Saturday, March 12, 2016

Quán Thế Âm Bồ Tát


Quán Thế Âm Bồ Tát là danh hiệu của một vị Phật đáng lẽ đã chứng quả Phật, nhưng còn nguyện lẫn lộn ở cõi ta bà để cứu độ chúng sinh. Người ta cũng gọi Ngài là Quan Âm Phật, Quan Âm Như Lai, Quan Thế Âm, Quan Âm Nam Hải, Phổ Đà Phật Tổ, v.v…
Quyển kinh nói về Ngài, mà hiện nay phái Bắc Tôn (Trung Hoa, Cao Ly, Nhựt Bổn, Việt Nam) còn truyền tụng là quyển “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Quan Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm”. Theo lời kinh Phổ Môn bất cứ là hạng nào trong chúng sanh, bất cứ là ở vào tình cảnh nào, lúc nào, hễ cầu đến Ngài, niệm danh hiệu Ngài thì đặng cứu ngay. Ngài dùng huyền diệu cứu vớt chúng sanh không biết muôn ức nào mà kể. Nếu cầu Ngài với danh hiệu thuộc về một phân thân nào của Ngài thì Ngài xuất hiện y theo phân thân ấy để cứu độ. Kinh Phổ môn có biên rành 12 điều đại nguyện của Ngài.
Quán Thế Âm Bồ tát
Theo kinh truyện để lại, Ngài phân thân giáng trần 33 kiếp, khi thì mượn xác nam nhi, khi thì làm thiếu nữ, khi thì ở vào cảnh quyền quý cao sang, khi thì vào hàng bần cùng cơ khổ, khi thì sanh làm đạo sĩ, khi thì làm tỳ khưu, v.v…
Quan Thế Âm tiếng Phạn là “Avalokiteshvara” dịch sang tiếng Hán là Quan Thế Âm hay Quán Tự Tại …Danh hiệu Quan Thế Âm, nghĩa là quan sát tiếng kêu than của chúng sanh trong thế gian để độ cho họ thoát khổ. Theo Kinh Bi Hoa thì ở vào đời quá khứ có đức Phật ra đời hiệu là Bảo Tạng Như Lai. thời đó có vua Chuyển Luân Thánh Vương là Vô Chánh Niệm. Vua có quan đại thần là Bảo Hải, phụ thân của đức Bảo Tạng khi chưa xuất gia đối trước Đức Phật Bảo Tạng phát ra 48 đại nguyện.
Vua Chuyển Luân có nhiều con. Con cả là Thái Tử Bất Tuấn cũng do ngài Bảo Hải khuyến tiến. Thái Tử cũng đi xuất gia theo cha và đối trước Đức Bảo Tạng Như Lai phát ra bảo nguyện đại bi thương xót, cứu độ tất cả các loài chúng sanh bị khổ não. vì vậy Đức Bảo Tạng thọ ký cho Thái Tử thành Bồ Tát hiệu là Quan Thế Âm, còn Bảo Hải là tiền thân của Đức Thích Ca Mầu Ni.  Đức Bảo Tạng thọ ký cho Thái Tử rằng: “Vì lòng đại bi Ông muốn quán niệm cho tất cả chúng sanh được cùng về cõi an lạc (cực lạc). Vậy từ nay đặt tên cho Ông là Quán Thế Âm….
Bồ Tát Quán Thế Âm là hiện thân của Từ Bi, Ngài phát đại nguyện thực hiện từ bi cùng tận trong đời vị lai, nếu chúng sinh còn đau khổ. Vì chỉ có từ bi mới giải trừ đau khổ, cũng như chỉ có trí tuệ mới diệt được ngu si.
Do đó, Bồ Tát Quan Thế Âm thiết lập tâm đại từ, đại bi mà thực hiện đại thệ nguyện độ sanh của Ngài. TỪ là đem niềm vui đến cho kẻ khác. Chữ Từ như người ta thường nói: Từ thiện, từ ái, từ mẫu, từ tâm. Từ tâm đối với ác tâm, sân tâm, ích kỷ tâm….BI là phương châm, là cách thức hành động để cứu khổ.Từ là lòng yêu thương, Bi là ra tay giải quyết và dấn thân nỗ lực làm việc để cứu giúp thực tế. Tóm lại Từ Bi: Thương yêu chúng sinh, mang lại cho họ niềm an lạc vui sướng gọi là Từ (maritrya, maitri). Đồng cảm nỗi khổ và thương xót chúng sinh, trừ bỏ nỗi khổ cho họ gọi là Bi.
Quán Thế Âm xưa kia Ngài đã thành Phật hiệu là “Chánh Pháp Minh Như Lai”. Ngài thị hiện làm Bồ Tát vì muốn đảm đương công tác cứu khổ ban vui cho chúng sanh. Đức Bồ Tát quán thấy Phật và chúng sanh đồng chung một bản thể, đồng chung một giác tánh duy nhất, nhưng Phật đã giác ngộ mà chúng sanh thì còn mê.
Do đó, Đức Quan Thế Âm tức là một vị Phật tương lai sẽ bổ vào ngôi của Đức Phật A Di Đà, thì ngài cùng với ngài Đại Thế Chí (kiếp xưa là em ngài, con thứ vua Chuyển Luân cũng cùng Ngài đồng thời được Đức Bảo Tạng thụ ký) giúp việc giáo hóa độ sanh cho Đức Phật A Di Đà và 2 Ngài cũng ứng thân xuống sa bà trợ giáo cho Đức Thích Ca Mâu Ni.
Theo Kinh Thủ Lăng Nghiêm có chép lời Ngài bạch với Đức Thế Tôn rằng:
“Con nhớ cách đây vô số hằng hà sa kiếp về trước có Đức Phật ra đời hiệu là Quan Thế Âm, từ Đức Phật kia dạy con, do nghe, nghĩ và tu mà vào Tam Ma Đề” Do đó nên biết: Ngài đã phát tâm Bồ Đề từ đời Đức Phật Quan Thế Âm trong vô số hằng hà sa kiếp về trước do nghe Phật truyền pháp, Ngài đã nhận định pháp tu viên thông về nhĩ căn là hơn tất cả, do ngài khó chứng viên thông ở nhĩ căn nên được Đức Phật thụ ký cho ngài danh hiệu Quán Thế Âm, một danh hiệu mà chúng sanh ở mười phương cung kính chấp trì, nhất là trong những lúc nguy hiểm, đau khổ.
Ngoài ra, Kinh Quán Âm Tam Muội nói: “Xưa kia Ngài Quán Thế Âm đã thành Phật hiệu là “Chính Pháp Minh Như Lai”. Tiền thân Đức Thích Ca hồi ấy đã từng ở dưới pháp toà, sung vào trong số đệ tử khổ hạnh để gần gũi”. Ngày nay Đức Thích Ca thành Phật, thời Ngài trở lại làm đệ tử để gần gũi lại:” Một Đức Phật ra đời thì hàng ngàn Đức Phật phù trì”.
Trong Kinh Đại Bi Tâm Đà Na Ni thì chép lời Ngài bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn ! con nhớ vô lượng ức kiếp trước có Đức Phật ra đời hiệu là Thiên Quan Vương tĩnh trụ Như Lai” Đức Phật ấy vì thương đến con và tất cả chúng sanh nên nói ra môn Đại Bi Tâm Đà La Ni. Ngài lại dùng cánh tay sắc vàng xoa đầu con mà bảo: “Thiện Nam Tử ! Ông nên trụ trì tâm chú này và vì khắp tất cả chúng sanh trong cõi trước ở đời vị lai mà làm cho họ được sự lợi ích yên vui lớn.” Lúc đó con mới ở ngôi Sơ Địa, vừa nghe xong thần chú này liền vượt lên chứng đại Bát Địa”.
Mật tông thì theo trong Kinh Đại Bản Như Ý nói có 8 vị đại Quan Âm là:
1. Viên Mãn Ý, Nguyệt Minh Vương Bồ Tát.
2. Bạch Y Tự Tại.
3. Cát La Sát Nữ.
4. Tứ Diện Quán Âm.
5. Mã Đầu Minh Vương.
6. Tỳ Cầu Chi.
7. Đại Thế Chí.
8. Đà La Quan Âm (Quán Âm Chuẩn Đề).
Quán Thế Âm Bồ tát 2
Ngài có đức uy thần công đức và lòng từ bi rất lớn. Ngài vốn không phải là nữ tướng, nhưng vì ngài thường cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh (mà phụ nữ thường nhiều khổ nạn hơn so với nam giới) cho nên giới phụ nữ đặc biệt tín ngưỡng về Ngài. Nên chúng sanh mới tưởng tượng ra Ngài là nữ tướng để tiện hoá độ cho phụ nữ. Theo Kinh A-Di-Đà nói: Người sanh về cõi cực lạc tuy chưa chứng quả Thánh, vẫn không có tướng nam, tướng nữ.
Đức Quán-Thế-Âm Bồ-Tát là vị đại Bồ-Tát không chỉ được mọi người ở thế giới Ta-Bà chúng ta ca ngợi và trì niệm danh xưng của Ngài mà cả ở mười phương cõi khác cũng được các chư vị Phật và Bồ-Tát đồng khen ngợi và nhân dân cõi đó đều một lòng thành kính trì niệm danh hiệu của Ngài, nhưng chỉ có điều, ở các thế giới khác, Ngài lại mang danh xưng khác mà thôi.
Ở Ấn-độ, Việt nam và ở Trung Hoa cũng như khắp mọi nơi trên thế-giới, đâu đâu người ta cũng xây chùa đặt tượng của Ngài để thờ và chiêm ngưỡng. Hình ảnh của Ngài bao trùm lên tất cả tâm trí của biết bao người vì Ngài luôn luôn gần gũi họ, an ủi, gia trì, bảo vệ họ mỗi khi người ta trì niệm danh hiệu của Ngài.  Ngài đến với mọi người, không phân biệt giầu hay kẻ nghèo, già hay trẻ, tất cả đều một lòng bình đẳng như nhau, không hai, không khác. Cho nên từ bậc vua chúa đến hàng thứ dân, ai ai cũng sùng kính, trì niệm danh hiệu Ngài và đặc biệt có nhiều người biết niệm danh Ngài trước khi biết đến các vị Phật và bồ-Tát khác. Tại sao lại có hiện tượng này? Đó là vì trong tâm của mỗi người chúng ta đều có Quan-Âm tự tánh, chỉ có điều vì chúng ta bị vô minh nhiều đời nhiều kiếp che mờ, bị phiền não quấy phá nên chẳng thể hiện bầy ra, khi được ai nhắc đến danh hiệu Ngài thì giống như mầm giống xưa nay gặp mưa, ánh sáng, nhiệt độ là tự khắc nẩy mầm, sinh sôi ngay.
Bồ Tát Quan Thế Âm hiện thân của Đức Từ Bi, muốn nói lên tình Mẹ thương con, Mẹ đối với con là tình thương chân thành, tha thiết nhất không có tình thương nào sánh bằng. Cho nên, Đức Quan Thế Âm hiện thân là một người mẹ hiền của nhân loại, hay của tất cả chúng sinh.
Căn cứ theo hình tướng đã thể hiện và đức tính Quan Thế Âm đã cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh, nhân loại được thoát khổ đau ở sa bà này to lớn biết chừng nào!
ST

No comments:

Post a Comment