phở có mặt trên toàn thế giới nhỉ??
Ở Hàng Châu không có nhiều nhà hàng Việt như Thượng Hải hay Bắc Kinh, vì thế nhà hàng 'Phở Việt Sài Gòn' tạo nên điểm nhấn riêng.
Chúng tôi đến tìm hiểu câu chuyện của ông Đới Vỹ Cường (Dai Weiqiang), người sau 13 năm làm quản lý cho khách sạn nổi tiếng Shangri-La ở Hàng Châu, đã mở ra chuỗi 'Phở Việt Sài Gòn'.
Yêu thích phở Việt cũng là một phần của hành trình đầy thú vị cho Đới Vỹ Cường tìm hiểu ẩm thực và văn hóa Việt Nam.
Đầu tiên, ông Đới cho biết cảm nhận của ông về sự khác biệt giữa phở và các loại mì nước của Trung cộng:
Giới trẻ Trung cộng nay thích các món ăn nhẹ, ít dầu mỡ nên phở VN trở thành mốt.
"Phở Việt Nam có sự khác biệt rất lớn so với mì Trung cộng. Thứ nhất là về công nghệ chế biến, phở Việt được làm từ bột gạo, còn mì phía Bắc hoặc mì ở các vùng Giang Nam của Trung cộng được làm từ lúa mạch.
Thứ hai, mùi vị phở Việt thanh đạm, ít dầu mỡ và có rất nhiều loại rau ăn kèm, còn mì phía Bắc, mì ở vùng Chiết Giang hoặc ở tỉnh Sơn Tây thì dầu mỡ hơn chút."
Một trào lưu, lối sống mới đang xuất hiện ở Trung cộng tạo đà cho doanh nghiệp của ông như chính lời Đới Vỹ Cường giải thích:
"Người Trung cộng cũng khá thích các món thanh đạm, đặc biệt bây giờ người dân khá chú trọng đến vấn đề sức khỏe, các bạn trẻ thì thích giữ dáng, ăn uống nhiều rau xanh, món nhẹ, thế nên phở Việt rất phù hợp với nhu cầu của giới trẻ Trung cộng thời này.
Tôi tin rằng Phở Việt chắc chắn sẽ có tiềm năng lớn trong tương lai."
Làm quen với phở còn là trải nghiệm từ các chuyến du hành.
Theo ông Đới, ông biết về ẩm thực Việt Nam khi ra nước ngoài đi du lịch, và khách hàng của ông cũng là những người Trung cộng đã từng xuất ngoại, cởi mở hơn về văn hóa.
Không ít người đã nếm món phở khi đi du lịch sang Việt Nam hoặc các nước khác.
Cả đời không quên món Phở
Ông Đới Vỹ Cường bỏ nhiều thời gian nghiên cứu về cách nấu phở.
Câu nói này cứ luôn hiện lên trong suy nghĩ của ông sau khi ông xem một video của một nhà ẩm thực Hong Kong gốc Triều Châu nổi tiếng họ Sái. Đây chính là động lực để ông bắt đầu tìm hiểu về món phở Việt.
Hai cuốn sách "Gia vị" và "Khải nguyên đường" chuyên về ẩm thực Việt Nam được ông Đới tìm hiểu kỹ từng chi tiết và coi như là cuốn chỉ nam cho những ngày đầu trước khi bắt tay vào xây dựng nhà hàng.
Cái tên Saigon Funyo, theo cách hiểu của ông chính là Phở Việt Sài Gòn; do trong tiếng Trung không có âm nào phát âm như chữ Phở của Việt Nam nên ông tạm đặt theo cách riêng của mình "Funyo".
Ông thích Sài Gòn vì thành phố này có nét giống với Thượng Hải: sầm uất, đông đúc và phát triển.
Cùng với một người bạn, ông Đới Vỹ Cường đã chọn Vô Tích (Wuxi) quê hương của mình để khai trương nhà hàng "Phở Việt Sài Gòn" đầu tiên.
Nội thất một quán phở của Đới Vỹ Cường
Ông nhớ lại những ngày đầu mày mò, tự tìm hiểu làm thế nào để có thể bán món ăn Việt Nam:
"Tôi đã gọi đến lãnh sự quán Việt Nam ở Nam Ninh và Thượng Hải để nhờ giúp đỡ và rồi tôi rất may mắn được gặp rất nhiều người ở các thành phố Hà Nội, HCM để tìm hiểu kỹ hơn về món phở."
Những lần du lịch qua Mỹ thấy món phở Việt Nam rất được yêu thích và bản thân ông bị quyến rũ bởi cái vị thanh đạm, tinh tế của phở.
'Tình yêu' phở lớn từng ngày nên ông quyết định mở nhà hàng phở mà ông tin là thực khách Trung cộng cũng sẽ yêu thích.
Để giữ được hương vị phở đúng kiểu Việt Nam, ông thuê hẳn bếp trưởng người Hong Kong gốc Việt để đứng bếp và hướng dẫn có các đầu bếp khác về vị phở, cách hầm xương, cách chọn sợi phở.
Quán cũng cho đầu bếp Trung cộng sang Việt Nam tập huấn dài ngày để trao đổi thêm kinh nghiệm.
Chúng tôi thấy sự cẩn trọng và tỉ mỉ được thể hiện rõ trong việc lựa chọn nguyên liệu.
Theo ông Đới thì:
"Nếu không đúng mùa chúng tôi sẽ nhập trực tiếp gia vị cho phở từ Việt Nam, nếu đúng mùa chúng tôi sẽ lấy trực tiếp từ Quảng Tây. Ví dụ: chanh tươi lúc cần chuyển từ Việt Nam sang, có mùa phải mua từ Quảng Tây, hay xả, rau bạc hà có thể chuyển từ Vân Nam lên.
Ngoài chuyện chăm chút về nguyên liệu, ông Đới còn đầu tư hơn về không gian trang trí và cho nhân viên mặc áo dài đội nón lá truyền thống Việt Nam.
Những bức ảnh làng quê Việt Nam tạo không gian nội thất chính của nhà hàng.
Quán của ông Đới đầu tư vào trang trí và cho nhân viên mặc áo dài đội nón lá truyền thống Việt Nam
"Tôi cùng với sáu nhà thiết kế gồm thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất, nhiếp ảnh gia đến tận Hà Nội để tiến hành khảo sát, vào các thôn trang làng quê nghiên cứu xem người ta nấu món phở khác thế nào so với món bún được nấu bên Quảng Tây, Vân Nam.
Bởi vì chúng tôi làm trong lĩnh vực thiết kế do đó tôi cùng đoàn thiết kế dành hẳn 10 ngày để khảo sát, sau đó tiến hành tổng hợp và điều chỉnh để có bản thiết kế hoàn hảo nhất."
Được biết quán của ông Đới Vỹ Cường còn giới thiệu văn hóa Việt Nam với khách hàng qua phiếu giảm giá đã được cách điệu hoá những tấm bưu thiệp về các địa danh nổi tiếng của Việt Nam.
Chuỗi nhà hàng 'Phở Việt Sài Gòn' hiện đã có chín chi nhánh ở một số thành phố lớn của Trung cộng, với doanh thu trên 3 triệu USD một năm.
Các quán này phục vụ nhiều loại phở từ các vùng miền như Hà Nội, Đà Nẵng rồi cà phê sữa đá, bún thịt nướng.
Đặc biệt quá có món Phở xe lửa (nguyên văn Phở nhà ga), cái tên ông Đới rất mê để liên tưởng đến cảnh người Việt ăn nhanh một tô phở rồi chạy lên tàu.
Ông cũng có ý định sẽ làm thêm những món ăn vặt kiểu Việt Nam trong thời gian tới.
Kim Bùi _ Michiel Nonnekes
No comments:
Post a Comment