Sự “không tiếp một ai” trong mùa an cư của Đức Phật là bài
học cảnh tỉnh cho những hành giả an cư nhưng lại quá bận rộn, trong các đạo
tràng an cư kiết hạ hiện nay.
Một thời, Thế Tôn trú ở Icchànangala, tại khóm rừng ở Icchànangala.
Tại đấy, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:
Ta muốn sống độc cư Thiền tịnh trong ba tháng, không tiếp một ai, trừ một
người đem đồ ăn lại.
Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Như vậy, không một ai đến viếng Thế Tôn, trừ
một người đem đồ ăn lại.
Rồi Thế Tôn, sau khi ba tháng ấy đã mãn, từ chỗ Thiền tịnh độc cư đứng dậy,
gọi các Tỷ-kheo:
Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo đến hỏi các ông: “Với sự an trú nào,
này chư Hiền, Sa-môn Gotama an trú nhiều trong mùa mưa?”. Ðược hỏi vậy, này các
Tỷ-kheo, các ông hãy trả lời cho cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Với định
niệm hơi thở vô, hơi thở ra, này chư Hiền, Thế Tôn an trú nhiều trong các mùa
mưa”.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, chánh niệm Ta thở vô, chánh niệm Ta thở ra. Hay
thở vô dài, Ta rõ biết: “Ta thở vô dài”. Hay thở ra dài, Ta rõ biết: “Ta thở ra
dài”. Hay thở vô ngắn, Ta rõ biết: “Ta thở vô ngắn”. Hay thở ra ngắn, Ta rõ
biết: “Ta thở ra ngắn”... “Quán từ bỏ, Ta thở vô”, Ta rõ biết như vậy. “Quán từ
bỏ, Ta thở ra”, Ta rõ biết như vậy.
Này các Tỷ-kheo, ai muốn nói một cách chơn chánh, đây là Thánh trú, đây là
Phạm trú, đây là Như Lai trú; người ấy nói một cách chơn chánh, phải nói định
niệm hơi thở vô, hơi thở ra là Thánh trú, là Phạm trú, là Như Lai trú.
Này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo nào là bậc hữu học, tâm chưa thành tựu, đang
sống cần cầu vô thượng an ổn khỏi các khổ ách; những vị ấy tu tập, làm cho sung
mãn định niệm hơi thở vô, hơi thở ra, sẽ đưa đến đoạn tận các lậu hoặc. Và này
các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, đoạn tận các lậu hoặc, tu hành
thành mãn, những việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý
tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí, giải thoát; những vị ấy tu tập, làm
cho sung mãn định niệm hơi thở vô, hơi thở ra, ngay trong hiện tại, đưa đến lạc
trú, chánh niệm tỉnh giác.
Này các Tỷ-kheo, ai muốn nói một cách chơn chánh, đây là Thánh trú, đây là
Phạm trú, đây là Như Lai trú; người ấy nói một cách chơn chánh, phải nói định
niệm hơi thở vô, hơi thở ra là Thánh trú, là Phạm trú, là Như Lai trú.
SUY NGHIỆM: Thời Thế Tôn tại thế, Ngài rất chú trọng
đến phận sự an cư mùa mưa của chư Tăng. Đặc biệt nhất là trong ba tháng mùa mưa
ở rừng Icchànangala, Ngài đã nhập thất và quyết định “không tiếp một ai”, trừ vị
thị giả mang cơm nước cho Ngài.
Vậy thì Thế Tôn nhập thất an cư để làm gì? Ngài chỉ an trú “với định niệm hơi
thở vô, hơi thở ra…”. Ngài đã làm một việc rất bình thường, đó là thực hành
chỉ-quán của thiền Tứ niệm xứ. Rõ ràng Đức Phật là bậc đã giác ngộ thì chắc chắn
“những việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã
tận trừ hữu kiết sử, chánh trí, giải thoát” nhưng Ngài vẫn an cư và tọa thiền
miên mật như chúng Tăng hẳn phải có nguyên nhân.
Một mặt, Ngài khẳng định rằng tu tập thiền Tứ niệm xứ sẽ “làm cho sung mãn
định niệm hơi thở vô, hơi thở ra, sẽ đưa đến đoạn tận các lậu hoặc”. Đây là pháp
môn căn bản, là con đường thẳng để đi đến thành tựu giải thoát, Niết-bàn mà các
“bậc hữu học, tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu vô thượng an ổn khỏi các khổ
ách” như chúng ta phải nương theo, hành trì, nhất là trong ba tháng an cư kiết
hạ.
Mặt khác, “định niệm hơi thở vô, hơi thở ra là Thánh trú, là Phạm trú, là Như
Lai trú”. Nghĩa là từ các bậc Thánh vô học trở lên, tuy đã đoạn tận phiền não và
giải thoát hoàn toàn nhưng vẫn an trú trong “định niệm hơi thở” để nuôi dưỡng
thân tâm an lạc. Như vậy, Như Lai và các bậc Thánh La hán mà còn an trú trong
“định niệm hơi thở”, hà huống là phàm tình như chúng ta.
Ấn tượng nhất vẫn là Phật an cư không tiếp khách. Sự “không tiếp một ai” và
“không một ai đến viếng Thế Tôn” trong mùa an cư của Đức Phật là bài học cảnh
tỉnh cho những người xuất gia vì bộn bề Phật sự mà không thể thực hành phận sự
an cư và cả những hành giả tuy có tùng chúng an cư nhưng lại quá bận rộn, trong
các đạo tràng an cư kiết hạ hiện nay. (Kinh Tương Ưng Bộ V, chương 10, phẩm 2, phần
Icchànangala)
|
No comments:
Post a Comment