Saturday, February 15, 2014

Đi tìm Hoàng Sa trong... tu viện cổ Ý




Đi tìm Hoàng Sa trong... tu viện cổ Ý

TTCT - Lắng nghe câu chuyện của anh - người đã lặng lẽ đi tìm cuốn sách cổ nói về chủ quyền của Việt Nam trong một tu viện cổ ở miền bắc nước Ý, có cảm giác như đang dõi theo những thước phim quay một hành trình trĩu nặng dấu yêu với dấu vết chủ quyền Tổ quốc.
Tu viện Santa Maria al Monte, thuộc thành phố Torino, miền bắc nước Ý - nơi đang lưu giữ cuốn sách quý với những dòng chữ xác nhận Hoàng Sa thuộc vương quốc An Nam - Ảnh:webshots.com
Một ngày thật tình cờ, một người bạn cũ đang sống ở Ý email cho tôi biết: “Nước Ý hiện có rất nhiều tài liệu lịch sử, địa lý ghi chép về vương quốc An Nam (toàn bộ nước Việt Nam) hay Cochinchina (tức Đàng Trong) ở thế kỷ 19. Chắc khỏi phải nói thì mọi người cũng đều biết vấn đề quần đảo Hoàng Sa hiện tại quan trọng như thế nào.

Những tài liệu này ghi nhận quần đảo Hoàng Sa (Paracel hay Pracel hay Parcel trong cách gọi của các nước phương Tây) thuộc về An Nam hay Cochinchina”.
Kèm theo lá thư là đường dẫn của ít nhất năm cuốn sách cổ của Ý đã được số hóa trên website của Google (http://books.google.com/books). Nhưng câu chuyện tìm kiếm dấu vết Hoàng Sa không dừng lại ở những trang sách đã được số hóa này.
Từ Ý, người bạn cũ đã gửi cho tôi bản chụp những trang sách quý giá có bằng chứng Hoàng Sa ấy. Kèm theo là câu chuyện về hành trình tìm kiếm cuốn sách.
“Đi tìm dấu vết”

Tác giả câu chuyện này là ông Trần Doãn Trang,  sinh viên du học trước 1975, hiện là kỹ sư của Hãng Fiat ở Torino (Ý).
Khi tìm được trên Google bản sao những cuốn sách cổ xưa ở Ý nói về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam, ông Trang quyết đi tìm bằng chứng thực tế. Những trang sách này được ông chụp lại từ cuốn sách tìm thấy ở tu viện Santa Maria al Monte, nằm trên ngọn đồi Monte dei Cappuccini, bên cạnh dòng sông Po, thuộc thành phố Torino, miền bắc nước Ý.
Đây chỉ là câu chuyện nhỏ về một nỗi niềm lớn, đọc để biết thêm rằng cho dù ở phương trời nào, Hoàng Sa vẫn là nỗi thao thức khôn nguôi trong tim người Việt...
Hôm thứ sáu, một ngày đầu xuân, không gian đẹp tuyệt vời. Con đường đất đá dẫn lên đến đỉnh một ngọn núi cao. Thỉnh thoảng tôi dừng lại, đứng yên, hạ chiếc balô, tập trung để những giác quan hoạt động với hiệu quả tối ưu trong lúc hơi thở điều hòa lại. Một lúc, tôi bước đi tiếp... cứ thế tôi đi rồi dừng lại, và đi... Cuối cùng, chả biết là đã bao lâu, tôi đến.

Một ngôi nhà thờ nhỏ bé, gọn gàng, đơn giản, tròn trịa, tường quét vôi trắng đã ố... một cánh cửa gỗ to nặng nề nâu sẫm đóng chặt. Tầng trên một tháp tám cạnh, trên đỉnh tháp là một cây thánh giá bằng gỗ đen. Bên cạnh nhà thờ là tháp chuông, không cao lắm, đáy vuông, vút lên cao nhỏ dần. Bên cạnh tháp chuông là một bức tường chạy dài. Bức tường của tu viện dòng Francescano (dòng thánh Phanxicô).

Xung quanh không một bóng người. Tôi bước đến gần cánh cửa gỗ tu viện, cầm chiếc vòng sắt đường kính khoảng một gang tay, được gắn bản lề ngang đầu giữa tấm cửa gỗ, nâng lên cao rồi thả xuống cho nó gõ vào miếng sắt bên dưới. Một âm thanh đùng đục bật lên, phá tan sự yên tĩnh. Tôi đứng yên, lắng tai, chờ nghe những bước chân bên kia cánh cửa nặng nề. Một lúc, không một bước chân nào. Lòng chợt phân vân.

Tôi lại cầm chiếc vòng sắt nâng cao hết cỡ rồi buông tay thả xuống, nó xoay quanh bản lề đúng 180°, đập mạnh vào miếng sắt. Một âm thanh “keng” vang to... và lại lắng tai chờ và hi vọng. Một lúc vẫn không nghe được một tiếng động nào ngoài nhịp tim đang tăng dần trong lồng ngực. Tôi ngơ ngác đi vài bước ngắn, ngó dáo dác, tìm một điểm nào đó trong không gian để bám vào... Rồi một âm thanh khô vang lên sau lưng, tôi giật mình xoay lại, cánh cửa gỗ đã được mở hé.

Một thanh niên mặc áo choàng dài màu nâu sậm của người tu hành dòng Francescano, thắt lưng bằng một sợi dây thừng, chân đi dép đen hiện ra trên ngưỡng cửa. Tôi đến gần chào. Vị tu sĩ trẻ tóc đen ngắn nhìn tôi chào lại.
Tôi đang đi tìm một dấu vết xưa cổ! Tôi giải thích cho vị tu sĩ biết ý định của mình. Tu sĩ gật gù, đứng dạt qua một bên để cho tôi lách người vào. Trước mặt tôi là một cái sân rộng vuông vắn, mỗi cạnh là một hành lang thiết kế với mái hiên chòm hình vòng cung dựa trên những cột đá. Rất đơn giản và hài hòa kích thước. Qua một khung cửa đá, tôi bước vào một hành lang dài hẹp và thấp tối, vì ánh sáng từ bên ngoài chỉ có thể xuyên qua một khung cửa sổ bé tí ở cuối hành lang.

Khoảng giữa hành lang, vị tu sĩ trẻ mở một cánh cửa gỗ, bước vào một hành lang khác hẹp hơn, tối hơn, vì ánh sáng không chiếu thẳng mà đến từ những ô cửa sổ bé khác. Cuối cùng vị tu sĩ dừng lại ở một hành lang rộng, tiền sảnh của thư viện. Một loại hành lang rộng nối liền nhiều ngăn của thư viện chạy dài. Vài chục ngàn quyển sách kiểu dáng cổ xưa được sắp ngay ngắn trên những kệ sách dọc theo những bức tường đá lồi lõm.
Trang đầu cuốn sách Compendio di Geografia (trái) in năm 1850 và phần viết về chủ quyền của Việt Nam trong cuốn sách cổ - Ảnh: Trần Doãn Trang chụp lại
Tu sĩ chỉ tay cho tôi ngồi vào một chiếc bàn gỗ nâu đen bóng loáng bên cạnh một khung cửa sổ rồi biến mất sau bức tường đá. Tôi nhìn qua khung cửa sổ và sững sờ. Một khoảng sườn núi xanh đổ dài xuống tận thung lũng của dòng sông Po đang quanh co long lanh dưới những tia nắng. Tôi hít một hơi dài đầy lồng ngực, rồi nín thở cố giữ cho tư duy không lung lay và tâm điểm đôi mắt không rung rinh, để cho phong cảnh tuyệt vời đó không bị nhòe và in rõ nét trong tâm trí mình.
Cả trang sách là những ghi chép tỉ mỉ của Adriano Balbi - nhà địa lý lừng danh người Ý về vương quốc An Nam. Trong đó chỉ rõ biên giới với các quốc gia Trung Quốc, Xiêm La (Siam); những dòng sông chính như sông Mekong, sông Saung hay là sông Đồng Nai; tổng số dân và mật độ dân trung bình 57 người trên một dặm vuông...
Phần cuối ghi rõ “Thuộc về đế chế này còn có quần đảo Hoàng Sa (Paracels), quần đảo Hải Tặc (Pirate - quần đảo Hà Tiên) và quần đảo Côn Sơn (Pulo Condor hay Côn Đảo)”.
Có tiếng dép trên nền đá. Tôi quay đầu lại. Vị tu sĩ trẻ đứng đấy, trên tay là một cuốn sách dày cộp, bìa cứng màu đen. Tôi mỉm cười cảm ơn, giơ cả hai tay đón lấy cuốn sách, đặt ngay ngắn trên bàn trước mặt rồi yên lặng ngồi nhìn.

Tôi cố dằn sự hồi hộp. Tôi chậm rãi lật từng trang cuốn sách Compendio di Geografia (địa lý thế giới) của nhà nghiên cứu địa lý lừng danh Adriano Balbi, được xuất bản gần 200 năm về trước, trên khắp nước Ý chỉ còn lại vài cuốn mà nhờ bạn bè, tôi tìm ra tung tích của một cuốn trong tu viện dòng Francescano này... Những trang giấy trắng đã ngả sang màu ngà.

Nhìn những hàng chữ đen đã phai màu, tôi mở bung những bản đồ kèm theo để ngắm hình dáng những quốc gia của thế giới 200 năm về trước... cứ thế lật từng trang, cho đến trang 437: Vương quốc An Nam. Một trang rưỡi thôi, trên hơn 600 trang của cuốn sách, nhắc đến vương quốc An Nam, trong đó có đúng mười hàng chữ về chủ quyền đất đai được in thật trang trọng, thật đậm, không có cách gì xóa được. Ở nửa hàng gần cuối đoạn, cái dấu vết nhỏ bé mà tôi đang đi tìm hiện rõ mồn một: Quần đảo Hoàng Sa thuộc về vương quốc An Nam.
LÊ ĐỨC DỤC
 
 
 

Còn nhiều sách cổ khẳng định Hoàng Sa của Việt Nam

29/05/2010 07:17 (GMT + 7)
TuoiTreCuoiTuan - Sau bài “Đi tìm Hoàng Sa trong tu viện cổ Ý” (TTCT số 19, ngày 16-5-2010), một bạn đọc ở Milan - ông Nam Tuân - đã cung cấp thêm những thông tin khác khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam đang lưu trữ ở Ý và nhiều nước khác, được viết từ đầu thế kỷ 19. TTCT trích đăng bài viết.
 
Những điều thú vị về những cuốn sách của Adriano Balbi với Hoàng Sa vẫn chưa dừng lại. Kiến thức địa lý của Adriano Balbi quá nổi tiếng và không ít cuốn sách của ông được in bằng các ngôn ngữ khác vào thời đó.

Cuốn Abrégé de géographie (tập 2) của Adriano Balbi xuất bản bằng tiếng Pháp tại Paris năm 1838, trang 768 nói đến vương quốc Cochinchine (Drang-trong hay Nam Annam) có các địa danh chính là Huế, Nha Trang, Phú Yên, Quy Nhơn, Hội An (Faifo), Đà Nẵng (Touron hay Hansan) và quần đảo Hoàng Sa (Paracels). Quyển này được lưu trữ tại một thư viện Mỹ (Library of the American Bible Society). Cuốn A.Balbi's Allgemeine Erdbeschreibung, oder: Hausbuch des geographischen Wissens xuất bản bằng tiếng Đức năm 1842 cũng dành nhiều dòng nói về Hoàng Sa. Quyển này được lưu trữ tại Thư viện Astor, New York (Mỹ).

Ngoài ra, có ít nhất năm cuốn sách cổ tiếng Ý nói về Hoàng Sa của Việt Nam đang được lưu trữ rải rác ở Ý và nhiều nước khác. Trong cuốn La cosmografia istorica, astronomica e fisica tập 6 của Biagio Soria in tại Napoli năm 1828, phần 4 nói về đế chế An Nam (trang 128-131) có câu cuối cùng ghi rằng: “Thuộc về đế chế này là quần đảo Hoàng Sa (Paracels) bao gồm các đảo và đá ngầm ở phía đông bờ biển nước này”. Cuốn này hiện được lưu trữ tại Thư viện ĐH California (Mỹ).

Cuốn Geografia Fisica e Politica của Luigi Galanti (tập 3) bản in lần thứ 5 tại Napoli năm 1834 đang được lưu trữ tại Thư viện Biblioteca Walter Bigiavi dell'Università degli studi di Bologna ở Bologna và Thư viện Biblioteca S. Antonio Dottore ở Padova.

Trang 197 và 198 có đoạn: “Cuối cùng, chúng tôi phải nói tới một mê cung các hòn đảo nằm ở phía đông của Đàng Trong (Cochincina) có tên gọi là Hoàng Sa (Parcel hay Percels) bao gồm các đảo đá nhỏ và vùng nước nông... Chúng thuộc quyền cai trị của vương quốc An Nam, cũng như quần đảo Pirati ở phía đông của Đàng Ngoài (Tonchino)”.

Cuốn sách tiếng Ý Nuovo compendio di Geografia của Balbi và một số tác giả khác in tại Milano năm 1865 cũng có đoạn viết: “Thuộc về đế chế này còn có quần đảo Hoàng Sa (Paracels), quần đảo Pirati và quần đảo Côn Sơn (Pulo Condor)” ở trang 642 và 643. Đây không phải là cuốn sách mà ông Trần Doãn Trang tìm thấy ở tu viện Torino. Bản in năm 1847 của cuốn này (in tại Torino, tức Turin) đang được lưu trữ tại Thư viện Biblioteca dell'Archivio generale della Regione del Veneto ở Venezia (tức Venice), quê hương của Adriano Balbi.

Cuốn bách khoa địa lý hiện đại Geografia moderna universale, tập 3 (viết về Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Dương) của G. R. Pagnozzi xuất bản tại Firenze (tức Florence) năm 1823 dành rất nhiều trang (182-212) viết về vương quốc Annam. Phần mô tả về các hòn đảo của Annam (Isole dell'Annam) ở trang 207, 208 nói đến các đảo Pulo Condor (Côn Đảo), Bientson (trước kia là đảo Biện Sơn hay đảo Nghi Sơn, ngày nay tỉnh Thanh Hóa đã làm một con đường nối liền đảo với đất liền và trở thành bán đảo Nghi Sơn), Pracel (Hoàng Sa), Callao (Cù Lao Chàm). Cuốn này được lưu trữ tại Thư viện Astor (New York) và các thư viện ở Firenze, Livorno, Roma.

Một cuốn khác cũng bằng tiếng Ý là Del vario grado d'importanza degli stati odierni của Cristoforo Negri, xuất bản tại Milano năm 1841, trang 421 ghi rõ: “...Đảo Hòn Hải (phương Tây gọi là Pulo Sapata, nằm ở phía đông nam đảo Phú Quý, có điểm A6 trong tuyên bố đường cơ sở của Việt Nam) nằm cách bờ biển Đàng Trong 100 hải lý. Nước này năm 1816 đã chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa (Paracelso), nhóm các đảo đá nguy hiểm nằm xa bờ trên biển Đông mà thuyền trưởng Ross người Anh đã tiến hành khảo sát...”.

Thật ra đây là một ghi nhận sự kiện vua Gia Long ra long trọng cắm cờ, đặt bia, bắn đại bác để thông báo sự chiếm hữu chính thức, xét theo tiêu chí phương Tây. Con tàu Amphitrite khi qua vùng biển này năm 1701 (theo luận án của tiến sĩ Nguyễn Nhã) chẳng phải đã ghi nhật ký rằng Paracels là quần đảo của vương quốc An Nam hay sao, đâu phải đến năm 1816 Việt Nam mới sở hữu nó!

Trong cuốn Storia delle Indie Orientali (tập 1 viết về Đông Ấn) của Felice Ripamonti in tại Milano năm 1825, đang được lưu trữ tại Thư viện Đại học Michigan, Mỹ (theo Google), phần “Libro XXII” từ trang 124-143 dành riêng để viết về Đàng Trong (Cochincina).

Trang 127 viết: “...Thuyền trưởng các tàu buôn phải thường xuyên qua lại vùng này thích cập cảng Hội An hơn, cảng này không xa thủ đô Huế. Những người đi biển ở ba cảng này (tức cảng Huế, Hội An và Đà Nẵng) là những người lão luyện nhất của quốc gia này và hằng năm có chuyến đi biển đến chuỗi đảo và bãi đá nhỏ có tên là Hoàng Sa (Paracel) nằm cách bờ biển Đàng Trong khoảng 20-30 dặm...”. Đó có phải là những đội hùng binh Hoàng Sa, Thanh Châu ra đảo thuở nào để giữ gìn mảnh đất đã được cha ông nhọc công khai phá?
NAM TUÂN
 
 

NGƯỜI TA KHÔNG DÁM ĐI VÌ SỢ GẪY CHÂN, NHƯNG NẾU KHÔNG ĐI THÌ CHẲNG KHÁC CHI ĐÃ GẪY CHÂN RỒI VẬY.

No comments:

Post a Comment