Wednesday, July 30, 2014

Lưu ý khi đi máy bay Vietnam

phi công VN tài tình.... có màn bấm nhầm nút tắt liên lạc.  Khi ngồi trong vị trí lái thì phi công chánh cũng như phụ phải coi xét lại trước khi bay mới phải.  Đúng là lơ là và tự tin trí tài của mình.  Khi lái máy bay thì cũng phải con an toàn mạng sống bản thân mình cũng như bao nhiêu hành khác trong toa máy bay mới phải chứ?  Chịu thua phi công VN.


---------------------------------------------------------------------------------

HÀ NỘI  - Chỉ trong vòng một tháng, hệ thống kiểm soát không lưu của Việt Nam phạm ba lỗi không thể tưởng tượng. Cũng vì vậy, thảm họa hàng không có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào.

Máy bay của hãng hàng không quốc doanh Vietnam Airlines tại phi trường Nội Bài, Hà Nội. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Hôm 23 Tháng Bảy, một phi cơ của hãng hàng không Jetstar Pacific đã phải lượn hai vòng trên phi trường Vinh vì phi công bị mất liên lạc với Ðài Kiểm Soát Không Lưu của phi trường này. Cũng vì vậy, chuyến bay BL 522 bị trễ mười phút.

Sau khi kiểm tra, Cục Hàng Không Việt Nam cho biết, sở dĩ liên lạc giữa phi công với Ðài Kiểm Soát không lưu của phi trường Vinh bị gián đoạn là do Kiểm Soát Không Lưu... bấm nhầm nút tắt liên lạc với phi cơ.

Ðây là lần thứ ba trong vòng một tháng, hệ thống kiểm soát không lưu tại Việt Nam phạm những lỗi không ai có thể tưởng tượng. Ðó cũng là lý do các thảm họa hàng không có thể xảy ra bất kỳ lúc nào đối với những phi cơ di chuyển ngang hoặc cất cánh, hạ cánh tại các phi trường ở Việt Nam.

Trước đây, vào ngày 27 Tháng Sáu, trong khi một phi cơ của Vietnam Airlines vừa hạ cánh xuống phi trường Ðà Nẵng và đang chạy từ phi đạo vào bãi đậu thì một Kiểm Soát Không Lưu của phi trường này ra lệnh cho một phi cơ khác của Jetstar Pacific Airlines cất cánh ngay trên phi đạo này.

Trong vòng 4 giây, các phi công của cả hai phi cơ phát giác Kiểm Soát Không Lưu nhầm lẫn và báo lại cho đài kiểm soát không lưu Ðà Nẵng, yêu cầu hủy lệnh cất cánh, nhờ vậy tai nạn thảm khốc do hai phi cơ đâm vào nhau ngay trên phi đạo đã không xảy ra.

Trước nữa một tuần, vào ngày 19 Tháng Sáu, chuyến bay chở 200 hành khách của hãng hàng không có tên VietJet Air, lên phi cơ ở Hà Nội để đi Ðà Lạt đã được chở đến Nha Trang. Còn 200 hành khách lẽ ra phải lên phi cơ để đến Nha Trang thì vẫn phải ngồi chờ ở Hà Nội.

Nguyên nhân dẫn tới chuyện trái khoáy vừa kể vì giờ khởi hành của hai chuyến bay gần nhau, số lượng hành khách của hai chuyến bay tương đương với nhau. Ðáng nói là toàn bộ các cá nhân có liên quan, từ hệ thống kiểm soát không lưu ở cả ba phi trường (Nội Bài - Hà Nội, Nha Trang, Liên Khương - Lâm Ðồng) đến phi công, tiếp viên trên chuyến bay hạ cánh nhầm đều không phát giác sự nhầm lẫn này cho đến khi hành khách lên tiếng.

Tuy Cục Hàng Không Việt Nam đã phạt tất cả những cá nhân và cơ quan có liên quan đến ba trục trặc vừa kể song rõ ràng cả ba trục trặc này cho thấy, hàng không Việt Nam không đạt các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn.

Theo một vài tờ báo tại Việt Nam, những trục trặc đe dọa an toàn hàng không xảy ra thường xuyên nhưng thường xuyên bị ém nhẹm. Mãi đến gần đây, Cục Hàng Không Việt Nam mới bạch hóa. Tuy nhiên nỗ lực minh bạch trong thông tin về những trục trặc liên quan tới an toàn hàng không được nhận định, không phải vì thiện chí mà để né tránh trách nhiệm do bưng bít thông tin, bởi tính chất, mức độ của các trục trặc càng ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng, thảm họa hàng không có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Tại Việt Nam, hàng không là một lĩnh vực mà công việc ổn định, lương cao, nhiều cơ hội để kiếm thêm thu nhập. Cách nay một vài thập niên, người ta chỉ chi tiền để được nhận vào các khóa đào tạo tiếp viên của trường hàng không. Gần đây, chạy chọt đã trở thành chuyện phổ biến để được nhận vào các khóa đào tạo những loại việc khác trong trường này, kể cả đào tạo phi công và Kiểm Soát Không Lưu - những công việc đòi hỏi phải có thể lực và tư chất phù hợp. (G.Ð.)

No comments:

Post a Comment