Dù khám phá không gian không còn lạ lẫm với nền khoa học hiện đại, nhưng trong số muôn vàn nhà du hành từng mong muốn đặt chân đến Mặt trăng, mới chỉ có một người từng được “ở lại” đây mãi mãi.
Đó là nhà khoa học Eugene Shoemaker – nhà thiên văn và địa chất học nổi tiếng. Ông được xem là một trong những huyền thoại về lĩnh vực của mình. Eugene nghiên cứu khoa học về các tác động của vũ trụ và đưa ra ý tưởng về phương pháp và kĩ thuật mà sau này các phi hành gia Apollo sử dụng để nghiên cứu Mặt trăng.
Dù những người yêu thích thiên văn thông thường cũng có thể nhận ra tên của Shoemaker từ sao chổi nổi tiếng Shoemaker-Levy (đã vỡ thành nhiều mảnh) từng va chạm với sao Mộc năm 1994. Shoemaker cùng vợ là Carolyn và David Levy phát hiện ra sao chổi này và đó là lần đầu tiên con người có thể chứng kiến một vụ va chạm của hành tinh.
Kết hợp các nguyên tắc địa chất và ứng dụng thiên văn học, Shoemaker đóng góp tạo ra lĩnh vực khoa học hành tinh sau này. Ông mất tháng 7/1997 trong một vụ tai nạn ô tô khi đang tìm hiểu hố sao băng ở Australia.
Bản thân Shoemaker muốn trở thành một phi hành gia, nhưng mong muốn của ông không thể trở thành hiện thực bởi một vấn đề về sức khỏe. Đó là điều thất vọng lớn nhất trong cả cuộc đời ông.
Video: Mỹ đưa khách sạn đầu tiên lên Mặt trăng để phát triển du lịch
Dù vậy, Shoemaker vẫn luôn muốn một ngày nào đó có thể lên thăm Mặt trăng. Đáp lại nguyện vọng này, khi ông mất, NASA đã gửi tro cốt của ông lên Mặt trăng cùng với thiết bị tìm kiếm Lunar Prospector năm 1998.
Theo trang web tưởng nhớ được Porco – một đồng nghiệp thân thiết của Shoemaker thiết lập, tro của nhà khoa học được đựng trong một vật hình viên nhộng làm bằng polycarbon, bao quanh bởi một mảnh đồng thau có khắc lazer tên của ông, ngày tháng, cùng những hình ảnh tiêu biểu trong sự nghiệp, bên cạnh đó còn có một câu từ tác phẩm Romeo và Juliet.
Nhiệm vụ hoàn thành ngày 31/7/1999, khi NASA phá hủy thiết bị trên bề mặt Mặt trăng cùng với phần còn lại của Eugene Shoemaker, khiến ông trở thành người đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm hiện tại được “chôn cất” bên ngoài Trái Đất.
No comments:
Post a Comment