Wednesday, April 9, 2014

Món súp chết người



Món súp chết người
Bài của Denis D. Gray


Ngoài đảo xa, các công nhân gác yến bám trụ ngày đêm - Ảnh: T.L

Súp tổ chim yến.

Ðối với những người ưa chuộng, đấy là một thứ "caviar thần tiên của Ðông phương", một thứ sơn hào hải vị được định giá quá xa xỉ đến nỗi có một số người giết nhau hay chết vì nó. Ðối với các nhà phê bình, đấy là một món ăn được tạo nên qua sự tàn ác và được gán cho các phẩm tính không xác thực như bổ trợ tình dục bởi những người Hoa tìm kiếm địa vị.



Sự thịnh hành của món súp nấu bằng tổ chim yến vẫn tiếp tục gia tăng, làm suy giảm số lượng của giống chim và nẩy ra những "cuộc chiến tổ chim" giữa những người có nhượng quyền với những người đi hái trộm tổ chim và những người điều hành du lịch đi vào địa phận của họ.


Ông John Gray, một người Mỹ đã đụng độ với những người thu mua tổ chim đầy uy thế tại Vịnh Phang-Nga, nơi chim yến làm tổ trong các hang động của những hải đảo ngoạn mục bằng đá vôi.

Gọi chuyện này là "tống tiền," tổ chức phiêu lưu bằng xuồng của ông Gray ban đầu đã từ chối trả một lộ phí 2.75 mỹ kim một người do những người thu mua tổ chim đòi hỏi. Họ bảo rằng những người du lịch bằng xuồng làm xáo động các tổ chim và vì thế lợi tức của họ bị thiệt hại.




Món chè yến táo tầu - Ảnh: T.L


Tổ yến thành phẩm - Ảnh: T.L


Ông Gray, chủ hãng Sea Canoe đã đoạt được nhiều giải thưởng về môi sinh, tin rằng những người thu mua tổ chim này là thế lực đằng sau các hăm dọa ám sát ông và vụ người quản lý tồ chức điều hành của ông bị bắn suýt chết vào năm1998. Mới đây, ông Gray đã phải nhượng bộ nếu không sẽ có nguy cơ bị đá văng ra khỏi các vùng hải phận Vịnh Phang-Nga.

Khu vực phía nam Thái lan này, cùng với các môi sinh tương tự tại Việt Nam, Nam Dương và Mã Lai, là quê hương của chim yến - một loại chim giống như chim sẻ, khó nhọc xây tổ cho chim con theo hình dạng cái tách bằng nước dãi dẻo dính.






Tổ yến - Ảnh: T.L

Các tổ chim gắn trên nóc các hang động, được các công nhân thu hái bằng cách leo lên các thang tre cheo leo. Những vụ té ngã bị thương hay chết không phải là không thường xảy ra.





Thu hoạch yến - Ảnh: V.T.C

Việc thu hái thái quá thường xảy ra. Tổ chim bị lấy đi ngay cả trước khi chim đẻ trứng, hay đôi khi chim con bị vất đi, là các hành động đã bị các nhà tranh đấu cho an sinh thú vật cực kỳ chỉ trích.

Hằng triệu tổ chim từ các hang động vùng Ðông Nam Á được gửi đến các cộng đồng người Hoa khắp nơi trên thế giới, những nơi tiêu thụ cao nhất là Hồng Kông, Trung Quốc chính địa và Ðài Loan.

Các khách ăn tại những chỗ như nhà hàng Hồng Kông Fook Lam Moon sẵn lòng trả giá đắt cho tổ yến có phẩm chất cao nhất - 58 mỹ kim một chén súp.

Một số người ăn tổ yến, thường được trộn với nước dùng gà, với gia vị hay với nước đường, để khoe giàu và khoe địa vị. Nhưng số nhiều tin rằng tổ yến làm da dẻ trẻ lại, chữa bệnh phổi và tăng cường tình dục.

Những điều tin tưởng này thực đáng ngờ vực. Các nhà phân tích hóa học đã chứng minh rằng món súp này có giá trị dinh dưỡng rất thấp. Nhưng cũng như dương vật của cọp, sừng tê giác và các bộ phận của thú vật hiếm khác, tổ yến được nhiều người Hoa xem là dược chất và thuốc bổ. Nhu cầu cho những loại sản phẩm như trên đang tàn hoại đời sống các thú vật đang bị nguy cơ tuyệt chủng trên khắp hoàn cầu.

Ông Alex Yau, tại văn phòng Hồng Kông của Ngân quỹ Toàn Cầu dành cho Thiên Nhiên, địa khu này đã nhập cảng đến 985 tấn tổ yến trị giá 700 triệu mỹ kim trong khoảng giữa năm 1992 đến 1998.

Một số phần trăm khá lớn của số lượng trên được chuyên chở vào Trung Quốc, nơi mà người ta đã bắt đầu ăn tổ yến từ cả 1,000 năm trước và nơi mà theo ông Yau sự tiêu thụ đang có khuynh hướng gia tăng cùng với sự giàu có.

Các chuyên gia cho biết nhu cầu gia tăng và giá cả cao hơn đã gây nên nạn thu hái thái quá và vì thế đã làm giảm đi số lượng chim yến, nhưng lại khuyến khích việc tổ chức trại gây tổ chim và ngay cả việc buôn bán tổ chim giả làm bằng tinh chất keo.

Navjot Sodhi, một nhà sinh vật học tại Ðại Học Quốc Gia ở Singapore, cho hay số lượng chim yến có thể đã giảm xuống đến cả 73 phần trăm trong một vài vùng Ðông Nam Á giữa các năm 1962 và 1990 do việc thu hái thái quá và việc hủy hoại rừng.

Một cuộc thúc đẩy do các quốc gia Tây phương nhằm bảo vệ chim yến trong Hội nghị về Buôn bán Quốc tế các Chủng giống đang bị Họa Tuyệt chủng đã thất bại phần lớn bởi vì sự chống đối của các nước Ðông Nam Á nơi mà có rất nhiều tiền bạc dính líu đến việc này.

Các mối lợi tức quá lớn đến nỗi dân làng tại Nam Dương, Thái Lan và các nơi khác lùa chim yến vào các nhà bỏ hoang. Một trại tổ chim giống như thế tại miền nam Thái lan có cả băng thâu âm tiếng thác nước để nhử chim.

Các dân làng còn thu hái lén trong các khu vực tổ chim đặc quyền, bàn cãi rằng dân địa phương không có được lợi tức gì trong thương vụ này trong khi những người có đặc quyền và chính quyền lấy thuế trên việc thâu hái tổ chim trở nêngiàu có.

Ðụng chạm giữa những người thu hái tổ yến có giấy phép và dân địa phương đã gây hậu quả về cái chết của 14 dân làng người Thái trong thập niên 1990.

Trong vụ tranh đấu vô hiệu quả của ông Gray chống lại những người thu mua tổ yến tại Vịnh Phang-Nga, ông đã chỉ r rằng họ đòi tiền mãi lộ một cách bất hợp pháp trong phạm vi một công viên quốc gia.

Nhưng một người điều hành xuồng biển người Thái, ông Thiti Mokapun, bảo rằng ông biết việc này chẳng mang lại kết quả gì vì các móc nối chính trị đầy thế lực của đám người thu mua tổ yến.

Ông nói: "Chúng tôi cũng muốn tranh đấu với ông John Gray. Chúng tôi đâu muốn trả lệ phí. Nhưng chúng tôi thấu hiểu rằng ở Thái Lan, luôn luôn có các thế lực mạnh mẽ hơn cả chính quyền."

Trong số các thế lực này là những người thu hái nước dãi chim yến.

Ý kiến của người dịch:
Theo bài viết có hai vấn đề chúng ta cần lưu ý là loài chim yến rất khó nhọc khi xây tổ bằng dải nước miếng của chúng và các nhà phân tích hóa học đã chứng minh rằng món súp làm bằng dải nước chim yến này có giá trị dinh dưỡng rất thấp.

Việc ăn dải nước chim yến làm làn da trẻ lại và tăng cường tình dục là một huyền thoại chỉ nhằm giúp các con buôn và các thế lực chính trị của đám người thu mua tổ yến làm giầu.

Ông John Gray đã bảo vệ các tổ chim yến là một điều quý, đáng ca ngợi nhưng không mấy hữu hiệu. Biện pháp hữu hiệu nhất là chúng ta cùng nhau vận động là không ăn món soup nấu bằng dãi nước chim yến, một món ăn được tạo nên bằng sự tàn ác của con người và mỗi khi có dịp đi du lịch Thái Lan hay Hong Kong, nhất định không mua yến.

Ăn trên nỗi đau khổ của những con chim yến phải chết vì mất con, mất tổ và sống không nơi trú ẩn là. Chính vì chúng ta muốn ăn nên mới tạo nhu cầu cho nhà cung cấp. Nếu chúng ta không ăn, nhà cung cấp sẽ không đi phá tổ chim. Rất đơn giản.

No comments:

Post a Comment