Saturday, May 24, 2014

Tịnh Độ Tông Nhật Bản



Trích đoạn từ: TỊNH ĐỘ TÔNG NHẬT BẢN
Nguyên tác: Kakehashi Jitsuen
Việt dịch: Thích Như Điển (Chùa Viên Giác - Hannover Đức quốc)

Phật Đà Chơn Thật

Đây là từ ngữ nằm ở phần đầu của “Thán Dị sao” cho biết bổn nguyện của Đức Phật A Di Đà là cứu độ chúng sanh. Chắc chắn điều nầy sẽ biểu hiện qua tín tâm và pháp niệm Phật cũng như sự lợi ích của việc chấp trì danh hiệu. Lời nguyện của Đức Phật A Di Đà gọi là “bất khả tư nghì” và việc hóa độ chúng sanh đầy bản ngã tự kỷ cũng là một việc “bất khả tư nghì”. Có tất cả 48 nguyện nhưng không có nguyện nào không hứa khả cứu độ chúng sanh. Nhất là phần đầu và phần cuối mỗi nguyện đều lập lại: “Ta thề không thành Phật”, “nếu không được vậy…, sẽ không giữ ngôi chánh giác”.

Lời Nguyện Thứ 18 của Phật A Di Đà

Trong 48 lời nguyện, mỗi nguyện Ngài đều hứa thực hiện một cách chắc chắn. Song, điểm chính ở đây là dù kẻ ngu muội đến mấy đi nữa vẫn được tiếp dẫn vãng sanh về Tịnh Độ như nhau, nếu có niềm tin, hết lòng xưng niệm danh hiệu: “Nam mô A Di Đà Phật”.

Đức A Di Đà Như Lai có 48 lời nguyện, song nguyện thứ 18 xem như bao hàm tất cả.

Lời nguyện thứ 18: “Ta thề không thành Phật, nếu ai muốn sanh nước ta, chí tâm niệm Phật cho đến 10 niệm mà chẳng vãng sanh, Ta quyết không ở tại ngôi chánh giác. Song trừ những kẻ phạm tội ngũ nghịch và hủy báng chánh pháp.”
Nguyện: “Nếu chẳng vãng sanh .........., cho đến quyết không ở tại ngôi chánh giác” là cứu độ, là thệ nguyện nhiếp thủ và cũng còn gọi là Nhiếp Thủ Môn. Ở đây nói rằng: “Trừ những kẻ phạm tội ngũ nghịch và hủy báng chánh pháp” là hai loại tội nặng, nếu không có tâm sám hối, không được vãng sanh và bị ngăn cản phải dừng lại tại cửa. Có phạm tội ngũ nghịch và hủy báng chánh pháp nhưng hồi tâm và tín thọ bổn nguyện, có thể chuyển hoán được. Đó là thành tựu của sự giáo hóa vậy.

Tín Tâm
“Chí tâm tín nhạo” là từ ngữ mà Thân Loan thêm vào cho mạnh hơn như là: “Nguyện chân thật của ta, nên tín nhạo” hay là: “Bổn nguyện của Như Lai là cứu độ chẳng phải đùa, không nên nghi ngờ mà hãy tin” hoặc “Nếu muốn sanh về nước ta…”. Thật vậy, vấn đề “nhờ tha lực và chí tâm tín nhạo, được sanh về cõi An Lạc Tịnh Độ” là “trí tuệ” ngược lại kẻ phàm phu không rõ đường đi nhưng tâm vẫn hướng đến lãnh vực siêu thoát cầu mong tỏ ngộ, cho nên nói rằng “cứu độ chẳng phải đùa, không nên nghi ngờ mà hãy tin và mau phát nguyện sanh về Tịnh Độ”. Đây gọi là ngôn ngữ của lòng Đại Bi được thể hiện. Sự khuyến tấn và tiếp dẫn là tiếng nói chân thành “tùy theo niềm tín ngưỡng, được sanh về cõi Tịnh Độ và chắc chắn mong ước sẽ thành tựu”. Thật vậy, khi nghe như thế, không còn nghi ngờ mà phát niềm tin.

Nghe và thọ trì mà không nghi ngờ nghĩa là những ngôn ngữ từ bi và trí tuệ của Như Lai đã bao phủ trí tuệ nhỏ bé của ta, dù không rõ biết “việc nhứt định vãng sanh” Tịnh Độ nhưng chắc chắn điều chờ đợi (vãng sanh Tịnh Độ) có thể xảy ra. Đây chính là lòng tin, mà lòng tin ấy chính là bổn nguyện quyết định, không còn nghi ngờ gì nữa.

Xưng Danh
Tiếp theo, trong nguyện thứ 18, câu “cho đến mười niệm” là lời nguyện về xưng danh hiệu. Niệm cho đến mười niệm là định tâm. Còn diễn đạt lòng tin qua danh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật” là bổn nguyện niềm tin. Mười niệm nghĩa là với tâm tịnh tín, xưng niệm danh hiệu đến mười lần. Song đó là sự giải thích đặc biệt của Thiện Đạo và Pháp Nhiên. Với Thân Loan “mười niệm” có nghĩa là “miệng chỉ cần niệm mười lần” mà thôi. Chữ “cho đến” (trong câu “cho đến mười niệm”- nguyện thứ 18) có nghĩa là không hạn định số lần niệm Phật. Song, trong bổn nguyện niệm Phật nghĩa là từng niệm, từng niệm phải được biểu hiện cụ thể qua pháp niệm Phật sao cho được vô lượng công đức của đức Như Lai, cho nên niệm Phật nhiều hay ít không có hạn định. Phiền não thì vô lượng, không thể chuyển hóa bằng phương pháp thực hành trí tuệ cá nhân mà tất cả chi nhờ vào tâm đại bi của Như Lai mà chuyển hóa khi “niệm danh hiệu của Ngài”. Ấy chính là lời nguyện của hành giả niệm Phật.

Với những ai có niềm tin, không thể không niệm Phật. Ngược lại, niệm Phật là được sống trong nguyện lực của Như Lai và làm cho đời sống tiến bộ hơn, niệm Phật chính là nương nhờ ân đức của Như Lai để dễ dàng thích ứng với cuộc sống đầy khó khăn của chúng ta trong hiện tại.

Nhiếp Thủ Bất Xả

Tiếp theo, trong nguyện thứ 18, câu “Nếu không vãng sanh, Ta không giữ ngôi Chánh giác”. Nói rằng hành giả niệm Phật với niềm tin vào bổn nguyện, song không vãng sanh thì Ta (Đức Phật A Di Đà) không giữ ngôi chánh giác là xác chứng sự vãng sanh của mười phương chúng sanh và bản thể giác ngộ của chư Phật không có hai. Cũng có thể nói là cả hai vấn đề vãng sanh và chánh giác cùng một bản thể. Cũng là lời xác chứng bổn nguyện cứu độ của Phật. Hơn nữa, danh hiệu A Di Đà Phật chẳng phải đơn thuần là tên của Phật A Di Đà, mà những ai tin tưởng bổn nguyện (nguyện thứ 18) thì ngay khi ngồi xuống niệm Phật liền vãng sanh. Đây chính là vừa trình bày pháp môn xưng danh hiệu và vừa giảng rõ giáo lý cứu độ (theo nguyện thứ 18 của Phật A Di Đà).

Chúng ta là người đang lặn hụp trong bóng tối, may mắn được nghe lời dạy của Phật, mà lời dạy ấy như ánh quang minh Đại Bi Đại Trí chiếu sáng khắp mọi nơi, đến tất cả mọi người như nhau. Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta hãy nghe, tiếp nhận và thọ trì. Không những ánh sáng bao trùm gồm ta và câu niệm Phật ta đang niệm, mà ánh sáng Phật quang bao trùm cả kiếp nhân sinh và chuyển dời chúng ta qua nơi khác được.

Bình Đẳng Với Lòng Từ Bi

Thật là đặc biệt, đức Phật A Di Đà cứu độ tất cả mọi người một cách bình đẳng, vượt lên trên những vấn đề già, trẻ, thiện, ác…, bình đẳng ấy không gì khác hơn chủ yếu dựa vào niềm tin. Trước nhất, lòng từ bi của đức Phật A Di Đà bao dung tất cả mọi chúng sanh không phân biệt già, trẻ, người lành, kẻ dữ. Bổn nguyện đại bi của đức Phật A Di Đà dung chứa tất cả mọi chúng sanh, không phân biệt đời sống của mỗi cá nhân, mà còn thiết tha cứu độ và an trụ một nơi nào đó nữa. Ngoài ra, dù tình thương vô biên và tận tâm cứu độ vô bờ bến của đức Phật A Di Đà dành cho chúng ta như thế, song trong cuộc sống đầy dẫy phiền não hư dối không thật, đầy thương yêu ghét bỏ nầy, cho đến khi nào chúng ta có niệm Phật cho đến khi đó ánh sáng Tịnh Độ qua sự niệm Phật và cầu nguyện ấy mới làm cho đời sống chúng ta trở nên thanh tịnh và vượt qua những thương ghét trên. Tin rằng trong tâm đại bi của Như Lai, chúng ta là những đứa con không những không bị ruồng bỏ, mà còn được trân quý, được xem là con ruột của Như Lai, niềm tin ấy phải được lưu giữ trong tâm một cách trang trọng tôn kính.

Tội Ác Sâu Dày Của Phàm Phu

Nói là người lành, kẻ dữ, là xét thực tế tự thân của họ trên cơ sở thiện và ác, từ tư duy, nói năng cho đến hành động trong sinh hoạt hằng ngày. Trong cuộc sống giới hạn nầy, không ai hoàn toàn tốt, cũng chẳng có ai hoàn toàn xấu. Kẻ có nhân duyên tiếp xúc với việc lành, được làm những điều tốt đẹp. Song, lỡ phải tiếp xúc với duyên xấu, hầu như tất cả bị đổ tội cho là tội phạm, nhiều tội lỗi. Đó chẳng qua chỉ là những nhược điểm khổ đau mà thôi. Thực tế, chẳng có ai tốt hoàn toàn mà cũng không có người xấu hoàn toàn. Vì nhơn duyên tiếp xúc mà con người lại yếu mền nên như vậy. Vì thế Như Lai không dành tình thương giới hạn cho riêng ai. Nghe những lời dạy của Phật, chúng ta có thể vui mừng khôn xiết và cảm động đến rơi nước mắt, mà chẳng có cái gì trên đời có thể làm cho cảm động được như thế. Huống hồ khi được cứu độ, tâm cảnh của chúng ta hiện ra đẹp tuyệt vời. Ngược lại bị vọng tưởng làm nhiễm ô, tâm tình của chúng ta trở nên bẩn thỉu, nếu không được cứu độ, tâm ấy như muôn ngàn tấm kính đổi màu và chúng ta nghĩ rằng không bao giờ được cứu độ. Song, bổn nguyện cứu độ chúng sanh, Như Lai không phải cứu độ mỗi một mình ta, mà cứu độ tất cả. Đồng thời, cũng nên hiểu rằng, nếu là kẻ xấu ác không phải không được cứu độ, mà Như Lai còn cứu độ tất cả tội chướng sâu dày của những kẻ phàm phu như chúng ta, khi chúng ta khao khát hướng về Như Lai cầu xin cứu độ. Chính vì thế, không có giới hạn xấu, tốt, một khi chúng ta hướng về Đức Như Lai với thân tâm chí thành, sẽ được tiếp dẫn vào thế giới bổn nguyện thênh thanh vô cùng. Chỉ cần “niềm tin” để hướng vọng, quy ngưỡng (chỉ cần chí thành tin đức Phật A Di Đà cứu độ và ta tha thiết nguyện xin được Phật tiếp dẫn) mà thôi.

Lành Cũng Không Cầu, Ác Cũng Không Sợ

Nếu có lòng tin vào bổn nguyện thì việc lành kia cũng không cần thiết mà việc ác nào cũng không sợ hãi. Với thệ nguyện và từ bi của đức Phật A Di Đà, ai ai cũng được cứu độ, dù là kẻ đầy tội lỗi, một khi họ xưng niệm danh hiệu Phật. Công đức niệm Phật vô lượng. Khi niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật là xưng tụng công đức và trí tuệ Như Lai qua ngôn ngữ, xưng tán công đức ấy quảng đại vô biên như biển cả mênh mông. Như thế, ai niệm danh hiệu Phật, người ấy có đầy đủ công đức vô thượng bao trùm chung quanh, không những gieo trồng thêm hạt giống công đức lành mà còn thực thi một điều vô cùng cần thiết và tất yếu nữa.

“Bổn nguyện của Đức Phật A Di Đà cũng không giới hạn cứu độ kẻ ác”, nghĩa là công đức vô ngại của Phật không dành riêng cho một ai và không bỏ một vì gì cả. Như Lai cứu độ tất cả chúng sanh, không giới hạn một ai, không giới hạn việc gì. Ngay cả người bị tội chướng tà ma, Như Lai dùng ánh sáng quang minh chiếu phá đến chỗ tối tăm và xua tan những chướng nạn ấy, cho nên Ngài Thế Thân[4] tán dương đức Phật A Di Đà là “Tận Thập Phương Vô Ngại Quang Như Lai”. Ánh sáng của đức Như Lai nầy chiếu khắp trong cuộc đời ở mười phương thế giới. Do vậy, không có chướng ngại nào mà không cứu độ được. Với danh hiệu ấy, Như Lai cứu độ tất cả. Khi nghe danh hiệu Phật và được biết không có chướng ngại nơi bổn nguyện lực và biết được cứu độ có nghĩa là: “Không còn lo ngại đến ác nghiệp, nhờ nương tựa vào bổn nguyện của Phật A Di Đà”. Đây chính là niềm hoan hỷ vô biên vậy.

Nơi Tuyệt Đối An Trụ

Như thế, một khi đã tin vào bổn nguyện của Phật A Di Đà, hành giả niệm Phật một khi rõ biết trí tuệ và tâm đại bi của Như Lai, tâm cảm được không thiện mà cũng không ác. Thế thì, bất cứ ai, người lành hay kẻ dữ, cũng được bao dung một cách ấm áp trong tâm lượng đại bi của Như Lai. Đó chính là nơi chốn an trụ có tính cách tuyệt đối. Ở đó, phá vỡ được cái tâm ngạo mạn khoa trương việc lành và đập vỡ tâm tự ti về việc xấu. Mỗi người trong chúng ta được trao cho một cuộc sống như thế, mà trong cuộc sống đầy tương quan tương duyên ấy, chúng ta an trú nơi lãnh vực tinh thần thật thanh thản và tấm lòng trải rộng khắp muôn nơi.

Con Đường Vượt Khỏi Sự Sanh Tử!

Mê hoặc khi sanh, và khi chết, tạo nên khiếp sợ và ngu muội của phàm phu. Do vậy, chúng ta phải xây dựng một lãnh vực tinh thần và điều khiển tâm sao cho thật vững chãi khi sống và thật nhẹ nhàng khi chết. Đó chính là con đường “Vượt qua khỏi sanh tử”. Phiền não thương, ghét đang mãi mê bay lượn chung quanh chúng ta làm cho cuộc sống phải nổi trôi và chúng ta khó đứng vững. Với ta, không muốn trải qua một cuộc sống như thế, không lẽ phải chết trong nỗi tuyệt vọng. Khi sống, sống với ý nghĩa gì thì lúc chết, phải xác nhận rõ ràng ý nghĩa ấy. Phải có cuộc sống tự tin, theo tinh thần đạo Phật, mới chấp nhận chết an nhiên trong tâm. Đó chính là Bồ Đề Tâm và đó cũng chính là con đường tìm cầu của tâm, thoát ly sanh tử. Giảng về bổn nguyện của Đức Phật A Di Đà trong Kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật Thích Ca cho biết hạnh nguyện từ bi của Như Lai cứu độ tất cả chúng sanh. Chúng ta an nhiên nguyện vãng sanh Tịnh Độ, nơi đó là cố hương mà chúng ta được tu và được nghe những lời dạy của Đức Như Lai. Không cần tư duy suy tính, chỉ cần có niềm tin và ước nguyện vãng sanh, chỉ cần xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà sẽ trở thành con của Như Lai, được Như Lai tiếp dẫn một cách trân quý trong từng hơi thở, chắc chắn sẽ xa lìa sanh tử, vĩnh viễn được tiếp dẫn về thế giới Tịnh Độ. Ấy là cơ duyên vãng sanh về Cực Lạc. Như thế “Con đường vãng sanh Cực Lạc và trụ lại đây” là nương vào pháp niệm Phật, được cứu độ và vấn đề sanh tử trở nên có ý nghĩa. Không giới hạn cuộc sống nào cả một khi đã có “con đường ra khỏi sanh tử” ấy. Như vậy, phải tâm niệm rằng con đường giải thoát của hành giả trong cuộc sống chính là con đường chánh đáng, chẳng còn gì để do dự nữa. Duy nhứt niệm Phật A Di Đà mới được tiếp dẫn, ngoài ra không còn gì khác nữa.

Chỉ Có Niệm Phật

“Chỉ có niệm Phật”. “Chỉ” nghĩa là theo chữ Hán viết là “duy”, nghĩa là duy nhứt. Ngoài tự lực, mỗi lời niệm Phật cầu vãng sanh của bổn nguyện chính là chuyên tu. Pháp Nhiên muốn dùng lời nói để biểu hiện về “chuyên tu niệm Phật”. Ngoài ra, Thân Loan trong tác phẩm Duy Tín Sao Văn Ý[12] cho rằng: “Bổn nguyện tha lực ấy bao gồm tất cả và rời khỏi tự lực”.

“Chỉ có niềm tin” là lìa tự lực và trở về với tha lực. Đây chính là cách nói giải thích. Thật là tốt cho con người lìa bỏ tâm phân biệt đo lường. Như Lai cho rằng pháp môn tự lực không cần mang theo, chỉ một câu niệm Phật là con đường của những ai có niềm tin kính tín “ước nguyện và xưng niệm danh hiệu”. Cuối cùng, niệm Phật là “chỉ niệm Phật” mà thôi. Nói khác, chẳng phải cần tâm thanh tịnh mới xưng danh hiệu, cũng chẳng phải cần thân yên ổn mới niệm; lại cũng chẳng cần phải tư duy niệm Phật có công đức mới niệm. Cũng chẳng cần phải nhớ về bổn nguyện của Như Lai, xưng danh hiệu..., tất cả đều không cần suy nghĩ gì cả, chỉ cần niệm Phật là đủ. Lại nữa, niệm Phật là cầm chắc trong tay ước mong cứu độ qua lời nguyện. Cũng nên xả bỏ tất cả những ước nguyện muốn có công đức của niệm Phật, để mang lợi ích của mọi người trong hiện thế, chỉ một điều là nương lời nguyện của Như Lai cứ như thế mà tiếp tục niệm Phật. Mong ước của tự lực là chạy theo cái quả, mà vấn đề niệm Phật ấy gọi là niệm Phật cuả tự lực. Còn niệm Phật theo lời nguyện của Như Lai là tha lực niệm Phật. Vì thế sự tự lực không cần đến, hãy trở về với tha lực ấy và “chỉ cần niệm Phật” mà thôi.

Phật Tử Chơn Chánh Tất cả mọi người niệm Phật đều có nguồn gốc là đệ tử chư Phật và Đức Thích Ca. Đã là đệ tử của Phật Thích Ca và Chư Phật đều trở thành hành giả có tâm kiên cố như Kim Cang”. Ngài Thiện Đạo theo những kinh điển, mà Đức Thích Ca giảng dạy, thuận theo chủ ý lời dạy của Chư Phật. Ai tùy thuận bổn nguyện đức Phật A Di Đà là “Chơn Phật Tử”. Lời nói nầy được chú thích rõ ràng. Lại nữa, Đức Thích Tôn dạy về sự niềm tin rằng: “Hãy tin rằng niệm Phật sẽ được thành Phật”. Những hành giả niệm Phật phát nguyện vãng sanh qua bổn nguyện của đức Phật A Di Đà là lời chân thật, phù hợp với chủ ý của đức Thích Ca. Họ là những Phật Tử chơn chánh. Hành giả niệm Phật, phải xác nhận rằng, là đệ tử của Phật A Di Đà, vì hành giả niệm Phật được giáo huấn rất căn bản theo bổn nguyện của Phật A Di Đà. Tất cả chúng sanh và kể cả mọi người là những người con gần gũi thân thiết, được đối xử một cách bình đẳng với tinh thần đại bi. Bình đẳng cứu độ tất cả chúng sanh là nương vào tha lực niệm Phật nhất niệm. Đó là quyết định vãng sanh. Chúng ta phải hồi hướng niệm Phật nầy. Đức Phật và chư vị Tổ Sư chỉ cho họ con đường niệm Phật, để tương ưng với bổn nguyện. Với nguồn gốc ấy, chúng ta niệm Phật trong bổn nguyện lực của Phật A Di Đà. Đúng hơn “Phật A Di Đà chỉ bày cho chúng ta niệm Phật”.
Qua Sự Từ Bi “Quán Kinh” dạy rằng: “Tâm Phật chính là tâm đại từ bi nhiếp hóa tất cả chúng sanh, gọi là vô duyên từ”. Tâm đại từ mang lại niềm vui và tâm đại bi loại trừ khổ đau của người . Tâm Phật là tâm Từ Bi và Trí Tuệ. Tuy nhiên tâm Phật cũng gọi là Đại Từ Bi như trong “Quán Kinh”. Phật A Di Đà nghĩa là đồng cảm với nỗi khổ của chúng sanh, không chỉ trong bản thể Như Lai qua tâm nguyện cứu độ là Đại Bi mà còn biểu hiện ra bằng sự cứu độ nữa. Ngoài ra, Tổ Thiện Đạo còn cho rằng học Phật tức là học “Tâm Đại Bi của chư Phật”, nghĩa là trước hết phải hiểu sự đau khổ của con người và phải hết lòng mong muốn cứu độ chúng sinh, bởi vì đồng cảm với nỗi đau khổ của chúng sanh vừa là giá trị căn bản đích thực của lòng từ bi, vừa là tư tưởng và hành động của Bồ Tát. Son, có quá nhiều yếu tố khổ đau thật đáng thương trong đời sống này. Dù rằng muốn hoá giải tất cả nhưng chúng ta không sao làm được, bởi vì dù có lòng từ bi đấy
nhưng chỉ giới hạn trong khả năng tự lực mà thôi. Dẫu có giúp cũng chỉ được nửa chừng, nhưng nếu chúng ta phát tâm niệm Phật, họ liền được Phật cứu độ. Đó mới thật là tâm đại từ bi hoàn toàn thể hiện qua niềm tin và kính ngưỡng. Hãy phát tâm niệm Phật và sẽ được hỗ trợ bằng tâm đại từ bi. Tâm người niệm Phật được bao dung che chở trong đại bi của Như Lai. Những thương, ghét, buồn đau khổ não của con người sẽ được đức Phật A Di Đà dang tay tiếp độ, với bổn nguyện đại từ đại bi bao la vô lượng. Đức Phật luôn luôn quán sát, sẵn sàng cứu độ và tiếp dẫn chúng sanh đến nơi không vươn tới được. Thế cho nên trước khổ đau, con người có thể bất lực với khả năng tự lực của mình, nhưng nếu mong mõi được cứu độ, được ánh quang minh chiếu soi và thiết tha niệm Phật, chư Phật sẽ đưa tay tiếp độ, dù cho tay ta vươn không tới. Tâm Hoan Hỷ Vui Với Giáo Pháp Niệm Phật sâu dày như lòng hăng hái hoan hỷ của tâm. Bổn nguyện của niệm Phật vãng sanh được nói rõ trong phần cuối của “Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ”, trong đó đức Thế Tôn giảng rất rõ về cốt yếu của pháp môn nầy. Có một đoạn gọi là “Phần Phú Chúc Lưu Hành” Phật phó chúc cho Bồ Tát Di Lặc trong tương lai rằng: “Ai nghe danh hiệu của đức Phật A Di Đà, tâm liền sanh hoan hỷ không còn một niệm khác sẽ được lợi lạc rất lớn, công đức vô lượng. Ai nghe danh hiệu của đức Phật A Di Đà tin và biết rằng các đức Như Lai sẽ cứu độ, sự hoan hỷ này cảm động đến trời đất. Chỉ cần niệm lên một tiếng, được Phật A Di Đà đem công đức bao phủ toàn thân, vì danh hiệu ấy có đầy đủ công đức, tất nhiên sẽ thành Phật. Thật lợi ích vô cùng, giống như trong cõi Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới đang bị lửa nóng thiêu đốt nầy, thật diễm phúc cho những ai được nghe giáo pháp.” Thân Loan nói như sau: “Như trong đại thiên thế giới, nhìn thấy lửa đốt cháy, Ai niệm danh hiệu Phật, Chứng được quả bất thối.” Khổng Tử có dạy rằng: “Sáng nghe được đạo, tối chết cũng yên tâm”. Ở trong nhà lửa bị thiêu cháy, phải chạy ra khỏi là chuyện đương nhiên, nhưng cố lưu lại để được nghe giáo pháp, dù chết vẫn không hối hận chút nào, huống hồ xưng niệm danh hiệu Phật. Lúc sống, xưng danh
hiệu, được biết Bổn Nguyện là đã sống đầy đủ ý nghĩa và chết sẽ được siêu thoát, vì đã rõ biết giáo pháp chơn thật. Đó gọi là công đức hơn hết. Ai được pháp môn này, ngay như những khi buồn khổ vì chuyện không đâu v.v.., hết lòng niệm Phật là đã dùng thân này để cảm tạ cuộc đời. Khi chắp hai tay lại thọ nhận là đã mở ra một cảnh giới siêu thoát cao hơn. Bi Nguyện Của Tha Lực Không nhận biết ân đức cứu độ của Phật dành cho thân phận thiển bạc này, mà phải vui vẻ đi trên con đường cứu độ. Quả thật ngược lại với ý nghĩa cứu độ. Dù rằng bổn nguyện đại bi của Phật A Di Đà vẫn có, nhưng thân nầy lại đầy phiền não và tín tâm hướng theo cảnh giới khác chẳng phải biểu hiện thuyết đi ngược sao? Chẳng có gì gọi là trái nghịch dù cho niềm hoan hỷ chưa trổi dậy, lòng mong cầu chưa được như nguyện nhưng trong tâm luôn luôn biết rõ công đức vô thượng của pháp môn niệm Phật bổn nguyện. Bởi vì trong cuộc đời, nào danh dự, nào lợi dưỡng, nào được, nào mất…, là những phản ứng mẫn cảm, một khi được danh lợi niềm vui khó tả; ngược lại danh mất, lợi mất đau khổ bi thương sẽ đến. Hơn khi nào hết đó là lúc mình nhận ra con người mình thật nhất. Có địa vị cao, có danh dự, có quyền lực, có tài sản nhiều bao nhiêu đi nữa, song cuối cuộc đời cũng chỉ còn lại cái không to tướng mà thôi. Lợi danh không là gì nhưng chúng ta quý nó không khác nào máu huyết luân lưu, ngày đêm nghĩ tưởng không dừng. Trong khi đó thật thương hại làm sao! ái dục, thương, ghét, tốt xấu vẫn tiếp tục đốt cháy mình. Kiếp nhân sinh trôi qua chỉ trong chốc lác để lại cái không to tướng, sự thật phải nói rằng, chẳng còn một cái gì cả. Song thật là bất khả tư nghì nếu kẻ phàm phu đầy phiền não và đầy sầu bi như chúng ta lại được Phật từ bi cứu độ. “Quy ngưỡng Phật nghĩa là trong tâm tội ác có chứa Từ Bi” cũng là một cách nói. Tâm chư Phật đầy lòng từ bi cứu độ, ngược lại trong tự thân chúng ta cội rễ tội chướng phiền não sâu dày cho nên tín tâm là niềm mong được cứu độ khi nghe Bổn Nguyện của chư Phật. Là những kẻ phàm phu đức mỏng nghiệp dày, chúng ta quy ngưỡng Như Lai, chắc chắn được tha lực Như Lai cứu độ, nói rằng trong tự thân phiền não của chúng ta có lòng đại bi của Như Lai có nghĩa là Như Lai hiện hữu trong phiền não của chúng ta. Tuy trong sinh hoạt hằng ngày của chúng ta mang đầy chất liệu phiền não khổ đau, song khi nào hướng về và muốn gặp Như Lai khi ấy có Đức Như Lai chơn thật trong mình. Không Lưu Luyến chốn Ta-Bà Chốn Ta-Bà vẫn còn phải cưu mang những sự phiền não nhỏ nhặt trong tâm, vẫn lưu luyến cảnh xưa, chốn cũ và khó xả bỏ những phiền não ấy, dẫu cố gắng không nghĩ đến cảnh Ta Bà nầy, nhưng phải nói rằng niềm lưu luyến vẫn quanh quẩn bên thân. Hết duyên Ta Bà, thân ta hoàn toàn bất lực, làm sao vãng sanh Tịnh Độ được? Nên ta phải, nương thệ nguyện đại bi và năng lực tiếp dẫn của Phật, mới được vãng sanh. Còn ai không ước nguyện vãng sanh, dù Phật ứng hiện trước mặt cũng chẳng đoái hoài.

Tín Tâm Được Che Chở Với bổn nguyện niệm Phật, Pháp Nhiên cho rằng: “Công đức của kẻ trí hay người ngu xưng tụng danh hiệu không khác nhau. Niệm trong khi tâm chí thành và niệm khi tâm nhiễm ô tán loạn, tất cả công đức ấy đều bình đẳng. Thế nhưng nếu nói lòng tin giống nhau, theo pháp ngữ chẳng đúng”. Như có lời dạy rằng: “Đức Như Lai hộ trì niềm tin” không có ghi lại trong sách vở hoặc những pháp ngữ đấy sao! Hơn nữa, công đức niệm Phật của bất cứ ai và xưng niệm ở bất cứ trạng thái nào, công đức vẫn đồng. Mỗi tiếng, mỗi tiếng là cái đức vô thượng vậy. Công đức niệm Phật không phải là người xưng tụng thêm cái đức, mà chính danh hiệu bổn nguyện ấy từ nguyên thủy có chỗ đắc rồi. Với ý nghĩa ấy mỗi một tiếng, mỗi một tiếng niệm Phật biểu hiện việc che chở của Đức Như Lai vậy.

Với Thân Loan, nếu Bổn Nguyện Niệm Phật là con đường cứu độ bình đẳng cho nhiều người, thì khi nghe và thọ trì không còn gì nghi ngờ nữa. Do vậy, tâm tin tưởng niệm Phật vãng sanh không sai biệt. Dù cho người thiện, kẻ ác, bậc hiền, kẻ ngu v.v…, đều vượt qua và đều được bình đẳng. Đó là chủ trương rốt ráo rằng: “Thầy trò cùng một lòng tin.” Và từ đó mới phát khởi: “Niềm tin được đức Như Lai che chở”. Chắc chắn niềm tin ấy cũng bình đẳng chứ không sai khác. Niềm tin được hộ trì có nghĩa là “ngươi sẽ được cứu”. Không những người ấy không bị đọa mà cả vạn người đều được cứu độ một cách bình đẳng qua tâm đại bi; cho nên cả vạn người có thể bước đi trên con đường niệm Phật một cách dễ dàng khi tuyển chọn và thệ nguyện qua lời: “Nếu xưng niệm danh hiệu, ta sẽ tiếp dẫn vãng sanhTịnh Độ.” Nghe lời thệ nguyện ấy, tất nhiên ước nguyện sẽ thành tựu. “Lòng tin khởi đi từ bổn nguyện”. Khi quy ngưỡng “tất nhiên được cứu”. Lòng tin “chắc chắn được cứu độ” hiện hữu trong tâm mọi người, đó là sự thật. Trí tuệ và học thức của con người không thể đo được tự kỷ nhiều như những vi trần của mình.

Trích đoạn từ: TỊNH ĐỘ TÔNG NHẬT BẢN
Nguyên tác: Kakehashi Jitsuen
Việt dịch: Thích Như Điển (Chùa Viên Giác - Hannover Đức quốc)

ST

No comments:

Post a Comment