Sunday, January 13, 2013

Vấn Đạo Ngài AJAHN CHAH



cám ơn HTTSiêu đã gởi bài hữu ích này


VẤN ĐẠO NGÀI AJAHN CHAH

Sưu tập: The Sangha, Bung Wai Forest Monastery (Wat Pah Pong), Thailand
Việt dịch : Trần Như Mai


(Ngài Ajahn Chah ( 1918-1992) là một trong những vị thiền sư danh tiếng và được kính trọng bậc nhất ở Thái Lan. Ngài thọ giới Tỷ Kheo vào tuổi 20, theo truyền thống khổ hạnh Sơn Lâm ( Forest Sangha), thuộc hệ phái Phật giáo Nguyên Thủy. Ngài tu tập dưới sự hướng dẫn của một số thiền sư danh tiếng đương thời, trong đó Ngài Ajahn Mun là vị thầy có ảnh hưởng sâu đậm nhất đối với ngài. Sau nhiều năm hành đạo trong các vùng rừng núi như một vị du tăng, cuối cùng Ajahn Chah dừng chân để thiết lập tu viện Wat Pah Pong tại một vùng quê thuộc miền Đông Bắc Thái Lan. Ngài trở thành một vị thiền sư danh tiếng thế giới qua đường lối tu tập theo truyền thống khổ hạnh của những vị khất sĩ trong rừng. Ngài đã thu hút một số tu sĩ Tây phương theo học với ngài, và đến năm 1975 ngài thiết lập Tu viện Wat Pah Nanachat dành cho thiền sinh Tây phương, cách tu viện Wat Pah Pong không xa, do vị đại đệ tử người Mỹ của ngài là Ajahn Sumedho làm trụ trì. Năm 1979, chi nhánh tu viện đầu tiên theo truyền thống của ngài là Chithurst Buddhist Monastery được thiết lập tại Sussex, Anh quốc. Ngài Ajahn Chah cũng đã từng đi hoằng pháp ở Âu châu, Bắc Mỹ, Canada và Anh quốc. Ngày nay có hơn 200 chi nhánh tu viện của ngài khắp Thái Lan , 15 chi nhánh và 10 Trung tâm tu học dành cho Phật tử ở nhiều nước trên thế giới. Lời giảng dạy của ngài được các đệ tử sưu tập và xuất bản, và được các Phật tử đón nhận như là cẩm nang tu hành theo truyền thống khổ hạnh Sơn Lâm, thuộc Phật giáo Nguyên Thủy. Những tuyển tập các bài pháp thoại nổi tiếng của ngài là: Mặt Hồ Tĩnh Lặng, Hương Vị Giải Thoát, No Ajahn Chah, Thấy Đạo, Con Đường An Lạc).

Hỏi: Bạch Thầy, con đã nỗ lực hết sức trong thiền tập, nhưng hình như kết quả chẳng đi đến đâu cả.

Ajahn Chah : Điều này rất quan trọng. Đừng cố gắng đi đến đâu trong thiền tập. Chính cái ham muốn được giải thoát và giác ngộ sẽ là dục vọng ngăn cản bạn đi đến giải thoát. Bạn có thể nỗ lực hết sức như bạn muốn, hành trì đêm ngày, nhưng nếu tâm bạn vẫn còn ham muốn đạt đến một điều gì, bạn sẽ không bao giờ tìm thấy an tịnh. Năng lượng của ham muốn này sẽ là nguyên nhân tạo ra nghi ngờ và bất an. Cho dù bạn hành thiền lâu dài và tinh tấn đến đâu đi nữa, trí tuệ không bao giờ khởi sinh từ lòng ham muốn. Bởi vậy, chỉ cần buông xả. Hãy quan sát thân và tâm với sự tỉnh thức nhưng đừng cố gắng đạt một cái gì cả. Thậm chí đừng dính mắc với việc tu tập để được giác ngộ.

Hỏi :Còn vấn đề giấc ngủ thì sao? Con nên ngủ bao lâu?

Ajahn Chah : Đừng hỏi tôi, tôi không thể trả lời được. Đối với một số người thì ngủ trung bình 4 giờ một đêm là tốt. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải quan sát và tự biết mình. Nếu bạn cố gắng ngủ quá ít, cơ thể sẽ cảm thấy không thoải mái và sẽ khó duy trì được chánh niệm. Còn ngủ quá nhiều sẽ đưa đến một cái tâm uể oải lờ đờ. Hãy tìm sự quân bình tự nhiên cho chính mình. Cẩn thận quan sát thân tâm và theo dõi nhu cầu giấc ngủ của bạn cho đến khi bạn tìm được mức độ tốt nhất cho mình. Nếu bạn thức dậy sớm và rồi sau đó lại rơi vào giấc ngủ ngắn ban ngày, thì đó là điều phiền trược. Hãy thiết lập chánh niệm ngay khi bạn thức giấc.

Hỏi :Có nên đọc thật nhiều và nghiên cứu kinh điển như một phần của việc hành thiền?

Ajahn Chah : Chúng ta không thể tìm thấy Phật pháp trong kinh sách. Nếu bạn thật sự muốn tự mình thấy được những gì Đức Phật đã thuyết giảng, bạn không cần phải bận tâm đến kinh sách. Hãy quan sát tâm của bạn. Quan sát để thấy cảm thọ sinh diệt như thế nào, các niệm sinh diệt như thế nào. Đừng dính mắc với bất cứ cái gì. Chỉ cần tỉnh giác về bất cứ điều gì đang xảy ra. Đây là con đường đi đến chân lý của Đức Phật. Hãy tự nhiên. Mọi việc bạn làm trong cuộc sống đều là cơ hội để hành thiền. Tất cả đều là Pháp. Khi bạn làm việc nhà, hãy cố gắng tỉnh thức. Nếu bạn đi đổ ống nhổ hay chùi nhà vệ sinh, đừng cảm thấy rằng bạn đang ban ân huệ cho ai đó. Đổ ống nhổ cũng là Pháp. Đừng nghĩ rằng chỉ khi nào bạn ngồi yên lặng với chân bắt chéo mới là hành thiền. Một số bạn đã than phiền là không có đủ thì giờ để thiền. Vậy bạn có đủ thì giờ để thở không? Thiền chính là sự tỉnh thức, tự nhiên trong bất cứ việc gì bạn làm.

Hỏi :Con có thể làm gì về vấn đề hoài nghi? Đôi lúc con rất khổ sở vì bị ám ảnh bởi những hoài nghi về việc hành thiền, về sự tiến bộ của chính mình, hay về vị thầy.

Ajahn Chah : Hoài nghi là điều tự nhiên. Mọi người đều khởi đầu bằng sự hoài nghi. Bạn có thể học hỏi rất nhiều từ các hoài nghi. Điều quan trọng là bạn không nhận diện mình với những hoài nghi ấy, nghĩa là đừng mắt kẹt trong đó. Việc này sẽ làm tâm bạn xoay trong các vòng luẩn quẩn không bao giờ chấm dứt. Thay vào đó, hãy theo dõi toàn bộ diễn tiến của hoài nghi, của thắc mắc. Hãy xem ai đang hoài nghi. Xem các hoài nghi ấy sinh diệt như thế nào. Rồi bạn sẽ không còn là nạn nhân của những hoài nghi ấy nữa. Bạn sẽ đứng bên ngoài hoài nghi và tâm của bạn sẽ được an tịnh. Bạn sẽ thấy tất cả các niệm sinh diệt như thế nào. Chỉ cần buông xả những gì bạn đang dính mắc. Hãy buông xả các mối hoài nghi và chỉ cần quan sát theo dõi chúng. Đây là cách để chấm dứt hoài nghi.

Hỏi :Còn các phương pháp hành thiền khác thì sao ? Lúc này hình như có quá nhiều vị thầy và quá nhiều hệ thống thiền tập khác nhau đến nỗi chúng con cảm thấy hoang mang ?

Ajahn Chah : Cũng giống như đi xuống phố. Người ta có thể đi xuống phố từ phía bắc, phía đông nam, hay từ nhiều con đường khác nhau. Thường thì những hệ thống đó chỉ khác nhau bên ngoài. Dù bạn đi đường này hay đường kia, nhanh hay chậm, nếu bạn giữ vững chánh niệm thì tất cả đều giống nhau. Có một điểm chính yếu mà tất cả các phương pháp thiền tập tốt cuối cùng đều phải hướng đến – đó là không dính mắc. Cuối cùng thì tất cả hệ thống thiền tập đều phải được buông xả. Thiền sinh cũng không dính mắc với vị thầy. Nếu một hệ thống thiền tập hướng đến buông xả, không dính mắc, thì đó là một phương pháp tu tập đúng. Bạn có thể mong muốn du hành đây đó để thăm viếng các vị thầy khác và thử thực hành các hệ thống khác. Một số các bạn đã làm như vậy. Đây là một mong muốn tự nhiên. Bạn sẽ khám phá ra rằng với cả ngàn câu hỏi được đặt ra và kiến thức về nhiều hệ thống khác nhau sẽ không mang lại chân lý cho bạn. Cuối cùng bạn sẽ cảm thấy buồn chán. Bạn sẽ thấy rằng chỉ bằng cách dừng lại và quan sát tâm của mình bạn mới có thể tìm thấy những gì Đức Phật đã dạy. Không cần phải đi tìm bên ngoài bạn. Cuối cùng bạn phải trở về trực diện với bản tâm của mình. Ở đấy bạn mới có thể hiểu được Pháp.

Hỏi :Rất nhiều lần con thấy hình như nhiều vị sư ở đây chẳng tu tập gì cả. Họ có vẻ cẩu thả và không giữ được chánh niệm. Điều này đã làm con rất phiền muộn.

Ajahn Chah : Quan sát phê phán người khác là không đúng. Điều này chẳng giúp ích gì cho việc hành thiền của bạn cả. Nếu bạn cảm thấy bực mình, hãy theo dõi sự bực mình ấy trong tâm bạn. Nếu giới luật của kẻ khác không tốt hoặc nếu những vị sư ấy không tốt, thì đó không phải là công việc của bạn để phê phán họ. Bạn sẽ chẳng tìm thấy trí tuệ từ việc quan sát người khác. Giới luật Tỷ Kheo là một dụng cụ để sử dụng cho việc hành thiền của bạn. Đó không phải là vũ khí bạn dùng để chỉ trích hay bắt lỗi người khác. Không ai có thể tu tập thay cho bạn, cũng như bạn không thể tu thế cho bất cứ ai. Chỉ cần tỉnh giác với những việc bạn làm. Đó là cách tu tập đúng đắn.

Hỏi :Con đã hết sức thận trọng trong việc thực hành chế ngự các căn. Con luôn luôn nhìn xuống và giữ chánh niệm với từng hành động nhỏ của mình. Thí dụ, khi ăn, con mất nhiều thì giờ và cố gắng theo dõi từng động tác: nhai, nếm, nuốt v.v... Con thực hành mỗi động tác rất ý tứ và thận trọng. Con tu tập như vậy có đúng không?

Ajahn Chah : Chế ngự các căn là việc tu tập đúng đắn. Chúng ta phải tỉnh giác về việc này suốt ngày, nhưng đừng quá mức! Hãy đi đứng, ăn uống và hành động một cách tự nhiên. Và rồi phát triển chánh niệm tự nhiên về những gì đang xảy ra trong tâm bạn. Đừng thúc ép việc hành thiền hay tự ép mình vào những khuôn mẫu vụng về. Đây cũng là một hình thức của tham ái. Hãy kiên nhẫn. Kiên trì và nhẫn nhục chịu đựng là cần thiết. Nếu bạn hành động tự nhiên và luôn luôn tỉnh giác, trí tuệ sẽ đến một cách tự nhiên.

Hỏi :Con có cần ngồi thiềntrong những khoảng thời gian rất dài không?

Ajahn Chah : Không, ngồi hằng giờ liên tục không cần thiết. Một số người nghĩ rằng bạn càng ngồi lâu thì trí tuệ bạn càng sáng tỏ. Tôi đã từng thấy gà mái ngồi trên ổ của chúng cả mấy ngày liên tục ! Trí tuệ đến từ sự tỉnh giác trong mọi tư thế. Việc hành thiền của bạn nên bắt đầu ngay từ lúc bạn thức dậy vào buổi sáng. Và việc này phải tiếp tục cho đến khi bạn đi ngủ. Đừng quan tâm về việc bạn có thể ngồi bao lâu. Điều quan trọng chỉ là ở chỗ bạn giữ vững chánh niệm, dù bạn đang làm việc hay ngồi hay đi vào phòng tắm. Mỗi người có một nhịp độ sinh hoạt tự nhiên của riêng mình. Trong số các bạn, có người sẽ chết ở tuổi năm mươi, có người ở tuổi sáu lăm, có người ở tuổi chín mươi. Cũng vậy, việc hành thiền của các bạn sẽ không giống nhau. Đừng suy nghĩ hay lo âu về chuyện này. Hãy cố gắng tỉnh giác và để mọi việc diễn tiến một cách tự nhiên. Rồi tâm của bạn dần dần lắng yên trong mọi hoàn cảnh. Tâm của bạn sẽ tĩnh lặng như mặt nước hồ trong vắt trong khu rừng thanh vắng. Rồi tất cả mọi loài thú quí hiếm kỳ diệu sẽ đến uống nước trong hồ. Bạn sẽ thấy rõ ràng bản chất của vạn pháp trong thế giới này. Bạn sẽ thấy nhiều pháp tuyệt diệu và lạ kỳ sinh rồi diệt. Nhưng tâm bạn vẫn tĩnh lặng. Nhiều vấn đề sẽ khởi sinh và bạn sẽ nhìn thấy thấu suốt mọi chuyện ngay tức khắc. Đây là hạnh phúc của một Bậc Giác Ngộ.

Hỏi :Con vẫn còn rất nhiều vọng niệm. Tâm của con cứ chạy lăng xăng mãi cho dù con vẫn cố gắng giữ chánh niệm.

Ajahn Chah : Đừng lo âu về chuyện này. Cố gắng giữ tâm bạn vào giây phút hiện tại. Cho dù có niệm gì khởi lên trong tâm, chỉ cần theo dõi nó. Hãy buông xả ngay. Thậm chí đừng mong ước thoát khỏi mọi niệm. Rồi tâm của bạn sẽ đạt đến trạng thái tự nhiên. Đừng phân biệt tốt hay xấu, nóng hay lạnh, nhanh hay chậm. Không có tôi cũng không có bạn, không có cái ngã nào cả. Cứ xem tất cả sự vật đúng như chúng đang hiện hữu. Khi bạn đi khất thực, không cần làm điều gì đặc biệt. Chỉ cần đi và nhìn những gì trước mặt. Không cần phải bám chặt vào lối sống cô lập hay ẩn cư. Cho dù ở đâu, hãy tự biết chính mình bằng cách sống tự nhiên và theo dõi mọi niệm. Nếu nghi ngờ khởi lên, hãy theo dõi chúng đến rồi đi. Điều này rất đơn giản. Đừng giữ lại cái gì cả. Cũng giống như bạn đi xuống một con đường, thỉnh thoảng bạn sẽ gặp một vài chướng ngại vật. Khi bạn cảm thấy phiền não, chỉ cần quan sát chúng và vượt qua bằng cách buông xả chúng. Đừng nghĩ về những chướng ngại mà bạn đã vượt qua. Đừng lo âu về những gì chưa xảy đến. Hãy giữ tâm vào giây phút hiện tại. Đừng quan ngại về quảng đường dài hay đích đến. Mọi vật đang thay đổi. Dù bạn đi ngang qua bất cứ cái gì, đừng dính mắc với nó. Cuối cùng tâm của bạn sẽ đạt đến mức thăng bằng tự nhiên và lúc đó việc hành thiền của bạn sẽ tự động diễn ra. Tất cả các pháp đều tự chúng sinh và diệt.

Hỏi :Thầy đã dạy rằng Thiền Chỉ (Samatha) và Thiền Quán (Vipassana ) là giống nhau. Xin thầy vui lòng giải thích thêm?

Ajahn Chah : Thật đơn giản. Thiền Chỉ và Thiền Quán kết hợp với nhau trong thiền tập. Trước tiên, tâm được lặng yên nhờ bạn cột tâm vào một đối tượng thiền tập. Tâm được lặng yên chỉ khi nào bạn ngồi nhắm mắt. Đây là Thiền Chỉ / Định (Samatha) và cuối cùng nhờ Định này làm nhân duyên cho Thiền Quán / Tuệ (Vipassana) khởi sinh. Rồi sau đó tâm bạn được tĩnh lặng dù bạn ngồi nhắm mắt hay đi dạo trong một thành phố náo nhiệt. Giống như thế này: trước kia bạn là một đứa trẻ, bây giờ bạn là một người trưởng thành. Vậy đứa trẻ và người trưởng thành ấy có phải là một người hay không? Bạn có thể nói, “đúng là một người”; hoặc nếu bạn nhìn vấn đề theo cách khác, bạn có thể nói, “hai người ấy khác nhau“. Cũng vậy, Thiền Chỉ và Thiền Quán cũng có thể được xem như riêng biệt. Hay cũng giống như thức ăn và phân. Thức ăn và phân cũng có thể xem như giống nhau và cũng có thể gọi là khác nhau. Đừng chỉ tin vào những gì tôi nói, hãy hành thiền và tự bạn sẽ nhận thấy. Không cần làm gì đặc biệt. Nếu bạn quan sát định và tuệ sinh khởi như thế nào, bạn sẽ tự mình biết được sự thật. Thời buổi này nhiều người cứ bám vào chữ nghĩa. Họ bảo họ tu theo pháp Thiền Quán / Thiền Minh Sát (Vipassana) và họ xem thường Thiền Chỉ/ Định ( Samatha). Hoặc họ gọi họ tu theo pháp Thiền Chỉ (Samatha), và họ nói cần phải tu Chỉ/ Định trước khi tu Quán/Tuệ. Tất cả đều khờ dại ! Đừng bận tâm suy nghĩ về vấn đề này theo kiểu ấy. Chỉ cần thực hành và bạn sẽ tự mình thấy được sự thật.

Hỏi :Có cần thiết phải nhập định trong việc hành thiền của chúng ta không?

Ajahn Chah : Không. Nhập định không cần thiết. Bạn cần phải thiết lập một mức độ an định và nhất tâm có chừng mực. Rồi bạn dùng mức độ này để quan sát chính mình. Không cần gì đặc biệt. Nếu nhập định đến với bạn lúc hành thiền thì cũng tốt. Chỉ cần đừng nắm giữ nó. Một vài người quá quan tâm về định. Vui đùa với định có thể rất thú vị. Nhưng bạn phải biết những giới hạn đúng mức. Nếu bạn có trí tuệ, bạn sẽ biết những công dụng và giới hạn của định, cũng như bạn biết những giới hạn giữa trẻ con và người lớn.

No comments:

Post a Comment