Tuesday, July 24, 2012

Ý nghĩa năm màu trong lá cờ & Ý NGHĨA CỦA VIỆC TỤNG KINH

Ý nghĩa năm màu trong lá cờ
Cờ Phật Giáo, trước hết là biểu trưng tinh thần thống nhất của Phật tử trên toàn thế giới. Cờ Phật Giáo còn tượng trưng cho niềm Chánh tín và sự yêu chuộng hòa bình của mọi người con Phật. Ngoài ra, cờ Phật Giáo còn có ý nghĩa cắt bỏ quan niệm cố chấp các ranh giới địa phương, gia tăng niềm hăng hái đoàn kết để phụng sự cho Ðạo Pháp và dân tộc.
Năm sắc theo chiều dọc: Xanh đậm, vàng, đỏ, trắng, cam, tuợng trưng cho hào quang chư Phật. Năm sắc theo chiều ngang (chiếm diện tích 1/6 lá cờ) là mầu tổng hợp tượng trưng cho ánh sáng hào quang chư Phật. Ý nghĩa của màu sắc phân biệt là:
Xanh đậm: Tượng trưng cho Ðịnh căn. Màu xanh tượng trưng cho sự rộng lớn, sáng suốt.
Vàng lợt: Tượng trưng cho Niệm căn, vì có Chánh Niệm mới sanh Ðịnh và phát Huệ.
Ðỏ: Tượng trưng cho Tinh Tấn căn. Có tinh tấn mới khắc phục được mọi trở ngại, nghịch cảnh.
Trắng: Tượng trưng cho Tín căn, niềm tin không lay chuyển, và có tín căn là có Nhân Duyên với chư Phật và nguồn gốc sanh ra muôn hạnh lành.
Da cam: Tượng trưng cho Huệ căn. Khi có Tín, Tấn, Niệm, Ðịnh đầy đủ thì Tuệ sẽ phát sanh.
Màu tổng hợp: Tượng trưng cho tinh thần đoàn kết của Phật giáo đồ trên toàn thế giới.

Năm 1950, tổ chức Hội Liên Hữu Phật Giáo thế giới ra đời tại Colombo, trong đó thống nhất màu cờ. Hòa Thượng Tố Liên dẫn phái đoàn VN tham dự. VN là thành viên sáng lập hội Liên Hữu. Sau đó, lá cờ đầu tiên năm màu được toàn bộ PGVN chấp nhận làm giáo kỳ PGVN từ 1951 đến nay!
Lá cờ Phật giáo là do Phật tử Henry Steel Olcott phác họa vào năm 1885. Ông nguyên là đại tá hải quân Hoa Kỳ. Sau khi từ giã quân ngũ, ông bắt đầu nghiên cứu triết học và tôn giáo phương Đông. Năm 1875, ông cùng với bà H. P. Blavatsky sáng lập Hội Thông Thiên, nhằm đề cao tinh thần dung hòa giữa các tôn giáo và góp phần xóa bỏ hệ thống giai cấp tại Ấn Độ. Trụ sở chính của Hội đặt tại Adyar, thành phố Chennai, miền Nam Ấn Độ.

Năm 1880, ông Henry Steel Olcott và bà H. P. Blavatsky đến Sri Lanka và quy y Tam bảo. Sau khi quy y Tam bảo, ông dành trọn cuộc đời của mình cho công cuộc phục hưng Phật giáo Ấn Độ và Sri Lanka. Mặc dù Phật giáo đã tồn tại và phát triển tại Sri Lanka gần 2000 năm nhưng khi đô hộ Sri Lanka, chính quyền thực dân Anh đã ngược đãi Phật giáo và thực thi nhiều chính sách ưu tiên cho Anh giáo. Vì vậy, ông Henry Steel Olcott đã kết hợp với cộng đồng Phật giáo Sri Lanka phát động phong trào ngăn chặn kế hoạch “Anh giáo hóa Sri Lanka” của những nhà truyền giáo đến từ Anh quốc. Ông đã đến Anh quốc và gởi yêu sách, đòi chính quyền Anh đáp ứng những yêu cầu tối thiểu và tha thiết của cộng đồng Phật giáo Sri Lanka. Trước những yêu sách chính đáng và không thể chối từ, chính quyền Anh đã chấp nhận một số yêu sách của ông, trong đó công nhận Đại lễ Vesak là Lễ hội chính của quốc gia. Nhận được phúc đáp chấp nhận tái tổ chức ngày Vesak từ chính quyền Anh, ông tiến hành thiết kế một lá cờ Phật giáo với ước nguyện lá cờ “có thể được các quốc gia Phật giáo chấp nhận như một biểu tượng quốc tế cho tín ngưỡng của họ, giống như cây thánh giá đối với tín đồ Thiên chúa giáo”. Sau khi được sự chấp thuận của cộng đồng Phật giáo Colombo, lá cờ thiêng liêng của Phật giáo đã được kéo lên đầu tiên trong Đại lễ Vesak vào ngày 27 tháng 4 năm 1885 tại tu viện Deepaduththaramaya, Kotahena, do trưởng lão Migettuwatte Gunananda thực hiện. Không lâu sau đó, ngọn cờ này nhanh chóng được đón nhận khắp nơi trên quốc đảo Sri Lanka và trở thành ngọn cờ chính thức của cộng đồng Phật giáo Sri Lanka.

Tiếp tục công cuộc phục hưng và phát triển Phật giáo Ấn Độ và Sri Lanka, năm 1891, ngài Anagarika Dharmapala thành lập hội Maha Bodhi, nhằm đòi lại quyền quản lý, gìn giữ và phát triển các thánh địa của Phật giáo tại Ấn Độ, sau nhiều thế kỷ bị Ấn giáo và một số tôn giáo khác chiếm dụng. Với những hoạt động không mệt mỏi của ngài Anagarika Dharmapala và Hội Maha Bodhi, Phật giáo Ấn Độ đã dần dần được phục hưng, những thánh địa của Phật giáo dần dần trở về với Phật giáo. Song hành với sự phục hưng Phật giáo tại Ấn Độ, ngọn cờ Phật giáo cũng được tung bay trên nền trời tại những thánh địa Phật giáo do Hội Maha Bodhi quản lý.

Năm 1950, Hội nghị Phật giáo thế giới được nhóm họp tại thủ đô Colombo, Sri Lanka, từ ngày 25/5/1950 đến ngày 8/6/1950 nhằm “đi đến một tổ chức Phật giáo thế giới có mục đích thống nhất các lực lượng Phật giáo trên hoàn cầu, tìm những phương tiện thiết thực để giúp các Phật tử thế giới, giải quyết những vấn đề quan hệ đến nhân sinh.”2 Hội nghị đã quy tụ 26 đoàn đại biểu đại diện của 26 nước Phật giáo tham dự. Đoàn Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Thích Tố Liên làm trưởng đoàn. Sau 14 ngày thảo luận, Hội nghị đã thống nhất thành lập Hội Liên Hữu Phật giáo thế giới. Toàn hội nghị đã tuyên thệ rằng: “Chúng tôi với các Phật tử sẽ phải cố gắng đem mình làm những tấm gương trong sạch sáng suốt giữ nền tín ngưỡng Phật giáo để làm cho tinh thần Phật giáo chung đúc thành một khối sáng sủa mạnh mẽ khắp hoàn cầu.”3 Và lá cờ năm sắc được đại hội công nhận là Phật kỳ của Phật giáo thế giới. Từ đó, ngọn cờ này chính thức trở thành Phật kỳ của cộng đồng Phật giáo thế giới.

Sau khi tiếp nhận lá cờ Phật giáo từ Hội Liên Hữu Phật giáo thế giới, HT. Thích Tố Liên cùng Giáo hội Tăng già Bắc Việt long trọng tổ chức Lễ Thượng Kỳ nhân ngày Phật đản Phật lịch 2514 (năm 1951), tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Cùng trong năm 1951, Đại hội Phật giáo toàn quốc được triệu tập tại chùa Từ Đàm (Huế) từ ngày 6 tháng 5 đến ngày 9 tháng 5. Phái đoàn đại diện Giáo hội Tăng già Bắc Việt và Hội Việt Nam Phật giáo Bắc Việt do Hòa thượng Mật Ứng và Hòa thượng Trí Hải làm trưởng đoàn. Đoàn đại biểu Giáo hội Tăng già Trung Việt và Hội Phật học Trung Việt do Hòa thượng Tịnh Khiết và Hòa thượng Trí Quang dẫn đầu. Đoàn đại biểu Giáo hội Tăng già Nam Việt và Hội Phật học Nam Việt do Hòa thượng Đạt Thanh và Hòa thượng Thiện Hòa dẫn đầu. Sáu đoàn đại biểu đại diện ba miền đã thống nhất thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam, bầu Ban quản trị và suy tôn Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Hội chủ. Đại hội cũng đã thống nhất công nhận lá cờ của Hội Liên Hữu Phật giáo thế giới là Phật kỳ của Phật giáo Việt Nam. Và sau đó, Lá cờ Phật giáo được thiết trí trang trọng tại Đại hội Tăng Già toàn quốc tổ chức tại chùa Quán Sứ vào ngày 07 tháng 9 năm 1952. Đại hội bầu cử một Tổng Trị sự và suy tôn Hòa thượng Thích Tuệ Tạng làm thượng thủ và tái khẳng định lá cờ năm sắc là Phật kỳ của Phật giáo Việt Nam.

Không lâu sau đó, Phật kỳ đã được đón nhận trên toàn quốc. Trong những dịp Đại lễ của Phật giáo, ngọn cờ luôn được thiết trí trang trọng tại những tu viện cũng như tư gia Phật tử. Mặc dù cờ Phật giáo là biểu trưng cho ánh hào quang của đức Phật, biểu hiện tinh thần từ bi và bình đẳng của Phật giáo, nhưng nó bị xem là biểu tượng thách thức đối với chính quyền gia đình trị Ngô Đình Diệm. Vì vậy, ngày 6 tháng 5 năm 1963, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã ra thông điện số 9195 ngày 6/5/1963, “cấm treo cờ Phật giáo”. Thông điện cấm treo cờ Phật giáo trong mùa Phật đản là một hành động xúc phạm đối với Phật giáo đồ và là một hành động mở màn cho cuộc đàn áp nhằm tiêu diệt Phật giáo của chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm. Sau lệnh khẩn truyền đi từ văn phòng Tổng thống Ngô Đình Diệm, lực lượng cảnh sát Huế đã bắt đầu thực hiện lệnh triệt hạ cờ Phật giáo tại các tư gia Phật tử. Nhưng ngày rằm tháng 4 (8-5-1963) Tăng Ni và Phật tử vẫn tiếp tục đại lễ rước Phật hoành tráng, diễn hành từ chùa Diệu Đế về chùa Từ Đàm. Đại lễ chính thức được cử hành tại chùa Từ Đàm với sự chứng minh và tham dự của Hòa thượng Tịnh Khiết, Hòa thượng Giác Nhiên cùng hàng ngàn Tăng Ni và Phật tử. Tối hôm đó, chính quyền đã tiến hành chiến dịch đàn áp dã man tại đài phát thanh Huế, làm 8 người thiệt mạng.

Để phản đối hành động xúc phạm, đàn áp Phật giáo, và nêu cao ý chí bảo vệ chánh pháp, bảo vệ lá cờ thiêng liêng, ngày 10 tháng 5 năm 1963, Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Tổng trị sự Giáo hội Tăng già Việt Nam, Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên, Tổng trị sự Giáo hội Tăng già Trung phần và Ban trị sự Giáo hội Tăng già Thừa Thiên công bố Bản tuyên ngôn, yêu cầu chính phủ thực thi 5 nguyện vọng tối thiểu và tha thiết nhất của Phật giáo đồ toàn quốc; đồng thời tuyên bố “sẵn sàng hy sinh cho đến khi nào những nguyện vọng hợp lý được thực hiện”. Điểm thứ nhất trong Bản tuyên ngôn yêu cầu chính phủ “thu hồi vĩnh viễn công điện triệt giáo kỳ của Phật giáo”.

Chính quyền Ngô Đình Diệm không những không thực thi những nguyện vọng thiết tha của Phật giáo mà còn mở những cuộc tấn công quy mô và dã man hơn trên toàn lãnh thổ. Tăng Ni và Phật tử tiếp tục cương quyết bảo vệ chánh pháp và bảo vệ ngọn cờ thiêng liêng trong tinh thần đấu tranh bất bạo động. Cuộc đấu tranh bất bạo động đã lan rộng khắp miền Trung và miền Nam. Trong Tâm thư phát nguyện tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức gởi Hội đồng giáo phẩm Giáo hội Tăng già Việt Nam đề ngày 27 tháng 5 năm 1963, Hòa thượng ghi: “… Phật giáo Việt Nam bất diệt! Lá cờ Phật giáo không thể bị triệt hạ!… chuyển tới toàn thể tín đồ lời ước nguyện cuối cùng của chúng tôi: Phật tử chúng ta hãy cùng nhau tự nguyện tự giác, bền chí với sứ mạng duy trì Chánh pháp và bảo vệ lá cờ Phật giáo.” Hòa thượng được sự chấp thuận của Hội đồng giáo phẩm, đã tự thiêu để bảo vệ chánh pháp và Phật kỳ vào ngày 11 tháng 6 năm 1963.

Công cuộc đấu tranh bất bạo động của Phật giáo đã thành công, Chánh pháp tiếp tục được phổ biến, ngọn cờ thiêng liêng tiếp tục tung bay. Từ đó đến nay, Tăng Ni và Tín đồ Phật giáo Việt Nam luôn xem lá cờ sáu sắc là Phật kỳ của Phật giáo Việt Nam nói riêng và Phật giáo thế giới nói chung. Lá cờ Phật giáo là biểu tượng thiêng liêng của Phật giáo đồ khắp năm châu. Trong quá khứ cận đại, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam đã hy sinh nhiều xương máu để bảo vệ ngọn cờ thiêng. Ngày nay, chúng ta gìn giữ và tiếp tục bảo vệ Phật kỳ của Phật giáo là hành động phát huy chân lý từ bi và bình đẳng; đồng thời, thể hiện sự hòa hợp với cộng đồng Phật giáo thế giới.




Ý NGHĨA CỦA VIỆC TỤNG KINH
Có nhiều người khi được hỏi "tại sao phải tụng kinh" liền trả lời rằng "vì tụng Kinh có nhiều phước đức.” Đối với nhiều Phật tử, tụng Kinh là con đường gặt hái phước báu cho bản thân, người thân quyến và gia đình mình. Một số khác thì cho rằng tụng Kinh để được các đức Phật và Bồ-tát phù hộ cho tai qua nạn khỏi, mua may bán đắt, làm ăn phát tài, cửa nhà thịnh vượng. Nói chung, tụng Kinh để mang lại phước lộc cho bản thân và gia đình. Mặc dù không phản ánh hết ý nghĩa và mục đích của sự tụng Kinh trong Phật giáo nhưng những câu trả lời như vậy đã biểu trưng cho nếp nghĩ của nhiều Phật tử. Thật ra, Kinh là lời Phật dạy về đạo đức, chỉ ra các phương thức tu tập, có khả năng chuyển hóa thân tâm, đem lại hạnh phúc cho mình và người ở đời này và đời sau. Do đó, sự tụng Kinh có ý nghĩa đạo đức rất lớn.

Tụng Kinh trước nhất là để ôn lại và tư duy về lời Phật dạy, là cách làm cho pháp âm của Phật lưu truyền mãi trong nhân gian, và để tự nhắc nhở mình bỏ ác làm lành.
Tụng Kinh còn là một dịp tốt giúp chúng ta ngăn ngừa các tội lỗi, trau dồi và phát triển ba nghiệp trong sạch. Trong giờ phút tụng Kinh, do chuyên chú vào lời Kinh, tâm ý của người đọc không có dịp bám víu vào các duyên thế sự và các phiền não trần lao. Tâm ý của người thọ trì, nhờ đó, trở nên an tịnh và thuần khiết. Ngay giờ phút tụng Kinh chuyên nhất đó, người đọc tụng có thể xa lìa được các gốc rễ của khổ đau như tham lam, sân hận, si mê và các tâm lý tiêu cực, có hại cho tâm tư, tình cảm, nhân cách và đạo đức của bản thân. Trong tư thế ngồi như hoa sen khi tụng Kinh, thân thể chúng ta đang từng bước trở nên thanh tịnh, nhờ đó tránh được tất cả các hành vi xấu ác của thân như giết chóc, trộm cướp, ngoại tình v.v... Ngoài ra, do miệng đọc tụng lời Kinh, cho nên các lời nói mang tính chất sai sự thật, lời ác độc, lời thêm bớt và những lời vô nghĩa không có cơ hội để phát triển. Khi đọc Kinh thì miệng của chúng ta xướng lên những lời lẽ đạo đức, trí tuệ, nhờ đó chúng ta có cơ hội vun trồng các hạt giống thiện. Như vậy, trong một hành vi chuyên nhất tụng Kinh, chúng ta xa lìa được mười nghiệp ác, vốn do thân khẩu ý tạo nên. Nói cách khác, trong khi tụng Kinh, chúng ta đã huấn luyện ba nghiệp của mình trở về con đường hiền thiện và đạo đức. Sự tụng Kinh, do đó, đã trở thành một sự tu tập về thân, khẩu và ý trong đạo Phật.
Tụng Kinh còn là một pháp môn tu tâm dưỡng tánh, huân tập vào tâm thức các hạt giống tốt của từ bi, trí tuệ, an vui, thanh tịnh và giải thoát. Tụng Kinh còn là dịp để tham thiền, quán tưởng, trang trải tình thương bao la đến với muôn loài, còn là lúc chúng ta hồi hướng công đức lành đến với tất cả chúng sanh. Tụng Kinh chính là lúc chúng ta một lòng thành kính, đối trước Tam Bảo, sám hối tất cả các nghiệp xấu, ăn năn các lỗi đã qua, phát nguyện làm các việc thiện, để hoàn thiện đời sống đạo đức của bản thân.
Tụng Kinh còn là dịp tốt để chúng ta có thể tìm hiểu, học hỏi, và ứng dụng lời Phật dạy vào cuộc sống hằng ngày, đem lại lợi lạc cho mình và người. Chính sự áp dụng lời Phật dạy, sau quá trình tư duy và thể nghiệm, giúp người đọc tụng gặt hái được những điều mong muốn trong cuộc sống, như sự an lạc và hạnh phúc. Bản thân của sự tụng Kinh vốn không có phước báu, nếu người đọc tụng không chịu chú tâm vào từng lời Kinh để tìm ra ý đạo sâu xa, mầu nhiệm ẩn chứa trong đó để mà thực hành. Các hình thức và thói quen tụng Kinh như để “trả bài” hay làm công cứ “tính điểm” với Phật, hay tệ hơn là như “máy thâu và phát” lại những lời Phật dạy, rõ ràng không mang lại kết quả hay lợi ích thực tiễn nào, trái lại còn làm mất thời giờ và công sức. Kinh điển của Phật là tấm bản đồ, là kim chỉ nam hướng dẫn chúng ta sống đời chân chánh, để gặt hái kết quả hạnh phúc ở đời này và đời sau. Đọc tấm bản đồ để biết rõ con đường, để đi đúng hướng, để đến đúng nơi cần đến. Con đường đó là con đường trung đạo hay còn gọi là con đường thánh gồm tám yếu tố chân chánh: quan điểm chân chánh, tư duy chân chánh, lời nói chân chánh, hành vi chân chánh, nghề nghiệp chân chánh, nỗ lực chân chánh, chánh niệm và thiền định chân chánh. Đây là con đường mà ba đời chư Phật đã đi qua, diệt trừ tận gốc rễ của khổ đau, đạt được an lạc và giải thoát. Người Phật tử cần phải siêng năng nhớ nghĩ, ứng dụng con đường “trung đạo” đó để tự cứu độ chính mình, thông qua sự hướng dẫn của Phật trong Kinh điển. Nói cách khác, tụng Kinh là cách học hỏi chánh pháp của Phật để ứng dụng chánh pháp đó vào đời sống, đem lại an lạc và hạnh phúc cho tự thân.
Nói chung, mục đích tụng Kinh trong đạo Phật không phải để “trả bài” hay “tính công” với Phật, mà là nhằm tìm hiểu chính xác lời Phật dạy, rồi ứng dụng vào đời sống. Tụng Kinh không phải chỉđể cầu nguyện Phật và Bồ-tát gia hộ cho mình, gia đình và thân quyến tai qua nạn khỏi, thăng quan tiến chức, làm ăn thịnh vượng, tuổi thọ tăng trưởng, sở nguyện tùy tâm, kiết tường như ý. Tụng Kinh cũng không phải là dịp để cầu cho mua may bán đắc, hay mong Phật và Bồ-tát gia hộ cho mình được đầy đủ phước lộc thọ. Tụng Kinh để trau dồi ba nghiệp thanh tịnh, phát triển các hạnh lành, sống đời đạo đức, vô ngã và vị tha, để mình và người được an lạc và hạnh phúc. Muốn được vậy, khi tụng Kinh, người Phật tử phải chí thành, hướng tâm vào nội dung Kinh, ghi khắc sâu chân lý Phật dạy, ứng dụng vào từng trường hợp cụ thể của cuộc sống, để khắc phục đau khổ, nhổ sạch gốc rễ của khổ đau là tham lam, sân hận, si mê. Tụng Kinh như vậy là một sự tu tập: bỏ ác làm lành, một sự an tịnh ba nghiệp, phát triển các đức tính tốt trong tâm mình. Tụng Kinh có nhiều lợi ích như thế cho nên người Phật tử phải chuyên cần tụng niệm lời Phật dạy.

No comments:

Post a Comment