TORRANCE, California (NV) – Đôi vợ chồng Võ Lão Nông – Trùm Sò Thúy Dư từ Việt Nam qua Mỹ thăm cháu ngoại rồi thành Robinson sống đơn độc giữa thành phố Torrance, California, chung quanh toàn người Mỹ suốt năm COVID-19 vừa qua. Biến nguy thành cơ, họ trồng rau, chế biến món ăn đặc sản thuần Việt.
Gần một năm ở Mỹ vì COVID-19, đi siêu thị thấy bán rau xanh giá “trên trời,” bà Trùm Thúy Dư bèn tự trồng rau, và thu hoạch rau màu trong vườn nhà, nào là cà tím, khổ qua, mướp, đậu rồng, bông bí, đậu bắp, rau đắng… (Hình: Anh Kiệt)
Không chỉ làm để ăn, họ quay clip đưa lên YouTube thu tiền để làm cầu nông thôn cho vùng sâu vùng xa Nam Bộ. Chỉ sau ba tháng, trang YouTube “Võ Đắc Danh – Hai Lúa đi Mỹ” với serie “Nhật ký Covid Mỹ” của họ đã trở nên nổi tiếng.
Lão Nông cầm viết nay phải làm nông
Võ Lão Nông là biệt hiệu của người nông dân cầm bút Võ Đắc Danh vốn không xa lạ với độc giả báo Người Việt qua bài viết về chương trình “Vượt Lên Số Phận” làm hàng trăm cây cầu nông thôn được giới thiệu trên Giai Phẩm Người Việt Xuân Kỷ Hợi 2019.
Phu nhân của Lão Nông cũng là nông dân rặt gốc Đầm Cùng, Cà Mau, theo chồng “lưu lạc” lên Sài Gòn và đã chinh phục rẻo đất ở Nhà Bè dựng lên điền trang Xẻo Lá với đủ loại cây trái miệt vườn, đặc biệt là hai đặc sản yến sào và đông trùng hạ thảo đã thành thương hiệu.
Đầu năm 2020, hai vợ chồng Lão Nông sang Mỹ thăm cháu ngoại, dự trù chỉ vài tháng là về vì ngoài cơ ngơi Xẻo Lá, Lão Nông còn đang là tổng đạo diễn kiêm chủ nhiệm của bộ phim tài liệu nhiều tập “Hành Trình Cây Lúa” đang thu hình khắp Bắc Trung Nam.
Gia đình cha con, ông bà cháu đang đoàn tụ vui, tự nhiên dịch COVID-19 từ trên trời rớt xuống cái độp. Vợ chồng con gái ở nhà trong thành phố để tiện đi làm việc đã dành cho hai vợ chồng Lão Nông sống cách ly trong ngôi nhà cách đó vài chục phút lái xe. Cuối tuần con cháu mới về thăm, tiếp tế một lần.
Mệt thiệt, chuyện thu hoạch, sơ chế, giao yến, chăm sóc đông trùng hạ thảo bên nhà đầy ra đó nhưng có thể sắp xếp nhờ cậy đám em út làm tạm. Chuyện cuộc sống côi cút của hai vợ chồng trên đất Mỹ mới đáng rầu.
Nhà văn Võ Đắc Danh cắt cỏ cho vợ trồng rau. (Hình: Anh Kiệt)
Lúc ấy chỉ nghĩ là cách ly ngắn hạn nhưng không ngờ vài tuần, vài tháng, thành ra cả năm.
Với tánh ham vui thích lai rai với bè bạn của Lão Nông thì bàn chuyện văn chương, làm phim, xây cầu qua cái a lô cũng tạm được nhưng thiếu tiếng cụng ly nó mất lửa quá.
Với bà Trùm thì khác, đi siêu thị thấy bán rau xanh giá “trên trời,” quy đổi từ tiền đô la qua tiền Việt khiến bà Trùm tối tăm mặt mũi. Thấy khuôn viên có miếng đất trống, máu nông dân của bà Trùm thức dậy sôi sùng sục.
Bà hối thúc Lão Nông xới đất làm cỏ để trồng rau ăn cho đỡ nhớ nhà, đỡ tù túng chân tay và cũng đỡ hao. Lão Nông vốn chỉ quen làm nông bằng ngòi viết, hồi nhỏ có tài sát cá nhưng lên Sài Gòn chỉ chuyên tà tà lái xe giao yến cho các em… chân dài. Ở Mỹ, không bằng lái xe, lại bị cách ly nên không cách nào thoát khỏi bàn tay sắt bọc nhung của bà Trùm.
Tô bún riêu phẩm chất giá chỉ $1. (Hình: Anh Kiệt)
Chồng háu ăn, vợ giỏi nấu
Mới đầu chỉ là các loại rau cải ngắn ngày nhưng rồi đi siêu thị mua mấy tép sả tốn tới $5, bà Trùm nổi máu trồng thêm sả và thêm nhiều loại hoa màu khác nào là dưa leo, đậu bắp, hành lá, mướp, bí đỏ, cà chua…
Không chỉ cây lá thông dụng mà rẫy bà Trùm có cả ngải bún, lá cẩm, những hương liệu đặc sản của miền Tây.
Đã là Trùm nên mọi thứ đều tận thu, tận dụng. Rác hữu cơ trong nhà mình, nhà con gái, cả nhà bà sui được huy động đưa vô các thùng hàng cứu trợ ủ thành phân. Vỏ nhựa các chai nước khoáng được chế biến thành chậu trồng rau muống. Ngay rau muống cũng không mua hạt mà găm từ gốc rau mua siêu thị.
Với vườn rau, bà Trùm mát tay, chỉ sau vài tháng là đã thu hoạch lác đác. Hoa quả tốt bất ngờ. Hành lá cao hơn một thước y như câu hát đồng dao trong chuyện cổ tích “Dọc bằng đòn gánh, củ bằng bình vôi, ai mua hành tôi thì thương tôi với.” Dưa leo ba trái 1.6 kg. Trái mướp dài thườn thượt gần bằng đầu người. Bí rợ trái vừa phải, một dây có đến ba, bốn trái chứ không độc chiếc một dây một trái như bên nhà…Ác thêm cái nữa, sống trên đất Mỹ càng lâu cái miệng và cái bụng Lão Nông càng thèm món Việt mà món Việt đặc sệt Cà Mau như bún nước lèo, canh chua bạc hà cơm mẻ, vịt nấu chao mới chết. Cha mẹ ơi! Siêu thị nào có bán cơm mẻ? Mùa Đông California lạnh thấu trời làm sao có thể gây giống loại vi sinh hiếm khí nhiệt đới này? Chao công nghiệp ở Mỹ có bán đầy trong các tiệm Tàu nhưng làm sao có cái hương chao dậy đặc trưng của người Việt? Cái nết đảm đang của cô gái Cà Mau không thua cuộc. Bàn tay phù thủy của bà Trùm đã làm ra được hết, từ giá đậu xanh, đậu hủ nhà làm, đến cả chao và cơm mẻ.
Các loại rau quả Việt trồng trên đất Mỹ chuẩn bị cho món lẩu mắm. (Hình: Anh Kiệt)
Món Việt đặc sản Cà Mau
Bà Trùm có thể làm đủ các món Việt độc chiêu từ nguyên liệu chính cây nhà lá vườn, chỉ phải mua thêm vài thứ, nên món ngon của bà Trùm giá rẻ khó tin, nghe như nói giả ngộ.
Một tô bún riêu nấu với giò heo, chả cua, có đủ rau xanh chỉ tốn $1. Tô canh chua cơm mẻ bạc hà có đủ loại rau thơm chỉ phải mua thêm cá. Tương tự nồi canh tập tàng sáu thứ rau toàn là thảo dược nấu với tôm khô từ bên nhà mang sang chẳng phải tốn đồng nào. Đặc biệt nhất là món chả mắm lóc trộn đu đủ riềng sả, Lão Nông mới nếm một miếng đã thèm rượu đế.
Không chỉ như vậy, bàn tay khéo léo và cái nết chiều chồng của bà Trùm đã mang tới cho căn nhà cách ly ở Cali cả bầu trời quê hương đặc sệt hương vị sắc màu Cà Mau. Bánh tầm se tay ba màu xanh dứa, tím lá cẩm và trắng của bột y ăn với bì chả. Bún nước lèo có đủ mùi ngải bún, sả cây nhà trồng thơm nức mũi. Bánh cống giòn nóng hổi vừa thổi vừa ăn kèm với rau tươi, khẩu vị ăn đứt bánh cống của mấy chú Tiều ở Bạc Liêu. Giò heo giả cầy thơm lừng mùi sả nhà trồng vừa giòn vừa béo cắn một miếng phải cắn thêm miếng thứ hai, phải húp đến đáy tô cạn sạch.
Không chỉ món truyền thống, với nguồn rau quả phong phú vườn nhà trở nên dư dật, hai vợ chồng ăn không hết, cho không được, bán không xong. Nhất định không để hư thối, vứt đi (Trùm là vậy đó, chứ có khách điệu nghệ của chồng tới, Trùm đãi ăn “ngập mặt,” ăn “sập nhà” cũng không tiếc), nàng Thúy Dư phát minh làm ra những món mới độc chiêu chưa có tên trong giáo trình ẩm thực thế giới. Cà chua tẩm bột lăn với phô mai, pizza cà chua đậu hủ, dưa đậu bắp xào thịt ba rọi, bánh bí (rợ) Nhật, bánh đậu bắp tàu hủ, bánh canh chua dưa đậu que nấu với đầu cá hồi… những món lạ vừa đẹp vừa ngon miệng càng làm Lão Nông chết thèm rượu đế.
Nồi mắm kho với rau quả trong nhà. (Hình: Anh Kiệt)
Hãng phim chỉ có hai người
Thần khẩu hại xác phàm. Dù phải “lao động” xới đất, xịt nước tưới cây hoặc xay ớt, xay tiêu để ra vẻ người đàn ông tháo vát trong mắt vợ nhưng do thức ăn quá ngon, quá hợp khẩu vị Cà Mau nên Lão Nông đã lên cân. May nhờ kỳ cạch tập Dịch Cân Kinh mỗi ngày khoảng 3,000 cái vẫy tay mất ngót hai tiếng đồng hồ nên lão vẫn “giữ dáng.”
Hóa ra cách ly chống dịch lại hay, đó là cơ hội tẩm bổ bằng thức ăn sạch và rèn luyện sức khỏe. Gương mặt tóp rọp, làn da bèo nhèo của năm trước đây do đi lại nhiều để làm cầu, nay đã căng mọng!
Nhưng đáng mừng là bà Trùm bừng bừng khí thế trồng cây nấu nướng thì Lão Nông cũng hừng hực khí thế quay phim. Lúc đầu chỉ là định quay clip đưa lên Facebook để “khè” bạn bè, khoe có vợ vừa đẹp vừa khéo tay sáng trí. Clip đầu tiên là chuyện ủ giá đậu xanh trong mùa Đông Cali. Tiếp đó là chủ đề liếp hành huyền thoại, thu hoạch vườn rau đợt đầu… Nhưng nhớ tới quê hương vẫn còn cần những cây cầu nên Lão Nông chuyển hướng làm clip đưa lên YouTube thu tiền quảng cáo của Google.
Không cầu kỳ phương tiện, chỉ quay hình thu tiếng bằng chiếc smartphone, dựng phim bằng cái laptop cùi bắp mang từ Việt Nam sang (sau này con rể thương tình biếu tặng cho cái xịn), “công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên” Lão Nông Xẻo Lá ra đời, sòn sọt như gà mái tơ đều đều mỗi tuần cho ra một clip trong ngày Thứ Bảy.
Hai vợ chồng thưởng thức món ăn cây nhà lá vườn. (Hình: Anh Kiệt)
Sau hai tháng đã có doanh thu
Không có kỹ xảo diêm dúa, không gian, bối cảnh phim chỉ là khu vườn và căn bếp của gia đình. Nội dung phim cũng đơn giản, chân thực là câu chuyện trồng trọt và nấu ăn của họ. Đường dây câu chuyện cũng tự nhiên chân thực theo nhịp sống lớn lên của các loại hoa quả rau màu và tiếng lòng theo nghĩa đen thèm ăn của Lão Nông. Y như rằng gã nhắc món gì là bà Trùm chế tác ngay món ấy.
Serie phim tiếp nối nhau mềm mại tự nhiên như câu chuyện dài của nàng Sheherazade trong “Ngàn Lẻ Một Đêm.” Sức sống của loạt phim này chính là tài biến hóa tinh tế, sáng tạo của bà Trùm. Những món ăn được giới thiệu tỉ mỉ, sinh động và giản dị để ai cũng có thể làm theo.
Cái tinh tế đặc biệt ở đây là không chỉ khéo, đẹp, ngon mà bà Trùm còn hào phóng chỉ ra những bí quyết độc chiêu, đến ngay cả những người từng trải về ẩm thực cũng phải bái phục như bí quyết che sáng và tạo ấm khi làm cơm mẻ ở xứ lạnh, thủ thuật trộn khoai tây vào bột nếp để làm bánh ít trần… Quả tình những ai từng bị tai nạn bánh ít bị chảy (trong nghề gọi là bò) khi đem lên hấp nhìn thấy những chiếc bánh tròn đều mịn màng của bà Trùm là phải chắp tay bái phục.
Chính nhờ sức sống ấy nên phim “Nhật ký Covid Mỹ” lan tỏa khá nhanh. Đến kỳ thứ 23 với nội dung “Bánh Dưa Leo,” lượng người “subscribers” và người xem đã đạt chuẩn, Google đã bật quảng cáo, phim bắt đầu có doanh thu, tuy chưa lớn nhưng là niềm khích lệ cho hai vợ chồng và đó cũng là những trụ nhịp vững chắc cho các cây cầu mới nối liền những bến bờ nặng nhọc của người dân Nam Bộ.
COVID-19 vẫn đang hoành hành. Thời gian quay về Việt Nam của đôi vợ chồng vẫn còn bất định. Đoàn làm phim “Hành Trình Cây Lúa” và nhóm quản lý Xẻo Lá vẫn nôn nóng chờ, nhưng vợ chồng Lão Nông vẫn đang túc tắc vui trăng mật trên đất Mỹ và vẫn sòn sòn mỗi tuần khai sinh mỗi đứa con. Với họ, COVID-19 không phải thách thức mà chính là cơ hội. [qd]
*Bài đăng trên Giai Phẩm Người Việt Xuân Tân Sửu 2021
(báo Người Việt)
No comments:
Post a Comment