Vì sao có người cả đời thờ Thần cúng Phật nhưng lại không được Thần Phật độ trì? Đó là bởi họ đã quên mất một niệm này…
Truyền thuyết kể rằng, vào thời xa xưa trong một thị trấn nhỏ tại huyện Ngạc Thành tỉnh Hồ Bắc, có một thiếu phụ nghèo mắc bệnh phong đã lâu, vậy mà mỗi ngày vẫn phải bò dưới chân cầu để xin người qua đường bố thí.
Ngày kia, có vị đạo sĩ thấy cảnh đau lòng đã bước đến ân cần thăm hỏi. Người thiếu phụ trả lời: “Chồng tôi không may mất sớm, trong nhà lại có mẹ già 80 tuổi, vậy nên mỗi ngày tôi phải xin bố thí mang về phụng dưỡng mẹ chồng”.
Vị đạo sĩ thấy thương cảm liền đưa cây phất trần ra và nói với người thiếu phụ: “Cô thử nắm lấy cây phất trần này rồi đứng dậy xem sao?”. Thiếu phụ nắm cây phất trần, liền đứng dậy được. Đạo nhân lại nói: “Được rồi, giờ thì cô hãy đi theo tôi”.
Thiếu phụ từ từ nhấc chân bước theo đạo sĩ, quả nhiên đi lại được bình thường, bệnh phong đã hoàn toàn biến mất, người thiếu phụ cũng trở lại khoẻ mạnh như thường. Cô vô cùng cảm kích, vội vàng cúi đầu lạy tạ vị đạo nhân và hỏi: “Xin hỏi tiên nhân ở đâu, tiểu nữ sẽ cùng mẹ chồng tới cảm tạ đại ân đại đức của ngài”. Vị đạo nhân trả lời thiếu phụ rồi nói lời cáo biệt và rời đi.
Sáng sớm hôm sau, hai mẹ con tìm đến địa chỉ mà đạo nhân đã chỉ dẫn. Nhưng tới nơi không thấy bóng người mà chỉ thấy trên tường treo một bức tranh vẽ tiên nhân, trong tranh đề ba chữ: “Lã Động Tân”. Thì ra người đạo sĩ ấy chính là Lã Động Tân, một thần tiên trong truyền thuyết của người Trung Hoa.
Lại có câu chuyện khác kể rằng, trước đây có một lão phú gia vô cùng sùng bái Lã Động Tân, sớm tối đều dâng hương khấn nguyện, cử chỉ cũng vô cùng thành kính.
Một ngày, có vị đạo sĩ rách rưới mang chiếc áo cũ đến nhà phú gia để đổi tiền mua thức ăn. Lão phú gia cầm áo lên, sờ vào thấy bên trong có cây trâm vàng lấp lánh. Ông ta mừng thầm trong bụng, cho rằng gã đạo sĩ khờ khạo kia không biết trong tay đang có bảo vật vô giá, bèn mang ra vài đồng bạc lẻ rồi tiễn đạo sĩ ra về.
Chờ tới khi bóng đạo sĩ đã khuất khỏi tầm mắt, lão phú gia mới cầm cây trâm vàng lên ngắm nghía. Bỗng từ trên không trung bay xuống một mẩu giấy, trong đó ghi: “Kim nhật ức, minh nhật ức, ức đắc ngã lai bất tương thức, thoa tử lưu đắc tác hương tiền, tòng kim dữ nhĩ bất giao dịch”. Đại ý là: nhà ông trên bề mặt thì luôn tôn kính ta, ngày ngày vái lạy khấn cầu mong ta tới. Hôm nay ta biến hóa mà tới, ông không những không nhận ra mà còn lừa gạt ta. Cây trâm vàng này coi như ta trả lại ông tiền nhang khói hoa quả ông đã cúng dường, từ nay về sau đừng mong ta bảo hộ nữa. Vị phú gia biết rằng lòng tham đã làm mờ mắt, khiến ông vĩnh viễn đánh mất cơ duyên với tiên nhân, trong tâm hối hận nhưng đã muộn rồi.
***
Người đời vẫn thường hay cầu Thần cúng Phật, cho rằng đèn nhang sớm tối, lễ vật thịnh soạn là cách để thể hiện lòng thành. Nhưng Thần Phật chỉ nhìn nhân tâm chứ không màng đến cỗ đầy mâm cao hay điện thờ rực rỡ. Thờ thần kính Phật không phải là để được Thần Phật phù hộ, để thêm chút tiền tài vật chất hay sống một đời phú quý vinh hoa. Mà kỳ thực, người xưa bái Phật bằng cái tâm thuần tịnh, hoàn toàn tín Phật, tin vào nhân quả thiện báo mà ước thúc tâm mình, sống trong sạch thiện lương. Thần Phật độ trì cũng là để những ai tích đức hành thiện không bị mê đắm vào tiền tài vật chất nơi thế gian con người.
Người thiếu phụ nghèo khổ và bệnh tật kia một lòng hiếu thảo phụng dưỡng mẹ chồng, là người dâu thảo vợ hiền, sống tốt đời đẹp đạo. Thế nên, mặc dù cô không hề có ý cúng lễ hay cầu khấn Thần Phật nhưng lại được Thần Phật bảo hộ, giúp đỡ. Còn vị phú gia kia mặc dù trên bề mặt vô cùng cung kính, ngày ngày đèn hương, hoa quả kính dâng, nhưng trong tâm chỉ có tiền tài vật chất, tham lợi nhỏ nhen, kết quả cả đời cúng bái cũng thành công dã tràng.
Người chân chính thờ Thần kính Phật là người biết ước thúc tâm mình, sống theo Đạo mà cũng hành theo Đạo. Phật gia vẫn thường giảng: “Phật tại tâm trung”, vậy nên, kính Phật hãy kính từ trong tâm…
Minh Vũ
No comments:
Post a Comment