Khu rừng phía Nam kinh thành
bỗng xáo động hẳn lên. Chim chóc gọi nhau lẩn trốn, thiêm thiếp lo sợ trong các
cành cây kẽ lá. Từ hươu nai cho đến hổ báo đều loan truyền một tin hung dữ: Nhà
vua đi săn.
Ca Lợi Vương đi săn. Khác hẳn
với các cuộc đi săn thường, lần này nhà vua tổ chức một cuộc săn quy mô trong
suốt tuần lễ. Vì nhiều lẽ, và trong đó có một lẽ là để trừ khử uy tín của một
đạo sĩ về tu hành trong khu rừng phía Nam này.
Ðoàn người đi săn đã đến tại
mé rừng. Thật như là một binh đoàn đi chiến trận. Có đủ cung tên gươm giáo, có
ban tiếp vận lương thực, có hệ thống truyền tin liên lạc. Họ dựng lều trại và
sửa soạn cho vua tá túc. Ca Lợi Vương cưỡi một con bạch mã, bận nhung phục gọn
ghẽ, dẫn đầu toán lính săn. Bản chất mạo hiểm của ngài thường thấy bộc lộ trong
những trường hợp như thế này. Ðoàn người tiến sâu vào rừng. Mỗi lần nhà vua bắn
hạ được một con thú thì cả đoàn hoan hô vang dậy và sẽ có một bọn sắp sẵn để
mang con vật xấu số đến trước mặt ngài.
- Muôn tâu Hoàng
thượng! Con thú bị mũi tên thần bắn trúng vào chính giữa đầu.
- Muôn tâu Hoàng thượng! Hoàng thượng vừa
hạ một con hươu đẹp đẽ nhất trong loài hươu.
- Muôn tâu Hoàng thượng!...
Và Hoàng thượng kiêu hãnh mỉm cười,
truyền lịnh khao thưởng quân sĩ.
Ðến trưa, cuộc đi săn tạm nghỉ. Vua ngả
người trên chiếc võng và an mình trong giấc điệp. Khi ngài thức dậy thì ngài
ngạc nhiên thấy quân lính thiếu mặt rất nhiều. Bọn chúng đi đâu? Ngài đang băn
khoăn thì bỗng đội liên lạc về phi báo là bọn quân lính đã tề tựu ở dưới một gốc
cây Bồ Ðề để nghe một đạo sĩ thuyết pháp.
Hãy tưởng tượng Ca Lợi Vương giận dữ đến
bực nào! Trước đây, dư luận đã xôn xao về tin này, người ta đã cho nhà vua hay
là có một vài người trong hoàng tộc cũng lén lút đến nghe đạo sĩ thuyết pháp. Và
chính bởi lẽ đó mà vua tổ chức cuộc đi săn này để tìm hiểu thực hư. Vậy mà giờ
đây, tên đạo sĩ lại cả gan khuyến dụ cả quân lính nhà vua.
Lệnh tập họp cấp tốc được lan truyền. Số
vắng mặt vẫn chưa thấy trở về. Vua đinh ninh rằng kẻ tu hành đã đánh bùa mê để
cầm giữ một cách phi pháp lính của ngài. Ngài nhảy lên ngựa và đích thân đến
nơi. Quan quân lục tục kéo đi theo ngài.
Gần đến nơi rồi. Một vài cận thần thân
tín thúc ngựa lên trước. Họ quát tháo ầm ĩ. Quân lính đang vây quanh vị đạo sĩ
sực nhớ lại nhiệm vụ của họ đối với Hoàng thượng, nên vội vàng nới rộng vòng và
cúi đầu chịu hình phạt. Họ vừa nghe một bài dạy về hạnh từ bi, họ cảm thấy tội
lỗi của họ trong cuộc đi săn đầy sát khí, và giờ đây họ ước muốn nhà vua đuổi cổ
họ về, hơn là họ tiếp tục cuộc chém giết.
Nhà vua đã xuống ngựa. Ngài định tiến đến
trước mặt nhà đạo sĩ, nhưng những cận thần đã vội ngăn cản :
- Muôn tâu Hoàng thượng, việc trục xuất
tên Sa Môn này đâu phải nhọc đến thánh thể, xin cho phép để hạ thần ra tay.
Vừa tâu xong, họ xông đến. Họ dùng bao
nhiêu lời thô bỉ để lăng mạ, để chửi rủa như trong giây phút họ sẽ phanh thây
đạo sĩ thành trăm mảnh. Nhưng “chó vẫn sủa mà lạc đà vẫn đi qua”, đạo sĩ vẫn
không nói lại một lời, không sắc giận, điềm nhiên như không.
Cảnh tượng ấy làm vua Ca Lợi
Vương khá ngạc nhiên. Từ trước đến giờ, kẻ nào thấy vua cũng phải phủ phục dưới
chân để tung hô hoàng đế vạn tuế, thế mà hôm nay lại có một kẻ tu hành trước mặt
ngài vẫn cứ ngồi lỳ như chết. Ngài bước tới, truyền lịnh cho các cận thần lui ra
và dõng dạc hỏi::
- Này tên Sa môn ương ngạnh
kia! Nhà ngươi ngồi đây để làm gì?
Ðạo sĩ trả lời:
- Kẻ này tu hạnh nhẫn
nhục.
- Hạnh nhẫn nhục là thế nào?
Ðạo sĩ điềm tĩnh trình bày,
giọng từ hòa như giọng đã thuyết pháp cho các người lính săn ban nãy :
- Tâu Hoàng thượng! Tu hạnh
nhẫn nhục là giữ tâm khiêm nhường với tất cả mọi người, là trừ bỏ những hành vi
tự đắc, kiêu mạn, là dùng lời nói êm dịu để khuyến hóa chúng sanh. Tâu Hoàng
thượng...
Nhà vua không nén được giận dữ
nữa. Những lời đáp của đạo sĩ thì chân thật mà vua tưởng là cố ý xoi bói công
kích sự ồ ạt nóng nẩy của mình. Hoàng thượng thét, cắt ngay lời đạo sĩ:
- Im, im ngay.
Vua quay lại, như muốn hạ lịnh
cho vệ sĩ của ngài ra tay tức khắc. Bỗng vừa nẩy ra sáng kiến gì, vua lại hướng
về phía đạo sĩ, rồi dịu giọng hỏi:
- Nhưng mà, ta hỏi thêm nhà
ngươi câu này. Tại sao khi nãy, cận thần của ta hết lời mắng chửi nhục mạ nhà
ngươi mà nhà ngươi vẫn làm thinh?
- Tâu Hoàng thượng! Kẻ này suy
nghiệm rằng: Nếu như những lời chửi mắng của người khác là đúng thì phải sanh
lòng hổ thẹn để mà hối cải. Còn nếu những lời chửi mắng nhầm lẫn thì xem như là
những tiếng vang như gió thoảng ngoài tai mà thôi. Tuyệt nhiên không khi nào
sanh tâm oán hận.
Câu trả lời có một phản ứng
mạnh. Quân lính thì thầm thán phục, các cận thần trố mắt kinh ngạc. Còn nhà vua,
ngài cảm thấy tự ái của ngài xúc động. Ðể phục hồi uy tín của ngài, ngài rút
mạnh thanh kiếm, và bảo:
- Ðây là những lời xảo trá và
vô lễ!
Rồi ngài hạ tay cắt đứt đôi
vành tai của đạo sĩ. Dòng máu đỏ rỉ rả thấm ướt đầm cả đôi má. Mọi người nín
lặng. Tuy nhiên, đạo sĩ vẫn tĩnh tọa sắc mặt vẫn thản nhiên. Không chút gì tỏ vẻ
đau đớn và oán thán.
Nhà vua không ngờ có một sức
chịu đựng lạ lùng. Hay đây là một tên phù thủy có nhiều pháp thuật? Dầu sao, vua
không thể lùi bước được. Ngài vung kiếm chặt đứt thêm hai bàn tay đạo sĩ đang
chấp trước ngực:
- Hãy xem tên thầy pháp này
nhẫn nhục đến mức nào?
Máu đào tuôn ra, thấm quanh
chỗ ngồi của vị tu hành. Tuy thế đạo sĩ vẫn không thốt lên một tiếng kêu than.
Vết thương như làm cho thần trí của người thêm sáng suốt và dõng mãnh. Gương mặt
người trông từ bi lạ lùng.
Thật là một dòng nước mát rưới
lên lửa hận thù của nhà vua hung bạo. Vua lặng thinh. Bây giờ ngài hiểu rằng kẻ
đương ngồi trước mặt ngài không phải là một kẻ tầm thường. Ngài gượng cất tiếng
giữa sự im lặng nặng nề của quân binh :
- Hỡi đạo sĩ, tại sao ngươi bị
hành hạ thân xác mà ngươi không chút gì sắc giận?
Ðạo sĩ thong thả trả lời:
- Tâu ngài, nếu như tôi có lỗi
mà bị hành hạ thì tôi phải nhẫn thọ như uống được nước cam lồ và sinh lòng cung
kính với người. Còn gặp trường hợp không phân biệt phải trái mà người xúc phạm
đến tôi, thì tôi suy nghĩ rằng ngày nay tôi vô tội, nhưng biết đâu không phải do
ác nghiệp ngày trước mà nay phải chịu. Vả lại, thân này là sự cấu hợp giả tạm
thì cũng không nên lấy gì làm luyến tiếc.
Ca Lợi Vương bấy giờ đã hối
hận về tội ác của mình. Nhưng vì tập tánh chủ quan chỉ biết hạch lỗi kẻ khác lâu
nay, vua gạn hỏi thêm một lần nữa :
- Hay lắm! Nghĩ được như thế
thì hết sức tốt đẹp. Nhưng làm thế nào cho ta tin rằng nhà ngươi thật tình nghĩ
như thế. Làm thế nào cho ta tin rằng nhà ngươi không oán hận ta, không oán hận
những cận thần của ta đã sỉ nhục nhà ngươi?
Ðạo sĩ giơ hai cánh tay cụt,
mắt sáng lên một cách lạ thường. Người phát thệ:
- Tôi thề rằng tâm tôi không
có một chút oán hận nào. Những người gây đau thương cho tôi chỉ vì bị mây mờ che
lấp đáng thương mà thôi. Nếu như lời tôi không chân thành với tâm tôi thì những
vết thương của tôi trở thành lở lói ghê gớm, bằng như trái lại, tâm tôi hoàn
toàn không oán hận thì những vết thương của tôi sẽ lành lặn.
Trời đất bỗng nhiên rung
chuyển. Hương thơm tỏa ra ngào ngạt. Ca Lợi Vương và mọi người nín lặng chờ đợi.
Ôi kinh ngạc biết bao! Họ trông thấy thân thể đạo sĩ lành lặn như xưa. Người
ngồi tĩnh tọa dưới gốc cây Bồ Ðề, gương mặt từ bi, chói lọi hào quang.
Cái kiêu hãnh trước đây tạm
thời cung cấp cho nhà vua một sức mạnh ồ ạt, mong manh, bây giờ vỡ tan ra bọt
nước. Và hạnh nhẫn nhục của đạo sĩ quả là một năng lực bền bỉ, trường cửu, và
bất khả chiến thắng. Nhà vua qùy sụp xuống bên đạo sĩ và xin sám hối bao nhiêu
tội lỗi. Vua còn nguyện ghi nhớ gương sáng nhẫn nhục này để thực hiện trong đời
sống cá nhân, trong việc trị quốc của mình và đời đời kiếp kiếp xin tận tâm
phụng sự Chánh Pháp.
Ðạo sĩ khiêm tốn đỡ Ca Lợi
Vương dậy và hiền dịu bảo:
- Lời phát tâm tốt đẹp của
ngươi tự nó đã xóa bỏ được lỗi lầm do chính ngươi gây ra. Và ta hứa với ngươi
rằng, trong tương lai khi ta thành đạo, ta sẽ nhận ngươi làm đệ tử đầu tiên của
ta.
*
Vị đạo sĩ đáng kính trên đây
là tiền thân Ðức Phật Thích Ca và Ca Lợi Vương là tiền kiếp của ngài Kiều
Trần Như.
Và đúng như lời đã hứa, sau
khi thành Phật, mở đầu cho lịch trình truyền đạo 49 năm trời, Ðức Thế Tôn đã
thuyết pháp lần đầu tiên tại khu vườn Lộc Uyển cho năm vị đệ tử, trong đó có ông
Kiều Trần Như.
Quảng
Huệ
No comments:
Post a Comment