãy sớm trừ diệt đi. Ðến như người tại gia còn không nên kiêu mạn thay, huống nữa, người xuất gia hành đạo, đã tự hạ mình đi khất thực, chỉ vì mưu cầu giải thoát?...
- Các Thầy Tỳ kheo, tính nịnh bợ, quanh co là trái với lẽ đạo, thế nên các Thầy cần giữ tâm ngay thẳng. Phải nhớ rằng: nịnh bợ, quanh co là một thủ đoạn để lừa dối kẻ khác; người hành đạo thì không thể như thế. Cho nên điều căn bản mà các Thầy phải giữ, đó là: LÒNG NGAY THẲNG THẬT THÀ.
- Các Thầy Tỳ kheo, cần nên biết rằng: người càng nhiều dục vọng, thì sự tham cầu lợi lộc càng lắm và khổ não cũng rất nhiều.
Người ít dục vọng không tham cầu, không ham muốn, nên không bị khổ đau. Thực vậy, tâm ít dục vọng còn phải tu tập, huống chi tính ít dục vọng thường hay sinh ra các công đức. Người ít dục vọng không nịnh bợ, quanh co để mong thu phục lòng người, cũng không bị "các căn" (3) lôi kéo. Người càng ít dục vọng thì tâm lúc nào cũng thanh thản, không bợn chút lo âu, sợ hãi, gặp khi hữu sự vẫn thừa sức đối phó, mà lúc bình thường sống rất đạm bạc, đơn sơ. Người ít dục vọng có cảnh vui của Niết bàn, như thế mới thực đúng với ý nghĩa của chữ "thiểu dục".
- Các Thầy Tỳ kheo, nếu muốn thoát các khổ não, cần phải "biết đủ" (tri túc). BIẾT ÐỦ LÀ PHƯƠNG PHÁP HOÀN HẢO AN VUI NHẤT MÀ NGƯỜI TA CẦN LẤY ÐÓ LÀM NƠI TRÚ ẨN. Người biết đủ tuy nằm trên đất cũng vẫn sung sướng. Người không biết đủ dẫu ở thiên đường mà vẫn thấy không vừa ý. Người không biết đủ tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ tuy nghèo mà giàu. Người không biết đủ thường làm nô lệ cho năm dục vọng (4), thực đáng để cho người biết đủ xót thương... Ðó gọi là biết đủ.
- Các Thầy Tỳ kheo, muốn trọn hưởng niềm vui trong sáng của Niết bàn, cần nên tránh xa những chỗ ồn ào, tìm ở nơi thanh vắng. Người nào thường ở nơi thanh vắng, dẫu là vua Ðế Thích hay chư thiên đều phải kính trọng. Lý do: vì những người này đã thoát ly hẳn đồ chúng (5) của mình và người, một mình ở nơi thanh vắng, cốt để suy tư về cỗi rễ của sự diệt khổ. Thật vậy, càng ở chỗ đông người, càng dễ bị người ta quấy phá. Như cây to lớn, các loài chim rủ nhau về đậu, tất cây phải héo gẫy. Người đời thường bị ràng buộc, đắm chìm trong những nỗi khổ... đâu có khác gì con voi già yếu đi trên bùn lầy, mà không thể gỡ chân ra nổi. Người tỉnh thức hãy sớm tránh xa chỗ huyên náo.
(4) Năm món ham muốn: xem chú thích trang 25.
(5) Ðồ chúng: Sự: Chỉ cho hết thảy sự huyên náo.
Lý: tức thân ngũ uẩn (sắc, thụ, tưởng, hành, thức) và mọi phiền não.
- Các Thầy Tỳ kheo, người siêng năng tinh tiến bất cứ công việc gì cũng làm xong, mà không coi là khó. Bởi thế, các Thầy hãy siêng năng tinh tiến! Ví như dòng nước chảy không dừng, dẫu là đá cũng có lúc bị xoi mòn. Nếu tâm người tu hành thường chán nản, lười biếng, khác nào khi dùi lửa, chưa được nóng đã thôi, lúc ấy dù muốn lấy lửa cũng không thể nào có được. Ðó gọi là "tinh tiến".
- Các Thầy Tỳ kheo, cầu có bạn hiền, cầu được sự hỗ trợ không gì bằng đừng quên mất chính niệm. Nếu không tự đánh mất chính niệm (bất vong niệm), thì bọn giặc phiền não không thể nào thẩm nhập tâm hồn. Do đó, các Thầy phải luôn luôn giữ cho tâm chính niệm. Ðể mất chính niệm, bao nhiêu công đức sẽ mất hết. Chính niệm là sức mạnh vạn năng sẽ giúp ta thắng lướt được đám giặc ngũ dục, không bị chúng bức hại. Như người mặc áo giáp ra trận, không hề biết sợ hãi là gì. Ðó gọi là "bất vong niệm".
- Các Thầy Tỳ kheo, nếu ai nhiếp phục được tâm thì tâm an định. Tâm định nên bất cứ tướng trạng sinh diệt của bất cứ vật thể nào hiện có ở thế gian cũng thấy biết cả. Vì thế, các Thầy hãy tinh tiến tu tập pháp định. Người đắc định thì tâm không bao giờ tán loạn. Cũng như muốn chứa giữ nước, phải biết ngăn be bờ đê. Hành giả cũng thế, muốn cho suối nguồn trí tuệ không bị rỉ cạn, phải siêng năng tu phép thiền định. Ðó gọi là tu "định".
- Các Thầy Tỳ kheo, người có trí tuệ thì không còn tham đắm. Các Thầy hãy tỉnh táo, tự soát xét mình, đừng bao giờ nhầm lỗi. Nếu thực hành đúng như thế, các Thầy đã sống trong giáo pháp của Ta, ắt được giải thoát. Nhược bằng trái lại, các Thầy đã chẳng xứng đáng là người xuất gia nữa, cũng chẳng phải cư sĩ, không biết nên gọi các Thầy là hạng người nào?!
Người có trí tuệ, như con thuyền bền chắc vượt thoát khỏi bể sinh tử luân hồi; là ngọn đèn lớn chiếu sáng bức màn vô minh đen tối; là phương thuốc hay chữa lành hết mọi tật bệnh; là nhát búa sắc bén chặt đứt hết cây phiền não; do đó, các Thầy phải lấy ba môn học căn bản là: VĂN (nghe), TƯ (nhớ), và TU mà trau dồi trí tuệ ngày thêm tiến ích. Người nào có ánh sáng trí tuệ, tuy mang đôi mắt thịt, nhưng lại là người minh kiến, có tầm vóc nhìn xa thấy rộng. Ðó gọi là "trí tuệ".
- Các Thầy Tỳ kheo, nếu còn hay hý luận, ắt tâm bị rối loạn, dẫu là người xuất gia cũng không bao giờ đạt được giải thoát. Là Tỳ kheo, các Thầy hãy gấp từ bỏ hý luận, giữ tâm không loạn động. Nếu muốn hưởng trọn vẹn niềm vui an tịnh, cách tốt nhất, các Thầy phải mau chóng trừ diệt tai họa hý luận kia đi. Ðó gọi là "bất hý luận".
- Các thầy Tỳ kheo, trong khi tu tập công đức, các Thầy hãy nhất tâm từ bỏ các tính phóng túng dông dỡ như tránh xa oán tặc. Giáo pháp của Ðấng đại bi Thế Tôn hoàn toàn có những lợi ích thiết thực. Các Thầy nên lấy đó làm mẫu mực cho sự tu hành của mình: dù ở núi rừng, bên bờ suối, dưới gốc cây, hay trong tĩnh thất, hay ở bất cứ nơi nào thanh vắng, các Thầy hãy luôn nhớ nghĩ giáo pháp của Ta, chớ có lãng quên. Phải luôn luôn cố gắng tinh tiến tu hành. Nếu không làm gì..., chết uổng, chỉ kết liễu trong ân hận hối quá! Ta như vị lương y, coi bệnh cho thuốc, uống hay không uống, không phải lỗi ở lương y. Lại như kẻ dẫn đường giỏi, dắt loài người về nẻo chính, nghe mà không chịu đi theo thì đó không phải là lỗi của kẻ dẫn đường.
- Các Thầy Tỳ kheo, như pháp Tứ Ðế (Catvàriaryasatyanu) (6) đã giải rõ những nỗi khổ và sự diệt khổ, nếu còn chỗ nào khả nghi hãy gấp hỏi đi, không nên mang trong lòng sự ngờ vực mà không yêu cầu giải quyết.
Trong khi Ðức Thế Tôn cao giọng nói như thế ba lần, nhưng không một vị nào "thỉnh vấn" Vì sao? Vì trong đại chúng không ai còn điều gì đáng nghi ngờ nữa cả.
Ghi chú: (6) Bốn Sự Thật:
Sự thật thứ nhất: Sự khổ.
Sự thật thứ hai: Nguyên nhân sự khổ.
Sự thật thứ ba: Sự khổ tiêu diệt (giải thoát)
Sự thật thứ tư: Phương pháp diệt trừ nguyên nhân sự khổ.
Ngay lúc ấy, Tôn giả A Nâu Lâu Ðà (Anusudha) liền quan sát tâm tư đại chúng, rồi bạch với Ðức Phật rằng: Kính lạy Ðức Thế Tôn, mặt trăng có thể nóng, mặt trời có thể lạnh, chứ chân lý Tứ Ðế không thể nào khác được. Như Ðức Phật dạy: KHỔ đế, sự thật là khổ, hẳn không có gì vui sướng cả. Mà chính TẬP đế là nhân (nguyên nhân gây ra mọi khổ đau), hẳn không có nhân nào khác. Vậy DIỆT khổ tức là diệt trừ nguyên nhân. Nhân mà diệt thì quả cũng bị diệt. ÐẠO DIỆT KHỔ TỨC LÀ CHÍNH ÐẠO, NGOÀI RA KHÔNG CÒN ÐẠO NÀO KHÁC NỮA! Thưa Thế Tôn, các Tỳ kheo quyết không còn điều gì nghi ngờ đối với pháp Tứ Ðế cả. Nhưng, giả thử trong đại chúng đây, có vị còn chưa hoàn thành đạo nghiệp mà Ðức Phật đã diệt độ, hẳn phải buồn rầu? Nhưng có vị chỉ mới vào đạo, nghe Ðức Phật thuyết pháp, liền được cứu độ. Ví như trong đêm tối chợt hiện ra ánh sáng, tức là thấy đạo. Cũng có vị đã HOÀN THÀNH ÐẠO NGHIỆP và ÐÃ ÐƯỢC CỨU ÐỘ thoát khỏi bể khổ, thì lại nghĩ rằng: sự diệt độ của Ðức Thế Tôn sao đến mau quá!
Tôn giả A Nâu Lâu Ðà vừa thốt ra lời ấy thì trong đại chúng thảy đều LIỄU NGỘ chân nghĩa Tứ Ðế. Ðức Thế Tôn lại một lần nữa, vì muốn cho đại chúng có tâm bền vững, nên đã rủ lòng đại bi mà ân cần dạy bảo thêm:
- Các Thầy Tỳ kheo, không nên mang lòng buồn thương sầu não, nếu Ta có ở đời thêm chừng một kiếp, rồi cũng tất phải chia ly! Hội tụ mà không chia ly thật chưa từng thấy bao giờ! Những việc "tự lợi, lợi tha" Ta đều đã dạy đầy đủ trong kinh điển, nếu có trụ thế lâu hơn nữa cũng chẳng ích gì! Những ai cần cứu độ, dù chư thiên hay loài người, đều đã được cứu độ, và những ai chưa được cứu độ cũng đều đã gây nhân duyên để được cứu độ. Từ nay về sau, các đệ tử của Ta phải biết triển chuyển thực hành, thì đó là các Thầy đã làm cho pháp thân thường trụ của Như Lai không bị hủy diệt! Tuy nhiên, cũng cần nên nhớ: Cuộc đời là vô thường. Hễ có hội tụ ắt có chia ly. Ðừng ôm lòng sầu thảm. Tất cả sự tướng ở đời là như thế đó. Phải siêng năng tinh tiến mà sớm cầu giải thoát. Hãy lấy ánh sáng trí tuệ để diệt trừ mê tối. Cuộc đời thực là nguy khốn, không có chi bền chắc cả! Ta nay đã diệt trừ hẳn mọi nỗi nguy khốn, như trừ diệt cơn ác bệnh, và coi đấy như trút bỏ được hết tội ác mà (giả danh) gọi là cái "xác thân" cứ mãi bị đắm chìm trong bể lớn sinh, già, ốm, chết! Huống nữa, người có trí sáng, đã trừ diệt "mọi nỗi nguy khốn" như trừ diệt oán tặc, làm sao lại không vui mừng cho được?
- Các Thầy Tỳ kheo, phải một lòng siêng năng tu đạo "xuất thế", sớm cầu ra khỏi những nỗi nguy khốn kia đi. Hết thảy sự tướng của các "Pháp", dù động hay bất động (7) hiện có ở thế gian, đều hủy hoại, bất an. Các Thầy, tới đây tạm chấm dứt, không nhắc lại nữa. Giờ đã điểm, Ta sắp diệt độ đây. Và đây là LỜI DẠY CUỐI CÙNG Ta trao lại cho các Thầy.
Ghi chú: (7) Pháp động và bất động: cõi DỤC có 6 tầng trời thuộc pháp động. Cõi SẮC có 18 và VÔ SẮC có 4, cộng 28 cõi. Những cõi trời này, kiếp sống dài lâu, ngoại đạo chấp là thường, nên gọi là pháp động.
Chú thích:
(1) Tứ Ðế:
1.) Khổ đế: nhân sinh là khổ
2.) Tập đế: do những nguyên nhân quá khứ, tập lại mà có.
3.) Diệt đế: cảnh giới Niết bàn an lạc.
4.) Ðạo đế: muốn giải thoát phải tu theo Bát Chính đạo.
Trong hai đế Diệt, Ðạo là thuộc về giải thoát luận, còn hai đế Khổ, Tập, nếu bàn rộng ra tức là 12 nhân duyên
(2) Lục Ðộ: 1) bố thí. 2) trì giới. 3) nhẫn nhục. 4) tinh tiến. 5) thiền định. 6) trí tuệ.
(3) (12 nhân duyên):
1) vô minh: chỉ cho trạng thái mê lầm không giác ngộ
2) hành: sự biến đổi của nghiệp thức
3) thức: nghiệp thức
4) danh sắc: tức là nghiệp thức và khí huyết cha mẹ tạo thành thân con người.
5) lục nhập: ngũ quan và ý thức
6) xúc: sự cảm thức của ngũ quan và thức trong khi đối cảnh.
7) thụ: sự lĩnh thụ tâm đối cảnh
8) ái: lòng tham yêu
9) thủ: lòng chấp trước giữ gìn
10) hữu: là Có, hoặc là Cõi do những nhân duyên trên.
11) sinh: nhân quả về sau trong các cõi thụ sinh.
12) lão tử: già, chết.
(4) (Tám Con Ðường Chính):
1) chính tri kiến. 2) chính tư duy. 3) chính ngữ.
4) chính nghiệp. 5) chính mệnh. 6) chính tinh tiến.
7) chính niệm. 8) chính định.
(5) Xin xem Phật Học Tinh Hoa, một tổng hợp đạo lý của cùng dịch giả, do Viện Ðại Học Vạn Hạnh xb. 1971, trg 214 298.
Dịch từ chữ Hán: "Phật Thùy Bát Niết bàn Lược Thuyết Giáo Giới Kinh"
Thích Trí Tạng
Này! Các người phải tự mình thắp đuốc lên mà đi! Các người hãy lấy Pháp của ta làm đuốc! Hãy theo Pháp của ta mà tự giải thoát! Ðừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các người!..".
1. Phật báo tin sắp nhập Niết bàn
Khi giác hạnh đã viên mãn thì Phật đã 80 tuổi. Ðến đây, sắc thân tứ đại của Ngài cũng theo luật vô thường mà biến đổi, yếu già. Năm ấy Ngài vào hạ ở rừng Sa La trong xứ Câu Ly, cách thành Ba La Nại chừng 120 dặm. Một hôm, Ngài gọi ông A Nan, người đệ tử luôn luôn ở bên cạnh Ngài đến và phán bảo:
-"A Nan! Ðạo ta nay đã viên mãn. Như lời nguyện xưa, nay ta đã có đủ bốn hạng đệ tử: Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di. Nhiều đệ tử có thể thay ta chuyển xe pháp, và đạo ta cũng đã truyền bá khắp nơi. Bây giờ ta có thể rời các ngươi mà ra đi. Thân hình ta, theo luật vô thường, bây giờ như một cổ xe đã mòn rã. Ta đã mượn nó để chở pháp, nay xe đã vừa mòn mà pháp cũng đã lan khắp nơi, vậy ta còn mến tiếc làm gì cái thân tiều tụy này nữa? A Nan! Trong ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết bàn".
Tin đức Phật sắp vào Niết bàn, lan ra như một tiếng sét. Các đệ tử của Ngài đi truyền giáo ở các nơi xa, lục tục trở về để cùng đấng Giác Ngộ chia ly lần cuối.
Trong thời gian ba tháng cuối cùng của Ngài, đức Phật vẫn không nghỉ ngơi, mà vẫn tiếp tục đi truyền đạo. Một hôm Ngài đi thuyết pháp ngang qua một khu rừng, gặp một người làm nghề đốt than, ông Thuần Ðà, thỉnh Ngài về nhà để thọ trai. Ngài im lặng nhận lời cùng các đệ tử theo ông về. Ðến nhà ông Thuần Ðà dọn ra cúng dường Ngài một bát cháo nấm Chiên đàn, thường gọi là nấm heo rừng, vì giống nấm này rất được giống heo rừng ưa thích.
Thụ trai xong, Phật cùng các đệ tử từ giã ông Thuần Ðà ra đi. Ðược một quãng đường, Ngài giao bình bát cho ông A Nan và truyền treo võng lên, trong rừng cây Ta La (Tàu dịch là cây song thọ, cây có hai nhánh lớn chia ra như hai cái nạn), để Ngài nằm nghỉ. Ngài nằm xuống võng đầu trở về hướng Bắc, mình nghiêng về phía tay phải, mặt xây về hướng mặt trời lặn, hai chân tréo vào nhau.
Nghe tin Ngài sắp nhập Niết bàn, dân chúng quanh vùng đến kính viếng rất đông, trong số ấy có một ông già ngoài 80 tuổi, tên Tu Bạc Ðà La đến xin xuất gia thọ giới Sa di với Ngài, Ngài hoan hỷ nhận lời. Ðó là người đệ tử chót trong đời Ngài.
2. Phật nói Kinh Di Giáo và những lời phú chúc
Lúc bấy giờ các đệ tử của Ngài đều có mặt đông đủ, chỉ trừ ông Ca Diếp vì đi thuyết pháp xa, chưa về kịp. Ngài hội tất cả đệ tử và tín đồ đến quanh Ngài và dặn dò một lần cuối. Ngài phú chúc như sau:
a) Y, bát của Ngài sẽ truyền cho ông Ma Ha Ca Diếp.
b) Các đệ tử phải lấy Giới luật làm Thầy.
c) Ở đầu các Kinh phải nên nêu 4 chữ: "Như thị ngã văn".
d) Xá lợi của Ngài sẽ chia làm ba phần:
- Một phần cho Thiên cung,
- Một phần cho Long cung,
- Một phần chia cho 8 vị Quốc vương ở Ấn Độ
Sau đây là lời vàng ngọc mà Ngài đã để lại trong giờ phút cuối cùng.
- "Này! Các người phải tự mình thắp đuốc lên mà đi! Các người hãy lấy Pháp của ta làm đuốc! Hãy theo Pháp của ta mà tự giải thoát! Ðừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khát, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các người!..".
- "Này! Các người đừng vì dục vọng mà quên lời ta dặn. Mọi vật ở đời không có gì quí giá. Chỉ có chân lý cuả đạo ta là bất di, bất dịch. Hãy tinh tiến lên để giải thoát, hỡi các người rất thân yêu của ta!".
Sau khi đã dặn dò cặn kẽ xong, Ngài nhập định rồi vào Niết bàn. Lúc bấy giờ nhằm ngày Rằm tháng Hai Âm lịch (theo giáo sử Trung hoa).
Rừng cây Ta-la tuôn hoa xuống phủ lên thân Ngài, trời đất u ám, cây cỏ héo úa, chim chóc im bặt tiếng hót. Vạn vật như chìm lặng trong giây phút nặng nề của sự chia ly.
Các đệ tử tẩn liệm xác Ngài vao trong kim quan và 7 ngày sau, đua kim quan Ngài vào thành Câu thi để tại chùa Thiện Quang và làm lễ trà tỳ (lễ hỏa thiêu).
Tám vị Quốc vương lớn ở Ấn Độ kéo binh hùng tương dũng đến toan tranh dành Xá lợi. Nhưng ông Hương Tích y theo di chúc của Phật, đứng ra điều đình, và nhờ thế việc phân chia Xá lợi đều được ổn thỏa.
Trích trong cuốn Phật học Phổ thông của Hòa thượng Thích Thiện Hoa
Trích trong cuốn Phật học Phổ thông của Hòa thượng Thích Thiện Hoa
No comments:
Post a Comment