Thursday, July 24, 2014

Nhà ga metro ngầm ở TP.HCM sẽ như thế nào?

Nhà ga metro ngầm ở TP.HCM sẽ như thế nào?

TT - Khác với nhà ga nổi hành khách đứng giữa sân dễ nhận biết chiều tàu đi và về, ở nhà ga ngầm Nhà hát TP và nhà ga Ba Son hành khách phải chọn tầng hai hoặc tầng bốn để biết chiều đi và chiều về trung tâm TP.
Ngày 21-7, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM làm lễ ký hợp đồng với liên danh nhà thầu Shimizu - Meada (Nhật Bản) triển khai thi công nhà ga ngầm của tuyến metro Bến Thành (Q.1) - Suối Tiên (Q.9) tại khu vực Nhà hát TP.

Đốn hạ hàng cây cổ thụ trước Nhà hát thành phố để thi công nhà ga metro- Ảnh: Quang Định
Phân luồng giao thông hướng từ Q.1 - Q.Bình Thạnh - Nguồn: BQLĐSĐT TP.HCM - Đồ họa: V.Cường
Đây là nhà ga metro đầu tiên của TP và tuyến đường sắt đầu tiên đã được khởi công vào tháng 8-2012. Hôm nay (22-7) công trình này chính thức được phân làn giao thông để phục vụ việc triển khai thi công.
Tất bật chuẩn bị thi công
Dự án gồm 5 gói thầu
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7km, gồm 17,1km đi trên cao và 2,6km đi ngầm với 14 ga. Trong đó có ba ga ngầm, 11 ga trên cao và depot Long Bình (Q.9). Tổng vốn đầu tư là 2,49 tỉ USD, trong đó vốn vay Nhật là 2,2 tỉ USD, phần còn lại là vốn ngân sách TP.
Thời gian thực hiện dự án 2007-2018. Dự án gồm năm gói thầu: Gói thầu số 1A (xây dựng nhà ga Bến Thành đến nhà ga Nhà hát TP, dự kiến đầu năm 2015 khởi công). Gói thầu số 1B xây dựng đoạn ngầm từ Nhà hát TP đến nhà ga Ba Son, thi công vào tháng 7-2014. Gói thầu số 2 xây dựng 17,1km metro trên cao từ nhà ga Ba Son đến Suối Tiên, đã khởi công tháng 8-2012. Gói thầu số 3 thiết kế xây dựng lắp đặt đầu máy toa xe, đã triển khai hợp đồng từ tháng 8-2013. Gói thầu số 4 lắp đặt hệ thống công nghệ thông tin cho văn phòng công ty vận hành và bảo dưỡng, dự kiến thực hiện năm 2017.
Chiều 21-7, tại ngã tư Lê Lợi - Nguyễn Huệ (Q.1), đoạn trước Nhà hát TP.HCM, các công nhân Công ty Công viên cây xanh TP tất bật với việc chặt cây, tỉa cành để chuẩn bị công tác khởi công nhà ga ngầm đầu tiên của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên.
Tại đây, hàng cây cổ thụ bên đường được chặt bỏ để phục vụ việc thi công. Lực lượng chức năng đã chốt chặn tại các ngã tư xung quanh khu vực này để hướng dẫn, phân làn xe. Các băngrôn hướng dẫn giao thông, bảng công bố lộ trình giao thông thay thế trong thời gian thi công được dựng dày đặc hai bên đường.
Có mặt tại ngã tư này, bà Nguyễn Thị Huệ (ngụ Q.8, TP.HCM) cho biết bà đã gắn liền với giao lộ này gần 10 năm nay. Đã chứng kiến nhiều thay đổi tại khu vực, nhưng lần này bà vẫn không giấu được sự hồi hộp: “Trước giờ cứ nghe từ metro, nhưng tui có biết đó là cái gì đâu. Nay chuẩn bị khởi công, như vậy người dân thành phố sắp được sử dụng loại phương tiện giao thông hiện đại rồi”.
Tuy nhiên, cũng không ít người dân buôn bán xung quanh khu vực thi công vẫn nơm nớp một nỗi sợ - lô cốt công trình. Anh Hoàng, chủ một cửa hàng buôn bán quần áo trên đường Lê Lợi, cho biết nghe tin cơ quan chức năng sẽ hạn chế lưu thông trên tuyến đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, anh cũng như nhiều chủ cửa hàng khác tỏ ra lo lắng. “Chúng tôi phần lớn là thuê mặt bằng để kinh doanh. Tiền thuê đắt đỏ nên buộc phải kinh doanh có hiệu quả mới cầm cự được. Chúng tôi mong đơn vị thi công và các cơ quan chức năng quan tâm đến việc kinh doanh của người dân xung quanh. Nhất là trong việc rào lô cốt để thi công, nên hạn chế tối đa việc che chắn ngang mặt tiền cửa hàng buôn bán và phải tuyệt đối đảm bảo an toàn cho người dân” - anh Hoàng bày tỏ.
Ông Khải, một người dân trên đường Thái Văn Lung (P.Bến Thành, Q.1), cũng tỏ ra lo lắng khi biết tuyến metro sẽ chạy ngầm phía dưới, gần khu vực nhà mình. “Nếu như xảy ra rung chuyển, nứt tường nhà trong quá trình thi công thì người khổ đầu tiên là tụi tui. Theo nguyên tắc, đơn vị sẽ phải bồi thường cho dân nhưng tụi tui vẫn không yên tâm” - ông Khải nói.
Phức tạp và nhiều rủi ro
Theo ban quản lý dự án, thiết kế gói thầu 1B sẽ thi công hai nhà ga ngầm, gồm: nhà ga Nhà hát TP và nhà ga Ba Son sẽ được thi công đào hở. Theo đó, công trình xây dựng nhà ga ngầm có độ sâu 40m được thi công theo phương pháp top-down (thi công tường vây và cọc chống trước, sau đó đào đất và thi công các sàn từ trên xuống) nhằm giảm thiểu rủi ro lún sụt.
Ông Lê Khắc Huỳnh - phó ban thường trực Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM - cho biết dù khu vực nhà ga nằm ở giữa đường, nhưng do độ sâu lớn nên Ban quản lý đường sắt yêu cầu nhà thầu lắp đặt hệ thống quan trắc để theo dõi các chuyển vị, diễn biến của các tòa nhà ở khu vực thi công. “Trong trường hợp các tòa nhà xảy ra chuyển vị với trị số vượt quy định cho phép thì lập tức dừng thi công để đưa ra biện pháp khắc phục ngay” - ông Huỳnh nói.
Việc thi công đoạn nối từ nhà ga Nhà hát TP đến nhà ga Ba Son dài 1,8km sẽ thi công bằng khiên đào (sử dụng máy TBM có đường kính 6,05m để khoan ngầm trong lòng đất). Theo đó, máy TBM sẽ khoan ngầm giữa lòng đường từ độ sâu 15-30m, đi từ bên hông Nhà hát TP (phía trước khách san Caravelle) qua trụ sở Công ty Điện lực TP men đường Nguyễn Siêu... về Nhà máy Ba Son. Trong quá trình thi công, khoan ngầm đoạn đường trên dự kiến kéo dài 56 tháng sẽ lắp đặt các thiết bị quan trắc toàn bộ những căn nhà và công trình ở hai bên đường nhằm có biện pháp xử lý kịp thời trong trường hợp nhà bị nghiêng.
Theo ông Lê Khắc Huỳnh, việc thi công công trình ngầm là một vấn đề phức tạp và nhiều rủi ro, đặc biệt là tuyến metro đi qua khu vực nền đất yếu và phức tạp như khu vực trung tâm TP.HCM. Bởi vì trong những năm qua từng xảy ra hiện tượng lún sụt chung cư đường Nguyễn Siêu hay tòa nhà Pacific trên đường Pasteur do địa chất yếu. Trên thế giới cũng đã xảy ra hiện tượng lún sụt khi thi công các tuyến metro ngầm như lún đường hầm metro ở Lausanne (Thụy Sĩ) hay lún sụt của tuyến metro tại Singapore. Do đó, lãnh đạo TP rất chú trọng về vấn đề đảm bảo an toàn trong thi công đoạn đi ngầm này và chỉ đạo Ban quản lý đường sắt đô thị phải ưu tiên thực hiện các biện pháp an toàn trong thi công.
Nhà ga hiện đại
Nhằm đảm bảo kiến trúc của Nhà hát TP và các công trình lân cận, đồng thời thiết kế phù hợp với không gian chật hẹp tại vị trí này nên nhà ga ở đây được thiết kế khá đặc biệt với độ sâu đến 40m. Một cán bộ Ban quản lý đường sắt đô thị cho biết nhà ga Nhà hát TP được thiết kế dài 190m, rộng 26m, gồm bốn tầng: Tầng 1: các trang thiết bị phục vụ hành khách (sảnh đợi, máy bán vé, cổng thu phí tự động, nhà vệ sinh), phòng hướng dẫn thông tin cho hành khách. Tầng 2: là sân ga, nơi có tàu dừng, đỗ để đón trả khách. Tầng 3: là tầng trang thiết bị cho nhân viên ga, trung tâm kiểm soát thảm họa, khu vực nghỉ ngơi và các phòng thiết bị điện, máy điều hòa không khí và hệ thống thông gió, phòng cơ điện (hệ thống bơm nước thải), các ống thông gió của nhà ga. Tầng 4: là sân ga, nơi có tàu dừng, đỗ để đón trả khách.
Như vậy, khác với nhà ga nổi hành khách đứng giữa sân dễ nhận biết chiều tàu đi và về, ở nhà ga ngầm Nhà hát TP và nhà ga Ba Son hành khách phải chọn tầng hai hoặc tầng bốn để biết chiều đi và chiều về trung tâm TP.
Tại sao không chọn việc xây dựng trước nhà ga ở Bến Thành là ga đầu của tuyến metro số 1? Ông Lê Khắc Huỳnh cho biết theo kế hoạch công trình thi công trước nhà ga Nhà hát TP (nhà ga thứ 2) để hoàn thành đồng bộ với dự án xây dựng tượng đài Bác Hồ và dự án nâng cấp đường Nguyễn Huệ vào tháng 4-2015. “Bởi vì xây dựng nhà ga Nhà hát TP mà làm chậm hơn dự án nâng cấp đường Nguyễn Huệ sẽ phải đào xới đường mới làm xong gây nhiều lãng phí, ảnh hưởng đến việc đi lại, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp ở khu vực này” - ông Huỳnh nói.
NGỌC ẨN - MẬU TRƯỜNG
Phân luồng giao thông 5 công trình trọng điểm
Chiều 21-7, tại cuộc họp với báo chí, ông Đậu An Phúc - trưởng Phòng quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết từ nay đến cuối năm 2014, sẽ tổ chức phân luồng giao thông ở năm công trình trọng điểm thi công đường, nhà ga, thoát nước... Trong đó, dự án cải tạo nâng cấp hoàn thiện mặt đường tuyến vành đai phía đông, Q.2 (đoạn từ cầu Phú Mỹ đến liên tỉnh lộ 25B) sẽ hoàn thành vào ngày 30-8. Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Lê Đức Thọ hoàn thành vào giữa tháng 9-2014. Công trình sửa chữa đường Mai Chí Thọ, Q.2 hoàn thành vào cuối năm 2014. Dự án xây dựng cầu vượt quốc lộ 1, Q.Bình Tân và dự án xây dựng nhà ga metro ở Nhà hát TP hoàn thành tháng 3-2015.
N.ẨN
Phân luồng giao thông khu vực nhà ga Nhà hát TP.HCM
Theo thông báo của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, nhằm tạo điều kiện thuận lợi thi công xây dựng nhà ga Nhà hát TP, việc tổ chức giao thông tại khu vực này như sau:
Kể từ 7g ngày 22-7-2014, cấm tất cả các loại xe lưu thông vào đường Lê Lợi (Q.1), đoạn từ đường Pasteur đến đường Đồng Khởi.
Lộ trình được thay thế như sau: Hướng từ tây sang đông: Lộ trình 1: Lê Lợi - Pasteur - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi - Công trường Lam Sơn - Hai Bà Trưng. Lộ trình 2: vòng xoay Quách Thị Trang - Huỳnh Thúc Kháng - Mạc Thị Bưởi - Hai Bà Trưng. Lộ trình 3: vòng xoay Quách Thị Trang - Hàm Nghi - Hồ Tùng Mậu - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng.
Hướng từ đông sang tây: Lộ trình 1: Hai Bà Trưng - Công trường Mê Linh - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi - Pasteur - Lê Lợi. Lộ trình 2: Lê Thánh Tôn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi. Lộ trình 3: Hai Bà Trưng - Nguyễn Du - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi.

ST

No comments:

Post a Comment