Sunday, December 23, 2012

Vài điều cần biết về "Lý Vô Ngã "





Vài điều cần biết về "Lý Vô Ngã "
(để trả lời câu hỏi "Ta là ai?")
BS Nguyễn Quý Khoáng
(VN,tháng 10/2012)

I/ LỜI MỞ ĐẦU


Từ khi vào Trung học,tôi đã luôn tự hỏi trong đầu: Mình là ai? Mình từ đâu tới? Mình sẽ đi về đâu?
...Khi lên Đại học, trước khi chọn Y Khoa, tôi đã học lớp Triết tại Đại học Văn Khoa và dự định sẽ
 thi vào Đại học Sư Phạm Saigòn để trở thành giáo sư Triết học. Rồi tôi đậu vào Đại học Y Khoa
 Saigòn năm 1968 và không thể thực hiện ý định đó nữa. Nhưng tôi vẫn tìm đọc các sách về Triết
 học và Tôn giáo với mong muốn trả lời được những câu hỏi trên. Quyển "Câu chuyện dòng sông
 " của Hermann Hesse đã làm cuộc cách mạng tâm linh đầu tiên trong đời tôi và quyển "Đức Phật
 và Phật Pháp"của Đại Đức Narada đã khiến tôi chọn Đạo Phật là đường đi và là lẽ sống cho 
đến bây giờ.Tôi đã dành thời gian cho Đạo Phật nhưng đáng kể nhất là từ khi nghỉ hưu nghĩa là 
khoảng gần 4 năm nay. Tôi đã tìm được ở Đạo Phật lời giải cho những thắc mắc của mình hồi 
còn nhỏ và tôi xin trình bày với quý vị sau đây, nhất là về câu hỏi:Ta là ai? Theo tôi, câu hỏi này tối 
quan trọng cho mọi người vì nếu không biết được mình là ai thì cuộc đời sẽ không có định hướng,
không còn ý nghĩa nữa và nhất là về già, sẽ thật vô vị.

II/ THẾ NÀO LÀ "NGÃ" THEO ĐẠO PHẬT?

Ngã hay cái ta gồm thể xác và tinh thần mà Đạo Phật phân tích ra làm 5 uẩn ("Uẩn" nghĩa là sự tập 
hợp thành một nhóm, còn được gọi là "ấm" nghĩa là che mờ. Đó là vì các yếu tố ở mỗi uẩn, một khi
tập hợp lại, tác động lẫn nhau rất khó cho ta phân biệt rõ chính yếu tố nào trong một uẩn là yếu tố 
chủ động còn yếu tố nào ở một uẩn khác là yếu tố phụ thuộc). Đó là: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức.
Sắc là nói về Thân xác nghĩa là phần vật chất, 4 uẩn còn lại thuộc phần tinh thần:

1/Sắc (corps) là phần vật chất mà mắt mình nhìn thấy được, chính là thân thể con người chia ra 3 
phần: đầu, mình và tay chân. Sắc do tứ đại "Đất, Nước, Gió, Lửa" tạo thành (Đại có nghĩa là lớn 
nghĩa là 4 thứ gặp được khắp nơi trong vũ trụ).

- Đất tượng trưng cho thành phần đặc như xương, cơ, các tạng đặc, mô mềm.
- Nước tượng trưng thành phần dịch trong và ngoài tế bào, máu, các dịch tiết...
- Gió tượng trưng cho hơi thở, ợ, ngáp, hắt xì...
- Lửa tượng trưng cho sức nóng trong người (thân nhiệt của chúng ta trung bình là 37 độ C), chính 
là năng lượng do biến dưỡng thức ăn.Trung bình cơ thể con người cần 1800 calories/ngày. Người
lao động nặng có nhu cầu nhiều hơn, khoảng 5500 calories/ngày.

Vậy là về phương diện Y học (cơ thể học và sinh lý học), chúng ta thấy Đức Phật đã nêu lên đầy đủ
các đặc tính chính của thân thể con người.

2/Thọ (sensation) nói về cảm giác mà con người có được khi tiếp xúc với ngoại giới bằng các giác
 quan hoặc qua da như tê, nhức, đau, nóng, lạnh, dễ chịu, sung sướng. Đây là tính cảm nhận lạc, 
khổ, xả thể hiện động lực tình cảm.
3/Tưởng (perception) là tất cả tri giác được nhận thức bên trong tâm qua sự cảm xúc nơi các giác 
quan như các sự thấy, nghe, ngửi. Các hình ảnh cũng có thể do sự suy diễn, tưởng tượng mà ra.
ởng tuỳ thuộc xúc và thọ mà sinh khởi nên tri giác về thế giới vật lý hay tâm lý mang nhiều tính 
chủ quan, sai lầm dẫn đến khổ đau.
4/Hành (formations mentales) là tất cả các biến chuyển lần lượt xảy ra bên trong tâm ý đưa đến
các hành động ở bên ngoài, nơi thân và miệng như các động tác của tay chân, như lời nói nơi 
miệng lưỡi. Đây là tính thúc đẩy các suy tưởng nơi tưởng uẩn, bao gồm tiếp nhận hoặc loại trừ,
tạo thành nghiệp lành hay ác.
5/Thức (conscience mentale) nói về sự hiểu biết nơi tâm ý, hoặc về cảnh vật bên ngoài hoặc về
các thay đổi trong nội tâm. Đây là khả năng hiểu biết, phân biệt về cảm giác hay tri giác phát 
hiện khi các giác quan (căn) tiếp xúc với những đối tượng (trần).

Bốn uẩn Thọ, Tưởng, Hành, Thức có liên hệ bên trong hợp thành phần tinh thần. Vậy thì cái gọi 
là Ta đâu phải là một cái gì thuần nhất mà là tập hợp của nhiều thành phần tạo nên thể xác và 
tinh thần của con người.
Trường phái Trung Quán phân tách rõ về hai loại ta: cái ta tương đối(le Je relatif) và cái Ta tuyệt
đối (le Je absolu).
Thế nào là cái ta tương đối? Cái ta tương đối là một danh từ giả lập để chỉ năm uẩn. Mỗi khi 
năm uẩn hợp lại thì gọi đó là ta (ngã), nó là một danh từ quy ước để xưng hô và chỉ định sự khác
 biệt giữa từng cá nhân trong cộng đồng. Thí dụ khi đi chợ, bạn nói : "Tôi đi chợ". Cái tôi (ta) này
thuộc loại giả lập, vì thực tế có một cái thân này đi chợ chứ không phải cái thân của người khác 
đi chợ, và cái ta được chỉ định trên cái thân này, liên quan và tùy thuộc vào thân.
Thế nào là cái Ta tuyệt đối? Cái Ta tuyệt đối là cái ta tự nó hiện hữu độc lập, tự tánh, không lệ 
thuộc vào năm uẩn, thường còn, bất biến, nó hiện hữu như là chủ của năm uẩn, điều khiển năm 
uẩn. Thí dụ như có ai chửi bạn, bạn sẽ cảm thấy khó chịu, tức tối : "Tại sao nó chửi Tôi?" Chính 
ngay lúc đó, nếu để ý, bạn sẽ thấy có một cái Tôi (Ta) hiện hữu rõ ràng độc lập không ăn nhằm 
gì đến thân hay tâm cả! Cái Tôi (Ta) đó bị chửi, bị tổn thương chứ không phải cái tâm hay thân 
bị chửi. Người ta đâu có chửi thân tôi, đâu có chửi tâm tôi, người ta chửi "Tôi" mà! Cái "Tôi" 
này chính là cái Ta tuyệt đối, có tự tánh độc lập. Chính cái Ta này được mọi người nhận lầm là 
ngã . Cái Ta này thật ra không có (inexistant), nó chỉ là một ảo tưởng, một lầm chấp. Vì vô minh 
nên chúng sinh lầm tưởng ta là Ta, cho cái ta (giả danh) là một cái Ta (tuyệt đối) thật có.Theo 
Trung Quán Luận, giáo lý vô ngã phủ định cái Ta tuyệt đối, chứ không phủ định cái ta tương đối.

III/ GIÁO LÝ VÔ NGÃ

Giáo lý này đã được Đức Phật Thích Ca giảng tại vườn Lộc Uyển cho 5 anh em ông Kiều Trần 
Như sau khi Ngài giảng xong Tứ Diệu đế. Kinh Vô ngã tướng (Anattalakkhana sutta) kết luận 
bằng một câu ngắn gọn, rất quan trọng:
"CÁI NÀY KHÔNG PHẢI LÀ TA,
CÁI NÀY KHÔNG PHẢI LÀ CỦA TA,
CÁI NÀY KHÔNG PHẢI LÀ TỰ NGÃ CỦA TA"
(Để cho dễ hiểu, xin cho phép tôi được chú thích thêm cho chữ "CÁI NÀY": Đó chính là "Sắc, thọ,
tưởng, hành, thức", "cái thân này", "cái thân-tâm này", " cái ta đây", "cái tôi đây").

Đức Phật muốn phá bỏ ý niệm sai lầm về bản thể của con người:

1/ Phá bỏ cái chấp thủ vào 5 uẩn, xem đó là Ta như đang có tấm thân nguyên thuần một khối.
2/ Phá bỏ cái chấp thủ có một Tự ngã, một linh hồn vô hình bất diệt.Tuy nhiên, Đạo Phật khẳng 
định là có thần thức (gồm Mạtna Thức và Alạida thức),vô hình nhưng không bất diệt ( mà là thay 
đổi do duyên hợp) và giúp cho sự tái sinh và chuyển nghiệp báo từ đời này qua đời khác.

Nhân đây,tôi xin kể một câu chuyện ngụ ngôn Phật giáo để giải thích thêm:

Một ông phú hộ bị bệnh nặng sắp qua đời bèn gọi 4 bà vợ đến bên giường để trăn trối. Ông mời
từng người một theo thứ tự tình cảm dành cho họ và đề nghị họ theo mình để cùng qua thế giới 
bên kia.

Bà Tư được ông thương nhất giẫy nẩy lên từ chối và nói: "Tôi sẽ tiễn ông ra khỏi giường". Bà 
Ba lắc đầu quầy quậy và nói: "Tôi sẽ tiễn ông ra khỏi nhà". Bà Hai cũng khước từ đề nghị đó và 
 nói "Tôi sẽ tiễn ông đến mộ". Cuối cùng bà Cả chấp nhận và nói "Vì tình nghĩa vợ chồng, tôi sẽ 
theo ông đến chân trời, góc biển ".

Câu chuyện đến đây là hết và câu đố được đặt ra cho quý vị là: "Bốn bà vợ đó là cái gì?". Xin 
mời quý vị hãy tạm nghỉ 5 phút và thử tự trả lời xem rồi mới đọc tiếp.

Sau đây là lời giải:
Ông phú hộ chính là mỗi cá nhân chúng ta đây.

Bà Tư tượng trưng cho thể xác của mỗi người. Chính thân thể này là cái ta yêu quí nhất như bà 
Tư là người vợ út trẻ đẹp mà ông phú hộ thương yêu nhất.Ta nuôi thân ta bằng những món ăn 
ngon,vật lạ cũng như tắm rửa, trang điểm cho nó hàng ngày nhưng khi người ta chết đi thì phải 
bỏ lại thân xác này.

Bà Ba tượng trưng cho tiền bạc, của cải như nhà cửa,đất đai...Đây là thứ người ta cũng rất thích
nhưng khi chết đi thì không hề đem theo được.

Bà Hai tượng trưng cho danh vọng, địa vị, người thân như vợ con, anh em, họ hàng, bạn bè. Khi
người đó chết thì các người thân tiễn đến mộ và đọc điếu văn.

Còn bà Cà tượng trưng cho Nghiệp báo mà khi sống, ông phú hộ không hề để ý đến vì bà ấy già
 cả và xấu xí cũng như người ta khi làm một việc gì thì chỉ nghĩ đến lợi ích của mình và bất chấp 
 hậu quả sau này nhưng tiếc thay nghiệp báo lại theo mình như bóng với hình qua kiếp sau.

Câu chuyện trên muốn nhắn nhủ chúng ta rằng cái thân xác mà chúng ta cho là ta thì chỉ là giả tạm.
Người thân, tiền bạc, của cải, danh vọng...chỉ là phù du. Vấn đề chính là khi còn sống, chúng ta 
hãy sống lương thiện, giúp đỡ mọi người, tránh làm việc ác thì như Đức Dalai Lama nói, khi sống
thì ta được hạnh phúc, khi chết thì ta được bình an. Trái lại, nếu ta làm điều ác thì ta phải lãnh quả
xấu ngay trong kiếp này hoặc trong kiếp sau. Đây chính là nghiệp báo.

IV/ VẬY TA LÀ AI?

Theo Đạo Phật, cái gọi là Ta chỉ là giả tạm, do duyên hợp mà có, thay đổi thường xuyên theo 
luật vô thường và khi hết duyên thì sẽ tan rã. Để dễ hiểu hơn, tôi xin phép xét cái Ta qua 3 tiêu 
chuẩn sau đây:

1/Xét về không gian:

a/Về thể xác, các thành phần đất, nước, gió, lửa chỉ là do vay mượn từ bên ngoài bằng chứng 
là những thức ăn sau khi vào miệng, sẽ được nghiền nát rồi tiêu hoá, cuối cùng các chất bã 
được thải ra ngoài. Còn không khí hít vào phổi sau khi đã diễn ra sự trao đổi dưỡng khí với 
thán khí thì sẽ được thải ra ngoài. Mỗi ngày, ta hít thở 26000 lần và cần một lượng không khí là 
12.000 lít. Rồi cái vòng đó lại tiếp diễn. Có cái gì thật sự là của mình đâu? Đó chỉ là sự vay-trả, 
trả-vay mà thôi.

b/Về tinh thần, các ý kiến cho là mình nghĩ ra thật tình có phải của chính mình không, hay là chỉ 
do vay mượn từ nhiều người rồi mình thêm thắt vào. Điều này thấy rất rõ trong các bài giảng, 
các luận văn.Tuy nhiên, tôi không phủ nhận những nghiên cứu khoa học kỹ thuật có tính tiên 
phong, những sáng chế làm thay đổi cuộc sống.

2/Xét về thời gian:

a/Về thân xác, khi gặp mặt người quen hàng ngày, ta thấy không có sự khác biệt. Nhưng nếu 
gặp lại người thân sau trên chục năm xa cách thì đó lại là chuyện khác. Ta chỉ cần giở quyển 
 "album" gia đình ra xem lại chính mình lúc mới vài tháng tuổi, rồi lúc 20 tuổi, 40 tuổi, 60 tuổi thì 
ta thấy khác nhau rất nhiều, phải không? Vẫn là mình đấy nhưng sao khác nhau quá, về kích 
thước, về trọng lượng, về hình dạng...mặc dù còn những nét hao hao.

Vậy trong 4 hình đây, KHOÁNG là ai?

Nếu bảo là tất cả đều là KHOÁNG thì vô lý vì KHOÁNG chỉ có một người mà thôi. Còn nếu bảo 
chẳng có ai trong 4 hình này là KHOÁNG thì lại càng sai vì rõ ràng đây là hình chụp một người 
qua nhiều thời kỳ khác nhau.

Xét về mức vi mô, các tế bào trong cơ thể chúng ta thay đổi từng giờ, từng phút, từng giây tuỳ 
theo loại. Trong một giây đồng hồ, biết bao tế bào chết đi thì lại có biết bao tế bào được sinh ra.
 Thân xác của chúng ta thay đổi liên tục. Chỉ sau một tháng là thân xác của chúng ta không còn 
là thân xác cũ nữa nhưng chúng ta đâu hề biết, chúng ta cứ tưởng nó vẫn vậy. Vật chất không 
ngừng thay đổi !

b/Về tinh thần, khi bắt đầu tập ngồi thiền, chúng ta thấy có biết bao suy nghĩ lướt qua trong đầu 
chúng ta. Thật vậy, có biết bao nhiêu "niệm" (ý nghĩ) hiện lên rồi biến mất trong một giây đồng 
hồ. Đức Phật còn dùng từ "sát na" để chỉ một đơn vị thời gian rất nhỏ. Các niệm của chúng ta 
thay đổi từng sát na. Có những ý nghĩ mà ta quyết như "đinh đóng cột" nhưng sau khi tự mình 
xét lại hoặc bị người khác thuyết phục, ta quay ngoắt lại 180 độ.Vậy thử hỏi cái Ta nó ở đâu?

Có lúc, tôi ví cái Ta như một dòng sông. Đứng ở một điểm nhìn, ta thấy dòng sông vẫn vậy nhưng
nếu quán sát sâu xa thì ta thấy ở điểm đó, không còn là cùng các giọt nước ở trong giây trước 
so với giây sau.

Cái ta cũng còn có thể được ví như một vòng lửa tạo ra từ cách xoay tròn 360 độ một sợi dây 
mà ở đầu tận cùng có buộc một cục sỏi được bao bởi một bùi nhùi có tẩm dầu đang cháy. Khi 
quay thật nhanh, ta có cảm tưởng như có một vòng lửa thực nhưng sự thật không phải vậy. Vì thế,
cái ta cũng chỉ như vòng lửa, chỉ là ảo ảnh mà thôi.

Cuối cùng, ta có thể ví cái Ta như một cuộn phim gồm hàng vạn, hàng triệu hình chụp nhưng khi 
được quay mau thì ta thấy sống động như thật vậy.

3/Xét về chủ thể:

Nếu nói cái Ta có thực thì ta phải làm chủ nó, ta phải điều khiển nó theo ý muốn của ta. Nhưng 
thật sự có phải vậy không?

Nếu ta là chủ của thân xác ta thì ta có thể bảo trái tim ngưng đập một lát không, các quai ruột 
không co bóp nữa, dòng máu xoay theo hướng khác hoặc tạm ngưng chảy được không?
Nếu ta là chủ của thân xác ta thì:

- ta muốn cơ thể mãi mãi trẻ trung nhưng sao nó lại cứ già đi?
- ta muốn cơ thể luôn khoẻ mạnh nhưng sao nó lại cứ bệnh hoạn?
- ta muốn sống mãi mãi nhưng sao nó lại chết?

Vậy thì cái Ta chính là cái ý thức ( chứ không phải là một thực thể vật chất) về thân và tâm qua 
tất cả các hành động của thân, khẩu, ý. Chính những hành động này làm con người sống động 
và được các người chung quanh biết đến và cũng chính những hành động của thân, khẩu, ý tạo
thành nghiệp thức chẳng những ảnh hưởng ngay trong kiếp hiện tại mà còn có hậu quả đến việc
tái sinh trong tương lai theo định luật bất biến của Sinh tử-Luân hồi.Tóm lại, cái Ta:

* chỉ là tập hợp của ngũ uẩn, gồm những chất nạp vào và thải ra giữa bên ngoài với bên trong 
cơ thể, không hề có một thực thể thuần nhất.
* thân thể cũng như tinh thần của ta thay đổi liên tục theo thời gian.
* không hề có một chủ thể.

Vậy cái mà chúng ta gọi là "Tôi" chỉ là cái Ta giả,nó chỉ là tạm có do duyên hợp chứ chúng ta 
không thể dùng ngôn từ để định nghĩa một cách rõ ràng cái Tôi này.

V/ Ý NGHĨA CỦA LÝ VÔ NGÃ

Vô ngã là một trong tứ pháp ấn của Phật giáo Đại thừa ( pháp ấn là dấu chỉ điểm lời Đức Phật 
dạy): Vô ngã- Vô thường -Khổ-Không.

Đây là một trong các giáo lý căn bản của Đạo Phật và độc nhất vô nhị vì không có tôn giáo nào 
trên thế giới này lại phủ nhận cái Ta như Đạo Phật cả. Đức Phật muốn phá bỏ cái chấp Ngã 
của hầu hết chúng sinh vì những lý do sau đây:

- Mặc dù Chấp ngã nghĩa là tin là "cái ta là thật" có một số ưu điểm như nhờ có cái Ngã mà con
người mới phấn đấu, xã hội mới tiến bộ. Chính sự cạnh tranh mới thúc đẩy khoa học kỹ thuật 
luôn đổi mới, kinh tế phát triển, mới đem lại sự tiện nghi vật chất cho con người, mới đem lại 
sự giàu có cho các quốc gia. Điều này chúng ta không phủ nhận.

- Nhưng cũng chính cái Ngã này đã đem lại bao nhiêu đau khổ, phiền toái cho mỗi chúng ta, cho
cả nhân loại. Tại sao vậy?

* Về cá nhân, nếu ta chấp vào cái Ta nghĩa là tự xem cái Tôi to lớn (vì tự đồng hoá mình với danh
xưng, chức vụ, địa vị trong xã hội ...) thì nếu ai động chạm tự ái của ta như nói xấu, mắng nhiếc...
thì ta sẽ nổi sân lên.
Chính vì quan niệm rằng ta có một cái tôi thật sự khác biệt với mọi người nên ta muốn (cả ta và 
chính người thân của ta) hơn người khác về mọi mặt như học giỏi hơn, địa vị cao hơn, giàu có 
hơn...Chỉ vì lòng tham mà ta bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được những điều đó.

* Về tập thể, vì chấp cái này là ta, cái này là của ta, cái này là tự ngã của ta nên có sự kình chống
giữa phe này với phe kia, tôn giáo này với tôn giáo kia (thậm chí có tôn giáo mà các tín đồ cùng 
thờ một Thượng Đế nhưng vì chia 2 phái khác nhau lại giết hại lẫn nhau.Tôi nghĩ Thượng Đế trên
 trời cũng phải khóc vì sự ngu muội của các tín đồ của mình),tranh chấp giữa quốc gia này với 
quốc gia kia. Cùng một lúc trên trái đất có sự thừa mứa thực phẩm ở nơi này nhưng lại có sự 
chết đói ở nơi khác cũng như chiến tranh xẩy ra không dứt, hết ở vùng này thì lại đến vùng khác.
Chúng ta cần nhớ rằng khi Đức Phật giảng về lý Vô ngã, không phải là Đức Phật nói "Không có 
ta" có nghĩa là "không còn gì cả".Thật ra, con người ta vẫn sờ sờ đây chứ đâu có mất đi.

Đức Phật muốn phá sự chấp thủ vào cái "chính mình" (cái Ta giả) của con người để chúng ta 
tránh được đau khổ vì Tham và Sân. Phá tan sự chấp thủ vào 5 uẩn chứ không phải là phá tan 5 
uẩn, xin chớ vội hiểu lầm. Giáo lý Vô Ngã không khuyên con người diệt chính mình bằng cách tự 
hành xác hay tự tử mà chỉ khuyên con người nên có một cái nhìn đúng đắn (Chánh kiến) về chính
mình.

Đề xướng Vô ngã không phải để hư vô hoá con người, xoá bỏ sự có mặt của con người trong 
cuộc đời, trái lại kết hợp chủ thể với tha nhân, xoá bỏ biên giới cách biệt giữa người với người, 
trải rộng lòng từ bi đến tất cả chúng sinh. Thế nên, ai dựa vào giáo lý vô ngã để chối bỏ cuộc đời
thì người đó mắc sai lầm nghiêm trọng vì Đạo không lìa Đời và người đó chưa thấy rõ được diệu
dụng của Đạo Phật.

Qua "Lý vô ngã" Đức Phật muốn khuyên chúng ta đừng bám víu vào cái ta giả mà hãy hướng đến
cái ta thật để được sống trong hạnh phúc thường còn.

Vậy có cái ta thật không? Theo Đạo Phật, ai cũng có cái ta thật qua lời tuyên bố bất hủ của Đức 
Phật: "Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành". Đức Phật đã cho mỗi chúng ta biết nguồn
gốc đích thực của mình qua câu chuyện ngụ ngôn"Dê và Sư tử"sau đây:

"Có một sư tử cái mang bầu sắp sanh nhưng đói quá nên mon men về làng. Khi đến bờ suối, sư 
tử mẹ chuyển dạ và sanh ra một sư tử con. Nhưng vì kiệt sức và băng huyết nên sư tử mẹ đã chết
 ngay bên bờ suối. Một chú bé chăn dê đến nơi phát hiện sự việc bèn tri hô lên. Dân làng đến đem
 sư tử mẹ đi và cho chú nuôi sư tử con. Sư tử con lớn lên trong bày dê và cứ tưởng mình là dê. 
Một hôm sư tử chúa đi tìm mồi, đến bên bờ suối uống nước. Chú chăn dê và bày dê sợ quá trốn 
mất trong khi sư tử con ngơ ngác, kêu:"be,be". Sư tử đực vừa ngạc nhiên vừa bực mình bèn đến 
gần sư tử con và nói : "Mày là sư tử chứ không phải là dê !" Sư tử con luôn miệng kêu:"be,be". 
Sư tử chúa giận quá ngoạm vào gáy sư tử con rồi lôi sềnh sệch đến bên bờ suối, dí mặt nó sát 
ng nước và nói: "Hãy nhìn kỹ lại xem mày là ai?" Sư tử con soi mặt mình và gầm lên một tiếng: 
Chúa sơn lâm đã hiện hình!"

Câu chuyện trên đây muốn nói là mỗi chúng ta thuộc dòng dõi Phật nhưng chúng ta cứ tưởng mình
là chúng sinh. Chúng ta không hề biết hoặc không dám tin điều này giống như sư tử con cứ tưởng
mình là dê cho đến ngày được sư tử chúa cho biết điều đó cũng như Đức Phật chỉ cho chúng ta 
biết chân giá trị của mình. Đạo Phật còn ví Phật tánh (còn gọi là Chân Tâm, Bản thể Chân Như) 
như biển cả và mỗi chúng sinh là một lọn sóng. Sóng to hay nhỏ là vì gió thổi mạnh hay yếu cũng 
như các chúng sinh khác biệt nhau là vì gió "nghiệp".Vậy khi gió hết thổi thì sóng lại là nước cũng 
như khi hết nghiệp Tham,sân,si thì chúng sinh lại là Phật.Và khi thấy lại Phật tánh, trở lại với cái ta 
thật thì chúng ta sẽ sống trong niềm an lạc vĩnh viễn.

Đa số chúng ta chấp vào Ngã nhưng có một số ít lại chấp vào Vô Ngã. Họ nghĩ rằng Phật nói vạn 
pháp do duyên hợp nên không có gì là thật cả, chết là hết mà thì dại gì mình không hưởng thụ bằng
mọi cách, kể cả việc giết hại người khác. Đời chỉ như giấc chiêm bao, không có linh hồn, không 
có nghiệp báo, có gì mà phải sợ. Nhưng họ phải hiểu rằng nếu có nhân "giả" thì cũng có quả "giả"
và trong mộng họ vẫn phải trả những quả báo này, họ vẫn phải nếm mùi đau khổ trong cảnh mộng,
không chạy đi đâu được cả.

Khi thuyết về lý Vô Ngã, Đức Phật không muốn chúng ta chấp vào Không vì như vậy còn tệ hơn 
chấp vào Có, mà ngài chỉ muốn chúng ta thấy đúng bản chất của Ngã để đừng bị dính mắc. Khi 
thấy được bản chất của sự vật là duyên khởi thì ta thấy nó không có tánh chân thật, là có hay là không. Do đó, chúng ta không chấp vào có Ngã và cũng không chấp vào Vô Ngã, sự không chấp này được gọi là Trung Đạo, còn gọi là "Đệ nhất nghĩa Không".

Trung Đạo nghĩa là "không Có cũng không Không".Trung Đạo không có nghĩa là tổng hợp giữa 
cái Có và cái Không, mà là sự siêu việt khỏi thế giới khái niệm. Trung Đạo không có nghĩa là 
 trung gian giữa sự Có-Không, Thường-Đoạn, Sanh-Diệt, Khổ-Vui mà có nghĩa là vượt lên khỏi 
các cực đoan ấy, ra ngoài vòng tương đối sai biệt để hiển lộ thể Chân Không Diệu hữu, dứt bặt 
sự suy nghĩ và lời nói.Thực tại vượt thoát bốn ý niệm:Có, Không,Thường, Đoạn. Đây là lý Bất nhị 
trong kinh Duy Ma Cật. Ý nghĩa siêu việt trong Trung Đạo là thái độ vô chấp, vô trụ, tức là không bị 
lệ thuộc vào một định kiến nào, không bị đóng khung trong một phạm trù tư tưởng nào.Trung Đạo 
là làm mà không bị dính mắc vào Có và Không: Cần dùng Ngã để phấn đấu, để cạnh tranh cho 
khoa học được tiến bộ hơn, cho đời sống được ấm no hơn nhưng không nên bị kẹt vào cái Ngã 
đó để chỉ nghĩ đến bản thân mình mà nên ứng dụng Vô Ngã để xoá bỏ ranh giới giữa ta và người,
để thêm bạn bớt thù, để đem lại hạnh phúc cho mọi người trên thế gian này.

VI/ LỢI ÍCH CỦA VÔ NGÃ

Giáo lý vô ngã là nền tảng, là căn bản của Đạo Phật nên dù theo Phật giáo Nguyên thủy hay Đại 
thừa,người ta cũng cần phải học và tu tập vô ngã.

Chấp ngã nhiều chừng nào thì khổ đau nhiều chừng đó. Ngược lại, tu tập vô ngã nhiều chừng nào
thì bớt khổ nhiều chừng ấy. Do chấp ngã nên sinh ra đủ thứ phiền não liên quan đến ngã sở và 
ngã kiến :

-Ai đụng vào ngã sở như nhà cửa, vợ con, tài sản, quyền lợi của Ta thì Ta nổi sân lên hoặc lo sợ 
mất. Người tu tập vô ngã không còn chấp tài sản là của Ta thì khi bị mất mát sẽ không đau khổ 
 bằng người chấp ngã.
-Do chấp ngã kiến, tức là cho ý kiến của Ta lúc nào cũng phải, cũng đúng, nên sinh ra cãi nhau, 
tranh chấp phải trái, hơn thua, lời qua tiếng lại, tệ nữa là tới đánh nhau, giết nhau.

Người tu vô ngã trở nên khiêm cung, không ngã mạn, khoe khoang, nên được mọi người thương
mến. Người tu vô ngã mới đầu chưa thuần thục còn bị đau khổ trước một lời nói ác độc. Khi tu 
khá hơn thì ngã chấp tiêu mòn, nếu bị chửi chỉ còn thấy khổ sơ sơ. Cuối cùng khi ngã chấp không
còn thì mọi đau khổ đều tan biến. Vì thế Đạo Phật mới nói Vô ngã chính là Niết bàn.

VII/ KẾT LUẬN

Nguyên nhân của mọi khổ đau, phiền não đều do tâm bất giác vô minh tạo ra cái Ta và năm uẩn
rồi mắc kẹt vào đó. Tâm cho thân là Ta và những cảm thọ, tưởng nhớ, suy nghĩ, phân biệt là Ta.
 Nhưng Ta chỉ là một ảo tưởng của tâm, theo Chân Lý thì không có Ta (vô ngã). Bởi thế muốn 
giải thoát cần phải tu học vô ngã và Chân tâm.

Khi nào tâm tỉnh giác trở về bổn tánh, chứng nhập chân như, thoát khỏi sự chấp ngã thì lúc đó 
ngã hay vô ngã không còn là vấn đề, vì không còn đối đãi nhị nguyên. Nhưng ngày nào tâm 
chưa giải thoát, ngày đó ta vẫn cần phải tu học theo thứ lớp, tức là phải diệt trừ sự chấp ngã. 
Đạo Phật quý ở chỗ thực hành chứ không bàn luận suông về những lý lẽ cao siêu (như Tánh 
 không, Bát nhã, Bất nhị, Pháp thân) trong khi bản ngã, tham, sân, kiêu mạn không trừ.

Tôi muốn chia sẻ lời giải đáp "Ta là ai" để quý vị đỡ mất thời gian tìm kiếm. Cái ta tưởng là thật
thì nó là giả, còn có một cái thật khác, đó chính là Chân Tâm, là Phật Tánh. Tuy nhiên hiểu biết 
này mới chỉ là trên tri thức thôi, chúng ta cần phải tinh tấn tu tập để thực chứng thấy lại bản tánh
 chân thật của mình. Khi đó, mặc dù về kích thước và trọng lượng, chúng ta không là gì so với vũ trụ nhưng chúng ta chính là vũ trụ, là chân lý, không điều gì là không biết (Nhất thiết chủng trí).

Và cuối cùng, xin cầu mong mọi chúng sinh đều được giải thoát khỏi vòng sinh tử-luân hồi và 
đạt được hạnh phúc thường còn
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Kinh Vô ngã tướng (Anattalakkhana sutta) trong "Căn bản học Kinh Phật" của cư sĩ Thiện Nhựt- Huỳnh Hữu Hồng.
2.Thân Tâm và Ta, bài thuyết trình tại Tổ đình Từ Quang, Montreal,tháng7/2008 của cư sĩ Thiện Nhựt- Huỳnh Hữu Hồng.
3.Danh từ Phật học thực dụng, Tâm Tuệ Hỷ.
4.Trung Đạo về Bản Ngã, Thường Hỷ Lê Niên.
5.Vô ngã là Niết Bàn, HT.Thích Thiên Siêu.
6.Vô ngã, Thiền sư Sayadaw U Silananda, Tỳ Kheo Pháp Thông dịch.
7.Tâm và Ta , ĐĐ Thích trí Siêu
8.Đức Phật và Phật pháp, Đại Đức Narada, Cư sĩ Phạm Kim Khánh dịch.
9.Phật học tinh hoa, Thu Giang Nguyễn Duy Cần.

No comments:

Post a Comment