Tại đỉnh núi Hy Mã Lạp Sơn có một cái ao lớn, trong đó có rất nhiều rồng. Chúng thường thường nổi gió to bão lớn, làm ngã đổ cây rừng, gây nguy hại cho dân chúng sống ở dưới chân núi. Vì vậy t iếng than khóc của người dân vang thấu tới trời, kẻ thì dọn đi chỗ khác, người thì chết bỏ xác, thật là thê lương!
Vua Ca Nị Sắc Già biết được chuyện ấy thì vô cùng tức giận. Ðể giải cứu cho dân, ông bèn cho xây dưới chân núi một bảo tháp cao tới hơn trăm thước và dạy dân tới đó cầu nguyện mưa thuận gió hòa.
Vua rồng trong ao thấy chuyện như thế, nổi giận lôi đình, tạo một trận cuồng phong thổi sập bảo tháp.
Vua Ca Nị Sắc Già thấy bảo tháp bị sụp đổ, lập tức sai người xây lên trở lại. Vua rồng không chịu thua, lại nổi gió bão sân nộ lên thổi sập bảo tháp lần nữa, cứ thế là sáu lần tất cả, vua Ca Nị Sắc Già tốn bao nhiêu công lao cực khổ cũng như không!
Nhưng vua Ca Nị Sắc Già là một vị vua anh minh dũng cảm, thông minh sáng suốt, không biết sợ là gì, có một nghị lực bất khuất kiên cường, trong hoàng cung vua đứng ngồi không yên, đêm ngày suy nghĩ tìm cách giải quyết vấn đề này. Ðột nhiên ông phát nguyện như sau:
- Không làm thì thôi, đã làm thì làm cho tới cùng! Làm đệ tử Phật thì sợ gì mà không hy sinh thân mệnh để cứu khổ cho chúng sinh? Không làm cho vua rồng hàng phục thì ta không ngừng nghỉ!
Vua bèn dẫn đại binh đi lấp bằng cái ao rồng trên núi. Thế là đoàn binh mã cuồn cuộn như thủy triều nhắm núi Hy Mã Lạp Sơn mà tiến. Lúc ấy vua rồng mới kinh hoàng, lắc mình một cái, biến thành một ông lão già lọm khọm, tiến đến trước mặt vua Ca Nị Sắc Già chận đường:
- Ðại vương! Ngài không nên đấu với vua rồng, tuyệt đối không nên đấu với vua rồng! Vua rồng tuy chỉ là một loài súc sinh, nhưng sức người không sao chống lại hắn nổi! Nếu thắng được hắn thì đại vương cũng chẳng được thêm uy đức gì, mà trái lại nếu thua hắn thì thật là xấu hổ! Chẳng bằng đại vương rút quân trở về là hơn!
Nhưng ý của vua Ca Nị Sắc Già đã quyết, không có gì lay chuyển được, nên vua cứ kéo quân tiến tới.
Vua rồng giận dữ trở về ao trên núi, tức thời mây đen kéo tới dầy đặc, đất đá bay nghịt trời thật là hãi hùng làm cho người ngựa kinh khiếp chạy trốn tứ tán, khiến cho đoàn quân của vua Ca Nị Sắc Già không biết cách nào mà xử.
Trước cảnh hiểm nghèo như thế, vua Ca Nị Sắc Già bèn dẫn đoàn quân chạy đến trước bảo tháp, chí thành cầu nguyện. Tâm thành của họ đã cảm đến chư Phật và Bồ Tát, trong nháy mắt trời quang mây tạnh, sấm chớp tắt ngấm. Lúc ấy vua Ca Nị Sắc Già mới sai binh lính mỗi người ôm một tảng đá to, đem lên núi để lấp bít ao rồng. Khi nghe lệnh vua như thế, vua rồng biết không còn cách kháng cự được, nên lại biến thành ông già như lần trước, tới thỉnh cầu vua:
- Ðại vương! Tôi chính là vua rồng hóa thân tới đây xin đầu hàng, cầu xin đại vương tha mạng cho tôi. Tôi biết tính tình hung bạo của tôi khó khắc phục, vì vậy xin đại vương hãy treo trên đỉnh mỗi chùa tháp một cái chuông lớn, nếu thấy mây đen kéo tới trên đỉnh núi thì mau gõ lên tiếng chuông, tôi nghe tiếng chuông sẽ tự giác mà ngừng tâm ác lại!
Vua Ca Nị Sắc Già nghe vua rồng sám hối như thế rất vui mừng, bèn cho xây bên cạnh bảo tháp một ngôi chùa hùng vĩ nguy nga, và treo trên mái chùa một cái chuông thật to, cử người đến trông coi, hễ thấy mây đen tụ tập thì đánh lên cho âm thanh tiếng chuông vang hưởng. Vua rồng nghe tiếng chuông thì tự giác, do đó tội ác được giảm xuống không biết mấy mà kể!
Từ chuyện này mà vua Ca Nị Sắc Già được dân chúng sùng kính vô hạn, nhân đó mà ông cảm hóa được rất nhiều người tin theo Phật giáo.
ST
No comments:
Post a Comment