Tuesday, December 11, 2012

Cái chết của ác vương



Cái chết của ác vương

Liên quan đến cái chết của ác vương, có một thiên đoản văn miêu tả lại sự việc nầy vô cùng sinh động: “Bấy giờ Kiết Tường Kim Cang đang ẩn tu tại một hang động trong núi sâu, Ngài tu hạnh Tam muội, bỗng nhiên có một vị Không Hành Mẫu xuất hiện và nói với Kiết Tường Kim Cang: “Trong giới Phật giáo Tây Tạng, Ngài là người có khả năng biểu hiện công đức cho đất nước nầy, ngoài Ngài ra không còn ai khác. Hiện nay Lãng Đạt Ma–vị ác vương–đang dùng thủ đoạn thâm độc để tiêu diệt Phật giáo. Giờ đây cơ hội đã đến, Ngài hãy giết ông vua phi pháp ấy đi. Ta với Ngài cùng đến đó chớ nên khiếp sợ”, vị Không Hành Mẫu nói dứt lời liền ẩn mất dạng. Nghe xong, Kiết Tường Kim Cang liền nghĩ vua Lãng Đạt Ma phá diệt Phật giáo ắt sẽ bị tội hành. Nghĩ vậy, ông khởi tâm đại bi thương cảm cho Lãng Đạt Ma; ông lại nghĩ nếu không giết thì ác vương sẽ vẫn tiếp tục tạo trọng tội, tương lai sẽ thọ khổ báo cực nặng nơi địa ngục. Không thể để ác vương tiếp tục phá Phật, hãy dùng tâm bi mẫn mà phương tiện giết bỏ ác vương.

Sau đó Kiết Tường Kim Cang tìm được một con ngựa trắng, ông dùng hồ sơn đen toàn thân con ngựa và bôi đen một nữa mặt của ông, dấu cung tên vào người rồi cỡi ngựa đi tới trước cung Bố Đạt Lạp biểu diễn một điệu múa kỳ diệu xem rất vui mắt, vừa lúc Tạng vương Lãng Đạt Ma đang đứng trước cung để duyệt lãm văn tự trên bia “Sinh cửu liên minh bi”, bấy giờ Kiết Tường Kim Cang vừa đi qua vừa múa và cúi đầu chào nhà vua, lúc tiến đến gần quốc vương, ông cúi đầu ba lần. Lần thứ nhất ông tra tên vào cung, lần thứ hai ông dương cung sẵn sàng bắn, lần thứ ba lúc vừa cúi đầu thì miệng ông đọc to “phong hoàn địa, địa hoàn thủy, thủy diệt hỏa, Kim Xí Điểu thắng Thủy Long, Kim Cang Thạch xuyên Bảo Thạch, Thiên thần Chế A Tu La, Phật Đà thắng sư tử vương, ta nay cũng như vậy mà giết bỏ ác vương”. Dứt lời ông nhắm thẳng vào ngực nhà vua mà bắn, nhà vua thét lên rất to, đưa hai tay nắm lấy tên rồi lảo đảo ngã nhào xuống đất mà chết. Lập tức Kiết Tường Kim Cang cởi bỏ lớp áo bộc bên ngoài, thừa lúc mọi người đang còn hổn loạn, ông thúc ngựa chạy mất dạng, chạy được hồi lâu gặp một hồ nước, ông dắt ngựa xuống hồ rửa sạch hồ đen trên thân ngựa và trên một phần mặt của mình, rồi tiếp tục cỡi ngựa chạy đến một khu an toàn và biết không ai có thể truy đuổi mới thôi”.

Sau khi Tạng vương Lãng Đạt Ma bị sát hại, Phật giáo Tây Tạng cũng không vì thế mà phục hưng; ngược lại nhân việc nhà vua bị sát hại bởi vị Lạt-ma, do đó những kẻ thân tín của vua trút hết sự phẫn nộ của họ lên giới Tăng lữ, họ bắt được vị Tăng nào là giết ngay vị Tăng ấy, có rất nhiều Tăng nhân phải bỏ nước chạy trốn. Bởi lúc nầy Tăng nhân tại Tây Tạng không có cơ hội sống sót. Trước tình thế như vậy, văn hóa Phật giáo tại Tây Tạng hầu như bị diệt sạch, đồng thời một phần văn hóa bản địa của Tây Tạng cũng gặp vận nguy. Cạnh đó, các vị vương tử của Lãng Đạt Ma thi nhau tranh dành ngôi vua, cuộc tranh dành dẫn đến việc đánh giết nhau kéo dài trong nhiều năm. Khiến cục diện Tây Tạng từ chỗ thống nhất trở thành tình trạng quần hùng phân manh cát cứ, các phe đảng sát phạt nhau. Đây là thời mà đất nước Tây Tạng bị hãm trong trạng thái hắc ám và kéo dài ước khoảng trăm năm. Trong suốt thời kỳ nầy, tuy bị nội loạn, nhưng chắc chắn là có người mưu đồ phục hưng Phật giáo, dù trong dân gianTây Tạng cơ hồ như không còn ai biết gì đến Phật pháp.

Cuộc vận động phá diệt Phật giáo tại Tây Tạng xẩy ra gần như tương đương với thời Pháp nạn ở Trung Quốc do vua Võ Đế nhà Đường gây tạo. Các yếu tố khiến hai nước Hán-Tạng hủy diệt Phật giáo giống nhau như một vết xe. Tuy Phật giáo được truyền vào Tây Tạng thời gian chưa đủ lâu để gốc rễ bám sâu, thốt nhiên gặp phải sự đã kích không chút tình người, làm đau lòng người sáng lập, nhưng đau xót hơn cả vẫn là cuộc pháp nạn Hội Xương đời Đường Võ-Đế. 

No comments:

Post a Comment